Nhìn lại chặng đường 15 năm thực hiện Nghị quyết số số 15/2008/QH12, ngày 29/5/2008 của Quốc hội “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan”, cho thấy Ba Vì đã nỗ lực vươn lên, tạo thêm những bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã chuyển dịch theo hướng tích cực, bền vững, nhiều mô hình nuôi trồng cây, con cho giá trị kinh tế cao từ 250 triệu đồng/ha lên 350 triệu đồng/ha. Đến nay, toàn huyện đã có 30/30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Dấu ấn nổi bật, đánh giá đầy đủ nhất của huyện trong thời gian qua là Ba Vì đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển từ năm 2008 đến năm 2023 là 13.082,2 tỷ đồng, trong đó năm 2023 là 2.092,7 tỷ đồng, gấp 18,26 lần so với năm 2008 (năm 2008 là 114,6 tỷ đồng). Tỷ lệ giải ngân đạt mức cao, năm 2022 đạt 96,4% kế hoạch vốn được giao. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục ngày càng được quan tâm. Nếu như năm 2022, vốn đầu tư cho 3 lĩnh vực trên chiếm 52% tổng nguồn vốn đầu tư công, hệ thống trạm y tế các xã cơ bản đã và đang được đầu tư đồng bộ; các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và TP cũng đang được triển khai tu bổ, tôn tạo nhằm bảo tồn và phát huy giá trị; hệ thống trường học các cấp trên địa bàn cũng từng bước được đầu tư đạt chuẩn theo kế hoạch.
Sau 15 năm sáp nhập về Thủ đô, huyện đã đạt được nhiều thành tựu toàn diện trong tất cả các lĩnh vực: Kinh tế tăng trưởng khá, thu ngân sách năm 2022 đạt 511.700 triệu đồng, bằng 155,4% Kế hoạch TP giao, 104,6% kế hoạch huyện giao, bằng 145,65% so năm 2021. Về thu nhập bình quân đầu người tăng từ 29 triệu đồng năm 2008 lên 55,6 triệu đồng người/năm năm 2022; thu nhập bình quân đầu người 7 xã miền núi là 50,1 triệu đồng/người. Trong đó, xã Tản Lĩnh có sự bứt phá về thu nhập bình quân đầu người năm 2022 là 55,2 triệu đồng, tăng gấp 2,55 lần so với năm 2008 (21,6 triệu đồng).
Công tác an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đúng quy định, giảm nghèo bền vững. Hiệu quả mang lại từ các chương trình đầu tư góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của các địa phương, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các xã miền núi và các địa phương còn lại của huyện Ba Vì. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp đồng bộ, hiện đời sống kinh tế - xã hội của người dân tiếp tục được cải thiện.
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, với trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc kinh tế, phát triển bền vững, chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh”. Cùng với đó, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đậm nét hơn những việc làm và con người cụ thể điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực; phát động sâu rộng hơn nữa Cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh đô thị, người thủ đô gương mẫu...