Việc kiểm tra, giám sát kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ chính trị, Ban bí thư quản lý sẽ được xây dựng thành quy định cụ thể.
Theo bà Thủy, việc tổ chức hội thảo là một hình thức phát huy dân chủ, đảm bảo tính thống nhất, khả thi và phù hợp với các quy định, chủ trương chỉ đạo chung của Đảng.
Do đó, Ủy ban kiểm tra Trung ương là cơ quan đứng ra tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng quy định kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ chính trị, Ban bí thư quản lý; và quy định về xin lỗi, phục hồi quyền lợi đảng viên bị xử lý kỷ luật oan.
Dự thảo quy định kiểm tra, giám sát việc thực hiện minh bạch tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ chính trị, Ban bí thư quản lý có 5 chương, 16 điều, gồm: những quy định chung; kiểm tra về minh bạch tài sản, thu nhập; giám sát minh bạch tài sản, thu nhập; xử lý vi phạm và tổ chức thực hiện.
Dự thảo quy định về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của đảng viên bị xử lý kỷ luật oan có 3 chương, 15 điều với các nội dung quy định chung, phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh trong quy định trách nhiệm, nội dung, trình tự và thủ tục xin lỗi, phục hồi; quyền, lợi ích hợp pháp đối với đảng viên bị xử lý kỷ luật oan.
Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát về kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa khóa XII cho rằng đây là bước tiến mới cho thấy quyết tâm phòng, chống tham nhũng trước hết phải từ những cán bộ cấp cao. Từ Trung ương rồi sau đó đến địa phương và lan tỏa ra toàn xã hội.
"Điều này cho thấy quyết tâm chính trị rất cao. Phòng chống tham nhũng sẽ là thực chất chứ không còn là hô hào suông nữa", ông Cuông nói.
Theo Bao Datviet