Ban Tuyên giáo Trung ương vừa tổ chức giao lưu điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực phía Bắc năm 2019.
Tới dự buổi giao lưu có đồng chí Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương.
Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, hướng tới kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn một đời phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người và nhân loại. Người là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng - tấm gương cao đẹp nhất của người cộng sản, của người lãnh đạo suốt đời vì nước, vì dân. Người nêu gương suốt đời học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện, đặt lợi ích của cách mạng, của quốc gia, dân tộc, cuộc sống của Nhân dân lên trên hết thảy mọi mong ước của cá nhân.
Người đã đi xa nhưng đạo đức sáng ngời mà Người để lại là những di sản tinh thần vô giá cho mỗi chúng ta. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trở thành một việc làm thường xuyên và có ý nghĩa thiết thực trong mọi tầng lớp Nhân dân.
Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đến nay các đơn vị, địa phương trên cả nước đều đã triển khai và đạt được những kết quả rõ rệt, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Tại buổi giao lưu, khán giả đã được gặp gỡ với những tấm gương bình dị nhưng có sức lan tỏa sâu rộng trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác.
Đó là GS.TS Lê Đức Hinh, Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam với những công trình khoa học - những đóng góp thiết thực của ông đối với ngành Y. Ông cũng là người trực tiếp tham gia góp phần tích cực vào việc thanh toán bệnh bại liệt và viêm não Nhật Bản. Trong quá trình công tác của mình, ông được xem là người thầy của chuyên ngành thần kinh học, có nhiều đóng góp cho nền y học của Việt Nam. Ngoài giỏi về chuyên môn, GS.TS Lê Đức Hinh còn được biết đến là một thầy thuốc giầu y đức hết lòng vì người bệnh, nhất là những bệnh nhân nghèo.
Năm nay đã ngoài 80 tuổi, cái tuổi đáng ra được nghỉ ngơi nhưng ông vẫn tích cực tham gia cộng tác với các cơ sở y tế, phục vụ khám chữa bệnh cho Nhân dân. Đồng nghiệp và đặc biệt các bệnh nhân nghèo đang được ông điều trị luôn yêu quý, kính phục và biết ơn ông.
Chia sẻ với khán giả, GS.TS Lê Đức Hinh cho biết, kỷ niệm lần đầu được gặp Bác Hồ năm 1945 đã để lại trong ông nhiều ấn tượng sâu sắc. Lời dạy của Bác “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu” luôn in đậm trong tâm trí ông. Và lời dạy đó đã thôi thúc ông trở thành một bác sỹ, trị bệnh cứu người.
“Với vai trò của của người thầy thuốc, thầy giáo, tôi nghĩ rằng mình phải học tập suốt đời và tận tụy phục vụ người dân” - Ông cho biết.
Chị Vì Thị Thuận ở bản Lác (huyện Mai Châu, Hòa Bình) đã thành lập cơ sở bảo trợ Thuận Hòa để giúp những người khuyết tật ở địa phương có công ăn việc làm. Tại buổi giao lưu, chị Vì Thị Thuận đã tâm sự về những câu chuyện đồng hành với người khuyết tật để vượt qua khó khăn. Việc dạy nghề cho người khuyết tật đòi hỏi phải có một sự kiên trì và một tình cảm đặc biệt mà ít người có thể làm được như chị. Cái tên cơ sở bảo trợ Thuận Hòa cũng chính là tâm tư tình cảm của chị muốn gửi gắm, để các em trong cơ sở luôn thương yêu giúp đỡ nhau như một gia đình.
Chắc chắn rằng, tình yêu thương, cảm thông với những thân phận kém may mắn, thiệt thòi với tinh thần “thương người như thể thương thân” của một con người phụ nữ bình dị như chị Thuận đây sẽ tác động mạnh mẽ đối với mỗi cá nhân.
Là một người cán bộ gần dân, sát dân, dám nghĩ, dám làm, đó là chị Lê Thị Lụa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Những việc làm của chị đã góp phần thúc đẩy xã Việt Thành hoàn thành xây dựng nông thôn mới; từ một xã nghèo, đã và đang tiếp tục phấn đấu trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu.
“Xác định những khó khăn đặc thù của Việt Thành, do vậy khi xây dựng nông thôn mới, chúng tôi phải lựa chọn những tiêu chí quan trọng, thiết thực, chủ động làm trước như làm đường giao thông, chia xã thành 3 khu vực phù hợp với điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế. Cán bộ xã, cán bộ thôn cùng bắt tay với bà con nông dân thực hiện các công việc cụ thể” - Chị Lụa cho biết.
Con đường vươn tới ấm no quả thực gian khó, nhưng với những con người dám nghĩ, dám làm, luôn biết đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết như chị Lụa và các cấp ủy, chính quyền xã Việt Thành, chắc chắn, sẽ thu lại những mùa hoa thơm trái ngọt.
Đại diện cho các lực lượng vũ trang, Thượng tá Nguyễn Văn Giáp, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh mang tới buổi giao lưu tinh thần quyết tâm của những cán bộ chiến sỹ bộ đội biên phòng kiên cường, dũng cảm trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy đầy cam go, vất vả và khó khăn. Là một người chỉ huy từng tham gia nhiều chuyên án lớn về ma túy, Thượng tá Nguyễn Văn Giáp cho biết, một chuyên án cụ thể, đòi hỏi sự kiên trì, bản lĩnh, thông minh và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sỹ.
Là một trong những cán bộ chiến sỹ trực tiếp đấu tranh với các loại tội phạm về ma túy, điều trăn trở nhất của Thượng tá Nguyễn Văn Giáp là làm sao anh và các đồng đội làm tốt hơn công tác phòng ngừa, để làm giảm bớt các tội phạm ma túy, đẩy ma túy ra khỏi đời sống xã hội: “Chúng tôi mong muốn có một xã hội trong sạch, không có hiểm họa ma túy. Dù phải hy sinh gian khổ, chúng tôi vẫn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”.
Tham dự buổi giao lưu với những tình cảm đặc biệt dành cho các em học sinh, cùng với những ước mơ đưa Việt Nam bay cao, vươn xa hơn nữa trên con đường chinh phục tri thức của nhân loại, cô giáo Trần Thị Thúy, trường THPT Đức Hợp, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên là một giáo viên luôn biết cách truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ ngày nay.
Tự đặt mình vào vị trí của các em học sinh, gần gũi các em để hiểu được các em cần gì và mong muốn điều gì, cô Trần Thị Thúy đã ứng dụng những phương pháp dạy học hiệu quả, tạo hứng thú đối với người học.
Cô cũng là người đi đầu trong việc ứng dụng Skype vào giảng dạy, để học sinh của mình được giao lưu với học sinh, giáo viên và người dân các quốc gia khác nhằm nâng cao khả năng giao tiếp cũng như hiểu hơn về văn hoá trên thế giới.
Với những tâm huyết trong giảng dạy, cô giáo Trần Thị Thúy đã vinh dự lọt top 50 giáo viên được nhận Giải thưởng Giáo viên Toàn cầu (Global Teacher Prize) năm 2019. Đây là giải thưởng thường niên của Tổ chức Varkey Foundation (một quỹ từ thiện toàn cầu tập trung vào việc cải thiện các tiêu chuẩn giáo dục cho trẻ em kém may mắn) dành cho những giáo viên có đóng góp xuất sắc trong nghề dạy học, ghi nhận những nỗ lực sáng tạo, tìm tòi, nâng cao phương pháp, chất lượng giảng dạy và sức ảnh hưởng của giáo viên trong nước và thế giới.
Mỗi câu chuyện được kể tại buổi giao lưu chắc chắn sẽ là những bài học vô cùng quý giá đối với mỗi người; để chúng ta có thể tự soi, tự sửa, tự hoàn thiện mình hơn nữa trong việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh.
Có thể khẳng định tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến các tầng lớp trong xã hội. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh đã tạo ra nhiều kết quả thiết thực, ý nghĩa trên các lĩnh vực đời sống xã hội, trên khắp mọi miền của Tổ quốc.
Theo noichinh.vn
Nguồn bài viết: http://noichinh.vn/hoc-tap-va-lam-theo-tam-guong-dao-duc-hcm/201905/giao-luu-dien-hinh-tieu-bieu-trong-hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh-305658/