Doanh nghiệp thời chuyển đổi số

24/09/2020 08:56

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là sử dụng các thành tựu CNTT, công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới, sản phẩm và dịch vụ số, đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng… góp phần tăng năng suất lao động.

Ảnh minh họa

Từ Chiến lược chuyển đổi số quốc gia …

Theo báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019" (e-Conomy Southeast Asia 2019) do Google, Temasek và Bain công bố ngày 3/10/2019 tại TPHCM, Hà Nội và TPHCM là 2 trong 7 thành phố lớn phát triển kinh tế số, trực tiếp góp phần đưa Việt Nam dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong khu vực Đông Nam Á, với trung bình tăng 38%/năm (so với 33% của cả khu vực tính) từ năm 2015. Kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỉ USD (đóng góp 5% GDP quốc gia), cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỉ USD vào năm 2025, với các lĩnh vực: Thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ…

Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), theo Quyết định số: 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” , Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp; vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu; Theo đó, đến năm 2030, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT); mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp; Kinh tế số chiếm 30% GDP; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%; Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI), về chỉ số cạnh tranh (GCI) và về đổi mới sáng tạo (GII), cũng như về an toàn, an ninh mạng (GCI).

Cùng với việc tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam sẽ ban hành các Khung về Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, Nghị định về đầu tư và thuê công nghệ thông tin; xây dựng các Nghị định quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số, định danh và xác thực điện tử, thúc đẩy Chính phủ điện tử mà trọng tâm là cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 với mục tiêu đạt 30% đến hết năm 2019.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia có tính động, mở, bao trùm, tạo nền móng, làm cơ sở xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp phải coi chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ quan trọng trong chỉ đạo, điều hành và căn cứ tình hình cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp để quyết định xây dựng đề án, chương trình, chiến lược, kế hoạch lồng ghép nội dung về chuyển đổi số trong hoạt động của mình. Nội dung chuyển đổi số quốc gia phải được chỉ đạo, giám sát, đánh giá định kỳ hằng năm, giữa nhiệm kỳ, 05 năm.

…Đến hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

Nhiều địa phương lên kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số

Dịch Covid-19 đang và sẽ tiếp tục tạo sức ép buộc các doanh nghiệp phải chuyển đổi số mạnh mẽ hơn

Thực tế cho thấy, chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực. Chính dịch Covid-19 đang và sẽ tiếp tục tạo sức ép buộc các doanh nghiệp phải chuyển đổi số mạnh mẽ hơn giai đoạn trước, nhất là phát triển các mô hình kinh doanh phi tiếp xúc truyền thống, hội họp trực tuyến, điều hành từ xa, thương mại điện tử… Khi lệnh cách ly xã hội được ban hành, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ đều đồng loạt chỉ bán take away (mua mang đi). Các siêu thị cũng đồng loạt cung cấp dịch vụ giao hàng online. Các dịch vụ mới liên tiếp ra đời, như "đi chợ online", giới thiệu dự án và sản phẩm bất động sản qua mạng xã hội.v.v…

Theo một nghiên cứu công bố tại hội thảo “Lãnh đạo và quản lý trong thời đại chuyển đổi số” sáng 2-7 tại Hà Nội, các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn sử dụng công nghệ số để vận hành đã giúp doanh nghiệp tăng doanh thu đến 34%, giúp tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, thời gian in ấn và sắp xếp và tìm kiếm tài liệu, lưu trữ, hỗ trợ hoạt động dễ kiểm soát và lên kế hoạch phát triển kinh doanh. Từ 15 năm nay, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Hapro đã đầu tư mạnh cho thương mại điện tử. Chính vì lẽ đó, mỗi năm xuất nhập khẩu của doanh nghiệp đạt khoảng khoảng 100 triệu USD và hàng ngày công ty đã xuất khẩu khoảng từ 12 - 15 công hàng hóa đi khắp các thị trường trên thế giới tới gần 80 quốc gia. Thương mại điện tử đã tạo cho doanh nghiệp sức cạnh tranh tốt hơn trên thương trường. Theo bà Định Thị Thúy, Tổng giám đốc MISA, thống kê từ các doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số cho thấy hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp gấp 2-3 lần.

Theo khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội công bố tại tọa đàm trực tuyến về “Chuyển đổi số trong công tác điều hành quản trị doanh nghiệp” ngày 20-8, thì có tới 90% doanh nghiệp quan tâm chuyển đổi số, quản trị số; Tuy nhiên chỉ có 40% doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư chuyển đổi số.

Nhìn chung, hoạt động triển khai ứng dụng công nghệ số trên địa bàn Thủ đô còn nhiều hạn chế do doanh nghiệp thiếu tư duy kĩ thuật số, nhân lực, nền tảng công nghệ thông tin và năng lực tài chính. Báo cáo từ IDC cho thấy, có 90% doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số, trong đó, có 30% chủ doanh nghiệp đánh giá đây là vấn đề sống còn với mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu đúng và áp dụng phù hợp chuyển đổi số vào chính quy mô, lĩnh vực đang kinh doanh; Không ít doanh nghiệp còn coi chuyển đổi số chỉ là một phương tiện để phô diễn, chứ không phải là một khoản đầu tư hàng đầu để thích ứng bối cảnh mới hậu Covid-19 và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường..

Chuyển đổi số không thể tách rời khỏi điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước và đòi hỏi tính kỷ cương, tính hợp tác và tính kiên trì chiến lược. Chuyển đổi số là quá trình mang tính tổng thể, các nền tảng số cần được tạo dựng trên cơ chế mở, đồng bộ, kết nối cao nhằm đảm bảo độ tin cậy, minh bạch, bảo mật. Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức và triển khai số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số. Hơn nữa, áp dụng chuyển đổi số không thể ồ ạt, mà tùy từng loại hình, quy mô doanh nghiệp. Chẳng hạn như doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ quan tâm tới kế toán, hóa đơn, liên thông với ngân hàng. Doanh nghiệp vừa sẽ quan tâm đến thống nhất quản trị doanh nghiệp giữa các khối phòng ban… Mỗi loại hình sẽ có nền tảng chuyển đổi số khác nhau… Theo ông Nguyễn Hữu Kiều, Chủ tịch HĐQT Công ty MG Land, khi đã có quyết tâm chuyển đổi số, doanh nghiệp cần tìm hiểu thị trường để có sản phẩm công nghệ thông tin áp dụng cho hiệu quả và cũng cần có sự trao đổi thông tin, so sánh để có lựa chọn phù hợp. Đặc biệt, cần coi trọng kiến tạo thể chế (Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, về thuế, phí của doanh nghiệp…) theo hướng khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ cho chuyển đổi số; sẵn sàng chấp nhận sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số, thúc đẩy phương thức quản lý mới; khuyến khích đổi mới, sáng tạo; xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao, mở rộng kết nối Internet khu vực và quốc tế; phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT); phát triển nền tảng số (hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia, hệ thống thanh toán điện tử và công nghệ điện toán đám mây, cũng như các nền tảng số có khả năng triển khai dùng chung…); hình thành văn hóa số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân; xây dựng các khu thử nghiệm dành cho doanh nghiệp công nghệ…; thúc đẩy phát triển các tập đoàn, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lớn chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi; Các doanh nghiệp công nghệ thông tin nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số và chủ động sản xuất; Các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới; Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số. Đặc biệt, cần xây dựng và triển khai Đề án Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ngành nghề truyền thống, doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi sang cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, sản xuất thông minh và từng bước thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp. Xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh có tính cạnh tranh và phát triển bền vững, thông qua chuỗi giá trị sản xuất - phân phối và người tiêu dùng…Theo đó, các DNNVV cần được hỗ trợ chung về cải cách thủ tục hành chính; tiếp cận tín dụng; thuế; mặt bằng sản xuất; công nghệ, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật; mở rộng thị trường; thông tin, tư vấn và pháp lý; phát triển nguồn nhân lực; được hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ triển lãm, hội thảo, hội nghị kết nối kinh doanh, giới thiệu sản phẩm công nghệ để tìm kiếm cơ hội kinh doanh; đặc biệt, được hỗ trợ kinh phí tổ chức các khóa đào tạo khởi sự kinh doanh và quản trị kinh doanh…

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: http://doanhnghiephoinhap.vn/doanh-nghiep-thoi-chuyen-doi-so.html

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp thời chuyển đổi số" tại chuyên mục Lăng kính Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin