Hoàn thiện pháp luật, ngăn chặn hiệu quả tội phạm mua bán người

08/05/2023 19:54

(Pháp lý) - Sáng 8/5, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình "Việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người". Tại phiên giải trình các đại biểu tham dự đã đề xuất nhiều giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn tội phạm mua bán người…

Quang cảnh Phiên giải trình "Việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người" (ảnh quochoi.vn)

Tội phạm mua bán người có chiều hướng gia tăng

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người. Sau hơn 10 năm thi hành, công tác phòng, chống mua bán người đã đạt những kết quả tích cực góp phần kiềm chế tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tội phạm mua bán người có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, đối tượng nạn nhân cũng mở rộng không chỉ còn là phụ nữ, trẻ em mà cả nam giới, trẻ sơ sinh, bào thai, nội tạng…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu khai mạc (ảnh quochoi.vn)

Mặt khác việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người ở một số địa phương chưa nghiêm. Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người và công tác giải cứu, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán còn những hạn chế chưa thực sự đáp ứng yêu cầu…

Báo cáo tóm tắt ý kiến nghiên cứu phục vụ phiên giải trình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Mai Thị Phương Hoa cho biết, thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm mua bán người diễn ra phức tạp, ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng với tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, mang tính vô nhân đạo. Đồng thời, có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở trong nước với nước ngoài, được thực hiện bởi các đối tượng chuyên nghiệp...

Xuất hiện nhiều đường dây phạm tội mua bán người với các thủ đoạn "việc nhẹ, lương cao", tổ chức cho nạn nhân vượt biên để ép buộc làm việc bất hợp pháp trên nước bạn, muốn về nước phải trả một khoản tiền chuộc lớn. Hay lợi dụng thủ tục đơn giản trong việc kết hôn với người nước ngoài, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, du lịch, thăm thân... để tổ chức cho nạn nhân ra nước ngoài, sau đó thu giữ giấy tờ, bán sang tay nhiều chủ để cưỡng bức lao động, cưỡng bức mại dâm...

"Mua bán người ở trong nước và mua bán nam giới có xu hướng tăng lên. Đã xuất hiện tình trạng mua bán thai nhi, mua bán nam giới để cưỡng bức lao động trên tàu cá. Ở một số nơi nổi lên tình trạng mua bán trẻ sơ sinh núp bóng tinh vi các tổ chức mang danh thiện nguyện tự phát. Ngoài ra, nước ta không những là nơi xuất phát tội phạm nguồn mà còn là địa bàn trung chuyển mua bán người từ một số nước trong khu vực đi nước thứ ba", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa trình bày báo cáo tóm tắt ý kiến nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Tư pháp liên quan đến nội dung phiên giải trình (ảnh quochoi.vn)

Về nguyên nhân, vị lãnh đạo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng bên cạnh các nguyên nhân khách quan thì còn có một số nguyên nhân chủ quan như công tác quản lý nhà nước, xã hội trên một số lĩnh vực còn sơ hở, một số bộ, ngành, địa phương còn xem nhẹ việc phòng, chống mua bán người cũng như việc hỗ trợ nạn nhân trở về...

Công tác điều tra của cơ quan điều tra các cấp cơ bản bảo đảm chấp hành đúng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự. Tuy nhiên, số lượng các vụ phạm tội mua bán người được phát hiện, điều tra, xử lý còn ít so với tình hình thực tế…

Theo báo cáo của Bộ Công an, cả nước phát hiện 440 vụ với 876 đối tượng vi phạm và 1.240 nạn nhân bị mua bán, nghi bị mua bán. Cơ quan điều tra các cấp thuộc Bộ Công an đã tiến hành khởi tố 386 vụ/808 bị can. Cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng đã tiến hành khởi tố sau đó chuyển sang cơ quan điều tra có thẩm quyền 54 vụ/68 đối tượng. Trong đó, đã kết thúc điều tra, chuyển Viện kiểm sát cùng cấp để truy tố 339 vụ/693 bị can.

Sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ

Tại phiên giải trình, các đại biểu đánh giá cao sự chủ động của Ủy ban Tư pháp trong việc lựa chọn chuyên đề khảo sát, tổ chức phiên giải trình đúng và trúng vấn đề có tính thời sự hiện nay, được dư luận, nhân dân đặc biệt quan tâm. Các đại biểu bày tỏ đồng tình và đánh giá cao với nhiều nhận định về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm mua bán người hiện nay; ghi nhận các cơ quan hữu quan đã thẳng thắn nhìn nhận các nguyên nhân khách quan và chủ quan để từ đó chủ động có giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự, bảo đảm quyền con người, quyền công dân…

Các đại biểu cũng đặt nhiều câu hỏi và đề nghị các cơ quan có trách nhiệm giải trình như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tòa án nhân dân tối cao có báo cáo giải trình làm rõ một số vấn đề liên quan công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật; công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong chủ động phát hiện, xử lý tội phạm; công tác xây dựng pháp luật hoàn thiện pháp luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản có liên quan…

Giải trình một số vấn đề liên quan, Đại diện Bộ Công an, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đánh giá, tội phạm mua bán người đang lợi dụng sự phát triển của công nghệ để thực hiện hành vi phạm tội.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, tỷ lệ xử lý nhóm tội phạm này chưa đạt như các nhóm tội phạm khác là do nhiều nguyên nhân. Đây là loại tội phạm ẩn, liên quan tâm lý người bị hại; việc thu thập chứng cứ vật chất ở nước ngoài, hành vi phạm tội diễn ra từ lâu...

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc báo cáo tại phiên giải trình (ảnh quochoi.vn)

Đề cập đấu tranh việc lợi dụng công nghệ để hoạt động phạm tội trên không gian mạng và mạng viễn thông, theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, Bộ Công an đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), đã góp phần làm chuyển biến tình hình.

Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã thực hiện quyết liệt việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động theo Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Kết quả, đến ngày 15-4, số thuê bao không xác thực chính chủ đã bị cắt liên lạc 2 chiều.

Từ việc chuẩn hóa thông tin thuê bao đã phát hiện 1,2 triệu thuê bao không xác thực chính chủ và không ít trong đó tiềm ẩn việc tội phạm sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội; số SIM còn lại chủ yếu là SIM khuyến mãi đã không còn được sử dụng.

Để có thêm biện pháp ngăn chặn, Thứ trưởng Bộ Công an cho hay tới đây, bộ sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để tiến hành xác thực tài khoản thanh toán.

"Với các biện pháp trên hạn chế được vấn đề tội phạm lừa đảo, phạm tội trên không gian mạng, lợi dụng công nghệ cao dưới hình thức SIM điện thoại hay thanh toán tài khoản, tiền" - Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.

Chủ tài khoản Facebook, Tiktok, YouTube... sẽ phải xác định danh tính

Tham gia phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết Bộ TT-TT và Bộ Công an đã có cơ chế phối hợp cụ thể trong việc xác thực tài khoản trên mạng khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay có khó khăn trong việc xác thực là đối tượng phạm tội sử dụng tin nhắn bằng ứng dụng OTT của nền tảng xuyên biên giới.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, sắp tới sửa luật Viễn thông sẽ quy định việc quản lý các ứng dụng OTT viễn thông xuyên biên giới như các nền tảng trong nước. Nếu các nền tảng này không đáp ứng yêu cầu quản lý sẽ ngăn chặn.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết tới đây sẽ yêu cầu tất cả chủ tài khoản mạng xã hội, bao gồm cả mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Tiktok, YouTube… phải xác thực danh tính. Từ đó, các tài khoản mạng xã hội không định danh sẽ bị đấu tranh, ngăn chặn, xử lý với các mức độ khác nhau.

Hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) trình Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người; chú trọng tuyên truyền, phổ biến về tình hình tội phạm, nguy cơ, phương thức, thủ đoạn tội phạm mua bán người thường sử dụng; tập trung vào các đối tượng có nguy cơ bị mua bán với phương pháp phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, phong tục, tập quán.

Bên cạnh đó, tăng cường lồng ghép có hiệu quả nội dung phòng, chống mua bán người vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mua bán người.

Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Công an, Bộ đội Biên phòng các địa phương tăng cường quản lý địa bàn, biên giới, trên biển, xuất nhập cảnh, tạm trú, tạm vắng…; thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người; tăng cường hơn nữa trách nhiệm trong giải cứu, tiếp nhận nạn nhân, nhất là trong việc cấp giấy xác nhận nạn nhân bị mua bán.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động đưa người đi lao động ở nước ngoài, cho nhận con nuôi kết hôn có yếu tố nước ngoài; sớm trình cơ quan có thẩm quyền hoặc theo thẩm quyền sớm sửa đổi các quy định liên quan đến chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng... để hỗ trợ nạn nhân hiệu quả hơn, nhất là hỗ trợ ban đầu, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.

Hội đồng nhân dân các cấp quan tâm việc lồng ghép công tác phòng, chống mua bán người vào các nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường hoạt động giám sát phòng, chống mua bán người…

Nam Kiên (tổng hợp)
Bạn đang đọc bài viết "Hoàn thiện pháp luật, ngăn chặn hiệu quả tội phạm mua bán người" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin