Hội Luật gia Việt Nam trong công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế

Quán triệt quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân, thời gian qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam đã chủ động triển khai các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế đáp ứng với yêu cầu trong tình hình mới.

 

Hội Luật gia Việt Nam đã phát huy mạnh mẽ vai trò là thành viên của Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL), Hiệp hội Luật Châu Á - Thái Bình Dương (COLAP), Hiệp hội Luật các nước Đông Nam Á (ALA) để vận động giới luật gia quốc tế ủng hộ các vấn đề liên quan đến Việt Nam, đặc biệt là vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, đóng góp thiết thực cho việc bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc. Hội cũng đã tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác song phương với Hội Luật gia, Đoàn Luật sư các nước trong khu vực và trên thế giới và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật(1).

Tích cực đấu tranh phản bác luận điểm sai trái của các cá nhân, tổ chức nước ngoài, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức Việt Nam

Phát huy vai trò là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực pháp luật, Hội đã lên tiếng đấu tranh, bày tỏ quan điểm trên các diễn đàn quốc tế để bảo vệ đường lối, chính sách đúng đắn và nhất quán của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phản bác các nhận định, luận điểm sai trái của các cá nhân, tổ chức nước ngoài về vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Sự kiện nổi bật trong mảng hoạt động này là Hội Luật gia Việt Nam đã cử đại diện tham gia Quy chế tham vấn giữa Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) và các tổ chức phi chính phủ trong khối ASEAN(2). Tại các diễn đàn của Quy chế này, Hội đã bác bỏ các thông tin sai trái về một số vụ việc ở Việt Nam mà các tổ chức phi chính phủ các nước khác nêu ra và ý kiến bác bỏ của Hội đã được chấp nhận.

Đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, lợi ích quốc gia, dân tộc

Hội Luật gia Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho công cuộc bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc thông qua việc luôn theo dõi sát sao tình hình Biển Đông để vận động giới luật gia quốc tế lên tiếng ủng hộ khi cần thiết. Hội đã vận động được IADL và COLAP nhiều lần ra tuyên bố phản đối những vi phạm của Trung Quốc trên Biển Đông và ủng hộ quan điểm, lập trường của Việt Nam trong vấn đề này (IADL: Năm 2019, 2020; COLAP: Năm 2019, 2020, 2023). 

1-1729136707.jpg

Đồng chí Trần Công Phàn - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký và đồng chí Trần Đức Long - Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Hội thảo quốc tế về Biển Đông với chủ đề “Tranh chấp trên Biển Đông và nhu cầu tăng cường hợp tác quốc tế” tại Mát-cơ-va Liên bang Nga năm 2022

Hội cũng đã phối hợp với IADL và Quỹ quốc tế Con đường hòa bình, Trung tâm Luật hòa bình của Liên bang Nga tổ chức 03 hội thảo quốc tế về vấn đề Biển Đông với chủ đề “Tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông”, “Tranh chấp trên Biển Đông và nhu cầu tăng cường hợp tác quốc tế” tại Liên Bang Nga trong năm 2019, 2022, 2023; phối hợp với Học viện Ngoại giao và Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông tổ chức hội thảo quốc tế về Biển Đông thường niên lần thứ XI tại Việt Nam; tham dự và trình bày tham luận tại nhiều Hội thảo trong nước và quốc tế về vấn đề Biển Đông, qua đó góp phần thông tin đến giới luật gia quốc tế về chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo, góp phần thiết thực vào công tác vận động, đấu tranh, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc.

Từ năm 2020 đến 2024, Trung ương Hội đã tổ chức hoạt động trưng bày ảnh thường niên với chủ đề “Luật gia Việt Nam với biển đảo quê hương” tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Cần Thơ và tỉnh Khánh Hòa. Đây là sự kiện trong chuỗi các sự kiện trưng bày ảnh thường niên do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức, nhằm khẳng định chủ quyền biển, đảo của đất nước, góp phần vào công cuộc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

2-1729136716.jpg

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam tham quan trưng bày ảnh “Luật gia Việt Nam với biển, đảo quê hương” tại Nha Trang Khánh Hòa năm 2024

Vận động giới luật gia quốc tế ủng hộ đòi bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam

Hội Luật gia Việt Nam luôn đồng hành cùng các nạn nhân chất độc da cam thông qua việc vận động và phối hợp chặt chẽ với Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) để đưa vụ kiện các công ty sản xuất hóa chất độc hại (trong đó có chất độc da cam/dioxin) ra tòa án Hoa Kỳ, đòi bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Vụ kiện đã gây tiếng vang lớn, tạo sức ép để Chính phủ Mỹ trong những năm vừa qua đã phối hợp với Chính phủ Việt Nam thực hiện tẩy độc dioxin ở một số điểm nóng của Việt Nam (Đà Nẵng, Biên Hòa) và thực hiện các chương trình hỗ trợ cải tạo nhà ở, dịch vụ y tế cho những người khuyết tật ở các tỉnh bị phun rải nặng chất độc da cam.

Gần đây nhất, khi biết tin Tòa phúc thẩm Paris sẽ xét xử vụ kiện của bà Trần Tố Nga (một nạn nhất chất độc da cam/dioxin) đối với các công ty hóa chất Hoa Kỳ vào ngày 07/5/2024, Hội Luật gia Việt Nam đã lập tức đề nghị IADL gửi thư ngỏ tới Tòa phúc thẩm Paris bày tỏ quan điểm phản đối quyết định của Tòa án sơ thẩm, đề nghị Tòa phúc thẩm Paris xem xét kỹ lưỡng mọi yếu tố liên quan nhằm đưa ra một phán quyết công bằng để các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam được bồi thường thỏa đáng cho những khổ đau mà họ đã và đang phải gánh chịu. Toàn văn thư ngỏ này do Hội Luật gia Việt Nam dự thảo gửi IADL phê chuẩn.

Giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với giới luật gia quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động

Trong nhiệm kỳ này, Hội Luật gia Việt Nam đã thiết lập quan hệ và ký kết Thỏa thuận hợp tác song phương với Ủy ban đối ngoại của thành phố Saint Petersburg (Liên bang Nga) và ký lại Thỏa thuận với Hội Luật gia bang California (Hoa Kỳ). Tính đến nay, Hội đã thiết lập và duy trì các quan hệ hợp tác song phương với 11 tổ chức luật gia của các nước trong khu vực và trên thế giới. Qua các hoạt động trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm với các hiệp hội nghề luật này đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Hội, tạo cơ hội để các hội viên của Hội thiết lập mối quan hệ nghề nghiệp với bạn bè đồng nghiệp quốc tế, đồng thời giới thiệu với bạn bè quốc tế về hệ thống pháp luật, tư pháp của Việt Nam cũng như quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước trong công cuộc cải cách pháp luật, tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. 

3-1729136716.jpg

Đồng chí Lê Thị Kim Thanh - Phó Chủ tịch Hội (thứ tư từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng cácđại biểu tham dự lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Hội Luật gia Việt Nam và Ủy ban Đối ngoại Thành phố Xanh Pê-téc-bua Liên bang Nga

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, lần đầu tiên Hội đã phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Vòng thi quốc gia phiên tòa giả định cho sinh viên luật toàn quốc để lựa chọn đội xuất sắc nhất tham dự cuộc thi phiên tòa giả định ASEAN (ASEAN Moot 2023), được tổ chức trong khuôn khổ Đại hội lần thứ XIV của Hiệp hội Luật các nước ASEAN (ALA) vào tháng 10/2023 tại Ma-lai-xi-a. Đội tuyển Việt Nam đã thể hiện sự nỗ lực hết sức và được vào vòng bán kết. Kết quả chung cuộc, 01 sinh viên Việt Nam đã giành được giải ba cho danh hiệu “Sinh viên tranh tụng hay nhất”, đồng thời đội Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với Ban tổ chức, giám khảo, các đội tuyển từ các quốc gia khác về kiến thức pháp lý, ngoại ngữ, khả năng tranh luận và tinh thần thân thiện của người Việt Nam. Kết quả này đã đóng góp tích cực cho lĩnh vực công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế của Hội, gây tiếng vang lớn cho Hội Luật gia Việt Nam trước cộng đồng luật gia trong khu vực. 

4-1729136716.jpg

Đồng chí Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch và đồng chí Lê Thị Kim Thanh - Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo, các bộ Trường Đại học Luật Hà Nội, các giám khảo và các thí sinh tham gia Vòng thi quốc gia ASEAN Moot 2023 tại Lễ bế mạc

Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật

Nhằm tăng cường năng lực cho hội viên và cán bộ các cấp hội, đồng thời góp phần hỗ trợ các hoạt động chuyên môn của Hội, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội đã huy động được nhiều dự án tài trợ của các tổ chức quốc tế và nước ngoài cho các hoạt động của Hội, bao gồm: dự án hợp tác với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP); Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF); Quỹ hỗ trợ các sáng kiến tư pháp (JIFF); Tổ chức ActionAid Việt Nam, Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới (BFTW) của Cộng hòa Liên bang Đức, Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ (ABA), Quỹ Hợp tác quốc tế về pháp luật Đức (IRZ)… Thông qua các hoạt động hợp tác, 13 Hội Luật gia tỉnh, thành phố và 01 trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Trung ương Hội(3) đã tham gia triển khai hoạt động của các dự án, trong đó có 6 Hội Luật gia tỉnh, thành phố tham gia ở hai dự án(4). Trong khuôn khổ hoạt động hợp tác này, Hội đã tổ chức 45 lớp tập huấn, hội thảo, trong đó tập trung vào mục tiêu nâng cao kiến thức, kỹ năng tham gia xây dựng pháp luật, kỹ năng phổ biến, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, với sự tham gia của 1.703 lượt cán bộ hội, tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên pháp luật. Đồng thời, các Hội Luật gia tỉnh, thành phố tham gia thực hiện các dự án đã tổ chức được 390 cuộc phổ biến, tư vấn pháp luật cho 18.750 người dân và phạm nhân, người chấp hành xong án phạt tù và tư vấn pháp luật miễn phí cho 1.600 lượt người dân.

5-1729136716.jpg

Đồng chí Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo tổng kết hoạt động tư vấn pháp luật trong lĩnh vực đất đai năm 2022 trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa Hội Luật gia Việt Nam và Tổ chức Bánh mỳ cho thế giới (BFTW) của Cộng hòa Liên bang Đức

(1)  Nguồn: Trung ương Hội Luật gia Việt Nam.

(2)Quy chế về tham vấn giữa AICHR và các tổ chức phi chính phủ trong các nước thành viên ASEAN nhằm mục đích thiết lập mối quan hệ tương tác mang tính chất xây dựng giữa AICHR và các tổ chức phi chính phủ ASEAN, góp phần tăng cường sự hợp tác khu vực trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền cơ bản của con người, quyền tự do phù hợp với Hiến chương ASEAN, Tuyên bố ASEAN về Nhân quyền (AHRD) và Tuyên bố Phnom Penh về việc thông qua Tuyên bố ASEAN về Nhân quyền được AICHR ban hành ngày 11/2/2015.

(3) Hội Luật gia thành phố Hà Nội, Hội Luật gia tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang, Thái Nguyên, Sóc Trăng, Hà Tĩnh và Trung tâm Tư vấn pháp luật cộng đồng và trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên.

(4)Dự án nâng cao năng lực phổ biến, tư vấn pháp luật trong lĩnh vực đất đai giai đoạn 2020 - 2023 và Dự án Tư vấn pháp luật cho nạn nhân và người mới chấp hành xong án phạt tù giai đoạn 2018 - 2021 và giai đoạn 2 từ 2022 -2024 do Tổ chức Bánh mỳ cho thế giới tài trợ.

Trần Văn Lâm (Ban Nội chính Trung ương)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin