Để Tòa án thực sự là trung tâm của hệ thống Tư pháp…

26/02/2018 13:07

(Pháp lý) - Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định rõ nhiệm vụ của cải cách tư pháp là bảo đảm để Toà án là trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm. Nhìn lại hoạt động của ngành Tòa án năm 2017, có thể thấy những chuyển biến tích cực, từng bước khẳng định vị thế của Tòa án nhân dân. Tuy nhiên, để Tòa án thực sự là trung tâm của hệ thống tư pháp thì ngành Tòa án cần tiếp tục khắc phục một số hạn chế.

Những phiên tòa dư luận chú ý

Năm 2017, ngành Tòa án đưa ra xét xử nhiều vụ án hình sự kinh tế lớn như: Vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV); Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Nhà nước VN; Vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” liên quan đến hành vi của nhóm Hội đồng tín dụng Ngân hàng Đại Tín gồm Hoàng Văn Toàn và các thành viên khác; Vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín liên quan đến hành vi của Hứa Thị Phấn; Vụ án của ĐBQH Châu Thị Thu Nga “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group); Vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng tín nhiệm…”; Tham ô tài sản tại Ngân hàng thương mại cổ phần OceanBank…vv…

 Một phiên họp của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương
Một phiên họp của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương)

Có những vụ án không lớn nhưng do tính chất của nó mà dư luận cũng rất quan tâm là vụ án Trương Hồ Phương Nga bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Thông tin báo chí phản ánh về các phiên tòa đều có chung nhận định là hoạt động tranh tụng tại các phiên tòa diễn ra rất dân chủ, đúng quy định của pháp luật, mỗi bên buộc tội, gỡ tội đều được đưa hết lý lẽ của mình để tranh luận và sau đó được báo chí phản ánh đầy đủ.

Tại phiên chất vấn trước Quốc hội hồi tháng 11 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình giải thích rõ về thông tin trong phiên tòa xét xử Châu Thị Thu Nga, khi bị cáo khai chạy tiền để trúng cử ĐBQH thì Hội đồng xét xử lại không cho nói.

 Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình báo cáo trước Quốc hội
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình báo cáo trước Quốc hội)

Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã trả lời thẳng thắn: Trong hồ sơ vụ án có tất cả những tài liệu như lời khai của Châu Thị Thu Nga, quyết định tách án của cơ quan điều tra, biên bản đối chất của Nga và các đối tượng liên quan. Việc Chủ tọa phiên tòa dừng việc không cho khai tiếp, yêu cầu vụ án này đã được tách ra, theo quy định của luật thì việc đó được phép và trên thực tế chúng ta đã tách án rất nhiều.

Chánh án cũng cho biết: Lời khai của Châu Thị Thu Nga có trong hồ sơ vụ án, không có gì giấu giếm. Thu Nga đã khai việc chi tiền nhằm cho 2 mục đích, là chi cho hội đồng bầu cử địa phương để có tên trong danh sách ứng cử viên, và chi để giải quyết việc báo chí viết về bằng tiến sĩ giả. Ở thời điểm bầu cử, nhiều báo chí viết về việc bà Nga không đi học mà có bằng Tiến sĩ. Theo lời khai của mình, bà Nga biết một doanh nhân buôn bán vàng, có quan hệ rộng ở Hà Nội nên chủ động gặp. Theo yêu cầu của doanh nhân này, bà Nga đã đưa cho anh này nhiều lần, có lần 100.000, có lần 200.000, việc đưa là ở các quán cà phê khác nhau, ở nhiều thời điểm khác nhau, sau khi đưa anh này mang đi đâu, làm gì bản thân Nga không biết. Việc đưa chỉ có 2 người biết, không có chứng cứ gì để chứng minh việc đưa đó. Tại biên bản đối chất, anh này nói có quen biết bà Nga nhưng không nhận tiền và không quen biết ai ở Hà Nội và không làm việc đó. Với tình huống vụ án như vậy, cơ quan điều tra tách ra là cần thiết, tòa cũng không thể làm rõ hành vi này tại tòa.

Để Tòa án thực sự là trung tâm của hệ thống tư pháp…

Có thể nói, phiên tòa là nơi thể hiện cụ thể nhất, sinh động và rõ nét nhất vị thế, vai trò của Tòa án trong hệ thống Tư pháp. Việc đẩy mạnh tranh tụng, công khai hóa các chứng cứ buộc tội và gỡ tội ngay tại phiên tòa để có quyết định, bản án đúng pháp luật, khách quan và toàn diện là biện pháp rất tích cực.

Vị trí đặc biệt của Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp xuất phát từ vai trò và những thẩm quyền hiến định. Chỉ Tòa án với bản án của mình mới có thẩm quyền coi một người là có tội và phải chịu hình phạt. Điều 72 Hiến pháp 2013 xác định: "Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật”. Trong tất cả các thiết chế quyền lực nhà nước, không một thiết chế quyền lực nào được trao thẩm quyền phán xét đó.

   Hội đồng xét xử sơ thẩm đọc quyết định tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Oceanbank
Hội đồng xét xử sơ thẩm đọc quyết định tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Oceanbank)

Do đó, theo chúng tôi, để Tòa án thật sự là trung tâm của hệ thống Tư pháp, thực hiện đầy đủ thẩm quyền được trao của mình thì còn những hạn chế phải khắc phục cả về khách quan và chủ quan.

Về phía chủ quan của ngành Tòa án, đơn cử một nội dung như Đại biểu Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp chất vấn Chánh án TANDTC, trong đó nội dung liên quan đến án hành chính. Đại biểu Lê Thị Nga cho rằng Thẩm phán còn nể nang, ngại va chạm với chính quyền cho nên có những trường hợp thiếu khách quan và chưa công minh khi đánh giá chứng cứ; thứ hai là tỷ lệ án hủy, cải, sửa cao; thứ ba là án xử không thi hành được.

Chánh án TANDTC đã xác định, nguyên nhân chủ quan là năng lực của thẩm phán, thông thường các thẩm phán ngại va chạm với chính quyền nên xử cũng né tránh. Những việc thuộc về trách nhiệm bản lĩnh và năng lực của đội ngũ thẩm phán chúng tôi sẽ có chấn chỉnh, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao và có nhiều phiên tòa hành chính rút kinh nghiệm để cùng nhau nâng cao kinh nghiệm cho đội ngũ thẩm phán.

Tuy nhiên, không riêng gì án hành chính, mà tất cả các vụ án khác đều đòi hỏi Thẩm phán phải có bản lĩnh, có đủ năng lực để xét xử trên căn cứ pháp luật và chỉ căn cứ vào pháp luật. Bởi lẽ, Thẩm phán chịu nhiều áp lực, nhiều tác động không chỉ từ phía đương sự, dư luận mà ngay trong cơ quan Tòa án, ngay trong hệ thống chính trị. Nếu không đủ bản lĩnh, Thẩm phán khó có thể khách quan, độc lập xét xử, bảo đảm công bằng và chỉ tuân theo pháp luật.

Một số vụ án lớn vừa qua, hoạt động tranh tụng tại phiên tòa diễn ra rất dân chủ nhưng khi phán quyết cấp sơ thẩm đưa ra lại không được dư luận đánh giá cao, có bản án được nhiều chuyên gia pháp luật không đồng tình, điều đó khiến cho người dân có thể hoài nghi kết quả thật sự của việc tranh tụng tại phiên tòa.

Khó khăn về phía khách quan dễ thấy là thiếu biên chế. Chánh án TANDTC cho hay: Trong điều kiện áp lực công việc tăng lên mà phải thực hiện Chỉ thị 39 về tinh giản biên chế, năm 2012 khi Thường vụ Quốc hội cho Tòa án biên chế là 15 nghìn người thì số lượng công việc là 250 nghìn vụ. Sau 5 năm, năm 2017, số lượng công việc là 499 nghìn vụ tức là chỉ thiếu mấy vụ nữa là lên gấp đôi trong khi định biên vẫn như cũ. Đây là áp lực rất lớn.

 Hội đồng xét xử sơ thẩm đọc quyết định tuyên án đối với bị cáo Châu Thị Thu Nga
Hội đồng xét xử sơ thẩm đọc quyết định tuyên án đối với bị cáo Châu Thị Thu Nga)

Do đó, có rất nhiều địa phương cấp huyện một thẩm phán phải xử lý 18 vụ trong 1 tháng trong khi quy định chỉ 5 vụ trong 1 tháng. Ở Tp Hồ Chí Minh hầu hết các quận đều trên 12 vụ, áp lực như vậy nên sẽ có những rủi ro về chất lượng.

Kết thúc phiên trả lời chất vấn của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình mới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhận định: Qua chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy công tác xét xử của Tòa án đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng của đội ngũ cán bộ ngành Tòa án đã được nâng lên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn không ít những tồn tại, hạn chế xuất phát từ yếu tố khách quan và chủ quan, đòi hỏi ngành Tòa án cần phải nỗ lực quyết liệt hơn nữa để có những chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Tiếp tục kiện toàn làm tốt công tác đào tạo, quy hoạch, tuyển chọn, bổ nhiệm, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng, năng lực, bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tòa án nhân dân các cấp. Củng cố và hiện đại hóa cơ sở vật chất, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phấn đấu đến năm 2020 triển khai đề án tòa án điện tử. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm hợp tác quốc tế phục vụ cho hoạt động xét xử và tòa án nhân dân các cấp. Qua đây , đề nghị Quốc hội ủng hộ chủ trương dành nguồn vốn để đầu tư cho các cơ sở của Tòa án, Viện kiểm sát và các cơ quan thi hành án để đảm bảo một xã hội thượng tôn pháp luật, chấp hành pháp luật và thi hành pháp luật nghiêm minh.

Bỏ xét xử lưu động

Báo cáo trước Quốc hội, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình thông tin và đề nghị: Hiện nay phiên tòa lưu động phát sinh những mặt trái. Thứ nhất là tổ chức ở ngoài công đường thì không nghiêm minh, khó bảo vệ và hết sức tốn kém, đặc biệt những phiên tòa có đối tượng nguy hiểm. Một năm tổ chức hơn 9.000, gần 10.000 phiên tòa lưu động thì Tòa án phải chi khoảng 70 tỷ, đấy là chưa kể tiền mà các địa phương hỗ trợ và tôi được biết là địa phương nào cũng hỗ trợ. Khoản chi này tổng hợp lại cũng hết sức lớn… Việc quan trọng nữa là trong điều kiện những nguyên tắc tiến bộ của tố tụng đã được Hiến pháp ghi nhận và đã được luật ghi nhận là một người chỉ được xem là có tội khi có bản án có hiệu lực của Tòa án. Và việc đưa những bị can, bị cáo này ra công khai ở nơi cư trú có thể làm ảnh hưởng đến cả những người thân của họ. Không ít những vụ án, con cháu những người phạm tội vì bức xúc bỏ học đi bụi đời, thậm chí có hành động đáng tiếc khác. Chúng tôi đề nghị Quốc hội dừng việc tổ chức các phiên tòa lưu động, vì tác dụng của nó đã hạn chế nhưng hậu quả của nó rất lớn, đề nghị Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.

Vũ Đăng Khôi

Bạn đang đọc bài viết "Để Tòa án thực sự là trung tâm của hệ thống Tư pháp…" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin