Ngày 16/8, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư do Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng Đoàn đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp.
Tiếp và làm việc với Đoàn có Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp - Bộ trưởng Lê Thành Long, các Thứ trưởng: Nguyễn Khánh Ngọc, Phan Chí Hiếu, Đặng Hoàng Oanh, nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.
Tiếp tục nâng cao vai trò của Bộ Tư pháp trong đề xuất các chính sách về CCTP
Trình bày tóm tắt dự thảo tổng kết thực hiện Nghị quyết 49 về Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nêu bật những kết quả đạt được trong thời gian qua. Đáng chú ý là đã đặc biệt coi trọng và đạt nhiều kết quả trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu CCTP; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự (THADS), hành chính; hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp…
Đối với Chỉ thị 33 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động luật sư, Bộ Tư pháp đã quan tâm hoàn thiện chính sách, pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, trong đó chủ trì, giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Luật sư năm 2012, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; thành lập Trung tâm liên kết đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế; chỉ đạo thẩm tra chặt chẽ việc cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư, cấp, thu hồi giấy phép tổ chức, chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam… Trước diễn biến phức tạp trong hoạt động luật sư, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan kịp thời nắm bắt thông tin, có giải pháp ngăn ngừa các vấn đề phát sinh và có văn bản chỉ đạo giải quyết một số điểm “nóng”.
Về phương hướng công tác CCTP giai đoạn 2021 – 2030, Thứ trưởng Hiếu cho biết sẽ tiếp tục nâng cao vai trò của Bộ Tư pháp – cơ quan giúp Chính phủ trong việc đề xuất các chính sách về CCTP, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống cơ quan THADS, hành chính để tạo chuyển biến mạnh và bền vững trong công tác này; tiếp tục chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp với lộ trình và bước đi phù hợp; tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bổ trợ tư pháp; kiểm soát chất lượng các dịch vụ pháp lý; hình thành thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý trong xã hội.
Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp xác định 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như tiếp tục tham mưu hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, dân sự, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn, có khả năng thích ứng nhanh với những biến động của nền kinh tế thị trường, sự phát triển của khoa học công nghệ, đảm bảo an toàn về pháp lý cho hội nhập quốc tế; thực hiện quyết liệt các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác THADS, hành chính, hoàn thành các chỉ tiêu trong công tác THADS do Quốc hội giao; tiếp tục hoàn thiện các định chế bổ trợ tư pháp, nâng cao chất lượng các dịch vụ luật sư, công chứng, giám định tư pháp, đấu giá, thừa phát lại; đổi mới cơ chế, chính sách về tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, khen thưởng cán bộ; tiếp tục tham mưu cho Ban Bí thư chỉ đạo Thường trực các tỉnh ủy, thành ủy tăng cường sự lãnh đạo đối với tổ chức và hoạt động của luật sư…
Bộ Tư pháp thực hiện nghiêm túc, bám sát tinh thần của Nghị quyết 49, Chỉ thị 33
Sau khi lắng nghe các thành viên Đoàn công tác đặt ra những vấn đề cần giải đáp và trao đổi từ các lãnh đạo, chuyên gia Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định Bộ đã thực hiện rất nghiêm túc Nghị quyết 49 và Chỉ thị 33. Về phương hướng sắp tới, Bộ trưởng cho rằng, cần tính đến yếu tố hội nhập vào quá trình này để tiếp cận hơn với chuẩn mực quốc tế. Chẳng hạn, đối với vấn đề đào tạo, theo Bộ trưởng, cần trả lời là sẽ quản lý đội ngũ theo số lượng hay chất lượng, khi ấy sẽ có được cách nhìn phù hợp. “Nếu thống nhất kiểm soát theo chất lượng thì phải nghiêm, sẽ tính kỹ đến vấn đề quy hoạch, mạng lưới. Trường hợp chưa kiểm soát được đầu ra của cơ sở đào tạo, đầu vào của các cơ quan tư pháp, tổ chức hành nghề thì phải quay trở lại với câu chuyện hoạch định bao nhiêu cơ sở đào tạo là vừa” – Bộ trưởng bày tỏ.
Bộ trưởng cũng chia sẻ nhiều đề xuất về tổ chức và hoạt động luật sư, về cơ sở vật chất, đồng thời cho hay cần cụ thể hóa, làm rõ hơn cách thức, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các nghề tư pháp, các cơ quan tư pháp để tránh lúng túng, tránh kéo dài thời gian, dẫn đến chậm tiến độ, tăng chi phí xã hội. Đối với những nhiệm vụ chưa làm, Bộ trưởng thẳng thắn kiến nghị phải nhìn nhận, đánh giá cụ thể để nói rõ xem việc gì làm tiếp, việc nào không làm nữa. Đặc biệt, Bộ trưởng và Ban Cán sự Đảng Bộ đã thống nhất đề nghị xây dựng Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật nhằm đảm bảo đồng bộ giữa thể chế CCTP với cải cách pháp luật, cải cách hành chính và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp và nhận định tại Bộ Tư pháp hội tụ những chuyên gia hàng đầu - tinh hoa của nền tư pháp nước nhà nên bên cạnh việc tổng kết thì các ý kiến đóng góp cho mục tiêu, giải pháp tới đây là rất quan trọng. Đồng tình là Bộ thực hiện nghiêm túc, bám sát tinh thần của Nghị quyết 49, Chỉ thị 33, Chánh án nhất trí rằng công tác CCTP đã đạt được rất nhiều thành tựu, nhất là nếu không có hai văn kiện này thì chất lượng công việc, đội ngũ cán bộ không cao được như hiện nay.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện phát hiện còn nhiều bất cập, còn rất nhiều việc chưa làm xong, thậm chí trong Nghị quyết 49 và Chỉ thị 33 có những kết luận chưa hợp lý, cần sửa đổi cũng như còn một số tồn tại, hạn chế trong THADS, tố tụng hành chính, luật sư, giám định tư pháp, đào tạo, quản lý các hội tư pháp, vấn đề nhận thức xã hội hóa và quan điểm về hoạt động bổ trợ tư pháp…
Tán thành với Bộ trưởng Lê Thành Long về vấn đề hội nhập trong Nghị quyết 49 có những điểm thấp hơn mặt bằng chung, chưa hợp lý, Chánh án ghi nhận các kiến nghị của Bộ Tư pháp. Trong đó, ông đặc biệt lưu ý đến kiến nghị tích hợp những vấn đề liên quan từ xây dựng pháp luật, CCTP đến quản lý hoạt động luật sư, phổ biến giáo dục pháp luật, hợp tác pháp luật với nước ngoài vào một nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương. “Cần tham mưu cho Trung ương theo hướng này để nâng tầm vấn đề đảm bảo thực hiện sau Đại hội XIII, đây là sáng kiến đáng ghi nhận, cần xem đây là đề xuất chung và tôi thiên về đề xuất này” – ông Bình đúc rút.
Theo baophapluat.vn
Nguồn bài viết: https://baophapluat.vn/tu-phap/de-nghi-xay-dung-nghi-quyet-trung-uong-ve-cong-tac-xay-dung-va-to-chuc-thi-hanh-phap-luat-466722.html