“Doanh nghiệp vẫn nơm nớp nỗi lo việc thực hiện chính sách kiểu sớm nắng chiều mưa”

Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VCCI Vũ Tiến Lộc đã cho biết như vậy khi phát biểu tại Hội nghị “Đồng hành cùng doanh nghiệp” sáng 17/5.

Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VCCI Vũ Tiến Lộc.
Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VCCI Vũ Tiến Lộc.)

Phát biểu tại Hội nghị “Đồng hành cùng doanh nghiệp” sáng 17/5, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VCCI Vũ Tiến Lộc đã nhấn mạnh những kết quả cụ thể, toàn diện đã đạt được sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 35.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, lãnh đạo Chính phủ, nhiều bộ ngành địa phương đã vào cuộc quyết liệt với tinh thần trong Chính phủ “không có chỗ để bàn lùi”. Ông Lộc cũng cho rằng, “Thủ tướng đã làm được những việc ấm lòng thực sự tiếp sức cho doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, thực tế vẫn còn không ít khó khăn do tích tụ từ thời gian trước để lại. Việt Nam đang là một nền kinh tế có chi phí kinh doanh lớn nhất trong khu vực cả về chính thức và không chính thức.

Cụ thể, theo ông Lộc, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản đang ở mức cao so với các nước trong cùng khu vực như Singapore hay Malaysia. Đặc biệt là chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam cao gấp gần 49 lần so với Philippines.

Chi phí nộp thuế của Việt Nam cũng cao nhất so với ASEAN 4, ở mức 39,1% lợi nhuận, cao hơn 2 lần so với Singgapore. Tương tự như vậy, chi phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singgapore và hơn 3 lần so với Philippines.

Ông Lộc cũng cho biết chi phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng 100km), đắt gấp 3 lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam.

Bên cạnh vấn đề chi phí kinh doanh, doanh nghiệp còn gặp khó khăn liên quan đến vấn đề chi phí không chính thức. Cụ thể, theo kết quả nghiên cứu của Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI-2016 của VCCI, 66% trong số 11.000 doanh nghiệp được hỏi xác nhận trả loại phí này. Nhìn chung, tình hình không có mấy cải thiện qua các năm.

Có từ 9-11% doanh nghiệp tham gia điều tra từ năm 2014- 2016 cho biết các khoản chi phí cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6-8% giai đoạn 5 năm trước.

Theo ông Lộc, tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn phổ biến, chỉ tiêu này dù được cải thiện trong 2 năm qua (giảm từ 65% năm 2013-2014 xuống còn 58% năm 2016) nhưng vẫn cao so với kết quả điều tra các năm trước đó.

Các doanh nghiệp thường phải trả các chi phí không chính thức khi làm thủ tục cấp mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện.

Bên cạnh đó, theo ông Lộc, Chính phủ kiến tạo nói đến hỗ trợ, nhưng cái doanh nghiệp cần nhiều hơn là quản trị, không bị can thiệp hành chính, doanh nghiệp cần pháp luật kinh doanh minh bạch… Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay các vấn đề đó còn bất cập.

Theo Chủ tịch VCCI, doanh nghiệp vẫn nơm nớp nỗi lo việc thực hiện chính sách kiểu sớm nắng chiều mưa, ông nói gà, bà nói vịt.

"Việc thiếu công bằng còn tồn tại khiến doanh nghiệp lo ngại. Doanh nghiệp than thở vì phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra. 14% doanh nghiệp bị kiểm tra 4 lần trở lên trong năm 2016, quá một nửa là thanh tra trùng lặp", ông Lộc cho biết.

Theo Bizlive

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin