Như Pháp lý đã phân tích bình luận trong 3 bài viết được đăng tải trong chuyên mục Diễn đàn – Luật gia (kỳ phát hành đầu tháng 4/2018), theo đó, nhiều ý kiến chuyên gia pháp luật cho rằng để Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đi vào cuộc sống thì cần thực hiện nghiêm quy định trong một số Luật liên quan khác, đồng thời cần vận dụng triệt để các quy định mới của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) nhằm xử lý và trừng trị nghiêm minh những đối tượng gây thất thoát, lãng phí, xà xẻo, tham nhũng tài sản công.
Vậy các quy định của BLHS năm 2015 (sửa đổi năm 2017) có hiệu lực từ 1/1/2018 điều chỉnh vi phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công đã bao quát và nghiêm minh chưa? Phóng viên Pháp lý cùng chuyên gia pháp luật giới thiệu tới bạn đọc trong bài viết sau.
Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, có thể bị xử phạt tù tới 20 năm
Gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước, có thể bị xử phạt tới 20 năm tù
Theo đó, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí là hành vi của người được giao quản lý sử dụng tài sản nhưng người này đã vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản dẫn đến gây thất thoát, lãng phí.
Tài sản nhà nước theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (2017) là tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác.
Nói về hành vi vi phạm thì có thể là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định của nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước như mua sắm tài sản nhà nước vượt quá tiêu chuẩn định mức theo chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, không sử dụng tài sản nhà nước; bỏ mặc tài sản nhà nước dưới mưa nắng dẫn đến bị hư hỏng nặng gây thất thoát lãng phí.
Lãng phí theo quy định của Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả. Đối với lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì lãng phí là việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc không đạt mục tiêu đã định. Về hậu quả, những hành vi nói trên bị coi là tội phạm nếu gây thất thoát, lãng phí đối với tài sản nhà nước từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc tài sản bị thất thoát lãng phí tuy dưới 100 triệu đồng nhưng bị xử lý kỉ luật về hành vi này mà còn vi phạm.
Chủ thể của tội này là chủ thể đặc biệt, người phạm tội là người được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định. Lỗi của người phạm tội là lỗi có ý. Điều Luật cũng quy định 3 khung hình phạt, với một số tình tiết định khung tăng nặng như: Vì vụ lợi; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Gây thất thoát lãng phí từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng. Hình phạt dành cho loại tội phạm này rất nghiêm khắc. Theo đó, phạm tội gây thiệt hại 1 tỉ đồng trở lên có thể bị phạt tù từ 10 đến 20 năm.
Điều 219. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí
1.Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm: a) Vì vụ lợi; b) Có tổ chức; c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Quyết định chủ trương đầu tư gây thiệt hại nghiêm trọng có thể bị xử tù tới 20 năm
Trước tình trạng quản lý, sử dụng vốn đầu tư công ở nước ta ngày càng có nhiều sai phạm nghiêm trọng hoặc vi phạm quy định về quyết định chủ trương đầu tư gây thiệt hại nghiêm trọng… ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế xã hội, nhà làm luật đã bổ sung một tội danh mới vào BLHS 2015 để chặn những tiêu cực trên. Đó là Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng. Hành vi vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng là hành vi của người lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc vi phạm quy định về chủ trương đầu tư vi phạm về lập, thẩm định chủ trương đầu tư, vi phạm quy định về quyết định đầu tư chương trình, dự án, vi phạm quy định về tư vấn, thiết kế chương trình dự án gây thiệt hại về kinh tế trái với quy định của pháp luật.
Khoản 21 Điều 4, Luật Đầu tư công (2015) quy định vốn đầu tư công gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước, các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương để đầu tư
Cần phải lưu ý, theo điều luật thì việc vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công có thể là một trong các hành vi như: Vi phạm quy định về quyết định chủ trương đầu tư như vi phạm quy định của Luật đầu tư trong việc đưa ra quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của địa phương hoặc không đúng thẩm quyền, trình tự theo quy định của pháp luật. Đây là những quy định pháp lý rất quan trọng, sát với thực tiễn hiện nay và kỳ vọng sẽ ngăn chặn những hành vi ra các quyết định đầu tư gây thiệt hại.
Vi phạm quy định về lập, thẩm định chủ trương đầu tư khi chưa đưa trình hay đưa trình nhưng không thực hiện đúng với việc đã được phê duyệt, vi phạm quy định của Luật Đầu tư công khi thông đồng với tổ chức tư vấn dẫn đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định chương trình, chính sách, dự án gây thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước, tài nguyên quốc gia.
Về hình phạt với tội danh này, BLHS 2015 cũng đưa ra chế tài rất nghiêm khắc. Theo đó, người phạm tội gây thiệt hại từ 1 tỉ đồng trở lên có thể bị xử tù từ 10 đến 20 năm.
Điều 220. Tội vi phạm qui định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Vi phạm quy định về quyết định chủ trương đầu tư; b) Vi phạm quy định về lập, thẩm định chủ trương đầu tư; c) Vi phạm quy định về quyết định đầu tư chương trình, dự án; d) Vi phạm quy định về tư vấn, thiết kế chương trình, dự án.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm: a) Vì vụ lợi; b) Có tổ chức; c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Chỉ cần thu lợi bất chính 30 triệu đồng từ hoạt động bán đấu giá tài sản là bị xử hình sự
Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản là hành vi lập danh sách khống về người đăng kí mua bán tài sản đấu giá; lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản hoặc thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản để thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại cho người khác trái quy định của pháp luật. Sai phạm trong hoạt động bán đấu giá tài sản để trục lợi diễn ra rất đa dạng như thông đồng, dìm giá; hạn chế, ngăn cản người tham gia đấu giá có nhu cầu thực; niêm yết, thông báo chưa đầy đủ nội dung; quy chế bán đấu giá chưa có bước giá; chưa đủ số lượng đối tượng tham gia đấu giá tối thiểu theo quy định… Đặc biệt, vi phạm thường xảy ra trong trường hợp bán đấu giá các tài sản bị tịch thu để xử lý vi phạm hành chính, tài sản thi hành án, hậu quả là gây thất thoát lớn…
Tội phạm này xâm phạm chế độ quản lý nhà nước đối với hoạt động bán đấu giá tài sản. Hoạt động bán đấu giá tài sản xâm hại đến quyền lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu có tài sản bán đấu giá; xâm phạm đến quyền lợi bình đẳng trong hoạt động đấu giá của những người tham gia đấu giá, cũng như gây thất thoát tài sản của nhà nước, của tổ chức và cá nhân.
Khác với Tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại điều 165 BLHS 1199 trước đây, trong cấu thành của tội này, không chỉ quy định hậu quả thiệt hại gây ra cho người khác (từ 50 triệu đồng trở lên) mà còn quy định thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên đã cấu thành của tội này.
Điều 218. Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản
1.Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Lập danh sách khống về người đăng ký mua tài sản bán đấu giá; b) Lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản; c) Thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản.
2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Có tổ chức; b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên; c) Gây thiệt hại cho người khác 300.000.000 đồng trở lên; d) Phạm tội 02 lần trở lên; đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.
3.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Dùng quyền lực, chỉ đạo, can thiệp cấp dưới chọn nhà thầu theo ý mình… có thể bị xử tù
Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng là hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, thông thầu, gian lận trong đấu thầu; cản trở hoạt động đấu thầu; vi phạm quy định của pháp luật về đảm bảo công bằng minh bạch trong đấu thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; chuyển nhượng thầu trái phép gây hậu quả nghiêm trọng trái với quy định của pháp luật.
Khách thể của tội này là xâm phạm đến tính đúng đắn của hoạt động đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, bình đẳng và hiệu quả kinh tế. Gây tổn hại đến ngân sách quốc gia, kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp.
Khoản 12 điều 4 của Luật đấu thầu (2013) quy định: “Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế”.
Bởi vậy các hành vi khách quan của tội này bao gồm, can thiệt trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu. Chẳng hạn dùng quyền lực của cơ quan cấp trên chỉ đạp cấp dưới (là bên mời thầu) chọn nhà thầu theo ý mình; Thông thầu; Gian lận trong đấu thầu; Cản trở hoạt động đấu thầu; Vi phạm quy định của pháp luật về đảm bảo công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn của gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; Chuyển nhượng thầu trái phép… Theo điều luật thì chủ thể là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo Luật định đã thực hiện một trong các hành vi nêu trên. Người lợi dụng chức vụ quyền hạn là tình tiết định khung, tăng nặng quy định ở khoản 2 của điều luật. Hình phạt mà BLHS 2015 sửa đổi năm 2017 “dành cho” tội danh này cũng rất nghiêm khắc, phạm tội gây thiệt hại 1 tỷ đồng trở lên có thể bị xử phạt từ 10 đến 20 năm tù.
Điều 222. Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; b) Thông thầu; c) Gian lận trong đấu thầu; d) Cản trở hoạt động đấu thầu; đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; g) Chuyển nhượng thầu trái phép.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm: a) Vì vụ lợi; b) Có tổ chức; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Thạc sĩ Quách Đình Lực, nguyên Kiểm sát viên cao cấp: “Quy định mới của pháp luật hình sự là triệt để, nghiêm khắc trong xử lý vi phạm về tài sản công”
Có ý kiến cho rằng việc xử lý một vi phạm cụ thể ở các điều 218, 219, 220, 222 phụ thuộc vào các Luật chuyên ngành như Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật Đấu thầu, Luật đấu giá… Tuy nhiên tôi lưu ý rằng: Các vi phạm được xác định trong các Luật chuyên ngành chỉ có thể bị xử lý hành chính, khi xem xét đủ 4 yếu tố cấu thành tội phạm (đặc biệt là yếu tố về hậu quả) thì mới có thể xử lý hình sự. Nếu thiếu các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định trong BLHS thì không thể xử lý các hành vi vi phạm tài sản công theo BLHS được. Và ngoài các vi phạm được quy định tại các điều 218, 219, 220, 222 thì còn có các điều Luật quy định về các tội khác như: Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng… thuộc nhóm tội liên quan đến chức vụ, thường là người được giao quản lý, sử dụng tài sản công. Bởi vậy tôi đánh giá, các quy định của BLHS 2015 (sửa đổi năm 2017) là triệt để, nghiêm khắc trong xử lý vi phạm về tài sản công. Hiện nay, hầu hết các vi phạm liên quan đến tài sản công được phát hiện qua việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán. Dư luận từng chỉ ra rất nhiều bất cập của hoạt động thanh kiểm tra như hoạt động thanh kiểm tra kéo dài; trong quy định hành chính của các hoạt động này có họp báo cho cơ quan, người vi phạm biết về kết luận thanh tra, kết luận kiểm toán dẫn đến hậu quả là có thể đối tượng có thời gian tẩu tán tài sản, chứng cứ, vi phạm có thể bị ém đi, người vi phạm có thời gian bỏ trốn… Do đó, tôi kiến nghị khi thanh tra phát hiện thấy vi phạm có dấu hiệu hình sự thì cần chuyển cơ quan điều tra ngay và có các biện pháp để đảm bảo (như phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản, cấm đối tượng đi khỏi nơi cư trú) để xử lý được triệt để các vi phạm về tài sản công. |
Vũ Anh Tâm