Diễn ra trong 23 ngày (chia làm 2 đợt họp), kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) khóa XV đã bế mạc vào chiều 24-6. Đợt 1, từ ngày 22-5 đến ngày 10-6; đợt 2, từ ngày 19-6 đến ngày 24-6. Đây là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng, khối lượng công việc lớn, xem xét, quyết định những nội dung “nóng”, quan trọng về xây dựng pháp luật, giám sát cũng như quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Những khóa gần đây hoạt động của QH ngày càng có nhiều đổi mới. Những giám sát của QH, những quyết sách của QH mang đậm hơi thở của cuộc sống.
“Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định kỳ họp thứ 5 đã thành công tốt đẹp, tiếp tục có đổi mới, sáng tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định trong phiên bế mạc chiều 24-6.
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 5, QH khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn
Tìm cách cứu các doanh nghiệp
Phát biểu kết thúc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: "Với kết quả công tác lập pháp tại kỳ họp này, cho đến nay, QH, các cơ quan của QH, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã hoàn thành 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt tỷ lệ 81,8%; trong đó, có 32 nhiệm vụ đã được ban hành thành luật, pháp lệnh, nghị quyết quy phạm pháp luật; 29 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và năm 2024".
Kỳ họp lần này diễn ra trong bối cảnh thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó lường. Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính của nước ta giảm mạnh do lạm phát, căng thẳng địa chính trị, các nước thắt chặt chính sách tiền tệ… đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội nước ta.
GDP quý I năm 2023 chỉ đạt 3,32%, thấp hơn cùng kỳ năm trước (5,03%); trong đó nhiều địa phương sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí có địa phương tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và khu vực doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa. Các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của ta bị thu hẹp; nhiều DN thiếu đơn hàng.
Với GDP quý I là 3,32%, mức thấp như vậy, để đạt được mục đích 6,5% cho cả năm là một thách thức lớn khi yêu cầu mỗi quý còn lại phải đạt 7,5%. Riêng TP HCM lần đầu tiên trong lịch sử trưởng âm 6,78% sau 35 năm, trong khi kế hoạch đề ra là tăng trưởng 6%.
Số DN rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm 2023 tăng 25,1% tương ứng với gần 77.000 DN so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 19.200 DN rút lui khỏi thị trường. Nhiều DN rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính và phải bán tài sản để giải quyết thanh khoản, trong khi chính sách ưu đãi vẫn còn nhiều khó khăn, hạn hẹp.
Tình hình đó cần phải có những giải pháp cấp bách, thậm chí vượt tiền lệ để cứu nguy, hỗ trợ cho hệ thống DN. Những khó khăn hàng đầu mà DN gặp phải là tiếp cận tín dụng có nhiều trở ngại, bao gồm cả tín dụng, nguồn vốn, lãi suất ưu đãi của Chính phủ và nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa. DN khát vốn để phục hồi phát triển nhưng rất khó tiếp cận, kể cả gói tín dụng giảm lãi suất 2% cũng không thực sự hấp dẫn và rất rườm rà về thủ tục tiếp cận, trong khi đó lãi suất cho vay từ tháng 7-2022 trung bình 12% năm, thậm chí có nơi lên đến 14% năm, thời gian gần đây dù có giảm nhưng vẫn còn cao.
Với chức năng giám sát của mình, các Đại biểu Quốc hôi (ĐBQH) đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn của các DN, đặc biệt về vốn, kiến nghị cần có những giải pháp cấp bách để hỗ trợ cho hệ thống DN trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy 4 tháng đầu năm 2023, Thủ tướng và các phó thủ tướng đã chủ trì 398 cuộc họp, 110 hội nghị và 78 cuộc tiếp khách quốc tế, đi công tác nước ngoài. Qua những cuộc làm việc, mục tiêu chính của Chính phủ, Thủ tướng là để chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật và đưa ra các cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho người dân, DN.
Năm tổ công tác đặc biệt được Thủ tướng thành lập nhằm quyết liệt thúc đẩy đầu tư công, vướng mắc dự án cũng như tháo gỡ khó khăn cho các thị trường trái phiếu DN, chứng khoán, bất động sản.
Dù vậy, DN mong muốn có thêm những động thái gỡ vướng, hỗ trợ khó khăn quyết liệt, mạnh mẽ hơn từ Chính phủ, Thủ tướng và các bộ ngành, đặc biệt về lãi suất cho vay vẫn còn cao. Đến nay dù Ngân hàng Nhà nước đã hai lần giảm lãi suất điều hành, lãi suất cho vay cũng đã hạ nhiệt nhưng chưa nhiều, xoay quanh mức 10%-11%/năm, DN cũng rất khó vay và khó làm ăn.
Do vậy trong hàng loạt giải pháp đưa ra cho thời gian tới, Chính phủ đặt trọng tâm vào thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Điều hành tỉ giá, lãi suất linh hoạt, phù hợp và phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, cũng như bảo đảm thanh khoản của các ngân hàng.
Với những cố gắng đó, cùng với nỗ lực giải ngân 30 tỷ USD đầu tư công trong năm nay, kinh tế nước ta sẽ tăng trưởng. Tin mừng GRDP quý II của TP HCM ước đạt 5,87%; tính chung 6 tháng, con số ước đạt 3,55%. Dù tốc độ tăng trưởng này chưa hẳn đã cao, nhưng đó thực sự là một tin mừng với đầu tàu TP HCM. TP HCM đang lấy lại đà tăng trưởng. Khi kinh tế TP HCM tăng trưởng cao hơn sẽ tác động tới tăng trưởng GDP của cả nước.
Hy vọng TP HCM cất cánh với cơ chế đặc thù
Kỳ họp Quốc hội lần này để lại dấu ấn lớn là thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
Theo Nghị quyết, QH đồng ý 4 nhóm chính sách mới lần đầu được quy định áp dụng cho TP HCM gồm: Đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch; tổ chức bộ máy. Theo đó, từng lĩnh vực được mở ra. Như phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng, giúp phát triển đô thị và các dịch vụ liên quan như mô hình của một số nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore..., nhằm tạo các khu đất sạch để triển khai các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tạo sự đồng bộ trong phát triển đô thị và giao thông.
Có thể dùng ngân sách thanh toán dự án BT và được thanh toán bằng ngân sách. Đây là cơ chế nhằm đa dạng hóa hình thức đầu tư và tạo cơ sở pháp lý, huy động tối đa nguồn lực xã hội.
Về cơ chế, chính sách liên quan đến tài chính, ngân sách nhà nước, trong đó, ngân sách TP HCM được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chi khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách TP. TP HCM được thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định.
Đối với dự án sử dụng đất trồng lúa vào các mục đích khác, HĐND TP HCM quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha phù hợp với quy hoạch. Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, UBND TPHCM phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong phạm vi dự án nhà ở thương mại hoặc phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án nhà ở thương mại.
Ngoài ra còn nhiều cơ chế khác, như hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên, được miễn thuế thu nhập DN trong thời hạn 5 năm…
"TP HCM sẽ nỗ lực triển khai tốt nghị quyết. Cả nước đã vì TP HCM, TP HCM sẽ tập trung làm để đáp ứng niềm tin đó" - Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi phát biểu chiều 24-6, khi Quốc hội thông qua nghị quyết trên. Đó cũng là một thách thức của TP HCM, với bộ máy hiện tại, có đáp ứng nổi với những chính sách rộng mở của QH?
Với cơ chế đặc thù được QH vừa thông qua, kỳ vọng TP HCM sẽ cất cánh. Trong ảnh: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đi kiểm tra, giám sát tiến độ dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên. Ảnh: TTXVN
Hai vấn đề nóng: Thiếu điện và nhà ở xã hội
Kỳ họp này diễn ra cũng là lúc ngành điện lao đao vì thiếu điện chưa từng có trong hơn thập kỷ qua, lịch cắt điện dày đặc ở miền Bắc và các tỉnh Bắc Trung bộ. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có nhiều chỉ thị, công điện yêu cầu Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tới, trong đó yêu cầu phải hoàn thành đàm phán giá điện với các dự án điện tái tạo chuyển tiếp (điện mặt trời, điện gió) trong tháng 6.
Thực hiện quyền giám sát của mình, các ĐBQH đã thảo luận, tranh luận rất sôi nổi về cơ chế quản lý của ngành điện, giá điện bán buôn, bán lẻ, truyền tải, đặc biệt về điện tái tạo vì sao vẫn còn 4.600 MW điện sạch tồn đọng, không phát điện lên lưới… ĐBQH Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) đề nghị: Cần thanh tra đặc biệt, kiểm toán đặc biệt, điều tra đặc biệt đối với toàn bộ hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của EVN trong giai đoạn 10 năm gần đây, đặc biệt là việc thường xuyên báo lỗ, trong khi các công ty thành viên báo lãi. QH nên đưa việc giám sát ngành điện, đặc biệt là công tác quản lý nguồn điện tái tạo vào chương trình giám sát gần nhất.
ĐBQH Lê Thanh Vân đề nghị thanh tra, kiểm toán ngành điện tại kỳ họp này. Ảnh:TTXVN
Cử tri rất hài lòng khi những bức xúc về ngành điện được cac ĐBQH phản ánh, mổ xẻ, được thảo luận một cách cặn kẽ, đặc biệt việc đầu tư, hướng phát triển của điện tái tạo được nhiều ĐBQH rất quan tâm, khi mà những vướng mắc đầu tư đẩy nhiều DN vào tình thế hết sức khó khăn.
Dưới áp lực giám sát đó, Chính phủ cũng đã nhanh chóng vào cuộc với Công điện số 517/CĐ-TTg, giao Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật về quản lý và cung ứng điện của EVN từ ngày 1-1-2021 đến 1-6-2023. Sau đó giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ việc thanh tra. Đặc biệt Chính phủ cũng đề xuất đưa A0 về cho Bộ Công thương quản lý, sẽ không còn thuộc EVN. Động thái này cho thấy đã có những lỗ hổng trong hệ thống điều độ, vận hành của ngành điện, dẫn đến những bất cập.
Cũng dưới áp lực đó, trong điều kiện cung ứng điện từ nay đến năm 2025 dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, Bộ Công Thương vừa có dự thảo đề xuất về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà. Dù chậm nhưng động thái này của Bộ Công thương được hoan nghênh, hưởng ứng. Đó cũng là kết quả giám sát của QH.
Vấn đề nhà ở xã hội cũng rất nóng bỏng khi mà gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ trong lĩnh vực này có nguy cơ rất khó giải ngân vì lãi suất cho vay cao cả với nhà đầu tư và người mua nhà. Trong khi đó những chính sách đi kèm chưa hoàn thiện, đặc biệt khi mà Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa được thông qua trong kỳ họp lần này. Các ĐBQH tán thành cao với sự cần thiết xây dựng luật và cho rằng cần mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội đối với công nhân các cụm doanh nghiệp, cả với công nhân, người lao động bên ngoài các khu công nghiệp và công dân có nhu cầu như là phúc lợi an sinh.
Kỳ họp đã kết thúc thành công tốt đẹp, sau 23 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao; tiếp tục có đổi mới, sáng tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn.
Một kỳ họp, trong vòng 23 ngày, QH đã giải quyết một khối công việc rất lớn của đất nước, để vượt qua những thách thức, đặc biệt về kinh tế năm 2023, cũng với nhiều chính sách lớn được thông qua với nhiều kỳ vọng.
Hoạt động của QH, sự giám sát của QH, những quyết sách của QH ngày càng mang đậm hơi thở của cuộc sống.
Tập trung nguồn lực để cải cách tiền lương
Phiên họp chiều 24-6, QH thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 5. Theo Nghị quyết, các cơ quan phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời và hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm vi phạm.
Nghị quyết yêu cầu Chính phủ tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm 2023; Chính phủ sớm đề xuất hoặc ban hành quy định cụ thể cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
QH yêu cầu xử lý có hiệu quả các bất cập về sách giáo khoa, tình trạng thừa, thiếu giáo viên, thiếu trường học, lớp học; ưu tiên ngân sách đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, bảo đảm điều kiện đổi mới phương pháp dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Nghị quyết yêu cầu hoàn thiện chính sách về bảo hiểm xã hội (BHXH) để mở rộng, khuyến khích người lao động, DN tham gia, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; khắc phục chậm, trốn đóng BHXH và hành vi gian lận, trục lợi khác; hạn chế tình trạng rút BHXH một lần. Đến năm 2025, toàn quốc phấn đấu 45% lao động tham gia BHXH; 35% lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết, QH đã yêu cầu Chính phủ, các cấp nâng cao năng lực phân tích, dự báo tình hình trong nước để giữ vững, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chọi của nền kinh tế trước các tác động tiêu cực từ bên ngoài.
Yêu cầu có giải pháp khắc phục kịp thời và căn cơ tình trạng thiếu điện, đảm bảo ổn định nguồn điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và đời sống; tháo gỡ triệt để, giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc chữa bệnh, vật tư y tế, tăng cường củng cố y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.