FAA và Boeing đối diện các vấn đề pháp lý sau 2 vụ tai nạn máy bay thảm khốc

(Pháp lý) - Cuộc khủng hoảng trầm trọng của một trong những hãng máy bay lớn nhất thế giới - Boeing chưa có dấu hiệu dừng lại ở góc độ kinh tế, khi gần đây nhất, ngày 17/3, Tổng thanh tra của Bộ Giao thông Vận tải Mỹ đã mở một cuộc điều tra về việc Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) phê duyệt dòng máy bay Boeing 737 MAX, dẫn đến 2 thảm họa ngành hàng không chỉ cách nhau chưa đầy 5 tháng tại Indonesia và Ethiopia.

“Điểm cốt tử” là hệ thống kiểm soát bay

Các thông tin từ báo chí Mỹ và các nước phương Tây dẫn nguồn tin chính thức của Chính phủ Mỹ cho biết Bộ Giao thông nước này sẽ tập trung vào điều tra hệ thống chống mất điều khiển của máy bay Boeing 737 MAX hay còn gọi là hệ thống kiểm soát bay (viết tắt là MCAS). Việc điều tra của Bộ Giao thông Mỹ được cho là sẽ “tìm hiểu cặn kẽ điều gì đang xảy ra đối với hệ thống MCAS và nó liên quan gì đến vụ tai nạn thảm khốc trên chiếc Boeing 737 MAX vừa rơi khiến 157 người thiệt mạng ở Ethiopia hay không”?

Thời gian và kết quả cuộc điều tra chưa được công bố chính thức, nhưng giới chuyên gia pháp lý và chuyên gia hàng không quốc tế nhận định, nếu xác định được MCAS có liên quan đến nguyên nhân làm máy bay Boeing 737 MAX gặp tai nạn, nó dẫn đến những rắc rối pháp lý không lường trước được đối với cả FAA và hãng Boeing.

Cuối năm 2017, khi Boeing 737 MAX chính thức ra mắt và được đặt mua bởi một loạt hãng hàng không trên thế giới, nhiều chuyên gia hàng đầu về kỹ thuật hàng không cho rằng MCAS là “điểm đột phá công nghệ hàng không” khi nó là sản phẩm mới nhất trong suốt 100 năm cố gắng chế tạo các thiết bị cảnh báo cho phi công về việc mất độ cao đang hoặc sẽ xảy ra”. Việc hệ thống MCAS sử dụng các dữ liệu cảm biến tốc độ bay và các cảm biến khác để tính toán khi nào máy bay đang rơi vào trạng thái nguy hiểm, sau đó sẽ tự động đẩy cần lái về phía trước giúp phi công có đủ thời gian xử lý cần thiết trong trường hợp sự cố xảy ra.

Boeing 737 MAX vừa rơi khiến 157 người thiệt mạng ở Ethiopia
Boeing 737 MAX vừa rơi khiến 157 người thiệt mạng ở Ethiopia)

Tuy nhiên, “điểm đột phá công nghệ hàng không” chưa thấy đâu, 2 chiếc hộp đen được tìm thấy trong vụ tai nạn thảm khốc máy bay tại Ethiopia hồi thượng tuần tháng 3/2019 đã phần nào giải mã những gì đã diễn ra trên chiếc Boeing 737 MAX trước khi rơi. Bộ Giao thông Ethiopia cho biết điều tra ban đầu đã có nhận định “có nhiều điểm tương đồng rất rõ ràng” giữa vụ tai nạn này với tai nạn ít tháng trước của hãng Lion Air. Điểm tương đồng đó là sự giống nhau bất thường trong lỗi hệ thống từ 2 vụ tai nạn có liên quan đến MCAS. “Các bức ảnh từ hiện trường vụ rơi máy bay và giải mã hộp đen bước đầu cho thấy các phi công không kiểm soát được máy bay đã chúi mũi xuống trước khi rơi. Điều đó có nghĩa MCAS đang gặp vấn đề và nguyên nhân có thể phát sinh từ đó” – Các nhà điều tra vụ máy bay rơi cho biết.

Trước đó, theo báo cáo điều tra sơ bộ vụ tai nạn của hãng Lion Air thì hệ thống kiểm soát bay (MCAS) của chiếc Boeing 737 MAX 8 cũng đã bị lỗi, khiến máy bay liên tục chúi mũi xuống, các phi công đã phải vật lộn chống lại hệ thống này ngay từ khi máy bay vừa cất cánh tới khi rơi xuống biển. Dù các nhà chức trách Ethiopia chưa có những khẳng định chắc chắn nguyên nhân và chỉ có thể đến trước tháng 5/2019 có kết luận cuối cùng nhưng đây lại là “điểm yếu cốt tử” dẫn đến 2 rắc rối lớn cho cả FAA hãng Boeing về kinh tế và pháp lý.

Dòng máy bay Boeing 737 MAX đến thời điểm hiện tại đã bị hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới (trong đó có Việt Nam) ban lệnh cấm bay hoàn toàn dẫn đến thiệt hại hàng chục tỷ USD cho hãng Boeing chỉ trong ít ngày. Hãng này còn phải đối mặt việc bị hủy hàng trăm đơn hàng của các hãng hàng không và uy tín thương hiệu giảm sút so với đối thủ cạnh tranh chính Airbus.

Cả FAA và Boeing phải đối diện các vấn đề pháp lý

Đó là những thứ Boeing phải đối mặt, còn Cục Hàng không Liên bang Mỹ phải đối mặt lại là những yếu tố pháp lý trong cuộc điều tra. Dấu hiệu tập trung nhất mà Bộ Giao thông Mỹ đang tìm hiểu để xác định liệu FAA có sử dụng các tiêu chuẩn thiết kế và các phân tích kỹ thuật thích hợp trong chứng nhận hệ thống MCAS của Boeing 737 MAX hay không. Trước đó, nhiều chuyên gia cũng đã đặt câu hỏi về tiến trình chứng nhận của FAA, sau khi các phi công Mỹ phàn nàn nghiêm trọng về hệ thống MCAS.

Các bằng chứng mà truyền thông cũng như cơ quan Thanh tra Bộ Giao thông Mỹ có đang dần hé lộ rằng FAA đã ủy quyền một phần tiến trình chứng nhận máy bay – bao gồm cả chứng nhận hệ thống MCAS cho các kỹ sư Boeing khi các máy bay Boeing được sản xuất tại một nhà máy gần TP Seattle ở bang Washington (Mỹ).

Hộp đen từ chiếc máy bay xấu số rơi ở Ethiopia đang được giải mã để tìm hiểu nguyên nhân chính xác
Hộp đen từ chiếc máy bay xấu số rơi ở Ethiopia đang được giải mã để tìm hiểu nguyên nhân chính xác)

Việc ủy quyền chứng nhận máy bay của FAA được giải thích bằng một cái cớ rất “éo le”: Trong điều kiện phải cắt giảm ngân sách, từ năm 2009, FAA đã ủy quyền một số công việc chứng nhận cho các hãng sản xuất máy bay hoặc các chuyên gia bên ngoài. “Dù có thực sự công tâm hay khách quan đến đâu, cũng không tránh được một số kỹ sư chuyên gia có thể lạm quyền hay vì lợi ích riêng. Điều này được ví như cơ quan kiểm tra sức khỏe giao cho người bệnh tự khám và chứng nhận mình đủ điều kiện” – TS Kỹ thuật hàng không Fin Gtet tại Pháp nói vui.

Sau khi tai nạn máy bay tại Ethiopia xảy ra, phân tích an toàn ban đầu Boeing báo cáo với FAA có “một vài lỗi nghiêm trọng”. Nhiều tờ báo cho biết quá trình được thực hiện một cách hấp tấp trong bối cảnh Boeing đang vội vàng ra sản phẩm mới để cạnh tranh với dòng máy bay tiên tiến A320 Neo của Airbus. Báo cáo được hoàn thành 11 ngày trước khi xảy ra vụ tai nạn thứ hai, với lý do các cuộc điều tra vẫn chưa hoàn tất. Không kể báo cáo điều tra sơ bộ của Indonesia sau vụ tai nạn của hãng Lion Air, đến lúc này vẫn chưa có kết luận điều tra cuối cùng về nguyên nhân hai vụ tai nạn. Ngày 17/3, FAA – vốn có chức năng kiểm soát hàng không dân dụng của Mỹ đã lên tiếng bảo vệ hoạt động này của mình và “rất cứng” khi cho biết đã tuân theo các thủ tục “tiêu chuẩn” trong chứng nhận máy bay của Boeing.

Trong email trả lời một số cơ quan truyền thông, FAA nhấn mạnh: “Chương trình chứng nhận 737 MAX tuân thủ tiến trình chứng nhận tiêu chuẩn của FAA. FAA cho biết các thủ tục của mình “được thiết lập rất tốt và có trách nhiệm, không vụ lợi ”. FAA khẳng định 737 MAX đã phải vượt qua hàng loạt cuộc thử nghiệm và kiểm tra trước khi được chứng nhận cho phép bay. “Nhưng dù thế nào, FAA cũng không thể chối bỏ được trách nhiệm liên đới liên quan đến các hoạt động an toàn và an ninh hàng không dân dụng xảy ra đối với dòng máy bay Boeing 737 MAX. Chúng tôi sẽ làm rõ trong thời gian tới” – một quan chức Bộ Giao thông Mỹ nói với AFP. Trong một động thái khác, Bộ Tư pháp Mỹ cũng đang tham gia vào cuộc điều tra. Điều này làm dấy lên các nghi ngại về mặt pháp lý rất lớn đối với FAA và cả Boeing nếu kết quả điều tra có các điểm bất lợi.

Sáng 10/3, máy bay mang số hiệu ET 302 loại Boeing 737 MAX rơi gần thị trấn Bishoftu, cách thủ đô Addis Ababa của Ethiopia 62 km về phía đông nam. Toàn bộ người trên máy bay bao gồm 149 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn đã thiệt mạng. Trước đó, ngày 29/10/2018, máy bay Boeing 737 MAX của hãng Lion Air mang số hiệu JT-610 chở theo 189 người đã rơi xuống gần Tanjung Karawang, vùng biển ngoài khơi West Java, Indonesia, không ai trong số đó sống sót. Các cuộc điều tra về 2 tai nạn thảm khốc đang được nhà chức trách 2 nước Ethiopia và Indonesia tiến hành. Cổ phiếu của Boeing (BA) đã giảm 3% ngay sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ ngừng ngay lập tức hoạt động của tất cả các máy bay Boeing 737 MAX. Kể từ sau thảm kịch tại Ethiopia, giá trị thị trường của Boeing đã "bốc hơi" 25 tỉ USD. Một thiệt hại kinh tế chưa từng có với hãng máy bay lớn nhất thế giới.

Hải Dương

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin