Điểm sáng về tranh tụng

03/06/2018 22:10

Phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo trong vụ án hình sự liên quan sự cố chạy thận tại Bệnh viên đa khoa tỉnh Hòa Bình là một điểm nóng của dư luận và kéo dài hơn thường lệ. Dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng nhìn ở góc độ tranh tụng theo tinh thần cải cách tư pháp, thì đây là một điểm sáng. Các quan điểm buộc tội, gỡ tội được mổ xẻ, tranh luận dân chủ, công khai ngay tại phiên tòa.

Tranh tụng tại phiên tòa là một chủ trương lớn trong cải cách tư pháp, nhằm nâng cao chất lượng xét xử, hạn chế oan sai. BLTTHS năm 2015 đã có một mục riêng, Mục V quy định cụ thể về Thủ tục tranh tụng tại phiên tòa, từ Điều 306 đến Điều 325, trong đó quy định về Công bố bản cáo trạng; Trình tự xét hỏi; Công bố lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố; Hỏi bị cáo; Hỏi bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ; Hỏi người làm chứng; Xem xét vật chứng; Nghe, xem nội dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; Xem xét tại chỗ; Trình bày, công bố báo cáo, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Hỏi người giám định, người định giá tài sản; Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trình bày ý kiến; Kết thúc việc xét hỏi; Trình tự phát biểu khi tranh luận; Luận tội của Kiểm sát viên; Tranh luận tại phiên tòa; Trở lại việc xét hỏi; Bị cáo nói lời sau cùng…

 Ba bị cáo tại phiên tòa – Ảnh KTĐT
Ba bị cáo tại phiên tòa – Ảnh KTĐT)

Làm sáng tỏ nội dung vụ án

Theo dõi phiên tòa, báo chí phản ánh hoạt động xét xử đã diễn ra hầu như đầy đủ các tình huống như BLTTHS đã quy định, để làm sáng tỏ nội dung vụ án. Ví dụ, chiều 24/5, HĐXX đã quyết định quay trở lại phần xét hỏi để làm rõ các nội dung chứng cứ mà các luật sư bào chữa cho bị cáo Lương giao nộp tại phiên tòa. Đó là chiếc USB có chứa clip do một nhân viên bệnh viện ghi lại cảnh ông Hoàng Đình Khiếu (nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình) trao đổi với nhân viên phòng Tài chính – Kế toán về việc hoàn thiện hồ sơ sau khi xảy ra sự cố y khoa ngày 29/5/2017.

Theo đề nghị trực tiếp và bằng văn bản của các Luật sư, HĐXX đã triệu tập ba người làm chứng bắt buộc là ông Hoàng Đình Khiếu, ông Trần Văn Thắng, nguyên Trưởng phòng Vật tư – Trang thiết bị Y tế và bà Đinh Thị Phương Thúy (Phòng Kế toán) là những người trước đó được xác định có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án nhưng không có mặt tại phiên tòa.

Hay ngày 29/5, trước những tình tiết mới, HĐXX lần thứ 2 phải quay trở lại phần xét hỏi khi đang ở phần tranh luận… Trong ngày làm việc trước, luật sư đã cung cấp cho HĐXX một băng ghi âm liên quan việc phân công bị cáo Hoàng Công Lương – bác sĩ khoa Hồi sức tích cực được phụ trách quản lý Đơn nguyên thận nhân tạo.

Cáo trạng vụ án xác định, bị cáo Hoàng Công Lương được giao quản lý, điều hành Đơn nguyên thận nhân tạo. Ngày 29/5/2017, Lương được điều dưỡng thông báo hệ thống lọc nước RO dùng cho chạy thận đã sửa chữa xong. Bị cáo này không kiểm tra, không báo cáo cấp trên nhưng ra lệnh lọc máu, chạy thận khiến 9 người chết, 9 người bị tổn hại sức khỏe. Hành vi của Lương phạm vào tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tại tòa, ông Hoàng Công Tình – Phó khoa Hồi sức tích cực và cũng là chú ruột bị cáo Lương thừa nhận là chủ đoạn ghi âm trên. Đó là đoạn nói chuyện qua điện thoại của ông Tình với Điều dưỡng trưởng Đinh Tiến Công về cuốn sổ ghi biên bản các cuộc họp, có ghi thêm nội dung Hoàng Công Lương được phân công phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo, trong đó “Công thừa nhận cái đấy được bổ sung sau sự cố”. Các luật sư và ông Tình cho rằng đoạn ghi âm nói trên có thể chứng minh bị cáo Lương không được phân công như vậy.

Trước tình tiết này, HĐXX đã đặt câu hỏi với ông Hoàng Công Tình về việc trong các biên bản họp khoa năm 2015 và 2016 có biên bản giao bị cáo Hoàng Công Lương phụ trách Đơn nguyên thận đều được ông ký xác nhận. HĐXX cũng yêu cầu ông Đinh Tiến Công đối chất với những gì ông Tình trình bày trước tòa…

 Luật sư hỏi bị cáo Lương -Ảnh LĐ
Luật sư hỏi bị cáo Lương -Ảnh LĐ)

Việc tranh luận, đối đáp tại phiên tòa đã làm rõ từng nội dung trong vụ án như việc thành lập đơn nguyên thận nhân tạo, ai là người cho phép, quy định nào? Nội dung hợp đồng giữa BVĐK Hòa Bình với Công ty Thiên Sơn, hợp đồng sửa chữa và hợp đồng thanh lý? Bệnh viện có ban hành quy trình bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành hệ thống RO hay không? Trách nhiệm của nguyên Giám đốc Bệnh viện như thế nào?…

Ví dụ Luật sư bào chữa cho bị cáo Lương phát biểu về lấy lời khai tại cơ quan điều tra, vi phạm quy định về tố tụng. Đáp lại, kiểm sát viên Bùi Thị Thu Hằng, người giữ quyền công tố tại tòa, khẳng định với các luật sư là cơ quan điều tra không vi phạm tố tụng. Việc không mời luật sư trong buổi lấy cung bị cáo có giá trị chứ không phải vô giá trị như lập luận của luật sư. Đại diện VKS dẫn chứng BLTTHS quy định trường hợp bác sĩ Lương không bắt buộc phải có luật sư. Bên cạnh đó, bác sĩ Lương có quyền bào chữa cho mình.

Theo đề nghị của luật sư, chủ tọa phiên tòa cũng triệu tập điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa để làm rõ thời gian thu ba cuốn sổ giao ban, cũng như giải thích về lời khai giống nhau giữa Hoàng Công Lương và ông Hoàng Đình Khiếu.

Tòa án cũng mời đại diện của Bộ Y tế đến phiên tòa để trả lời một số vấn đề trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế, thông tin về quy trình chạy thận nhân tạo, để đảm bảo an toàn nước dùng cho lọc máu.

Đại diện VKS đã hỏi ông Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế) về hai văn bản của Bộ này gửi cho cơ quan điều tra và văn phòng luật sư Nguyễn Chiến (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương), được cho là có điểm khác nhau, góp phần làm VKS và Cơ quan điều tra hiểu nhầm. “Chúng tôi đưa ra kết luận một phần dựa trên công văn của Bộ Y tế gửi, chúng tôi xác định trách nhiệm thuộc về Bộ Y tế, quan điểm của ông như thế nào?” – Kiểm sát viên hỏi.

Sau khi ông Quang trả lời, đại diện VKS cho rằng ông Quang không nắm được nội dung này. Do vậy, cần xem xét mâu thuẫn giữa hai công văn của Bộ Y tế vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến xác định tội danh của các bị cáo. Cần làm rõ trách nhiệm tổ chức cá nhân liên quan đến những nội dung này. “Xác định đây là tình tiết mới cần điều tra bổ sung” VKS đề nghị HĐXX xem xét trả hồ sơ vụ án.

Những đánh giá khách quan

Theo dõi phiên tòa, một nhà báo nhận xét: “Vụ án này trở thành tâm điểm của dư luận và gây nên những tranh cãi nảy lửa tại nghị trường … Thẩm phán, chủ tọa Nghiêm Hoài Anh có cách hỏi rất mạch lạc, có trọng tâm”.

Bị cáo Hoàng Công Lương trả lời phỏng vấn của báo chí cũng nhận thấy phiên tòa đã diễn ra “công khai và dân chủ” và bày tỏ hy vọng bản án sẽ không gây oan sai cho người không phạm tội và không bỏ lọt tội phạm.

Thẩm phán Hà Quang Dĩnh, Chánh án TAND tỉnh Hòa Bình trao đổi với báo chí cũng đã nhấn mạnh: Các tài liệu, quan điểm luận tội của VKS; chứng cứ của các bị cáo, nhân chứng và quan điểm bào chữa cho các bị cáo của luật sư tại phiên tòa chỉ là những căn cứ để HĐXX nghiên cứu, xem xét một cách toàn diện nội dung vụ án, từ đó đưa ra phán quyết đúng với quy định của pháp luật, tuyên bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm cũng như trách nhiệm của những người có liên quan trong vụ án. “HĐXX luôn đảm bảo sự trung thực, khách quan, có trách nhiệm trong việc xem xét toàn diện, đầy đủ tài liệu, chứng cứ trong quá trình điều tra của các cơ quan tố tụng và tài liệu chứng cứ, các căn cứ, quy định cơ sở pháp luật do bị cáo, nhân chứng, luật sư và những người có quyền, nghĩa vụ liên quan cung cấp trong quá trình xét xử một cách vô tư, khách quan”- Chánh án TAND tỉnh Hòa Bình khẳng định.

Đối với quá trình diễn ra phiên tòa, Chánh án Hà Quang Dĩnh nhận định “HĐXX đã làm đúng trình tự thủ tục tố tụng theo quy định. Phiên tòa được điều hành một cách công tâm, khách quan, đúng tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW về cải cách tư pháp”.

Bên hành lang Quốc hội, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời báo chí cũng nhận xét: Với những diễn biến phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin và người dân đã chứng kiến thì phiên tòa đã diễn ra công khai, có tranh tụng, lắng nghe ý kiến của tất cả các bên. Trình tự tố tụng của phiên tòa cho đến thời điểm này là tốt. “Với việc diễn biến phiên tòa như vậy, tôi cũng tin là HĐXX sẽ có phán quyết đúng đắn và đúng quy định pháp luật, chấp nhận ý kiến nhiều phía, trên cơ sở tranh tụng”- Chánh án Nguyễn Hòa Bình bày tỏ niềm tin với tư cách cá nhân.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến, người bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương và luật sư Nguyễn Danh Huế, người đại diện cho BVĐK tỉnh Hòa Bình tại phiên tòa cũng đánh giá: Trong quá trình xét xử, HĐXX đã nghiên cứu, tiếp thu ý kiến trình bày của các bị cáo, lời khai của các bị cáo, nhân chứng và những người có liên quan cũng như quan điểm bào chữa của luật sư, đại diện phía bị hại được xem xét một cách toàn diện. Trong đó, có những vấn đề gì chưa rõ, HĐXX đã dành thời gian xét hỏi thêm để làm rõ. Phiên tòa được thực hiện một cách công tâm, khách quan, đúng với tinh thần cải cách tư pháp. Đặc biệt, trong quá trình xét xử, HĐXX đã dành nhiều thời gian tranh tụng giữa các luật sư bào chữa và đại diện VKS để làm rõ những vấn đề cần xem xét, giải quyết trong vụ án một toàn diện, thấu đáo.

Có thể nói, dù không khiến tất cả các bên hài lòng, dù cũng còn có những vấn đề phải rút kinh nghiệm, nhưng phiên tòa sơ thẩm xét xử ba bị cáo trong vụ án sự cố chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình đã đề cao tinh thần tranh tụng tại phiên tòa, áp dụng đầy đủ các quy định của pháp luật, kiểm tra, làm rõ từng chứng cứ để làm sáng tỏ vụ án, nhằm đưa ra bản án khách quan, toàn diện và đúng pháp luật.

Theo TCTA

Bạn đang đọc bài viết "Điểm sáng về tranh tụng" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin