Điều cần biết về việc doanh nghiệp phải thực hiện biện pháp cách ly y tế tập trung

17/02/2021 08:34

Thông báo của Bộ Y tế, từ 25/1/2021 đến 08/2/2021 đã ghi nhận 451 trường hợp mắc Covid 19 trong cộng đồng tại 12 tỉnh, thành phố.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Internet)

Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, phải thực hiện biện pháp cách ly y tế tập trung ngay tại doanh nghiệp mình đối với toàn bộ người lao động của bản thân doanh nghiệp và của các nhà cung cấp, nhà thầu làm việc vào thời điểm thực hiện biện pháp cách ly y tế ở doanh nghiệp đó. Với chi phí phát sinh không hề nhỏ cho việc cách ly tập trung, như chi phí ăn, ở, sinh hoạt…cho hàng nghìn người lao động, doanh nghiệp phải thực hiện trình tự và thủ tục gì để yêu cầu người lao động và các đơn vị liên quan hoàn trả chi phí doanh nghiệp đã ứng trước cho việc cách ly tập trung?

Chính phủ đã có Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/2/2021 quy định về chi phí cách ly y tế, khám chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid 19. Có thể hiểu doanh nghiệp là cơ sở khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn làm nơi cách ly y tế tập trung theo quy định tại điểm b khoản 5 điều 1 Nghị quyết 16/NQ-CP. Theo đó, người lao động Việt Nam (bao gồm người lao động của bản thân doanh nghiệp và của các nhà cung cấp, nhà thầu) chỉ phải tự chi trả tiền ăn theo mức 80.000 đồng/người/ngày cho cơ sở cách ly y tế tập trung. Theo đó, trường hợp doanh nghiệp đã ứng trước tiền ăn cho người lao động trong thời gian thực hiện cách ly y tế, thì doanh nghiệp có thể yêu cầu người lao động hoàn trả theo mức doanh nghiệp đã chi, nhưng cao nhất là 80.000 đồng/người/ngày. Trường hợp người lao động phải cách ly y tế tập trung là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ khoản tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày này.

Vấn đề là, sau khi thực hiện xong việc cách ly y tế tập trung, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, doanh nghiệp sẽ được trực tiếp khấu trừ một lần toàn bộ khoản tiền ăn đã ứng trước từ thu nhập lương mà doanh nghiệp phải trả cho người lao động, gồm cả người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định? Hay chỉ được khấu trừ một phần, khẩu trừ hàng tháng? Doanh nghiệp có thể yêu cầu các nhà cung ứng, nhà thầu khác hoàn trả tiền ăn đã ứng trước cho người lao động của các đơn vị này, hoặc thỏa thuận với các đơn vị này về việc đối trừ trong số tiền phải trả theo hợp đồng cung cấp hàng hóa, dịch vụ… của các nhà cung cấp, nhà thầu. Cũng theo quy định tại điểm b khoản 5 điều 1 Nghị quyết 16/NQ-CP, ngoài việc phải chi trả tiền ăn theo mức 80.000 đồng/người/ngày, các khoản chi phí sau đây được ngân sách nhà nước bảo đảm:

  • Chi phí đưa đón từ cơ sở, địa điểm phát hiện đối tượng phải thực hiện cách ly y tế đến cơ sở cách ly y tế tập trung;
  • Chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2;
  • Chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế tập trung (nước uống, khăn mặt, khẩu trang, dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng và các vật dụng thiết yếu, các chi phí khác) với tổng chi phí là 40.000 đồng/người/ngày.

Có thể hiểu rằng, trường hợp doanh nghiệp đã ứng trước các chi phí được ngân sách nhà nước bảo đảm thì doanh nghiệp sẽ được thực hiện thủ tục xin hoàn lại các khoản chi phí ứng trước này với cơ quan, đơn vị được giao chủ trì phòng, chống dịch, khám bệnh, chữa bệnh, cách ly y tế tập trung đã ra quyết định hoặc thông báo về việc cách ly tập trung tại doanh nghiệp theo quy định tại khoản 7 điều 4 Nghị quyết 16/NQ-CP.

Chi phí cách ly phòng chống dịch Covid 19 được xác định là chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp: Căn cứ Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC: Trường hợp doanh nghiệp có chi phí liên quan đến phần giá trị tổn thất do dịch bệnh không được bồi thường thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, cụ thể như sau: Doanh nghiệp phải tự xác định rõ tổng giá trị tổn thất do dịch bệnh. Phần giá trị tổn thất do dịch bệnh không được bồi thường được xác định bằng tổng giá trị tổn thất trừ phần giá trị doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức, cá nhân khác phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Về tiền lương ngừng việc khi thực hiện cách ly tập trung: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động 2019, đối với trường hợp người lao động phải ngừng việc do cách ly tập trung ngay tại doanh nghiệp theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc như sau: Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu; Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu. Như vậy, mặc dù đã có hiện tượng người lao động tự nguyện chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bằng hình thức không nhận lương, thì doanh nghiệp vẫn có trách nhiệm chi trả tiền lương ngừng việc theo quy định pháp luật nêu trên. Tiền lương đóng bảo hiểm bắt buộc trong thời gian ngừng việc là tiền lương doanh nghiệp đã trả cho người lao động trong thời gian ngừng việc./.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/dieu-can-biet-ve-viec-doanh-nghiep-phai-thuc-hien-bien-phap-cach-ly-y-te-tap-trung.html

Bạn đang đọc bài viết "Điều cần biết về việc doanh nghiệp phải thực hiện biện pháp cách ly y tế tập trung" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin