Để xảy ra sai phạm hơn 2.300 tỷ… nhưng chỉ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm: Nếu vụ việc được cơ quan công an khởi tố, điều tra làm rõ …..

01/09/2020 08:09

(Pháp lý) - Để xảy ra sai phạm về quản lý đất đai hơn 2.300 tỷ đồng, nhưng những cán bộ làm sai ở tỉnh Kiên Giang chỉ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm. Xử lý cán bộ sai phạm như vậy có đúng các qui định của pháp luật ? Trên cơ sở nghiên cứu các qui định của pháp luật hiện hành và đối chiếu với vụ việc xảy ra ở Phú Quốc, Luật sư Lưu Bá Khiết cho rằng có thể xem xét trách nhiệm hình sự nếu vụ việc được cơ quan công an khởi tố điều tra làm rõ sai phạm…

Tóm tắt những sai phạm chủ yếu

1. Buông lỏng công tác quản lý đất đai: Từ năm 2011 – 2017, UBND huyện Phú Quốc và các xã, thị trấn trực thuộc đã buông lỏng công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng đô thị, để cho hàng loạt công trình xây dựng trái phép mọc lên “như nấm” trên đất ở đô thị, đất nông nghiệp và có cả đất rừng, diễn ra trong một thời gian dài nhưng chậm được ngăn chặn xử lý. Có những nơi, hàng chục căn nhà được cất liền nhau như một dãy phố, nhiều căn biệt thự hoành tráng được cây rừng bao quanh…Trách nhiệm này còn thuộc về Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc và Vườn Quốc gia Phú Quốc.

2. Cho phép tách thửa trái quy định: Từ tháng 1/2016 đến tháng 6/2017, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Kiên Giang cho phép tách 17.808 thửa đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Quốc, không vì mục đích sản xuất nông nghiệp và không đảm bảo diện tích tối thiểu (nhỏ hơn 500m2, trong đó có rất nhiều thửa đất nông nghiệp được tách với diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định đất ở 36m2). Thậm chí có những trường hợp được duyệt tách hàng chục thửa đất trong thời gian ngắn như: ông Chu Huy Hùng được tách 3.006,1m2 đất tại khu phố 5, thị trấn Dương Đông thành 21 thửa đất, thửa nhỏ nhất diện tích 21,6m2; bà La Tuyết Mai được duyệt tách 6.831,9m2 đất tại ấp 4, xã Cửa Cạn thành 63 thửa đất, trong đó có 2 thửa diện tích 24m2 và 16m2...

Hành vi trên dẫn tới làm phát sinh tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện đảo này diễn ra hết sức phức tạp, gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai; đặc biệt là trong việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Tùy tiện trong việc điều chỉnh quản lý tài chính đất đai: Trong giai đoạn 01/2016 – 12/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt không đúng thẩm quyền đơn giá đất cụ thể để làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với 16 dự án, là vi phạm quy định của Luật Đất đai. UBND tỉnh còn tùy tiện xác nhận để Cục Thuế tỉnh Kiên Giang giảm 50% tiền sử dụng đất đối với một số chủ đầu tư chưa đúng quy định (Điển hình: CĐT Khu du lịch sinh thái Vũng Bầu; CĐT dự án Trung tâm du lịch tài chính, tập huấn và nghỉ dưỡng BIDV; CĐT dự án Khu du lịch sinh thái Ngôi sao - Lucky Star Resort ở khu Cửa Cạn). Ngoài ra, Sở Tài chính còn xác định sai giá đất cụ thể để làm căn cứ thu tiền sử dụng đất đối với Công ty Cổ phần Sài Gòn Sovico Phú Quốc, chủ đầu tư khu du lịch sinh thái đảo Phú Quốc, phải truy thu về ngân sách nhà nước số tiền hơn 17 tỉ đồng.

Các hành vi nói trên đã làm phát sinh sai phạm về tài chính với số tiền lên tới trên 741,59 tỉ đồng (chủ yếu là giao đất, ưu đãi, miễn giảm tiền sử dụng đất sai quy định) và nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất lên tới hơn 1.570 tỉ đồng.

4. Ngoài ra, TTCP còn phát hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh Kiên Giang và các đơn vị hành chính cấp huyện chưa kịp thời, chậm so với quy định. Trong giai đoạn từ năm 2011 - 2014, toàn bộ 145/145 đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh không lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết…

Đảo ngọc Phú Quôc bị “băm nát” bỡi hơn 17.000 thửa đất nông nghiệp bị tách thửa sai quy định

Xử lý … “giơ cao đánh khẽ”

Những sai phạm của các tập thể và cá nhân thuộc tỉnh Kiên Giang là hết sức nghiêm trọng, không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước với số tiền lên tới hàng ngàn tỷ đồng mà còn để lại nhiều hậu quả rất khó khắc phục, thậm chí có những sai phạm gần như không thể khắc phục được.

Để khắc phục hậu quả và phòng ngừa các hành vi tương tự xảy ra, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chấn chỉnh các tồn tại, khuyết điểm trong công tác quản lý nhà nước về đất đai; chấm dứt việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái với quy hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giao đất, cho thuê đất sạch (đất công do Nhà nước quản lý) không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Cùng với kiến nghị thu hồi nộp vào ngân sách 2.300 tỷ đồng, liên quan đến trách nhiệm cá nhân, TTCP kiến nghị xử lý về hành chính, kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh có liên quan. Trong đó riêng đối với các tập thể, cá nhân có sai phạm trực tiếp như đã nêu trong Kết luận, TTCP kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh cần tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên đến thời điểm này (sau 4 tháng thực hiện Thông báo kết luận của TTCP), Thanh tra tỉnh Kiên Giang cho biết, chỉ mới thu hồi được hơn 900 tỉ trong tổng số tiền phải thu hồi hơn 2.300 tỉ đồng nộp ngân sách nhà nước, chủ yếu là thu nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; đáng chú ý có khoảng 40 tỉ đồng không thể thu hồi do doanh nghiệp phá sản hoặc không triển khai dự án bị thu hồi chủ trương.

Trả lời với báo chí về việc có đến trên 60 cán bộ từ tỉnh đến các ngành và địa phương chỉ bị kiểm điểm, ngày 25/8, bà Đặng Tuyết Em, Phó Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chưa nhận được báo cáo tổng hợp của Thanh tra tỉnh. Sau khi nhận được báo cáo của Thanh tra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang sẽ xem xét rồi “tính nữa”. Nếu phát hiện nội dung nào chưa thỏa đáng, Thanh tra Chính phủ và Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ xem xét, chỉ đạo tiếp.

Trong khi đó, đến nay chỉ có 9/22 đơn vị (nằm trong diện phải tổ chức kiểm điểm, xử lý cán bộ sai phạm) báo cáo kết quả xử lý hậu thanh tra. Theo đó, có 02 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang là các ông Phạm Vũ Hồng, Lê Văn Thi cùng 12 cán bộ nguyên là Phó Chủ tịch, thành viên UBND tỉnh giai đoạn 2011- 2017 kiểm điểm rút kinh nghiệm. Trong 6 nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh bị kiểm điểm có ông Nguyễn Thanh Nghị, hiện là Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang; ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc; bà Lê Thị Minh Phụng và các ông Mai Anh Nhịn, Lâm Hoàng Sa, Lê Khắc Ghi đã nghỉ hưu.

Đáng nói hơn, toàn bộ 40 cán bộ là công chức thuộc biên chế tại các sở, ngành và UBND các huyện liên quan chỉ bị “xử lý” bằng hình thức… kiểm điểm rút kinh nghiệm. Riêng huyện Phú Quốc có 21 cán bộ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm, 5 cá nhân bị kỷ luật cảnh cáo và 11 người nhận kỷ luật khiển trách. Đặc biệt không có tập thể nào bị xử lý, dù chỉ là kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Ngay sau khi thông tin trên được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận lập tức “dậy sóng” cho rằng Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chấp pháp chưa nghiêm, chỉ đạo xử lý “cho có”, thiếu kiên quyết, không đảm bảo theo đúng tinh thần kiến nghị của TTCP và hoài nghi có dấu hiệu dung túng bao che ?

Nên chuyển cơ quan điều tra làm rõ sai phạm.

Câu hỏi đặt ra vì sao để xảy ra sai phạm lên tới 2.300 tỷ đồng nhưng không có bất kỳ ai bị truy cứu trách nhiệm hình sự ?

Liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, BLHS 2015 đã dành 3 điều luật để điều chỉnh (gồm: Điều 228. Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai; Điều 229. Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai; và Điều 230. Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất).

Trong khi đó các hành vi sai phạm chủ yếu của cán bộ, công chức tỉnh Kiên Giang, bị TTCP phát hiện, gồm: Buông lỏng quản lý đất đai; cho phép tách thửa đất nông nghiệp trái quy định; tùy tiện trong việc điều chỉnh quản lý tài chính về đất đai…Có ý kiến cho rằng những hành vi này không tương thích, hay nói cách khác không nằm trong phạm vi điều chỉnh của các điều luật trên.

Từ góc nhìn khác, Luật sư Lưu Bá Khiết (Văn phòng Luật sư Hồng Nguyên & Associates – Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, hành vi buông lỏng quản lý đất đai của cán bộ, công chức huyện Phú Quốc và sở, ngành thuộc tỉnh Kiên Giang vẫn có thể xem xét trách nhiệm hình sự vì có dấu hiệu tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360 BLHS 2015; Các hành vi cho phép tách thửa trái quy định hơn 17.000 thửa đất nông nghiệp hay tùy tiện trong việc quản lý tài chính về đất đai có thể xem xét vì có dấu hiệu tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo quy định tại Điều 356 BLHS 2015.

Luật sư Lưu Bá Khiết (Văn phòng Luật sư Hồng Nguyên & Associates – Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, hành vi buông lỏng quản lý đất đai của cán bộ, công chức các sở, ngành tỉnh Kiên Giang và UBND các huyện, thị trấn, xã trực thuộc có thể xem xét xử lý trách nhiệm hình sự, nếu vụ việc được khởi tố

“Tuy nhiên các hành vi trên sẽ cấu thành tội phạm, khi xác định được hậu quả phát sinh do người phạm tội gây ra. Ví dụ đối với tội danh Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, phải xác định được hậu quả của hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Kết luận của TTCP chưa làm rõ được hậu quả và mức độ vi phạm của từng cá nhân do có hành vi vi phạm gây ra. Ngoài ra còn phải xác định động cơ của người phạm tội, lỗi vi phạm… Tất cả những yếu tố đó sẽ được Cơ quan điều tra làm rõ, nếu vụ việc được khởi tố theo quy định pháp luật”, LS Khiết phân tích.

Trong quá khứ (8/2017), 14 bị cáo nguyên là cán bộ, lãnh đạo xã Đồng Tâm và cán bộ huyện Mỹ Đức cũng đã từng bị kết án tù vì đã phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” vì lý do buông lỏng công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai tại địa bàn xã Đồng Tâm. Cơ quan điều tra xác định được, các bị cáo nguyên là chủ chốt của xã vì động cơ vụ lợi đã thực hiện việc cấp, giao đất trái thẩm quyền, hợp thức đất lấn chiếm cho một số hộ dân trái quy định…

Có dấu hiệu bao che, ban hành các quyết định xử lý kỷ luật trái pháp luật

Tại Điều 97 Nghị định 43/2014/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013 quy định cán bộ, công chức khi thi hành công vụ sẽ bị xử lý kỷ luật, nếu có các hành vi: “Không tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kịp thời theo quy định; Không thực hiện đúng quy định về tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Để xảy ra tình trạng người được pháp luật cho phép sử dụng đất tạm thời mà sử dụng đất sai mục đích; để đất bị lấn, bị chiếm, bị thất thoát”…

Đối chiếu với quy định trên của pháp luật, các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai nói trên của cán bộ, công chức tỉnh Kiên Giang và UBND các huyện, thị trấn, xã trực thuộc, nếu chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì ít nhất vẫn phải bị xử lý hành chính.

Theo đó, nếu là cán bộ lãnh đạo tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau: Khiển trách; cảnh cáo; cách chức; bãi nhiệm (theo quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật Cán bộ, công chức 2008). Tương tự như vậy, theo quy định tại Điều 8 Nghị định 34/2011/NĐ-CP, nếu là công chức (không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý) vi phạm, sẽ bị xử lý kỷ luật một trong 4 hình thức: Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; và buộc thôi việc. Nếu là công chức (có giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý): Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; giáng chức; cách chức; và buộc thôi việc.

Gần đây nhất (23/6/2020), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức Thị ủy viên Thị ủy Sông Cầu (tỉnh Phú Yên), nhiệm kỳ 2015-2020, đối với ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu. Ông Tuấn bị kỷ luật vì lý do buông lỏng quản lý, để xảy ra sai phạm về đất đai tại địa phương.

Việc 40 cán bộ là công chức thuộc biên chế tại các sở, ngành tỉnh Kiên Giang và UBND các huyện liên quan chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm, đặc biệt tại huyện Phú Quốc – địa phương bị cho là buông lỏng công tác quản lý đất đai cũng có tới 21 cán bộ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm, chỉ có 5 cá nhân bị kỷ luật cảnh cáo và 11 người bị kỷ luật khiển trách… là chưa phù hợp với quy định của pháp luật, hay nói cách khác việc chấp pháp chưa nghiêm.

Những hoài nghi nói trên của dư luận là có cơ sở. Trách nhiệm này thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - người chịu trách nhiệm chỉ đạo xử lý kết quả sau thanh tra.

“Tiền sai phạm nghìn tỉ nghe quá “quen tai”, nhẹ nhàng như không, đặc biệt là khi những người gây ra hậu quả chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Từ lãnh đạo huyện Phú Quốc đến lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đều chỉ bị xử lý vuốt ve như vậy. Xin hỏi, các ông Chủ tịch UBND tỉnh là Lê Văn Thi, Phạm Vũ Hồng; các Phó Chủ tịch Lê Khắc Ghi, Mai Anh Nhịn đều đã nghỉ hưu, vậy thì rút kinh nghiệm để làm gì?” (Theo Lao Động Online 27/8/2020)

VŨ LÊ MINH

Bạn đang đọc bài viết "Để xảy ra sai phạm hơn 2.300 tỷ… nhưng chỉ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm: Nếu vụ việc được cơ quan công an khởi tố, điều tra làm rõ ….." tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin