VKSNDTC đã tống đạt Cáo trạng vụ án tham ô tài sản, rửa tiền xảy ra tại Tổng Công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) đối với 4 bị can: Trần Văn Liêm, Trần Văn Khương, Giang Kim Đạt, Giang Kim Hiển.
Đây là 1 trong 6 vụ đại án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp được Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương chỉ đạo sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm vào cuối năm 2016 và quý I/2017.
Rút ruột 260,5 tỷ đồng của Nhà nước
Theo quyết định truy tố 4 bị can gồm: Trần Văn Liêm (61 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) – cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines); Trần Văn Khương (66 tuổi) – cựu kế toán trưởng Vinashinlines; Giang Kim Đạt (39 tuổi) cựu quyền Trưởng phòng Kinh doanh Vinashinlines, cùng về tội “Tham ô tài sản”. Liên quan đến vụ án trên còn có bị can Giang Văn Hiển (66 tuổi, trú tại TP HCM) là bố đẻ của Giang Kim Đạt bị truy tố về tội “Rửa tiền”.
Trong quá trình thoả thuận, Giang Kim Đạt đã đàm phán với công ty môi giới là Marvin Shipping LTD mua tàu Vinashin Sumer của nước Panama với giá 6.250.000 USD, Đạt được hưởng 2% trên tổng giá trị hợp đồng mua tàu. Trong số 2%, công ty môi giới trích lại 10% và số tiền công ty này chuyển vào tài khoản mang tên Giang Văn Hiển thực nhận hơn 1,9 tỉ đồng.
Con tàu thứ hai là Vinashin Island được mua với giá là 5.950.000 USD của nước Croatia. Giang Kim Đạt tiếp tục thoả thuận với Marvin Shipping LTD để được hưởng 3,75% và cũng trích lại 10% của tổng số tiền hoa hồng. Số tiền mà công ty môi giới gửi vào tài khoản của Giang Văn Hiển là hơn 3 tỉ đồng.
Con tàu thứ ba là VinashinPhoenix được mua với giá 21.550.000 USD của nước Hy Lạp. Giang Kim Đạt thoả thuận với Marvin Shipping LTD để được hưởng 2% tổng giá trị hợp đồng và trích lại cho công ty môi giới 10% trong tổng số tiền hoa hồng. Số tiền mà công ty môi giới gửi vào tài khoản của Giang Văn Hiển là gần 6,5 tỉ đồng. Tổng số tiền hoa hồng từ hợp đồng mua 3 con tàu nêu trên mà công ty môi giới gửi vào tài khoản mang tên Giang Văn Hiển là gần 11,5 tỉ đồng.
Về hành vi chiếm đoạt tiền gửi giá cho thuê 9 con tàu, trong thời gian từ tháng 5/2006 đến tháng 6/2008, thông qua các công ty môi giới ba bị can là Liêm, Đạt và Khương đã thoả thuận, đàm phán với các chủ tàu gửi giá cước cho thuê 9 con tàu để chiếm đoạt tiền của Vinashinlines với tổng số tiền hơn 249 tỉ đồng. Trong đó đáng chú ý, số tiền gửi giá cước ngoài hợp đồng của tàu Vinashin Summer là hơn 47 tỉ đồng, số tiền gửi giá cước ngoài hợp đồng cho thuê tàu Vinashin Eagle và tàu Vinashin Phoenix là hơn 118 tỉ đồng….
Kết quả điều tra cho thấy, quá trình thực hiện dự án mua tàu và khai thác, kinh doanh cho thuê tàu biển, 3 bị can Liêm, Đạt và Khương đã chiếm đoạt của Vinashinlines số tiền là 260,5 tỷ đồng. Trong đó bị can Trần Văn Liêm chiếm đoạt 3,1 tỉ đồng; Giang Kim Đạt chiếm đoạt hơn 255 tỉ đồng; Trần Văn Khương chiếm đoạt 110.000 USD, còn hành vi của Giang Văn Hiển, Cơ quan tố tụng xác định bị can này sau khi nhận được tiền chuyển vào tài khoản đã rút ra đưa cho Giang Kim Đạt, đồng thời mua 40 bất động sản cùng 13 xe ô tô đứng tên mình và người thân trong gia đình.
Nhờ bố rửa tiền bẩn, trốn ra nước ngoài vẫn không thoát
Vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an khởi tố vào ngày 23/8/2010, xác lập chuyên án điều tra những hành vi sai phạm trong quản lý kinh tế của một số cá nhân tại Vinashin và khởi tố 12 vụ, 39 bị can, bắt tạm giam 30 bị can và truy nã 2 đối tượng.
Phần 1 vụ án đã khép lại sau phiên tòa phúc thẩm cuối tháng 8/2012, trong đó bị cáo Phạm Thanh Bình bị phạt 20 năm tù, phải bồi thường thiệt hại hơn 500 tỉ đồng; Trần Văn Liêm, nguyên Tổng Giám đốc Công ty viễn dương Vinashin 19 năm tù, buộc bồi thường hơn 495 tỉ đồng... Các bị cáo còn lại cũng buộc phải bồi thường nhiều tỉ đồng. Sau khi vụ án Phạm Thanh Bình và đồng bọn được xét xử, cơ quan pháp luật cho biết đây mới chỉ là giai đoạn 1 của đại án tham nhũng tại Vinashin, vụ án vẫn tiếp tục được điều tra, làm rõ. Giang Kim Đạt đã “đánh hơi” thấy vụ việc chắc chắn liên quan đến mình nên nhanh chân cao chạy xa bay ra nước ngoài.
[caption id="attachment_155674" align="aligncenter" width="564"] Giang Kim Đạt và hồ sơ vụ án[/caption]
Giang Kim Đạt (SN 1977, quê ở Thái Thượng, Thái Thụy, Thái Bình, có hộ khẩu tại phường Bình An, quận 2, TP HCM), nguyên Trưởng phòng Kinh doanh của Vinashin được xác định có hành vi câu kết để “rút ruột” trong vụ mua tàu Hoa Sen. Ngày 23/8/2010, cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can đối với Giang Kim Đạt thì phát hiện trước đó đối tượng đã xuất cảnh ra nước ngoài.
Ngày 8/11/2010, quyết định truy nã Giang Kim Đạt được thông báo đến Interpol. Quá trình điều tra đã phát hiện những giao dịch bất minh lên đến hàng chục triệu USD của ông Giang Văn Hiển (bố của Đạt) tại các ngân hàng trong và ngoài nước. Ngoài ra, cơ quan điều tra còn làm rõ Đạt có tới 40 bất động sản đứng tên người thân.
Ngày 7/7/2015, Giang Kim Đạt bị cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an phối hợp bắt giữ tại Singgapore và làm thủ tục di lý về nước. Tại cơ quan điều tra Giang Kim Đạt đã thừa nhận hành vi phạm tội “Tham ô tài sản”. Trước hết là hành vi gửi giá, nâng khống hợp đồng mua tàu và khai thác tàu, chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Giang Kim Đạt đã thông đồng cấu kết với một số đối tượng người nước ngoài gửi giá ăn chia hoa hồng (1% giá trị hợp đồng mua tàu và tiền chênh lệch khi cho thuê tàu từ 1 đến 2 giá). Để nhận những số tiền bất chính, Đạt không tự đứng ra mở tài khoản nhận tiền mà thông qua người thân trong gia đình là ông Giang Văn Hiển, bố đẻ của Đạt có tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau.
Sau khi chuyển tiền về, Đạt báo ông Hiển đi rút tiền và chuyển sang sổ tiết kiệm đứng tên người thân. Trong tổng số 18,6 triệu USD, sau khi rút tiền, ông Hiển đã đưa cho Đạt chi tiêu cá nhân, số tiền còn lại được sử dụng mua bất động sản và 5-6 xe ô tô đứng tên người thân. Ngoài ra, tại Singapore Đạt đứng tên mua một căn hộ tại Singapore trị giá 3,6 triệu USD Singapore. Trước đó Đạt mua căn hộ khác tại đảo Sentosa, Singapore nhưng đã bán. Tổng số tiền Đạt tham ô, chiếm đoạt lên tới gần 19 triệu USD.
Theo Bao Phapluat