Hai quy định cấm cán bộ, công chức góp vốn vào doanh nghiệp: Cấm nhưng vẫn “tạo” kẽ hở ?

(Pháp lý) - Mặc dù cấm cán bộ, công chức, viên chức thành lập và quản lý doanh nghiệp nhưng để đảm bảo quyền làm giàu chính đáng của mọi công dân, Nhà nước ta vẫn cho phép họ góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp, Luật cán bộ công chức, Luật viên chức cho đến Luật Phòng, chống tham nhũng mới chỉ có hai quy định cấm cán bộ, công chức góp vốn vào doanh nghiệp. Đối với cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, ngoại trừ hai trường hợp quy định cấm góp vốn tại khoản 2 và khoản 4 Điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012 thì họ cũng có quyền góp vốn vào doanh nghiệp như mọi cán bộ, công chức, viên chức bình thường khác.

Quy định như vậy liệu đã đủ và đã bao quát được hết các trường hợp góp vốn không chính đáng của những cán bộ có chức vụ, quyền hạn hay chưa? Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Pháp lý đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Văn Đương, Phó Trưởng Ban Dân nguyện, UBTV Quốc hội.

Phóng viên: Thời gian qua, dư luận xôn xao và nghi ngờ trước việc một số cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý cấp cao sở hữu tài sản “khủng” tại các doanh nghiệp như: Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cùng gia đình có lượng cổ phần trị giá hàng trăm tỷ đồng tại Điện Quang; Chủ tịch TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ sở hữu khối tài sản gồm một số lô đất tại Quảng Nam, Đà Nẵng và nhiều cổ phần tại một số doanh nghiệp; hay như trước đó là vụ nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa để vợ và con thành lập và quản lý doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực mà mình quản lý trực tiếp khi còn đương chức…Và chắc hẳn vẫn còn nhiều trường hợp tương tự nữa chưa được phát giác.

Xin ông bình luận chung về những vụ việc này?

Ông Đỗ Văn Đương, Phó Trưởng Ban Dân nguyện, UBTV Quốc hội trao đổi với Phóng viên Pháp lý
Ông Đỗ Văn Đương, Phó Trưởng Ban Dân nguyện, UBTV Quốc hội trao đổi với Phóng viên Pháp lý)

Ông Đỗ Văn Đương: Doanh nghiệp có thể là “sân sau” của quan chức hay không? Câu hỏi này dư luận đặt ra rất nhiều và tôi tin là có. Vấn đề là chúng ta có quan tâm và quyết tâm đi tìm hay không? Nếu cứ phát động chống tham nhũng chung chung chắc chắn không thể giải quyết được gì mà phải tiến hành tổng rà soát điều tra trên toàn quốc và tại từng địa phương. Tiến hành xác minh cội nguồn của những tài sản khủng đó do đâu mà có, có từ bao giờ, có trước khi làm quan chức hay sau khi được bổ nhiệm làm quan lớn? Từ các hiện tượng, cơ quan chức năng phải đi sâu vào bản chất và làm có trọng tâm, trọng điểm, trước hết tập trung vào xác minh tài sản khủng của những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương. Đi sâu vào các dự án của doanh nghiệp xem có quan chức nào đứng sau? Có lợi ích gì trong đó? Giữ bao nhiêu cổ phần trong doanh nghiệp? Có được bao nhiêu căn hộ, biệt thự ở các dự án? Tôi xin khẳng định và chịu trách nhiệm về điều mình nói sau đây: Có hiện tượng nhiều doanh nghiệp móc nối với người có chức vụ quyền hạn (quản lý ngành và địa phương) có quyền quyết định việc đầu tư của doanh nghiệp và chính các quan chức thông qua doanh nghiệp “giúp” họ có tài sản “khủng” đồng thời chính các quan chức này (hoặc những người thân, người nhà của quan chức) có lượng cổ phần không hề nhỏ trong các doanh nghiệp đó. Đó có phải là phổ biến hay không cần được xác minh làm rõ ở từng bộ, ngành, địa phương, có như thế thì việc xử lý bản kê khai thu nhập, kê khai tài sản của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị mới rõ trắng, đen, để loại bỏ những người làm giàu bất chính ra khỏi bộ máy nhà nước

Khi truy xuất nguồn gốc tài sản của cán bộ lãnh đạo, có những vụ đã được kết luận vi phạm; có những vụ chưa có kết luận vì cần chờ xác minh, điều tra; có những vụ đã điều tra xong và đi kèm với kết luận là không có vi phạm do cán bộ lãnh đạo hay người thân của họ thực hiện quyền góp vốn của mình một cách đúng luật, không rơi vào hai trường hợp bị cấm tại khoản 2 và khoản 4 Điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng.

Cho dù về hình thức (sự giàu có của quan chức) có thể không vi phạm nhưng vẫn có gì đó không hợp lý, không thỏa đáng. Ông nghĩ sao về điều này?

Nếu thực sự những cán bộ công chức này làm giàu chân chính bằng năng lực, trí tuệ thì ai cũng khuyến khích. Nhưng nếu họ lợi dụng quyền lực, quyền hạn của mình, tức là lợi dụng quyền lực nhà nước lách “kẽ hở” của pháp luật để có được tài sản khủng thông qua doanh nghiệp, sở hữu căn hộ này, biệt thự kia…thì đó là hành vi “ăn cắp bằng con đường quan chức”, phải trừng trị thật nghiêm khắc thì mới trị được tham nhũng.

Có nhiều ý kiến cho rằng: hai quy định cấm cán bộ công chức góp vốn vào doanh nghiệp tại khoản 2 và khoản 4 Điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng vẫn có thể bị “lách”? Họ có thể “lách” bằng cách nào, thưa ông?

Khoản 2 Điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định là “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước”. Lách quy định này, trên thực tế thường họ (cán bộ công chức) sẽ tránh, không góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước nữa, mà sẽ góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành nghề mà mình thực hiện việc quản lý chung, quản lý gián tiếp thôi, nhưng thực tế, họ vẫn có quyền hạn, quyền lực để gây những ảnh hưởng nhất định đến các doanh nghiệp đó. Thậm chí là dùng quyền lực gây sức ép buộc các doanh nghiệp phải chấp thuận cho vợ/chồng của họ góp vốn, mua cổ phần hoặc doanh nghiệp cũng muốn như vậy để được “núp bóng” ông quan cho nhàn hạ, dễ bề hoạt động, thu nhiều lợi nhuận.

Đó là nói chung như vậy, còn trên thực tế có rất nhiều hình thức góp vốn biến tướng của quan chức. Tôi lấy ví dụ như các dự án của doanh nghiệp muốn được triển khai ở địa phương, vào được địa phương thì phải đi qua ông Bí thư tỉnh ủy, ông Chủ tịch tỉnh và doanh nghiệp sẵn sàng “tặng” một số cổ phần cho các quan chức này, hoặc người thân của họ, còn các ủy ban huyện, các sở chỉ là người thi hành nhưng khi quy chiếu trách nhiệm thì các sở, các ủy ban huyện lại là trách nhiệm trực tiếp, còn quan chức cấp trên thì chỉ là quản lý chung nên nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của khoản 2 Điều 37 này.

Trường hợp thứ hai là luật xác định chủ thể bị cấm ở đây chỉ là “người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó”, thì còn những cán bộ khác mặc dù không giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó cơ quan nhưng họ vẫn có chức vụ, quyền hạn nhất định (như các trưởng, phó phòng, ban…của cơ quan, đơn vị chẳng hạn) để tác động đến doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi quản lý của cơ quan họ. Thậm chí, những “cấp dưới có chức vụ, quyền hạn” này nhiều trường hợp còn là “cầu nối” cho các hành vi tham nhũng của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, nếu luật cấm những người thân thích như vợ hoặc chồng của những người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu góp vốn thì họ có thể cho con, bố, mẹ, anh chị em, thậm chí là bạn bè đứng tên góp vốn vào doanh nghiệp. Và tất nhiên người đứng tên kia chỉ là hình thức, chỉ là ngụy trang, còn vấn đề vốn góp bao nhiêu, biên bản góp vốn như thế nào, giấy tờ về căn hộ nọ, biệt thự kia là do “tôi” quyết định, “tôi” nắm giữ và lợi nhuận “tôi” hưởng.

Tương tự như vậy, quy định “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp” (khoản 4 Điều 37 Luật phòng chống tham nhũng) cũng có thể bị “lách” theo các cách thức nói trên.

Rõ ràng ở đây tuy quy định cấm, nhưng lại tạo “kẽ hở” đúng không ạ?

Đúng vậy!

Trước hết, chủ thể được quy định ở cả hai quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 37 nói trên còn quá hẹp, không bao quát hết các chủ thể cần phải cấm khi chỉ liệt kê: người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con của họ.

Thứ hai, dùng từ “quản lý trực tiếp” để xác định phạm vi doanh nghiệp không được góp vốn vô hình chung đã thu hẹp phạm vi điều chỉnh của quy định ngăn cấm này trong Luật Phòng, chống tham nhũng đi rất nhiều.

Theo ông, cần “lấp” kẽ hở trên như thế nào để không còn “đất” cho những cán bộ, công chức biến chất lợi dụng kẽ hở pháp luật để làm giàu không chính đáng cho bản thân và gia đình?

Như tôi đã nói ở trên, quy định cấm mà quá hẹp thì cần mở rộng ra: Mở rộng đối tượng chủ thể bị cấm kết hợp mở rộng phạm vi doanh nghiệp mà cán bộ công chức không được góp vốn.

Ở cả hai quy định, cần cấm các chủ thể sau: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của những người đó.

Phạm vi doanh nghiệp mà những người này không được góp vốn hoặc không được cho người thân kinh doanh chỉ cần liên quan đến lĩnh vực mà họ quản lý, liên quan đến chức vụ, quyền hạn của họ chứ không nhất thiết phải hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà họ quản lý trực tiếp.

Theo tôi, các nhà làm luật nên nghiên cứu sửa theo tinh thần này, có như vậy mới xử lý được hiện tượng các Chủ tịch tỉnh, các Bí thư tỉnh ủy, các Bộ trưởng hay Thứ trưởng có những chỉ đạo “ngầm” thông qua hoạt động của doanh nghiệp mà họ (hoặc người thân của họ) góp vốn để có tài sản “khủng” cho dù các doanh nghiệp đó không thuộc quyền quản lý trực tiếp của họ.

Mục đích tốt đẹp của hai quy định cấm tại khoản 2 và khoản 4 Điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành là để tránh các hành vi cán bộ lãnh đạo Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây lợi ích cho doanh nghiệp mà mình có cổ phần ở đó, hành vi này có thể tạo ra sự hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, tạo hiện tượng “lợi ích nhóm”, “vừa đá bóng vừa thổi còi”…và trên hết là để Phòng, chống tham nhũng. Vậy khi mà Luật Phòng, chống tham nhũng vẫn chưa được sửa đổi, thì phải xử lý như thế nào đối với các trường hợp mặc dù về bản chất đã không tuân thủ mục đích này nhưng về hình thức lại không vi phạm hai trường hợp bị cấm nói trên?

Đối với những trường hợp này, nếu điều tra ra và phát hiện thực sự có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để gây những lợi ích nhất định cho doanh nghiệp thì tùy mức độ sai phạm mà có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ…

Tuy nhiên nếu chỉ nhìn ở bề ngoài là những quan chức này có cổ phần tại một số doanh nghiệp không hoạt động trong phạm vi họ quản lý trực tiếp thì đúng là chưa vi phạm và hiện tại không thể xử lý về mặt pháp luật. Hiện tại pháp luật còn nhiều kẽ hở gây khó khăn cho việc xử lý. Vậy nên phải sửa luật để có căn cứ pháp lý truy cứu trách nhiệm thật nghiêm minh.

Nếu Luật Phòng, chống tham nhũng tới đây được sửa đổi theo hướng ông đề xuất ở trên (tức là bổ sung các đối tượng cán bộ, công chức và người thân bị cấm góp vốn vào doanh nghiệp đồng thời mở rộng phạm vi doanh nghiệp mà họ không được góp vốn), theo ông, cần kèm theo chế tài xử lý như thế nào khi có cán bộ vi phạm để đảm bảo tính nghiêm khắc của pháp luật?

Chắc chắn sau khi sửa đổi cùng với việc mở rộng chủ thể và phạm vi cấm góp vốn vào doanh nghiệp thì phải có quy định về chế tài xử lý vi phạm điều cấm đó để tùy theo tính chất mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật như cảnh cáo, cách chức, hạ bậc công tác, buộc thôi việc…hoặc truy cứu TNHS nếu hành vi nguy hiểm đến mức độ tội phạm.

Quốc hội đang có kế hoạch sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ chủ trì và yêu cầu phải xong trong nhiệm kỳ này. Hy vọng những vấn đề đã đề cập trên đây sẽ có trong chương trình sửa đổi đó để lập lại trật tự kỷ cương của đất nước, lập lại trật tự kỷ cương trong phòng, chống tham nhũng!

Xin cảm ơn ông rất nhiều!

Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 (sửa đổi bổ sung 2012)

Điều 37. Những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm

2. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.

4. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp.
Nghị định số 56/2015/NĐ-CP giải thích: Người đứng đầu là người được bầu cử, phê chuẩn để bổ nhiệm hoặc người được bổ nhiệm giữ chức vụ cấp trưởng trong các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập, được giao thẩm quyền trực tiếp quản lý, sử dụng, phân công nhiệm vụ và kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của công chức, viên chức.

Lan Hương

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin