Ngày 30-11, Thanh tra Chính phủ tổ chức họp lấy ý kiến các bộ, ngành về hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật khiếu nại.
Theo kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật khiếu nại về xem xét giải quyết khiếu nại có vi phạm pháp luật là giữ nguyên quy định của Điều 20 NĐ 75/NĐ-CP ngày 03-10-2012 và bổ sung quy định: "Tổng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ tiếp nhận, phân loại, xem xét, đề xuất việc giải quyết những đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đối với các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh nhưng phát hiện có vi phạm pháp luật của công dân, cơ quan, tổ chức hoặc có tình tiết mới làm thay đổi nội dung vụ việc khiếu nại”.
Đối với việc ủy quyền tổ chức đối thoại, Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát quy định tổ chức đối thoại, bảo đảm đúng tinh thần quy định tổ chức đối thoại, quy định của Luật khiếu nại; xác định cụ thể các trường hợp người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai trực tiếp đối thoại.
Về vấn đề này, tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết tại Điều 27 quy định: Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu thấy cần thiết hoặc khi có yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại phải trực tiếp đối thoại; trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại phải tổ chức đối thoại: Người giải quyết khiếu nại lần hai là Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc sở hoặc tương đương phải trực tiếp đối thoại với người khiếu nại; Người giải quyết khiếu nại lần hai là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải trực tiếp đối thoại trong trường hợp khiếu nại phức tạp…
Phát biểu tại cuộc họp, một số ý kiến cho rằng, cần có nơi đón nhận các đơn từ phản ánh các quyết định có hiệu lực pháp luật; đơn cử có nhiều việc khiếu nại lần hai nhưng không ra tòa hoặc có ra tòa nhưng hết hiệu lực rồi họ quay lại khiếu nại cơ quan hành chính, các vụ việc cứ lòng vòng… nên chăng cần có cơ quan nào đó giúp Thủ tướng việc này.
Đối với vấn đề xử lý vi phạm, có ý kiến cho rằng Chính phủ có thẩm quyền quy định các hành vi vi phạm trong việc giải quyết khiếu nại hành chính nên những hành vi vi phạm và hình thức xử lý được quy định tại Điều 39, 40, 41 của dự thảo Nghị định đã được nghiên cứ kỹ lưỡng và lượng hóa cho phù hợp với tình hình thực tiễn công tác giải quyết khiếu nại hành chính.
Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp và chỉnh sửa hoàn thiện dự thảo.
Theo Noichinh