Hành hạ trẻ em: Sự thật nhức nhối

12/12/2016 07:42

Thật khó bình tĩnh được khi xem đoạn clip Nguyễn Thành Dũng (34 tuổi, quê An Giang) hành hạ bé S. (3 tuổi, người Campuchia). Bé S. là con nuôi của Dũng, vậy mà Dũng khai chích điện bé S. và quay clip để xem lại nhằm… giải trí.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn Internet))

Đã từng có những vụ hành hạ trẻ em được đưa ra ánh sáng nhưng đây là vụ có mức độ nghiêm trọng đặc biệt, tính chất và động cơ phạm tội rất lạ lùng. Lời khai của thủ phạm cho thấy sự nhẫn tâm, thậm chí có vẻ bệnh hoạn. Dũng cũng khai rằng có dùng ma túy đá và đổ lỗi cho ảo giác ma túy đá khiến hắn mất ý thức, đi đến những hành vi táng tận lương tâm.

Các nhà tâm lý học hiện đại khi nghiên cứu về tương quan người lớn - trẻ em trong xã hội đã sớm đưa ra cảnh báo việc người lớn hành xử với trẻ em như những công cụ, đồ vật để thực thi các mong muốn của mình, cho dù là những mong muốn đó tốt đẹp. Các chuyên gia bảo vệ quyền lợi trẻ em cũng cho rằng trẻ em cần được nhìn nhận như những nhân vị bình đẳng trong xã hội. Nhưng cho dù như thế thì trong đời sống, trẻ em vẫn được xếp vào nhóm chưa thể tự bảo vệ trước cái ác hay những xu hướng biến thái nhân cách khó ngờ. Vì vậy, cần sự bảo bọc của môi trường xung quanh, trước hết là gia đình và cộng đồng thiện chí.

Nếu những đoạn clip hành hạ bé S. không rò rỉ ra ngoài thì không ai đoán được số phận của đứa bé sẽ thế nào với những màn tra tấn lặp đi lặp lại chỉ để giải trí của người “cha nuôi” dùng ma túy đá và có tâm lý, hành vi tàn ác dị thường. Và từ đó, cũng có thể đặt ra câu hỏi còn biết bao đứa trẻ khác có cha mẹ là công nhân trong cái đồn điền cao su tăm tối ở vùng biên giới đó chịu những khổ hình như bé S.?

Trên thực tế, từ nhiều năm qua đã có những cuộc điều tra đường dây đưa trẻ em Campuchia sang TP HCM đi ăn xin dưới trướng những “cha nuôi mẹ nuôi” như Dũng. TP HCM cũng đã từng có chủ trương đưa người ăn xin trở về quê xứ hoặc cho vào các trung tâm bảo trợ xã hội nhưng những chủ trương đó chưa thật sự dứt khoát vì vướng nhiều vấn đề. Và ta lại thấy trên đường phố, những trẻ em nheo nhóc bị những kẻ chăn dắt cho dùng thuốc ngủ nằm vạ vật tạo ra thảm cảnh để gợi lòng từ tâm bố thí của người qua đường. Các em bị biến thành công cụ kiếm tiền cho những kẻ táng tận lương tâm…

Vậy thì câu chuyện Nguyễn Thành Dũng hành hạ bé S. là một vụ việc mang tính đánh động. Sự hợp tác điều tra từ cơ quan chức năng của hai nước Việt Nam và Campuchia ở trường hợp này có lẽ không nên dừng lại như một sự việc riêng lẻ mà cần mở rộng hơn, hướng tới triệt phá các đường dây buôn bán, bắt cóc, lạm dụng, chăn dắt trẻ em ăn xin trục lợi đang diễn ra ở dọc vùng biên giới.

Cả hai nước đều có những đạo luật bảo vệ trẻ em, việc còn lại là cần thực thi quyết liệt. Sự phối hợp của cơ quan chức năng cùng với sự giám sát, lên tiếng của cộng đồng là rất cần thiết để những đứa trẻ đang bị lạm dụng được giải cứu và trở về cuộc sống bình thường.

Theo NLD

Bạn đang đọc bài viết "Hành hạ trẻ em: Sự thật nhức nhối" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin