Doanh nghiệp ngành Công Thương: Đầu tư mạnh cho khoa học - công nghệ

Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào hoạt động sản xuất, kinh doanh là động lực then chốt để phát triển bền vững cho các khối ngành sản xuất. Thời gian qua, hoạt động này đã được các tập đoàn, tổng công ty ngành Công Thương chủ động thực hiện.

Ứng dụng khoa học - công nghệ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất

Trong quá trình triển khai, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các tổ chức, doanh nghiệp (DN) phối hợp triển khai sử dụng hiệu quả kinh phí từ nguồn KH&CN cấp Bộ, các chương trình/đề án quốc gia Chính phủ giao. Hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo trong các DN đã có những bước phát triển đáng kể. Tại nhiều tập đoàn, tổng công ty, bằng nguồn vốn trích lập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh đã chủ động đẩy mạnh đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ.Tiêu biểu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thực hiện lồng ghép hoạt động đầu tư xây dựng, ứng dụng kỹ thuật trong quản lý vận hành hệ thống điện và quản trị DN. Trong năm 2019, EVN nhận giải thưởng “DN chuyển đổi số xuất sắc” thông qua hoạt động chuyển đổi số toàn diện tại EVN, bao gồm các lĩnh vực: Quản trị DN; điều độ hệ thống điện; truyền tải; phát điện, triển khai hệ thống DCS điều khiển phân tán trong nhà máy điện, hệ thống EVNHES, phần mềm quản lý nguồn điện…; kinh doanh và chăm sóc khách hàng.

Không chỉ có EVN, để đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã chủ động đầu tư phát triển Viện Dầu khí thành đơn vị nghiên cứu khoa học và đào tạo chuyên ngành theo hướng hiện đại, đồng bộ, với việc hoàn thành xây dựng cơ sở vật chất mới, hiện đại. Đặc biệt, trong giai đoạn vừa qua, PVN đã đầu tư hình thành Trung tâm Phân tích thí nghiệm chuyên ngành dầu khí đạt tiêu chuẩn quốc tế; phòng thí nghiệm nhiên liệu sinh học… với tổng kinh phí ước khoảng hơn 3.000 tỷ đồng từ các nguồn quỹ KH&CN, quỹ đầu tư và phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị.

Tương tự, bằng nguồn vốn từ quỹ phát triển KH&CN và vốn vay, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã đầu tư tập trung vào các cơ quan nghiên cứu, một số xưởng thực nghiệm, kiểm định, chế tạo thử nghiệm; hoàn thiện, chuyển giao công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; triển khai hoàn thành 8 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nhà xưởng của các viện nghiên cứu và một dự án sản xuất thử nghiệm tại chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền Lào Cai.

Để tăng cường năng lực nghiên cứu và tạo sức cạnh tranh trên thị trường, Tổng công ty Máy và Thiết bị Công nghiệp cũng đã đầu tư xây dựng cơ sở mới, đổi mới công nghệ, mua sắm trang thiết bị sản xuất nhập từ nước ngoài, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm thúc đẩy hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Với Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, hiện có hệ thống 24 nhà máy sản xuất với công nghệ thiết bị hiện đại, tự động, đồng bộ hóa và đạt chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường theo tiêu chuẩn ISO 9001, HACCP/ ISO 22000 và ISO 14001… Đây là những minh chứng cho thấy các DN ngành Công Thương ngày càng quan tâm tới hoạt động đầu tư cho KH&CN.

Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh thực thi cam kết các hiệp định thương mại tự do và xu hướng phát triển, ứng dụng nhanh chóng thành tựu mới về KH&CN, việc ứng dụng KH&CN là yếu tố quan trọng giúp DN nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh.

Theo congthuong.vn

Nguồn bài viết: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-nganh-cong-thuong-dau-tu-manh-cho-khoa-hoc-cong-nghe-133069.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin