Doanh nghiệp và nỗi niềm… lập pháp

15/10/2017 10:26

Câu chuyện “vấn ý” doanh nghiệp trong quá trình soạn thảo các cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp đã được quy định từ lâu, thế nhưng phần nhiều các doanh nghiệp vẫn không mấy mặn mà...

“Nỗi niềm” lập pháp này nếu để kéo dài sẽ khiến cho nhiều quy phạm cho doanh nghiệp trở thành vật cản trên con đường hội nhập của doanh nghiệp Việt.

Doanh nghiệp hiện không mặn mà với việc phản biện chính sách
Doanh nghiệp hiện không mặn mà với việc phản biện chính sách)

Hai ví dụ gần đây minh họa cho hiệu quả từ việc lấy ý kiến doanh nghiệp là các thủ tục công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm nêu trong Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật an toàn thực phẩm bị xem là trái luật hay phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Công Thương theo đó có đến 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh được cắt giảm.

Nhưng những câu chuyện như thế này vẫn được xem là chưa nhiều nếu không muốn nói là quá ít. Ông Cao Đăng Vinh, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) thừa nhận hiện vẫn còn tình trạng soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đóng kín trong các cơ quan nhà nước. Đặc biệt ông Vinh nhấn mạnh đến việc thiếu một cơ chế ràng buộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc lấy và phản hồi ý kiến doanh nghiệp. Nhưng chuyên gia này cũng “bắt lỗi” doanh nghiệp theo đó nhiều doanh nghiệp chỉ “hóng” những văn bản điều chỉnh lợi ích sát sườn mà bỏ qua những dự án luật điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp.

Ở một góc độ khác kết quả một cuộc điều tra gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại cho thấy “nỗi niềm” lập pháp của doanh nghiệp “nóng” ra sao. Có đến 66,5% doanh nghiệp cho biết họ chưa từng được hỏi ý kiến hay nói cho “sang” là được tham gia phản biện trong khi chỉ có 23,6% cho biết đã từng được hỏi ý kiến. Cũng thêm vào đó có từ 30 đến 60% các doanh nghiệp cho rằng những khó khăn, trở ngại khi được tham vấn về văn bản pháp luật bao gồm không hay biết gì về dự thảo, thời hạn quá ngắn, nội dung khó hiểu, thiếu chuyên môn để góp ý và đặc biệt nhất là có góp ý cũng không được tiếp thu. Kết quả điều tra của VCCI cũng cho thấy một dữ liệu rất đáng quan tâm là các cơ quan nhà nước có xu hướng ưu tiên hỏi các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn là doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Đặc biệt nữa là có đến 65% doanh nghiệp có vốn dưới 1 tỷ đồng lo ngại ý kiến của họ không được phúc đáp trong khi tỷ lệ này với doanh nghiệp có vốn từ 10 tỷ đồng trở lên chỉ là 25%. Điều này có nghĩa là các cơ quan soạn thảo chỉ “ưa thích” doanh nghiệp quy mô lớn.

Làm thế nào để “nỗi niềm” lập pháp trên đây được ngắn lại, ý kiến của doanh nghiệp và ý chí của cơ quan soạn thảo gặp được nhau? Một số chuyên gia tư pháp nhìn nhận rằng hiện đang có một lỗ hổng trong quá trình kéo doanh nghiệp tham gia phản biện văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã có thay đổi chia quy trình xây dựng pháp luật theo hai giai đoạn theo đó giai đoạn 1 là xây dựng chính sách và giai đoạn 2 là soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó giai đoạn 1 là vô cùng quan trọng, mang tính quyết định với những vấn đề sẽ được điều chỉnh ở giai đoạn 2. Nhưng chính ở đây lại hoàn toàn vắng bóng các chế định thu hút doanh nghiệp.

Để doanh nghiệp biết được sẽ có những quy định mới để có thể chủ động tham gia phản biện thì phong cách “cổ điển” mà hiệu quả vẫn là tuyên truyền rộng rãi các dự thảo văn bản pháp luật. Nhưng nó cũng vẫn cần chuyên nghiệp hơn theo hướng cần có các diễn giải, đánh giá tác động chứ không chỉ là “ném” lên mạng là xong. Ở đây còn một vấn đề nữa là tuy rằng có thể tận dụng Intermet trong việc lấy ý kiến nhưng lại vấp phải một số trở ngại là chi phí tốn kém trong khi thông tin không thống nhất giữa các website đăng tải làm cho nội dung quy phạm bị nhiễu loạn. Thành thử cần thiết phải có một cổng thông tin chung, thống nhất đăng tải dự thảo quy phạm đang triển khai lấy ý kiến.

Một giải pháp nữa là cần thiết lập được kênh lấy ý kiến qua tổ chức đại diện (các hiệp hội, câu lạc bộ…). Giải pháp này trên thực tế đã cho thấy giảm thiểu được rất nhiều chi phí và thời gian lấy ý kiến các doanh nghiệp.

Theo báo Công thương

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp và nỗi niềm… lập pháp" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin