Đơn thư; Án oan; Công tác xử lý sai phạm tài chính và thu hồi tài sản tham nhũng…được báo cáo thế nào trước kỳ họp 11 của Quốc hội ?

26/03/2021 08:45

(Pháp lý) - Phần lớn đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến lĩnh vực tư pháp, hành chính, đất đai và giải quyết chế độ chính sách; Án oan giảm; Kiến nghị xử lý tài chính tăng 3,5 lần; Thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng từ công tác thi hành án kinh tế tham nhũng… Đặc biệt ngành Kiểm toán đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp ….Đó là những con số, vấn đề đáng lưu tâm được các cấp, ngành thông tin báo cáo trước Quốc hội

Phiên khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV sáng 24/3.

Phần lớn đơn thư liên quan đến lĩnh vực tư pháp, hành chính, đất đai và giải quyết chế độ chính sách

5 năm qua, Chủ tịch nước nhận hơn 43.000 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Đó là con số đáng lưu tâm được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thông tin trong báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch nước trước Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 11.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết nhiệm kỳ qua, Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước đã nhận được trên 43.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân, cử tri, cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước. Trong đó phần lớn liên quan đến lĩnh vực tư pháp, hành chính, đất đai và giải quyết chế độ chính sách.

Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước đã chỉ đạo Văn phòng Chủ tịch nước nghiên cứu, tham mưu, xử lý và chuyển hàng trăm đơn thư đến các cơ quan chức năng xem xét.

"Mặc dù nhiệm kỳ có sự thay đổi về nhân sự Chủ tịch nước và đặc biệt, từ cuối năm 2018, với trọng trách Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, trong mọi thời điểm, Chủ tịch nước đều nỗ lực thực hiện đầy đủ và có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân" - Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Đặc biệt, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch nước đã tham gia chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện nhiều đề án, chiến lược quan trọng (Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia…), bảo đảm giữ vững chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp

Đáng chú ý, trên cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết phương thức lãnh đạo của Đảng về cải cách tư pháp, mô hình tổ chức hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương qua các thời kỳ. Chỉ đạo các cơ quan tư pháp đẩy mạnh cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn. Không để oan sai, bỏ lọt tội phạm và thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước bị thất thoát, tham nhũng…..

Án oan có chiều hướng giảm dần

Đó là thông tin đáng mừng, là một trong những kết quả quan trọng của công tác cải cách tư pháp. Cụ thể, trong 5 năm của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, các trường hợp bị khởi tố, điều tra oan chiếm tỉ lệ rất nhỏ, giảm dần theo từng năm và giảm 52,7% so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Báo cáo về công tác của ngành kiểm sát, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết nhiệm kỳ qua, ngành kiểm sát đã tiếp nhận, giải quyết hơn 560.000 nguồn tin về tội phạm và đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố hơn 3.000 vụ án, tăng 64% so với nhiệm kỳ trước.

Đáng lưu ý, viện kiểm sát đã ra quyết định hủy hơn 700 quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố vụ án thiếu căn cứ pháp luật và trực tiếp quyết định khởi tố vụ án và yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành điều tra gần 150 vụ án, tăng 7%.

Viện kiểm sát cũng đã quyết định không phê chuẩn hàng nghìn lệnh, quyết định không có căn cứ hoặc trái pháp luật của cơ quan điều tra. Mặt khác, viện kiểm sát đã trực tiếp ra quyết định hủy bỏ gần 3.000 quyết định tạm giữ và yêu cầu cơ quan điều tra bắt tạm giam hơn 300 bị can theo đúng các quy định.

Thông qua công tác kiểm sát, ngành kiểm sát đã góp phần hạn chế các trường hợp khởi tố oan và bỏ lọt tội phạm; bảo đảm việc bắt, tạm giữ, tạm giam có đầy đủ căn cứ, đúng pháp luật, hạn chế việc lạm dụng biện pháp tạm giam. Chất lượng điều tra, truy tố được nâng lên, vi phạm tố tụng và các trường hợp oan, sai giảm dần, kết quả công tác đạt và vượt các chỉ tiêu trong nghị quyết 96 của Quốc hội.

Những trường hợp bị khởi tố, điều tra oan chiếm tỉ lệ rất nhỏ, giảm dần theo từng năm và giảm 52,7% so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Thẩm tra các báo cáo của TANDTC và VKSNDTC, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định kết quả công tác của viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân các cấp có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ngành kiểm sát vẫn còn để xảy ra các trường hợp bị oan trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố có liên quan đến trách nhiệm của viện kiểm sát.

Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng về công tác xét xử các vụ án hình sự, ngành tòa án đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hình sự. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp phải hủy, sửa án do nguyên nhân chủ quan. Một số trường hợp áp dụng tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng, quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, cho hưởng án treo chưa chính xác.

Về công tác ngành tòa án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết nhiệm kỳ qua, các tòa án đã đưa ra xét xử nghiêm 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với 14.540 bị cáo.

Tòa án đã áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Đồng thời xét xử nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.

Đã áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi hàng chục nghìn tỉ đồng đúng quy định.

Thu hồi hàng chục nghìn tỉ đồng …

“Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương, các tòa án đã đưa ra xét xử nghiêm 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với 14.540 bị cáo và áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Đã áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng theo đúng quy định của pháp luật

Kiến nghị xử lý tài chính tăng 3,5 lần

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết nhiệm kỳ 2016-2021, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính tăng 3,5 lần so với giai đoạn 2011-2015, tăng thu và giảm chi ngân sách nhà nước hàng chục ngàn tỉ đồng.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Kiểm toán Nhà nước

Trình bày báo cáo nhiệm kỳ 2016-2021 của Kiểm toán Nhà nước trước Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho hay đã kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỉ đồng, tăng 3,5 lần so với giai đoạn 2011-2015 (101.037 tỉ đồng). Trong đó, tăng thu ngân sách nhà nước 63.449 tỉ đồng, giảm chi 91.113 tỉ đồng, kiến nghị khác là 199.171 tỉ đồng.

Nhận định nhiệm kỳ vừa qua Kiểm toán Nhà nước đã có những đóng góp quan trọng vào việc phát hiện, phòng ngừa và xử lý tham nhũng, ông Phớc dẫn chứng số liệu cho thấy số vụ có dấu hiệu tội phạm chuyển sang cơ quan điều tra tăng gần gấp đôi, 20 vụ, tăng 9 vụ, tương ứng tỉ lệ tăng 45% so với nhiệm kỳ 2011-2015.

Thẩm tra báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Kiểm toán Nhà nước lưu ý các vấn đề quan trọng như chưa đảm bảo 100% báo cáo tài chính của các bộ, cơ quan trung ương, và báo cáo quyết toán các địa phương được kiểm toán thường xuyên hằng năm. Tỉ lệ thực hiện kiến nghị về xử lý tài chính tăng song vẫn còn nhiều kiến nghị chưa được thực hiện, bình quân đạt 73,6%.

Ông Hải cũng đề nghị phân tích rõ hơn giải pháp, yếu tố tác động, mối liên hệ với việc chấn chỉnh kỷ luật tài chính, ngân sách của quốc gia để đạt được kết quả kiến nghị xử lý tài chính bằng 3,5 lần so với nhiệm kỳ trước, tránh hiểu lầm kiến nghị kiểm toán tăng đồng nghĩa với kỷ luật tài chính, ngân sách đi xuống.

Kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý

Báo cáo trước Quốc hội, Tổng kiểm toán cho biết: 5 năm qua, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn. Đồng thời, kịp thời khắc phục "lỗ hổng" về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết cơ quan này đã ban hành nhiều văn bản để nâng cao ý thức kỷ luật, trong đó "nghiêm cấm việc lợi dụng kiểm tra dự án đầu tư, đối chiếu thuế để hạch sách, vòi vĩnh, tiêu cực với đơn vị".

Hà Trang ( T/h)

Bạn đang đọc bài viết "Đơn thư; Án oan; Công tác xử lý sai phạm tài chính và thu hồi tài sản tham nhũng…được báo cáo thế nào trước kỳ họp 11 của Quốc hội ?" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin