Hành vi tham nhũng trong Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2018. Đây là đạo luật nhận được sự quan tâm và kỳ vọng rất lớn từ xã hội, những thay đổi trong Luật này về hành vi tham nhũng sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trong Luật phòng chống tham nhũng năm 2005.

8

1.Điểm mới của Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 so với luật năm 2005.

Theo quy định tại Điều 3 Luật phòng chống tham nhũng năm 2005, các hành vi tham nhũng bao gồm: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.”

Theo quy định tại Điều 2 của Luật, các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

So với quy định của Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 về hành vi tham nhũng thì quy định của Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 có một số điểm mới sau:

Thứ nhất: Về cơ bản các hành vi tham nhũng vẫn được giữ nguyên, nhưng trong Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 quy định chung liệt kê thành 12 hành vi tham nhũng, tuy nhiên trong Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 phân chia thành 02 nhóm chính, trong khu vực nhà nước và ngoài khu vực nhà nước, điểm nổi bật đó là mở rộng phạm vi đấu tranh phòng chống tham nhũng sang khu vực tư nhân, một khu vực có sự phát triển và tầm quan trong rất lớn trong sự phát triển của đất nước và là khu vực “sân sau” được nâng đỡ bởi những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan Nhà nước, hai nhóm hành vi tham nhũng xác định bao gồm:

Nhóm 1: Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước, được quy định bao gồm 12 hành vi.

Nhóm 2: Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, được quy định bao gồm 03 hành vi.

Việc phân chia này là hoàn toàn phù hợp với cơ cấu tổ chức của Nhà nước cũng như phân loại được đối tượng tham nhũng phù hợp với tình hình thực tiễn ở nước ta. Đồng thời, việc mở rộng vấn đề đấu tranh phòng chống tham nhũng sang khu vực ngoài Nhà nước là phù hợp với như xu hướng của quốc tế.

Thứ hai: Kết cấu trong một số hành vi được quy định lại như sau:

Hành vi “Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi” được sửa đổi “Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi”

Hành vi “Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi” được sửa đổi “Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi”.

2.Một số hành vi tham nhũng

* Nhóm hành vi tham nhũng trong khu vực Nhà nước.

+ Tham ô tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức hoặc công dân của người có chức vụ, quyền hạn thành tài sản riêng của mình. Là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản do mình quản lý thành tài sản riêng.

+ Nhận hối lộ là hành vi của người có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện, không thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

+ Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản đây là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã vượt ra ngoài phạm vi quyền hạn của mình chiếm đoạt tài sản.

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi đây là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, công vụ và đã sử dụng chức vụ, quyền hạn, công vụ đó một cách trái phép nhằm mục đích vụ lợi. Hành vị đó gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân là do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện được hành vi gây thiệt hại.

+ Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, công vụ vượt quá quyền hạn được giao làm trái công vụ vì vụ lợi.

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn dùng ảnh hưởng của mình gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi.

+ Giả mạo trong công tác vì vụ lợi là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; làm, cấp giấy tờ giả; giả mạo chữ kí của người có chức vụ, quyền hạn khác hoặc vì vụ lợi.

+ Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi đây là hành vi của người có chức vụ quyền hạn thực hiện việc đưa hối lộ, môi giới hối lộ với mục đích giải quyết công việc của cơ quan, đơn vị, địa phương để trục lợi.

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi đây là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để sử dụng trài phép tài sản công nhưng không phải mục đích chiếm đoạt mà vì mục đích vụ lợi.

+ Nhũng nhiễu vì vụ lợi đây là hành vi cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhằm mục đích vụ lợi.

+ Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi đây là hành vi của những người có chức vụ, quyền hạn hoặc được giao thực hiện công vụ nhung không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì mục đích vụ lợi. Trong Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 chỉ quy định hành vi “Không thực hiện” là quy định trong phạm vi hẹp, không đầy đủ nên dễ bị “lách” việc Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 bổ sung thêm các hành vi “thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ” là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay.

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi hành vi này tách ra bao gồm hai vấn đề:

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi, đây là hành vi sử dụng chức vụ quyền hạn của mình cố ý bao che cho hành vi vi phạm pháp luật của người khác vì vụ lợi.

– Cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đây là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

* Nhóm hành vi tham nhũng ngoài khu vực Nhà nước.

Đó là: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

Nhóm hành vi này trong những năm gần đây xuất hiện nhiều theo đó có tình trạng tham ô tài sản, đưa, nhận hối lộ, môi giới hối lộ để móc nối giữa tư nhân với cán bộ, công chức, để giành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh hoặc chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp “sân sau” được sự nâng đỡ của những người có chức vụ, quyền hạn đang là những vấn đề nóng, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển lành mạnh của môi trường đầu tư, kinh doanh, gây bức xúc dư luận xã hội.

Quy định của Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 sẽ là cơ sở pháp lý nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác phòng chống tham nhũng ở nước ta.

Theo tapchitoaan.vn

Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/cong-dan-va-phap-luat-2/hanh-vi-tham-nhung-trong-luat-phong-chong-tham-nhung-nam-2018

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin