Phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong điều tra tội phạm rửa tiền: Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý

17/03/2024 17:30

(Pháp Lý). Qua nghiên cứu, cho đến hiện nay, có một số vụ án thông qua điều tra tội phạm nguồn, cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố tội phạm rửa tiền. Ngoài việc điều tra mở rộng các vụ án về tội phạm nguồn, cơ quan điều tra hoàn toàn có thể chủ động phát hiện, khởi tố và điều tra các vụ án “rửa tiền” với tư cách là tội danh độc lập mặc dù đây là hướng điều tra phức tạp hơn. Để tổ chức tốt quan hệ phối hợp giữa cơ quan điều tra với viện kiểm sát trong điều tra tội phạm rửa tiền, cần chú ý và nghiên cứu nhiều vấn đề pháp lý quan trọng…

1-1679890640.jpg

Tội phạm rửa tiền đang trở thành vấn nạn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nguồn: Internet

Thực trạng phát hiện tội phạm rửa tiền trong điều tra các vụ án hình sự

Rửa tiền được định nghĩa tại khoản 1 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2018 “là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có”. “Luật mẫu về rửa tiền và tài trợ khủng bố” do Cơ quan Liên hiệp quốc về ma tuý và tội phạm (UNODC) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ban hành năm 2005 có đưa ra quan điểm: “Rửa tiền có thể được mô tả là quá trình một người che dấu hoặc biến đổi hình thức hoặc nguồn gốc của các tài sản thu được bất hợp pháp làm cho những tài sản đó xuất hiện dưới dạng có nguồn gốc từ các nguồn hợp pháp”. Mặc dù có sự khác biệt song hai định nghĩa đều xác định đối tượng của hành vi rửa tiền là tài sản bất hợp pháp, trong đó pháp luật Việt Nam xác định là phạm vi hẹp hơn, chỉ gồm tài sản do phạm tội mà có.

Như vậy, hành vi rửa tiền luôn phải gắn với tội phạm nguồn, hành vi phạm tội (hoặc vi phạm pháp luật) là nguồn gốc của tài sản bất hợp pháp. Khoản 1, Điều 3 Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24/5/2019 của Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 324 Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền (Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP) đã quy định: “Tội phạm nguồn là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự và tài sản có được từ tội phạm đó trở thành đối tượng của tội rửa tiền”. Vì vậy, về lý thuyết, quá trình điều tra các tội phạm trong Bộ luật Hình sự mà thông qua thực hiện tội phạm đó người phạm tội có thể chiếm đoạt hoặc thu được khoản lợi ích bất hợp pháp. Cần lưu ý, việc thu được lợi ích bất hợp pháp không nhất thiết phải được mô tả trong nội dung điều luật. Chẳng hạn, “tội giết người” (Điều 123) hoặc “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” (Điều 134) mặc dù điều luật không quy định về việc thu lợi bất hợp pháp nhưng trong thực tế, người phạm tội có thể thực hiện các tội phạm này có thể được người khác trả tiền để làm việc đó.

Qua nghiên cứu, cho đến hiện nay, có một số vụ án thông qua điều tra tội phạm nguồn, cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố tội phạm  rửa tiền, cụ thể:

Vụ án 1: “Tham ô tài sản” tại Vinashinlines. Đây là vụ án rửa tiền đầu tiên được khởi tố, điều tra và xét xử tại Việt Nam.

Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines) là doanh nghiệp Nhà nước. Quá trình thực hiện dự án mua tàu và khai thác, kinh doanh cho thuê tàu biển, bị can Trần Văn Liêm - Tổng Giám đốc, Giang Kim Đạt - Quyền Trưởng phòng kinh doanh, Trần Văn Khương - Kế toán trưởng Vinashinlines lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thông qua công ty môi giới đàm phán, thỏa thuận với công ty bán tàu, công ty thuê tàu để “gửi giá” vào 03 hợp đồng mua, 09 hợp đồng thuê tàu của Vinashinlines, để tiền ngoài sổ sách kế toán của Vinashinlines 260.506.950.830 VND.

Toàn bộ số tiền nêu trên, Đạt đề nghị “đối tác” gửi vào tài khoản của ông Giang Văn Hiển (bố đẻ của Đạt). Trước khi gửi tiền, Đạt đều nói trước với ông Hiển nên ông Hiển nhận thức được số tiền công ty nước ngoài chuyển vào tài khoản của mình là tiền “hoa hồng” mà Đạt được hưởng bất hợp pháp. Để che giấu, từ năm 2006 đến 2010, ông Hiển đã mở 22 tài khoản ngoại tệ tại 04 ngân hàng ACB, Eximbank, Sacombank và Vietcombank và 92 lần nhận tiền từ các công ty nước ngoài chuyển vào với tổng số 15.974.390,33 USD, tương đương 260.506.950.830 VND. Ông Hiển đã rút tiền đưa cho Đạt để đưa cho Trần Văn Liêm 3.109.739,692 VND và Trần Văn Khương 1.772.320.000 VND. Số tiền còn lại 255.624.891.138 VND, ông Hiển sử dụng để mua 40 bất động sản đứng tên Giang Văn Hiển và người thân trong gia đình, mua đi bán lại 13 xe ô tô, gửi tiết kiệm. Tại Bản án số 553/2017/HSPT ngày 18/8/2017, Toà án đã tuyên bị cáo Giang Văn Hiển phạm tội “Rửa tiền” theo Điều 251 Bộ luật Hình sự năm 1999 với hình phạt 12 năm tù giam.

Vụ án 2: Vụ án tại Công ty TNHH đầu tư phát triển An ninh công nghệ cao (Công ty CNC) và Công ty CP VTC truyền thông trực tuyến (Công ty VTC).

Trong vụ án này, Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch HĐTV Công ty CNC cùng Phan Sào Nam,  Giám đốc Công ty VTC và các đồng phạm khác, trong 28 tháng, đã vận hành chương trình phần mềm và giải pháp công nghệ có tích hợp game bài đánh bạc “Rikvip/Tip.Club”, “23Zdo”, “Zon/Pen”, tạo dựng hệ thống 25 “đại lý cấp 1”, 5.877 “đại lý cấp 2” để cung cấp dịch vụ chuyển đổi điểm ảo trong game ra tiền thật và ngược lại, lôi kéo được 42.950.805 tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến. Tổng thu lời bất chính thông qua hoạt động nạp tiền, thẻ vào dịch vụ tổ chức đánh bạc trái phép là 9.853.227.342.109 đồng.

Hành vi rửa tiền của Nguyễn Văn Dương và Đoàn Thị Thu Hà, Kế toán Công ty CNC: Dương chỉ đạo Hà góp vốn, nâng khống vốn điều lệ tại Công ty CP Đầu tư UDIC do Dương làm Chủ tịch HĐQT. Sau đó, Dương thành lập các công ty đứng tên trên danh nghĩa nhưng thực tế không có hoạt động kinh doanh. Dương còn nhờ người thân quen đứng tên ký hợp đồng ủy thác đầu tư nhằm mục đích rút tiền ra khỏi Công ty UDIC. Sau khi nhận được tiền hưởng lợi 1.655 tỷ đồng từ tổ chức đánh bạc do Công ty VNPT EPAY và Công ty GTS thanh toán bằng tiền mặt, Dương chỉ đạo Đoàn Thị Thu Hà ghi nhận lại giá trị các hợp đồng ủy thác, hoàn trả tiền cho Công ty UDIC. Cuối cùng, Dương bán cổ phần tại Công ty UDIC cho Công ty Cổ phần Xây dựng cầu đường Sài Gòn với trị giá 329.787.000.000 đồng. Tuy nhiên, Công ty này mới thanh toán cho Dương 270.000.000.000 đồng, còn nợ 59.787.000.000 đồng. Dương dùng số tiền này mở sổ tiết kiệm tại ngân hàng TP Bank 150.000.000.000 đồng; đầu tư mua 02 tầng 05 và 06 tòa nhà ICON4 trị giá 61.502.896.410 đồng, số tiền còn lại Dương sử dụng cá nhân. Nguồn tiền thu được từ tổ chức đánh bạc sau khi làm thủ tục nâng khống vốn vào Công ty UIDC được rút ra đã trở thành tiền hợp pháp tổng số là 329.787.000.000đ.

2-1679890648.jpg

Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương – 2 bị cáo đầu vụ trong vụ án tại Công ty TNHH đầu tư phát triển An ninh công nghệ cao (Công ty CNC) và Công ty CP VTC truyền thông trực tuyến (Công ty VTC).

Hành vi rửa tiền của Phan Sào Nam và Phan Thu Hương (dì ruột Nam): qua việc tổ chức đánh bạc, Nam thu lời bất chính 1.475.063.029.176 đồng. Nam “rửa tiền” bằng cách ký kết các hợp đồng kinh tế, thanh toán hóa đơn khống với các công ty đối tác, sau đó các công ty đối tác sẽ giữ lại một phần theo tỷ lệ thoả thuận, chuyển số tiền còn lại cho Nam. Sau khi nhận được số tiền này, Nam mượn tài khoản của Vũ Hà Phương (kế toán Công ty Nam Việt), Đỗ Thế Sơn (cậu họ Nam) để chuyển vào tài khoản bà Phan Thu Hương số tiền 236.069.275.930 đồng. Bà Hương biết đây là số tiền do Nam “tổ chức đánh bạc” mà có nhưng đã giúp Nam bằng cách sử dụng số tiền trên để gửi tiết kiệm và kinh doanh đầu tư mua nhà, đầu tư kinh doanh khác để hợp pháp hóa số tiền Nam gửi. Thực tế, Nam đã sử dụng số tiền thu được từ việc tổ chức đánh bạc như sau: dùng 92.820.000.000 đồng để góp vốn vào 05 công ty; 3,5 triệu USD gửi tại Ngân hàng Bank of Singapore; nhờ Phí Quang Hưng đứng tên mua 11 căn hộ tại khu Đô thị Vila Park TP Hồ Chí Minh, trị giá hợp đồng là 111.951.956.018 đồng; chuyển tiền mua 02 căn hộ đứng tên Hoàng Thành Trung, trị giá hợp đồng 27.957.802.108 đồng.

Vụ án 3: Vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty Địa ốc Alibaba.

Trong vụ án này, Nguyễn Thái Luyện (Tổng giám đốc Công ty địa ốc Alibaba) và 21 đồng phạm đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.264 tỉ đồng của 4.316 nạn nhân. Luyện thành lập 22 công ty trực thuộc hệ thống Alibaba, giao những người thân trong gia đình hoặc thân tín của Luyện làm người đại diện theo pháp luật, sau đó tổ chức mua một số lượng lớn đất nông nghiệp. Để có tiền mua đất, Công ty Alibaba và các công ty cùng hệ thống tự lập dự án dân cư, phân lô trái pháp luật, đưa ra các thông tin không có thật như đây là các dự án có tính pháp lý đầy đủ, tự đặt tên các dự án để kêu gọi, ký hợp đồng bán đất nền dưới dạng thổ cư nhằm huy động tiền từ khách hàng. Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Alibaba cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng. Hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán đều không nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới dạng thổ cư như cam kết khi đến hạn, mà sẽ được Công ty Alibaba chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.

Cũng trong vụ án này, Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) và Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) bị truy tố thêm tội “rửa tiền”. Nguyễn Thái Lực sử dụng 01 tài khoản (số 179797988) để nhận tiền từ Mai chuyển và đi rút tiền mặt giao lại cho Mai. Ngày 21/11/2018, Mai chỉ đạo Nguyễn Thái Lĩnh (em trai Luyện) nộp 50 tỉ đồng vào tài khoản Lực, sau đó chỉ đạo Lực rút, mở sổ tiết kiệm số tiền 50 tỉ đồng, kỳ hạn 6 tháng tại Ngân hàng ACB. Nguồn gốc 50 tỉ đồng đều là tiền khách hàng thanh toán tiền mua nền đất tại Công ty Alibaba. Sau đó, theo chỉ đạo của Mai, Lực rút 31 tỉ đồng, mở sổ tiết kiệm cho Huỳnh Thị Kim Thắng đứng tên tại Ngân hàng ACB. Thắng rút số tiền 18 tỉ đồng trong sổ tiết kiệm, mua hai căn nhà tại tỉnh Đồng Nai. Còn lại 13 tỉ đồng vẫn giữ trong sổ tiết kiệm. Sau khi Cơ quan Công an khởi tố vụ án, ngày 19/9/2019, Mai chỉ đạo Thắng chuyển toàn bộ số tiền gốc và lãi là hơn 13.9 tỉ đồng vào tài khoản do Mai đứng tên Ngân hàng ACB. Cùng ngày 19/9/2019, Mai chuyển 13 tỉ đồng vào tài khoản của Lực, rồi chỉ đạo Lực rút ra và giao lại cho Mai.

Vụ án 4: Vụ án buôn lậu tại Công ty TNHH Nhật Cường.

Trong vụ án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố Bùi Quang Huy - Tổng giám đốc Công ty về tội “buôn lậu” và “rửa tiền”. Từ trích xuất dữ liệu điện tử trên hệ thống của Công ty Nhật Cường, cơ quan điều tra phát hiện Bùi Quang Huy và đồng phạm đã thông qua 2 tiệm vàng tại Hà Nội là Lộc Phát (ở phố Hà Trung, do Nguyễn Thị Thanh Loan làm chủ) và Thuận Phát (ở phố Hàng Dầu, do Bùi Thanh Phượng điều hành) để chuyển tiền hàng, tiền cước vận chuyển hàng lậu vào các tài khoản của chủ hàng và đường dây vận chuyển ở nước ngoài. Công ty Nhật Cường thông qua hai tiệm vàng này để đổi ngoại tệ và chuyển vào tài khoản nước ngoài do các chủ hàng yêu cầu. Tiệm vàng Lộc Phát đã chuyển hơn 1.700 tỉ đồng (tiền mặt 1.100 tỉ đồng và chuyển khoản hơn 600 tỉ đồng) vào 21 tài khoản của 12 cá nhân. Tiệm vàng Thuận Phát chuyển gần 800 tỉ đồng (tiền mặt 487 tỉ đồng và chuyển khoản 308 tỉ đồng) vào 14 tài khoản của 8 cá nhân. Nguyễn Thị Thanh Loan, Bùi Thanh Phượng và những người liên quan khai có nhận tiền do Công ty Nhật Cường để chuyển vào các tài khoản được chỉ định nhưng không thừa nhận việc chuyển tiền ra nước ngoài. Do Huy là người trực tiếp liên hệ, thuê Loan, Phượng chuyển tiền ra nước ngoài, đang bỏ trốn, chưa truy bắt được nên Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tạm đình chỉ điều tra với Cường.

Vụ thứ 5: Vụ án buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới do Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức “Mười Tường”) cầm đầu.

Trong vụ án này, Nguyễn Thị Kim Hạnh bị Cơ quan An ninh điều tra tỉnh An Giang khởi tố về các hành vi “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”, “Buôn lậu đường cát”; “Buôn lậu 51kg vàng”; “Vận chuyển trái phép 670.000 USD qua biên giới”. Năm 2021, bị can này bị khởi tố thêm tội danh “rửa tiền”. Từ năm 2010 đến năm 2020, bà Hạnh đã thành lập nhiều công ty, hộ kinh doanh để người thân, người làm công đứng tên nhằm hợp thức hóa việc buôn lậu đường cát và nhiều hàng hóa nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam. Để che giấu nguồn gốc tiền thu được từ buôn lậu, Hạnh trực tiếp lập hàng chục tài khoản ngân hàng và yêu cầu người thân, người làm công lập nhiều tài khoản ngân hàng khác để thu tiền bán đường của 33 đầu mối tại các tỉnh: Trà Vinh, Bến Tre và TP Cần Thơ với tổng số tiền trên 4.100 tỉ đồng. Ngoài Hạnh, các ông Nguyễn Văn Sang, Nguyễn Văn Võ đều là cựu cán bộ Công an tỉnh An Giang cũng bị khởi tố về hành vi “rửa tiền” vì đã cho Hạnh sử dụng tài khoản để chuyển tiền thu được từ các hoạt động buôn lậu.

Vụ thứ 6: Vụ án trốn thuế tại Công ty TNHH Phú Cường và Công ty TNHH MTV Sông Thoại (An Giang).

Ngày 22/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ngô Phú Cường về hành vi “Trốn thuế”. Ngô Phú Cường là người trực tiếp quản lý điều hành hoạt động kinh doanh mua bán cát tại Công ty Phú Cường do Cường đứng tên đại diện pháp luật và Công ty TNHH MTV Sông Thoại do con gái Cường đứng tên đại diện pháp luật. Từ năm 2016 đến năm 2020, Ngô Phú Cường đã trực tiếp giao dịch mua bán cát với một số công ty trong và ngoài tỉnh An Giang, với tổng doanh thu trên 63,4 tỷ đồng thanh toán vào 2 số tài khoản cá nhân do Ngô Phú Cường đứng tên. Toàn bộ số doanh thu này, Ngô Phú Cường không xuất hóa đơn khi xuất bán cát, không ghi chép vào sổ sách kế toán và kê khai thuế trong các công ty do Cường quản lý. Kết luận giám định của Cục thuế tỉnh An Giang xác định: Số tiền thiệt hại giảm nộp ngân sách nhà nước do hành vi vi phạm pháp luật về thuế của 02 Công ty là trên 19 tỷ đồng. Quá trình mở rộng điều tra, Cơ quan điều tra xác định Ngô Phú Cường đã dùng số tiền 2,4 tỷ đồng, trong tổng số tiền trên 19 tỷ đồng trốn thuế để thực hiện giao dịch mua bán chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Qua các vụ án trên cho thấy, với các vụ án mà tội phạm được khởi tố có tính chất chiếm đoạt hoặc tạo ra lợi nhuận bất hợp pháp, nếu cơ quan điều tra và các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện việc điều tra mở rộng thì hoàn toàn có thể xác định và khởi tố về tội danh “rửa tiền”. Tuy nhiên, riêng đối với “Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã” quy định tại Điều 234 Bộ luật Hình sự, trong những năm gần đây, mỗi năm tại Việt Nam đã có khoảng 130 vụ án/năm được điều tra, truy tố, xét xử. Trong nhiều vụ án, đối tượng phạm tội có thể thu lợi rất lớn. Theo một nghiên cứu được công bố trên Bản tin vắn số 335 (7/2021) của Trung tâm Nghiên cứu Rừng quốc tế (CIFOR) thì tổng doanh thu và lợi nhuận hàng năm từ buôn bán trái phép động vật hoang dã ở Việt Nam ước tính lần lượt là 66,5 triệu USD và 21 triệu USD. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, chưa có vụ án nào về buôn bán động vật hoang dã trong đó có khởi tố, điều tra và xử lý về hành vi rửa tiền.

Ngoài việc điều tra mở rộng các vụ án về tội phạm nguồn, Cơ quan điều tra hoàn toàn có thể chủ động phát hiện, khởi tố và điều tra các vụ án “rửa tiền” với tư cách là tội danh độc lập mặc dù đây là hướng điều tra phức tạp hơn.

Vụ thứ 7: Vụ đường dây rửa tiền xuyên quốc gia tại Hà Nội.

Vụ án này có 5 đối tượng gồm: Lê Thị Huyền Trang, Hồ Ngọc Dương, Nguyễn Hồng Hải, Nguyễn Đình Việt Anh và Lin Ren Feng. Năm 2000, Trang đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan (Trung Quốc) và có quen một đối tượng tên Trấn, người Đài Loan. Trấn rủ Trang tham gia rửa tiền bằng cách: Trấn chuyển tiền từ nước ngoài vào các tài khoản ngân hàng do Trang quản lý ở Việt Nam, Trang rút tiền và đưa cho người do Trấn chỉ định và được hưởng 23% tổng số tiền rút được.

Năm 2015, sau khi về nước, Trang rủ thêm Hồ Ngọc Dương (SN 1974, trú tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), Nguyễn Hồng Hải (SN 1972, trú tại phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) và Nguyễn Đình Việt Anh (SN 1992, trú tại huyện Thanh Trì) cùng tham gia. Các đối tượng đã làm 3 CMND giả dán ảnh của Hoàng Anh Quang (SN 1992, trú tại tổ 25, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy), sau đó nhờ Quang đi mở tài khoản tại các ngân hàng khác nhau để rút tiền. Mỗi lần rút được tiền, Quang nhận được 1% tổng số tiền rút được.

Từ ngày 9/11/2015 đến khi 15/11/2015, Trấn đã 4 lần chuyển tiền với tổng số tiền là hơn 2 tỷ đồng về Việt Nam. Quang đã rút được số tiền này giao lại cho Trang. Theo chỉ đạo của Trấn, Trang chuyển 1,54 tỷ đồng cho Lin Ren Feng, giữ lại 500 triệu đồng để chia cho các đối tượng tham gia theo tỷ lệ đã thỏa thuận.

Vụ thứ 8: Vụ việc có dấu hiệu rửa tiền thông qua hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá.

Tháng 6/2019, Cục Cảnh sát kinh tế Bộ Công an phát hiện 02 doanh nghiệp Việt Nam là Công ty BT và Công ty TT đều đăng ký kinh doanh tại Quảng Ninh có nhiều biểu hiện bất thường trong kinh doanh nhập khẩu và xuất khẩu hàng hoá, nghi vấn thực hiện hoạt động rửa tiền. Kết quả xác minh xác định 02 công ty này không hoạt động tại địa chỉ đăng ký nhưng lại mở tờ khai nhập khẩu hàng hoá theo hình thức nhập kinh doanh qua cửa khẩu Lào Cai từ Công ty Idel có địa chỉ từ Hồng Kông. Mặt hàng nhập khẩu là “điện trở dùng trong bộ xử lý trung tâm của điện thoại” có giá trị 42 triệu USD, tương đương gần 1.000 tỷ VND. Sau đó, 02 doanh nghiệp này lại làm thủ tục xuất khẩu theo hình thức xuất kinh doanh qua cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên) chính hàng hoá đó với trị giá xuất khẩu là 80 triệu USD, tương đương hơn 1.800 tỷ đồng cho đối tác là Công ty Say-Xa-Van ở tỉnh Luông-Nậm-Thà, Lào. Đi sâu tìm hiểu, phát hiện Công ty Say-Xa-Van này sau đó lại xuất số hàng trên cho 01 công ty ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc (tỉnh này giáp ranh với Lào Cai và Điện Biên). Xác minh dòng tiền cho thấy Công ty Say-Xa-Van đã chuyển tiền cho Công ty BT và Công ty TT và 02 công ty này lại chuyển tiền trả cho Công ty Idel (Hồng Kông).

Căn cứ vào nội dung vụ việc, các cán bộ điều tra nhận định vụ việc có dấu hiệu hoạt động “rửa tiền” song gặp vướng mắc trong việc phối hợp với Cảnh sát các nước để xác định chính xác nguồn tiền đưa vào giao dịch. Vụ việc hiện vẫn chưa kết luận được.

Quan hệ phối hợp giữa cơ quan điều tra và viện kiểm sát trong điều tra tội phạm rửa tiền

Cơ quan điều tra và viện kiểm sát là hai hệ thống cơ quan tiến hành tố tụng theo pháp luật tố tụng hình sự. Trong hoạt động điều tra vụ án hình sự, viện kiểm sát và cơ quan điều tra có quan hệ chế ước và quan hệ phối hợp. Hai mối quan hệ này cần phải được phân định một cách rõ ràng để đảm bảo thực thi đúng quyền năng tố tụng hình sự của từng cơ quan. Trong đó, quan hệ phối hợp giữa cơ quan điều tra và viện kiểm sát là sự hợp tác giữa hai cơ quan để đảm bảo thực hiện mục đích chung là thu thập đầy đủ, khách quan tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội, làm rõ các vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự để làm cơ sở truy tố. Nội dung của quan hệ phối hợp thể hiện ở việc cả hai cơ quan đều phải tạo điều kiện để cùng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của nhau; thể hiện ở việc giữa hai cơ quan có sự bàn bạc, trao đổi về những vấn đề cần làm rõ, những vấn đề cần chứng minh; trong chuyển các quyết định, hồ sơ, tài liệu cho nhau để xem xét, đánh giá; cùng nhau xây dựng, thống nhất các kế hoạch, phương hướng điều tra; thống nhất thời điểm ban hành các lệnh, quyết định tố tụng, bố trí nhân lực, phương tiện triển khai sao cho thuận lợi, hiệu quả...

3-1679890648.png

(Ảnh minh họa)

Để tổ chức tốt quan hệ phối hợp giữa cơ quan điều tra với viện kiểm sát trong điều tra tội phạm rửa tiền, cần chú ý đến các vấn đề sau:

Thứ nhất, cần thống nhất về mặt nhận thức trong lãnh đạo cơ quan điều tra, lãnh đạo viện kiểm sát, điều tra viên, cán bộ điều tra, kiểm sát viên về tội phạm rửa tiền và phương châm đấu tranh, xử lý tội phạm rửa tiền. Việc nhận thức không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là những cán bộ trực tiếp tham gia điều tra, kiểm sát, chỉ đạo hoạt động điều tra, kiểm sát các vụ án về tội phạm rửa tiền sẽ dẫn đến vướng mắc trong đường hướng xử lý, gây mất thời gian không đáng có. Qua thực tiễn điều tra và phối hợp trong điều tra các vụ án có khởi tố về tội phạm rửa tiền có một số vấn đề sau đây thường phát sinh những nhận thức khác nhau, cần phải thống nhất:

- Về mặt phương châm đấu tranh, cần xác định phát hiện, điều tra, xử lý có hiệu quả tội phạm rửa tiền là giải pháp quan trọng trong phòng ngừa tội phạm. Nếu đối tượng phạm tội có thể sống sung túc từ những khoản tiền bất hợp pháp hoặc “hi sinh đời bố, củng cố đời con” thì không thể ngăn chặn được việc hình thành động cơ, ý thức phạm tội của họ. Hơn nữa, có chứng minh được sự luân chuyển của các dòng tiền “bẩn” mới có khả năng thu hồi triệt để các khoản tài sản, thu nhập bất hợp pháp từ các hoạt động phạm tội theo đúng chủ trương chung của Đảng và Nhà nước. Phát hiện, xử lý nghiêm minh các đối tượng rửa tiền còn giúp làm minh bạch hoá nền kinh tế, tạo cơ hội thực sự, bảo vệ lợi ích của những người, doanh nghiệp kinh doanh, làm ăn lương thiện, chân chính... Có xác định đúng phương châm, những người tiến hành tố tụng mới có thái độ đúng đắn, tích cực, quyết tâm và chủ động trong phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm rửa tiền.

- Xác định về tài sản, tiền do phạm tội mà có: Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP quy định các căn cứ gồm: (1) Bản án, quyết định của Tòa án; (2) Tài liệu, chứng cứ do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cung cấp (ví dụ: Quyết định khởi tố vụ án, Kết luận điều tra, Cáo trạng...); (3) Tài liệu, chứng cứ khác để xác định hành vi phạm tội (ví dụ: tài liệu, chứng cứ của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), Lực lượng Đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF), tài liệu tương trợ tư pháp về hình sự...). Thực tế, cơ quan điều tra thường xác định tài sản do phạm tội mà có dựa trên các chứng cứ chứng minh tội phạm nguồn trong vụ án đang được điều tra chứ không phải đến khi có kết luận cuối cùng về tội phạm nguồn. Vì vậy, không nên quá cứng nhắc khi áp dụng quy định trên của Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP.

- Về chủ thể của tội phạm rửa tiền, trước đây thường có nhận thức việc người phạm tội thực hiện tội phạm nguồn, đã chiếm đoạt một khoản tài sản hoặc thu được một khoản lợi ích bất hợp pháp sau đó họ dùng tài sản bất hợp pháp đó để gửi tiền vào ngân hàng, đầu tư mua tài sản, đưa vào hoạt động kinh doanh... không coi là phạm tội rửa tiền. Chỉ người nhận các khoản tiền đó từ người thực hiện tội phạm nguồn mới là chủ thể của tội rửa tiền. Sở dĩ có nhận thức như trên vì việc chứng minh ý thức “nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản” là rất phức tạp. Đối tượng thường khai nhận gửi tiền vào ngân hàng, mua bán tài sản, kinh doanh... là để kiếm lời chứ không có ý thức che dấu nguồn gốc. Hiện nay, nhận thức về vấn đề này đã có sự thay đổi. Việc đánh giá ý thức che dấu nguồn gốc tài sản cần căn cứ vào các chứng cứ chứng minh hành vi khách quan như nhờ người khác mở tài khoản, mua tài sản nhưng cho người khác đứng tên, bỏ vốn thành lập doanh nghiệp cho người khác là đại diện phần vốn... thì hoàn toàn có đủ cơ sở để xác định người thực hiện tội phạm nguồn có hành vi rửa tiền.

- Về căn cứ để xác định “có cơ sở để biết tiền, tài sản là do người khác phạm tội mà có”: Mặc dù Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP đã có hướng dẫn 4 trường hợp tuy nhiên trên thực tế để đánh giá một cách chắc chắn là tương đối phức tạp. Thực tế cho thấy, những người bị khởi tố, điều tra về tội rửa tiền mà không phải đối tượng chính thực hiện tội phạm nguồn thường có sự tham gia nhất định vào quá trình thực hiện tội phạm nguồn hoặc là người thân trong gia đình, có mối quan hệ chặt chẽ với đối tượng thực hiện tội phạm nguồn. Khi đó, việc áp dụng theo 04 trường hợp mà Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP đã hướng dẫn mới thoả đáng.

Để thống nhất về nhận thức, trong quá trình phối hợp, giữa điều tra viên, cán bộ điều tra, kiểm sát viên phải giữ thái độ thực sự cầu thị, tôn trọng ý kiến của các bên, không quá cứng nhắc “chẻ chữ” các quy định. Tuy nhiên, khi nhận định chắc chắn về tội phạm rửa tiền thì phải chuẩn bị luận cứ và chứng cứ khách quan có tính thuyết phục nhằm bảo vệ quan điểm.

Thứ hai, khi có văn bản của cơ quan điều tra khởi tố về hành vi rửa tiền, viện kiểm sát cần kịp thời cử kiểm sát viên tham gia đánh giá chứng cứ, tài liệu, báo cáo từ sớm. Thực tế điều tra các vụ án có khởi tố tội danh rửa tiền cho thấy, việc khởi tố tội danh này thường là phần mở rộng từ kết quả điều tra các tội phạm nguồn. Mặc dù, quá trình xác minh trước khi khởi tố, cơ quan điều tra có thể thu được những tài liệu định hướng đến tội danh này nhưng để có căn cứ chắc chắn, cơ quan điều tra thường không khởi tố và đề nghị viện kiểm sát phê chuẩn khởi tố về rửa tiền ngay từ đầu. Vì vậy, khi được cử tham gia vào vụ án, kiểm sát viên phải liên hệ trao đổi với các điều tra viên, cán bộ điều tra đang thụ lý vụ án, nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ, các tài liệu, chứng cứ thu thập được. Nội dung nghiên cứu cần tập trung vào những vấn đề sau:

- Về hành vi rửa tiền: thông tin ban đầu phản ánh về hành vi rửa tiền cụ thể nào? Hành vi đó được mô tả hoặc có khả năng là hành vi nào được mô tả tại Điều 324 Bộ luật Hình sự và Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ?

- Về tiền, tài sản là đối tượng của hành vi rửa tiền: Tiền, tài sản là đối tượng của hành vi rửa tiền cụ thể là gì (tiền Việt Nam, ngoại tệ, tiền trong tài khoản, vàng, bất động sản, phương tiện giao thông...); Nguồn gốc của tiền, tài sản đó đã được chứng minh là có được từ tội phạm nguồn nào chưa? Các giao dịch chuyển hóa tiền, tài sản đó đã được thực hiện như thế nào?

- Về chủ thể của tội phạm: Thông tin về chủ thể thực hiện tội phạm rửa tiền đã cụ thể chưa? Tội phạm nguồn do ai thực hiện? Chủ thể thực hiện tội phạm rửa tiền có đồng thời là chủ thể thực hiện tội phạm nguồn không? Nếu không thì mối liên hệ giữa chủ thể thực hiện tội phạm rửa tiền và tội phạm nguồn như thế nào? Có cơ sở để xác định nhận thức chủ quan của chủ thể phạm tội rửa tiền về việc biết tiền, tài sản được chuyển hóa là phạm tội mà có hay không?

- Về các cá nhân, tổ chức có liên quan: Những tổ chức tài chính, cá nhân, tổ chức kinh doanh ngành nghề có liên quan đã liên quan đến quá trình thực hiện hành vi rửa tiền? Những hoạt động dịch vụ nào (gửi tiết kiệm, cho vay, mở tài khoản, môi giới chứng khoán...) trực tiếp liên quan đến hoạt động rửa tiền?...

Trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ đã có để cùng điều tra viên, cán bộ điều tra đánh giá một số vấn đề sau:

+ Hành vi của chủ thể có đủ cấu thành tội phạm rửa tiền độc lập hay chỉ là một giai đoạn của quá trình thực hiện tội phạm nguồn?

+ Giao dịch đáng ngờ được báo cáo đã đủ cấu thành tội phạm rửa tiền hay mới chỉ là vi phạm quy định (hành chính) về phòng, chống rửa tiền?

+ Mối liên hệ giữa các khoản tiền, tài sản với tội phạm nguồn có rõ ràng không? Có đủ tài liệu minh chứng sự liên hệ này hay chưa?

+ Đã có tài liệu để chứng minh chủ thể thực hiện hành vi rửa tiền biết hoặc có cơ sở để biết tiền, tài sản được chuyển hóa là do phạm tội mà có hay không?

+ Các tài liệu thu được đã phản ánh rõ về quá trình chuyển hóa của khoản tiền, tài sản nào? Còn khoản tiền, tài sản nào chưa thể chứng minh được đầy đủ quá trình chuyển hóa?

+ Trị giá số tiền, tài sản được chuyển hóa có đáng xử lý hình sự?

Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, kiểm sát viên và điều tra viên thống nhất phương án khởi tố về tội danh rửa tiền. Việc khởi tố vụ án về tội phạm rửa tiền hoặc khởi tố bổ sung tội danh rửa tiền khi đảm bảo các yếu tố sau:

+ Đã có đủ chứng cứ xác định ít nhất một hành vi hoặc một lần rửa tiền đã được thực hiện;

+ Đã xác định ít nhất một khoản tiền, tài sản có nguồn gốc từ hành vi phạm tội mà có;

+ Đã xác định được ít nhất một cá nhân, pháp nhân thương mại đã thực hiện hành vi rửa tiền và đã đủ cơ sở khẳng định về ý thức chủ quan của chủ thể đối với tiền, tài sản là bất hợp pháp;

+ Mức độ, tính chất của vụ việc có đáng phải xử lý hình sự.

Thứ ba, kiểm sát viên cần chủ động bàn bạc thống nhất với điều tra viên, cán bộ điều tra xây dựng kế hoạch, phương án điều tra và thống nhất những phần việc cần có sự tham gia của kiểm sát viên. Căn cứ vào những tài liệu, thông tin đã thu thập được, kế thừa những nhận định, đánh giá từ giai đoạn trước khởi tố vụ án, kiểm sát viên tập trung nghiên cứu, trao đổi với điều tra viên để thống nhất về một số vấn đề sau trước khi triển khai các phương án điều tra:

- Ngoài hành vi rửa tiền cụ thể đã được xác định khi khởi tố vụ án, còn có thể có những hành vi rửa tiền/lần rửa tiền khác có thể đã được thực hiện không? Quá trình và thủ đoạn có thể đã được thực hiện đối với từng dạng, từng lần hành vi rửa tiền như thế nào?

- Ngoài khoản tiền, tài sản đã chứng minh được và sử dụng trong căn cứ khởi tố vụ án, còn có những khoản tiền, tài sản nào khác có thể là đối tượng của hành vi rửa tiền? Đã có cơ sở để xác định các khoản tiền, tài sản đó là có được từ tội phạm nguồn nào? Trị giá và tình trạng hiện tại của các khoản tiền, tài sản đó như thế nào?

- Ngoài đối tượng phạm tội đã được xác định, còn có những cá nhân, pháp nhân thương mại nào có khả năng tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào quá trình rửa tiền? Những cá nhân hoặc người của pháp nhân nghi vấn đó có khả năng biết về tội phạm nguồn và những khoản tài sản có được từ tội phạm nguồn không?

Từ những nội dung thống nhất trên, căn cứ vào 6 vấn đề phải chứng minh đã được quy định tại Điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự, cần cụ thể hóa thành những vấn đề phải chứng minh cho từng dạng hành vi, thủ đoạn rửa tiền, từ đó xác định chứng cứ cần thu thập để làm rõ từng vấn đề phải chứng minh. Trên cơ sở đó cùng điều tra viên định hướng điều tra, lên phương án thu thập tài liệu, chứng cứ theo những định hướng sau:

+ Tập trung làm rõ mối liên hệ giữa các khoản tài sản mà đối tượng nghi vấn đang sở hữu hoặc sử dụng trong các giao dịch với hoạt động phạm tội “nguồn” bằng việc “lần theo sự vận động của các dòng tiền”. Cần kết hợp song song điều tra các tình tiết rửa tiền cùng với điều tra tội phạm nguồn…

+ Kiểm sát viên phải phối hợp chặt chẽ với điều tra chủ trì khám xét trong việc xác định các tài liệu, đồ vật, đặc biệt là các phương tiện có chứa dữ liệu điện tử, tài sản cần phải thu giữ; đồ vật, tài sản cần phải niêm phong, số tiền phong tỏa tài khoản; việc đóng gói bảo quản, vận chuyển… cũng như việc tuân theo trình tự, thủ tục tố tụng trong quá trình khám xét. Kiểm sát viên cần phối hợp với điều tra viên trong việc xác định loại giấy tờ, tài liệu, hóa đơn, chứng từ đã thu thập được; loại phương tiện điện tử như máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy fax, điện thoại, máy ghi âm, ghi hình,… các thiết bị ngoại vi, các tài liệu kèm theo cần phải gửi đi giám định; nội dung yêu cầu trưng cầu giám định; tên tổ chức, người được trưng cầu giám định, thời hạn giám định; phối hợp với trong việc đánh giá, sử dụng kết quả giám định đặc biệt là giám định kỹ thuật số và điện tử.

+ Kiểm sát viên cần phối hợp với điều tra viên trong việc xác định loại tài sản là đất đai, nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng, giấy tờ có giá trị; cần phải định giá, số lượng, tên gọi; tên hội đồng định giá tài sản; nội dung, yêu cầu định giá tài sản, thời hạn định giá tài sản; đánh giá sử dụng kết quả định giá tài sản.

+ Trước khi kết thúc điều tra, kiểm sát viên phải phối hợp với điều tra viên trong việc kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ để thống nhất đưa vào bản kết luận điều tra. Trường hợp còn có ý kiến khác nhau thì phải báo cáo với lãnh đạo của từng cơ quan để tiến hành họp liên ngành giải quyết./.

ThS. Phạm Duy Chiến - Học viện Cảnh sát nhân dân
Bạn đang đọc bài viết "Phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong điều tra tội phạm rửa tiền: Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý" tại chuyên mục Khoa học Pháp Lý. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin