Kinh nghiệm đối phó đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế

07/10/2021 09:45

Từ kinh nghiệm của 20 nước tại 4 châu lục, GS Nguyễn Thiện Nhân đề xuất, Việt Nam cần tăng nợ công đủ lớn, sử dụng nợ công như nguồn lực tài chính công chủ yếu để khắc phục nhanh hậu quả của dịch Covid-19 và phục hồi tăng trưởng kinh tế. Báo Nhân Dân điện tử xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết.

9-1633574639.jpeg
Kinh tế Việt Nam năm 2021 có nhiều tín hiệu tích cực. Ảnh: SONG ANH

Khi dịch Covid-19 nổ ra tại Trung Quốc 1/2020, lập tức Chính phủ Trung Quốc đã có hàng loạt giải pháp tiền tệ và tài chính công để hỗ trợ việc phòng chống dịch, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc từ 16/1/2020 đã cắt giảm lãi suất cho vay 1 năm và 5 năm, sau đó 19/4/2020 lại cắt lãi suất lần thứ 2. Thông qua các hợp đồng mua tài sản có kỳ hạn của doanh nghiệp và các hỗ trợ vay trung hạn đến tháng 6/2020, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã bơm khoảng 650 tỷ USD để tăng thanh khoản cho nền kinh tế.

Đến tháng 6/2020, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã hỗ trợ cho vay và chiết khấu lại với quy mô 254 tỷ USD. Ngày 22/5/2020 Chính phủ Trung Quốc đã ban hành gói hỗ trợ trị giá 506 tỷ USD để hỗ trợ chính quyền các địa phương chống dịch Covid-19 và giảm thuế cho doanh nghiệp. Ngày 3/6/2020, Chính phủ ban hành gói cứu trợ thứ 2 trị giá 766 tỷ USD để tăng chi cho chống dịch, sản xuất thiết bị y tế, tăng trả lương thất nghiệp, giảm thuế và bảo hiểm xã hội. Như vậy, tổng giá trị các hỗ trợ qua giải pháp tiền tệ và tài chính công của Trung Quốc từ 1/2020 đến 6/2020 có giá trị là 2.255 tỷ USD, tương đương hơn 15% GDP của Trung Quốc năm 2020.

Những gói tài trợ nói trên đã giúp nền kinh tế Trung Quốc phục hồi tăng trưởng trong năm 2021, dự báo ở mức 8,1% so năm 2020. Nợ công của Trung Quốc tăng từ mức 57,1% GDP năm 2019 lên 66,3% năm 2020 và 70,3% năm 2021. Tức là nợ công đã tăng 13,2% GDP trong 2 năm 2020 và 2021. Như vậy có thể thấy phần lớn (88%) các gói tài trợ giá trị 15% GDP của Trung Quốc triển khai từ năm 2020 được chi từ nợ công tăng thêm của năm 2020 và 2021 là 13,2% GDP.

Ngày 25/3/2020, Quốc hội Mỹ đã thông qua Luật Hỗ trợ phòng chống Covid và bảo vệ an ninh kinh tế (CARES Act) có giá trị 2.000 tỷ USD, ngày 27/12/2020 Luật sử dụng tài sản (ngân sách) tích hợp liên quan phòng chống Covid (CAA) có giá trị 910 tỷ USD có hiệu lực và ngày 11/3/2021 Luật Kế hoạch cứu trợ Mỹ (ARPA) giá trị 1.900 tỷ USD cũng có hiệu lực. Như vậy trong một năm, chính quyền Mỹ đã thông qua ba đạo luật để tăng cường năng lực phòng chống Covid-19, bảo vệ đời sống của người dân, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ y tế, giáo dục, giao thông vận tải với tổng giá trị 4.810 tỷ USD, tương đương 23% GDP năm 2020.

Tuy 2 nền kinh tế của Trung Quốc và Mỹ tính chất khác nhau, đặc điểm hệ thống xã hội khác nhau, song cách chính phủ ứng xử với đại dịch Covid-19 rất giống nhau về mặt sử dụng sức mạnh tài chính của Nhà nước để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, củng cố hệ thống y tế, bảo vệ năng lực của nền kinh tế.

Chính phủ của 2 nước đều ứng xử theo nguyên tắc: Khi dự báo kinh tế sẽ suy giảm mạnh bởi đại dịch với các hậu quả về kinh tế và xã hội, Chính phủ lập tức triển khai các giải pháp tiền tệ và tài chính công, với quy mô rất lớn, để bảo đảm đời sống cho người dân, giúp doanh nghiệp tránh phá sản, duy trì hệ thống y tế, giáo dục phù hợp với tình hình dịch. Nguồn chi chủ yếu của các gói cứu trợ này là nợ công”.

Đợt dịch lần thứ tư ở Việt Nam bắt đầu từ ngày 13/5/2021. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2021 chỉ đạt 1,42%, thấp nhất từ khi Việt Nam công bố số liệu tăng trưởng kinh tế quý. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kinh phí cho các gói hỗ trợ đã và đang được chuẩn bị năm 2021 là khoảng 10 tỷ USD, tương đương hơn 2% GDP. Như vậy với mức suy giảm tăng trưởng kinh tế năm 2020 so với 2019 là 4,1%, thì mức chi để khắc phục hậu quả suy giảm kinh tế và các vấn đề xã hội do dịch Covid-19 gây ra là khoảng 0,55% GDP cho 1% suy giảm tăng trưởng GDP. Do Quốc hội không có chủ trương sử dụng nợ công để chi khắc phục hậu quả của dịch Covid-19 năm 2020 và 2021, chỉ tiêu bội chi ngân sách 2 năm 2020 và 2021 là 3,44% GDP và 4% GDP nên tổng kinh phí Chính phủ có thể huy động cho việc này chỉ có thể ở mức khoảng 2% GDP. Nợ công của Việt Nam 3 năm 2019, 2020, 2021 hầu như không thay đổi

Khảo sát cách 20 nước ứng phó với hậu quả của đại dịch Covid-19 cho thấy, về cơ bản là giống nhau, song có 4 điểm khác biệt nổi bật so với Việt Nam: Các gói hỗ trợ của các nước đều đưa ra rất sớm, từ đầu 2020, sau đó liên tục được bổ sung cho đến đầu 2021, còn của ta triển khai chủ yếu vào giữa năm 2021. Tốc độ triển khai các giải pháp rất nhanh, các gói giải pháp của chúng ta đến nay mới chi được 24% kinh phí. Đối tượng được hỗ trợ rộng, chi tiết. Đặc biệt là Chính phủ có nguồn tài chính công (nợ công) để hỗ trợ tài chính.

Quy mô các gói hỗ trợ của họ rất lớn, qua việc sử dụng nợ công, còn của Việt Nam nhỏ hơn đáng kể, đặc biệt không dùng nợ công để có nguồn hỗ trợ (Trung Quốc bằng 15% GDP năm 2020; Mỹ bằng 23% GDP 2020; ở Nhật bằng 59% GDP...). Việc chi lớn từ ngân sách lúc này không phải là mất mà là được: được ổn định cuộc sống của người dân và gia đình, ổn định xã hội, bảo vệ được năng lực kinh tế của đất nước ở mỗi doanh nghiệp, do đó khi hết dịch tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh có thể nhanh chóng hoạt động trở lại, đem lại tăng trưởng cho đất nước và nguồn thu cho ngân sách.

Ở Việt Nam, thực tế không theo mô hình ứng phó với suy thoái kinh tế của 20 nước này. Năm 2019 nợ công của Trung Quốc là 57,1% GDP, của Việt Nam là 55,4% GDP, nhưng năm 2021 nợ công của Trung Quốc là 70,3% GDP, còn của Việt Nam là 55,6% GDP. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng từ 2,3% vào 2020 lên 8,1% năm 2021 (tăng 5,8%), còn của Việt Nam dự kiến tăng từ 2,9% lên 3-3,5% (tăng 0,1 đến 0,6%). Câu hỏi đặt ra là: Vậy năm 2021 và 2022 Việt Nam có cần một gói hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp lớn hơn nhiều so với các gói đang triển khai (khoảng 2% GDP) để cuối năm 2021 và năm 2022 phục hồi nhanh tăng trưởng kinh tế, hay tiếp tục không sử dụng nợ công như nguồn tài chính công chủ yếu để phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Nếu Việt Nam quyết định không dùng nợ công để hỗ trợ người lao động, người dân (mất thu nhập), các doanh nghiệp, như đã làm 2 năm qua, thì chúng ra cần dự báo một cách rất thận trọng hậu quả đối với tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội các năm 2021, 2022, 2023.

Nếu chúng ta quyết định sử dụng nợ công để có nguồn lực tài chính công lớn, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống và nền kinh tế theo kinh nghiệm của 20 nước, thì tháng 10.2021 Chính phủ phải trình Quốc hội cho phép làm việc này, vì nó trái với Luật quản lý nợ công 2017. Theo đó nợ công chỉ được chi cho đầu tư phát triển, còn chi hỗ trợ người dân thiếu thu nhập, công nhân mất việc làm, doanh nghiệp có nguy cơ phá sản không phải là đối tượng chi được Luật cho phép.

Trần nợ công của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 được Quốc hội quy định là 65% GDP, còn giai đoạn hiện nay 2021 - 2025 là 60% GDP. Như vậy với mức nợ công hiện nay khoảng 55,6% GDP, chúng ta chỉ có thể tăng nợ công thêm khoảng 2,5% GDP (cần dự trữ khoảng 2% GDP trước khi đạt trần để có thể ứng phó với các tình huống bất ngờ trong tương lai). Năm 2020 và 2021, bốn nước ASEAN Indonesia, Philippine, Thái Lan và Malaysia đã tăng nợ công thêm từ 9,8% GDP (Malaysia) đến 14,9% GDP (Philippine và Thái Lan), còn bình quân 8 nước có thu nhập trung bình ở Bảng 1, tăng 11,24% GDP.

Từ thực tế này và điều kiện của Việt Nam, tôi đề nghị nên tăng nợ công thêm khoảng 6,5% GDP (bằng 2/3 mức tăng của Malaysia (9,8%) và bằng 51% mức tăng bình quân của 4 nước ASEAN), tương đương 22 tỷ USD, để có nguồn hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp vượt qua suy thoái kinh tế chưa từng có ở nước ta từ 1995 đến nay.

Để làm được điều này, như kinh nghiệm của CHLB Đức năm 2020, Quốc hội cần có Nghị quyết cho phép tăng trần nợ công từ 60% lên 65% GDP trong một số năm (ví dụ 3 năm). Sau đó, trần nợ công trở về mức 60% GDP. Về nguồn vay nợ công 510 nghìn tỷ đồng (22 tỷ USD) phương thức dễ làm và an toàn hiện nay là Chính phủ phát hành trái phiếu có kỳ hạn và Ngân hàng Nhà nước mua, trên cơ sở dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước hiện nay là 100 tỷ USD. Đây là cách mà nhiều nước đã làm trong 2 năm 2020 - 2021 để có nguồn nợ công phục vụ phòng chống Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế (Nhật Bản, Anh, Canada, Australia).

Hai năm liên tục 2020, 2021, chúng ta phải đối mặt với dịch Covid-19 gây hậu quả nghiêm trọng chưa từng có, tăng trưởng kinh tế 2 năm liên tục dưới 4% là điều chưa từng có trong 25 năm qua. Theo kinh nghiệm của 20 nước tại 4 châu lục, tình huống này đòi hỏi giải pháp chưa từng có: tăng nợ công đủ lớn, sử dụng nợ công như nguồn lực tài chính công chủ yếu để khắc phục nhanh hậu quả của dịch Covid-19 và phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Theo nhandan.vn

Nguồn bài viết: https://nhandan.vn/nhan-dinh/kinh-nghiem-doi-pho-dai-dich-covid-19-va-phuc-hoi-kinh-te-668220/

Bạn đang đọc bài viết "Kinh nghiệm đối phó đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin