(Pháp lý) – Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài trong thời gian qua đã đẩy doanh nghiệp (DN) lâm vào cảnh khó khăn chưa từng có. Vì vậy hơn lúc nào hết, các DN đang trông chờ các quyết sách hỗ trợ, giải cứu của Chính phủ để hồi sinh. Tuy nhiên việc triển khai những quyết sách đó lại đang gặp phải nhiều “rào cản” pháp lý, trong đó điển hình là một số quy định chính sách thuế thu nhập danh nghiệp (TNDN). Bài viết sau đây của PV Pháp lý sẽ chỉ ra sự bất cập đó và kiến nghị giải pháp khắc phục….
>> Kỳ 4: Luật Doanh nghiệp 2020 và một số qui định gây khó khăn cho nhà đầu tư
“Điểm nghẽn” quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp
Rút kinh nghiệm gói an sinh 62.000 tỷ, gói tín dụng 26.000 tỷ trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết 68/CP ban hành hồi tháng 7/2021, thủ tục hành chính giảm đến 2/3. Theo đó để giải quyết kịp thời, đúng đối tượng nhưng không bị trục lợi chính sách, tại Điều 38 Quyết định số 23/2021 của Chính phủ quy định điều kiện: DN phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết 31/3/2022; người lao động phải đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, DN không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng… Ngoài các điều kiện này, đối với người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, còn phải hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn. Đây là “điểm nghẽn” lớn nhất đến thời điểm này.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 44 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019, thời hạn nộp tờ khai quyết toán TNDN là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch (đối với thuế TNDN năm 2020 thì thời hạn nộp tờ khai quyết toán TNDN là ngày 31/3/2021). Trong khi đó thời hiệu chế tài bắt buộc phải quyết toán thuế của các tổ chức, doanh nghiệp tại Điều 4 Thông tư số 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính về xử phạt vi phạm hành chính thuế quy định: “Đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế thì thời hiệu xử phạt là 02 năm, kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện đến ngày ra quyết định xử phạt. Ngày thực hiện hành vi vi phạm hành chính về thủ tục thuế là ngày kế tiếp ngày kết thúc thời hạn phải thực hiện thủ tục về thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế. Đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì thời hiệu xử phạt là 05 năm, tính từ ngày thực hiện hành vi vi phạm đến ngày ra quyết định xử phạt. Ngày thực hiện hành vi vi phạm là ngày tiếp theo ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế mà người nộp thuế thực hiện hành vi vi phạm”.
Hiểu theo quy định trên, nếu như quá 2 năm DN không thực hiện quyết toán thuế thì bị xác định là có hành vi vi phạm về thủ tục thuế; quá 5 năm không thực hiện quyết toán thuế thì DN sẽ bị quy vào trường hợp có hành vi trốn thuế, sẽ phải chịu xử phạt nộp tiền thuế chậm nộp, tiền thuế trốn và tiền phạt chậm nộp vào ngân sách; đồng thời phải tự quyết toán thuế cho từng năm chưa thực hiện kê khai. Điều đó cũng có nghĩa nếu chưa quá thời gian 5 năm thì DN không bị chế tài. Trong bối cảnh đại dịch xảy ra từ năm 2020 đến nay khiến phẩn lớn DN lựa chọn giải pháp quyết toán thuế trong chu kỳ từ 2-5 năm, để giảm áp lực khó khăn về tài chính. Vì vậy có thể nói cùng với nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, áp lực hoàn thành việc quyết toán thuế TNDN là 2 trở ngại lớn nhất khiến DN khó chạm đến “nguồn vốn 68”.
Sau hơn 2 tháng triển khai gói 26.000 tỷ, với lãi suất 0%, nhiều DN vẫn loay hoay không tiếp cận được nguồn vốn. Trong báo cáo gửi Bộ LĐ-TB&XH mới đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nêu rõ, hiện Tổng công ty có 5.520 người đang phải dừng việc không lương, nhưng đơn vị không thể tiếp cận được chính sách hỗ trợ do vướng mắc về thủ tục hỗ trợ. Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 yêu cầu doanh nghiệp muốn tiếp cận vay vốn để tái tạo sản xuất thì phải không có nợ xấu, phải quyết toán thuế 2020.
Với nhiều doanh nghiệp hiện nay, đây là điều kiện không tưởng, bởi dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã 2 năm khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh không thể “ngóc đầu” lên được. Hầu như doanh nghiệp nào cũng nợ thuế, nợ BHXH. Tại Hà Nội đến nay đã hỗ trợ cho người lao động, DN với tổng kinh phí 291,91 tỷ đồng. Con số này khá thấp so với mục tiêu mà địa phương đặt ra. Lý giải việc triển khai chưa đạt yêu cầu, ông Nguyễn Hồng Dân - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội - cho biết, mặc dù Quyết định 23 đã quy định rất rõ 12 đối tượng được hỗ trợ nhưng quá trình triển khai gặp không ít khó khăn và vướng mắc về thủ tục.
Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho biết, cả nước đã có hơn 15 triệu người được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết 68 và Quyết định 23. Tuy nhiên đến nay chỉ mới chi hỗ trợ là 8.400 tỷ đồng, 1,2 triệu lao động tự do và 37.000 hộ sản xuất kinh doanh được nhận hỗ trợ.
Doanh nghiệp phải chịu thêm một khoản phí nộp chậm thuế tạm tính
Kể từ năm 2021, theo quy định tại điểm b, khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế, thì mức thu thuế tạm tính đã có sự thay đổi: “Tổng số thuế TNDN đã tạm nộp của 03 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu TNDN phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 03 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế TNDN quý 03 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước”
Đây là điểm thay đổi lớn so với quy định trước đó tại Nghị định số 91/2014/NĐ-CP và Thông tư số 151/2014/TT-BTC. Theo đó từ năm 2020 trở về trước, trường hợp tổng số thuế tạm nộp trong kỳ tính thuế thấp hơn số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán từ 20% trở lên thì doanh nghiệp phải nộp tiền chậm nộp. Tức là, doanh nghiệp tạm nộp thuế TNDN 4 quý của năm ở mức không thấp hơn 80% số thuế TNDN cả năm và thời hạn cuối để tạm nộp thuế TNDN của 4 quý là 30/1 năm sau. Với quy định mới, từ cuối tháng 10, DN phải tính thật sát lợi nhuận của cả năm để tính được số thuế TNDN cả năm, từ đó tạm nộp 75% số thuế TNDN cả năm muộn nhất vào ngày 30/10, nếu tạm nộp.
Theo đại diện Tổng cục Thuế, quy định mới sẽ khắc phục được tình trạng DN chiếm dụng thuế và dồn nộp vào các tháng cuối năm, giúp cân đối ngân sách nhà nước và đảm bảo sự công bằng trong việc thực thi pháp luật thuế giữa các DN tuân thủ tốt và các DN không tuân thủ. Quy định mới sẽ không làm khó đối với DN có phương án, kế hoạch SXKD hàng năm sẽ hoàn toàn chủ động trong việc xác định/ ước tính kết quả hoạt động SXKD trong năm để thực hiện tạm nộp thuế TNDN theo quy định. Các trường hợp DN có kết quả SXKD tăng bất thường trong quý 4 mà không dự kiến được trước không phải là trường hợp phổ biến…
Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, quy định này đã khiến hàng ngàn DN lo lắng. Bởi, đặc điểm của sản xuất kinh doanh của phần lớn DN vừa và nhỏ (chiếm trên 95% số lượng DN cả nước) là mang tính thời vụ, không ổn định, có thể giai đoạn này doanh thu cao nhưng giai đoạn sau lại ngưng trệ. Vì thế việc doanh thu của DN trong quý 4 của năm kinh doanh hoàn toàn có thể tăng vọt dẫn đến việc thuế tạm tính đã nộp cho 3 quý trước đó không đủ mức tối thiểu 75% quyết toán năm dự trù. Điều đó có nghĩa, với quy định mới tạo thêm áp lực cho DN sẽ phải chịu nộp thêm “tiền chậm nộp”. Hay nói cách khác, vô tình dẫn đến việc DN phải chịu thêm một khoản phí nộp chậm thuế tạm tính dù không xuất phát từ lý do chủ quan.
Luật sư Lưu Bá Khiết (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: Quy định của Nghị định 126 là quá máy móc, không khác nào ép DN tạm nộp trước khi chưa biết doanh thu. Theo đó, DN phải lựa chọn một trong hai cách, một là phải nộp tiền chậm nộp, hai là phải nộp dư để tránh nguy cơ bị phạt, chấp nhận bị chiếm dụng vốn. Ví dụ một DN dự kiến số thuế phải nộp năm 2021 là 100 tỷ, có nghĩa ngày 30/10 sẽ phải nộp 75 tỷ đồng. Nếu chỉ nộp 50 tỷ thì sẽ bị phạt phí chậm nộp 0,03%/25 tỷ đồng chậm nộp. Tuy nhiên nếu quý 4 (vì yếu tố khách quan nào đó kinh doanh doanh gặp khó khăn), DN này thua lỗ, doanh thu giảm, thì khoản 75 tỷ đồng nộp trước đó xem như bị “ngâm” dài hạn vì đã lỡ nộp. Vô lý là ở đó, nộp dư thì bị chiếm dụng vốn, nộp thiếu thì bị phạt ?”
Giám đốc một DN Vận tải lớn ở thị xã An Nhơn (Bình Định), quản lý điều hành gần 200 đầu xe xác nhận sự bất cập về quy định: “Kinh doanh không phải cứ dự định là mọi thứ diễn ra đúng như vậy. Thực tế cho thấy rất khó dự đoán kết quả kinh doanh trong 2 tháng cuối năm, nhất là hoạt động kinh doanh vận tải ở miền Trung mang tính mùa vụ vì phụ thuộc phần lớn vào mặt hàng nông sản. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, thì việc tính được số thuế TNDN năm chính xác ở thời điểm trước 30/10 là quá khó đối với DN. Mặt khác, cho dù tính thừa hay tính thiếu thì DN cũng đều bị thiệt…”
Kiến nghị
Theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng năm 2021 cả nước có gần 79,7 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 11,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, 28 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể. Chắc chắn những con số “buồn” sẽ không dừng lại sau tháng 7, khi mà dịch bệnh Covid-19 những tháng sau đó diễn biến còn phức tạp hơn...
Theo đó, nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ đạo như: chế biến nông, lâm, thủy sản; điện tử; dệt may; da giày… đang đối mặt với áp lực không giao hàng đúng thời hạn; nhiều khách hàng, đối tác đã dịch chuyển đơn hàng sang các nước có dịch bệnh được khống chế. Với thực trạng “đứt gãy” sản xuất hiện nay không chỉ ảnh hưởng tới kế hoạch xuất khẩu trong những tháng cuối năm mà còn ảnh hưởng tới kế hoạch trung và dài hạn, đặc biệt là mùa vụ năm 2022. Đề cập đến thực trạng DN, chúng tôi muốn nói đến những quyết sách hỗ trợ, giải cứu DN của Chính phủ đưa ra lúc này không khác gì những “chiếc phao cứu hộ” cần phải được triển khai kịp thời đến đối tượng. Điều đó có nghĩa những “rào cản” gây khó đối với người lao động và DN còn tồn tại từ các quy định không phù hợp cần phải được khai thông.
1. Từ phân tích trên, để Nghị quyết 68 của Chính phủ phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết, hỗ trợ những khó khăn trước mắt của người lao động, tạo đà cho DN phục hồi sản xuất khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, cùng với giải pháp cơ cấu lại nợ xấu, là khai thông “điểm nghẽn” quyết toán thuế TNDN. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đẩy DN vào thế vô cùng khó khăn, Luật sư Lưu Bá Khiết cho rằng các quy định của ngành Thuế cần phải linh hoạt, uyển chuyển phù hợp thực tế qua các thời kì thì mới giúp DN trụ được để nuôi dưỡng nguồn thu trong dài hạn. “Theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện nay, 100% DN đều thực hiện việc tự khai tự nộp thuế điện tử và chịu trách nhiệm với những thay đổi về thuế của đơn vị mình. Do đó, chỉ cần các DN có thông báo chấp nhận tờ khai thuế TNDN năm, có chữ ký số của cơ quan thuế và thông báo số thuế TNDN còn phải nộp là đủ điều kiện để cho các DN vay vốn theo quy định”, ông Khiết nêu quan điểm.
Nhìn nhận về những bất cập sau hơn 2 tháng triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23, Tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thừa nhận, một số quy định đang cản trở DN. “Điều kiện xác nhận về thuế đang là một trở ngại với nhiều địa phương và người sử dụng lao động. Do đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Chính phủ xem xét, sửa đổi theo hướng bãi bỏ toàn bộ điều kiện về hồ sơ xác định thuế để thúc đẩy nhanh việc hỗ trợ cho các đối tượng” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
2. Với quy định mới nộp thuế TNDN theo Nghị định 126, sẽ khắc phục được tình trạng DN chiếm dụng thuế và dồn nộp vào các tháng cuối năm, giúp cân đối ngân sách nhà nước, đảm bảo sự công bằng trong việc thực thi pháp luật thuế giữa các DN tuân thủ tốt và các DN không tuân thủ. Lý giải của đại diện Bộ Tài chính chỉ phù hợp trong dài hạn khi năng lực quản trị của DN được cải thiện, số lượng DN vừa và nhỏ không còn chiếm tỷ lệ cao (khi đó, quy định mới sẽ không làm khó đối với DN có phương án, kế hoạch SXKD hàng năm sẽ hoàn toàn chủ động trong việc xác định/ ước tính kết quả hoạt động SXKD trong năm để thực hiện tạm nộp thuế TNDN theo quy định). Còn hiện nay, trong bối cảnh đại dịch kéo dài, các trường hợp DN có kết quả SXKD tăng bất thường trong quý 4 mà không dự kiến được trước là trường hợp phổ biến…
Do đó giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trong ngắn hạn nên tiếp tục duy trì quy định cũ trước đây là tạm nộp 4 quý không thấp hơn 80%, vì chỉ khi kết thúc năm DN mới xác định được chính xác nghĩa vụ thuế của năm đó. Bởi nếu dựa vào 3 quý như quy định mà ngành thuế mới đưa ra thì không sòng phẳng với DN. Trường hợp muốn thu tiền vào ngân sách sớm thì nên quy định theo hướng với DN thực hiện báo cáo quý thì tổng số tạm nộp 4 quý có thể từ 75-80%...
VŨ LÊ MINH