Hội An thu hút khách du lịch toàn cầu
Nay cũng như xưa
Ngồi ăn trưa trong quán Cơm gà Bà Buội, kế bên Văn miếu Hội An, trong căn nhà cũ, chật hẹp, thực khách có cảm giác rất lạ, bình yên, gần gũi không giống các quán xá vùng du lịch khác, đó là không lo bị “chặt chém” hay chất lượng thực phẩm có thể không bảo đảm do quá đông khách… Ở đây, trước sau như một, nay cũng như xưa.
Trước hết là nhà hàng còn nguyên nếp nhà cũ, không cơi nới, không tân trang, không cố gắng gây ấn tượng về một quán ăn nổi tiếng lâu đời ở phố cổ và là nơi hút khách số một ở Hội An. Đi kèm với không gian xưa cũ là chất lượng cơm gà cũng như xưa. Cơm gà Bà Buội được nấu từ nước luộc gà, còn gà thì được luộc mềm và xé nhỏ, xếp gọn gàng trên đĩa cơm và trang trí bắt mắt với rau xanh. Khi ăn, khách có thể thêm tương ớt hoặc nước mắm ớt đặc trưng ở đây để cảm nhận được trọn vẹn vị ngon của món cơm gà này. Bảng giá được niêm yết trên tường.
Tranh thủ hỏi thăm chủ nhà, họ nói dù đắt hàng, nhiều khi khách phải chờ đợi lâu mới có bàn nhưng nhà không mở quán thứ hai, cả Hội An chỉ giữ một quán này. Bà Buội đã mất từ lâu nhưng hậu duệ của bà vẫn giữ nguyên tất cả, từ không gian đến cung cách phục vụ, chất lượng cơm, như hồi bà còn làm, vậy thôi là quán nổi tiếng rồi.
Có thể nói, quán Cơm gà Bà Buội là một trong vô số những dẫn chứng về đặc thù Hội An, sống trong quá khứ, xưa ở trong nay, biến cái xưa cũ thành sản phẩm du lịch sống động. Từ quán cơm, chúng tôi đi lang thang trên phố cổ, chợt chú ý đến các bảng hiệu ở Hội An, mỗi tiệm một kiểu nhưng tuyệt đại đa số vẫn là bảng hiệu kiểu xưa, có bảng chữ Hán, chữ Hán kèm quốc ngữ hay bảng mới đây nhưng đều giống nhau là biển nhỏ khiêm nhường, đa phần là chữ kẻ tay như cái thời máy tính và công nghệ quảng cáo còn xa vời.
Quán cơm gà Bà Buội, giữ nguyên nếp xưa
Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An cho biết, đô thị này còn 45 bảng hiệu buôn niên đại từ 100 đến 200 năm, 30 bảng hiệu buôn gần 100 năm tuổi. Nhiều hiệu buôn nổi tiếng một thời như Quân Thắng Sạn, Thuận An Đường, Chấn Nam Hưng, Tấn Ký, Đức Hưng… đến giờ vẫn còn được nhiều người nhắc đến. Chủ nhà hiệu Quân Thắng Sạn (77 đường Trần Phú) cho hay, biển hiệu chữ Hán này có từ 200 năm trước, dù ngày nay không còn buôn bán như thời xưa nhưng con cháu phải giữ bằng được tên tuổi ông bà.
Để có được nét đặc sắc trong hệ thống bảng hiệu như thế, Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An đã ban hành một quy chế cụ thể, yêu cầu bảng phải phù hợp với văn hóa truyền thống Hội An, khuyến khích đặt những bảng hiệu đúng kiểu xưa. Các bảng hiệu xưa thường để trơn hoặc trang trí hoa dây, lá ngọc, hồi văn hay lưỡng long tranh châu, chim hạc, xung quanh có hoa vải đỏ. Bảng hiệu không được quá một phần ba chiều ngang mặt tiền kinh doanh, không được che lấp các chi tiết kiến trúc cũng như mái nhà cổ. Trong khu vực 1 của phố cổ, bảng hiệu phải dùng các màu nâu, đá, vàng sẫm, khuyến khích dùng bảng bằng gỗ và nghiêm cấm dùng hộp đèn Formica, đèn nhấp nháy.
Chỉ riêng chuyện bảng hiệu đã thấy nét “hơn người” của chính quyền và cư dân Hội An, biết nâng niu và phát huy vẻ đẹp xưa cũ để làm giàu cho hiện tại.
Vị chủ nhà hào phóng
Tranh thủ thời gian, tôi đi thăm một “người quen cũ” là ông Diệp Gia Sùng, chủ nhà cổ Diệp Đồng Nguyên ở 82 đường Nguyễn Thái Học. Nói là “người quen” vì chừng 20 năm trước, nhân một Hội thảo, tôi được đến Hội An lần đầu tiên và đến thăm ngôi nhà được coi như một kho báu, một bảo tàng về cổ vật, và chúng tôi cảm nhận được những ân tình, hào phóng của chủ nhà.
Tối hôm trước, anh bạn đi cùng tôi vào thăm và ngỏ ý muốn mua một cái ấm nhỏ, ông Sùng nói 1 triệu đồng, anh bạn không mang đủ tiền, nên sáng hôm sau rủ tôi trở lại để mua ấm. Sau khi chào hỏi và nói chuyện ấm, ông nhìn chúng tôi hỏi lại hôm qua ông nói giá bao nhiêu, nghe anh bạn tôi đáp, ông nói: Thật ra tôi không muốn bán nên nói vậy, bây giờ các cậu muốn mua bằng được thì tôi lấy 500 ngàn. Đúng là bất ngờ! Sau đó ông mời chúng tôi lên gác tham quan, đó mới là nơi bày những cổ vật quý giá. Ông mặc cho hai kẻ lạ mặt xem xét, chụp hình, ông bận sắp xếp lại chỗ này chỗ kia. Khi tôi hỏi về sắc phong, ông lúi húi lấy ra một chồng, trong đó ông nói thích nhất là sắc phong cho Trương Đăng Quế… Rồi như tiện tay ông lấy ra, đưa cho chúng tôi cầm trên tay để chiêm ngưỡng chiếc bình phong nhỏ xíu bằng vàng, từ đời Thanh, một Bảo tàng ở New York, Mỹ, khi đó trả 2 tỷ đồng, ông không bán vì là đồ gia bảo.
Mấy lần trở lại Hội An nhưng tôi không có dịp ghé lại Diệp Đồng Nguyên, lần này tôi nhất định phải ghé thăm ông Diệp Gia Sùng. Đến nơi, ngôi nhà vẫn như xưa, hai bên cửa chính, chữ Phúc và chữ Thọ trắng trên nền đỏ vuông để chéo vẫn tươi rói nhưng cửa đóng im lìm. Một cảm giác tiếc nuối dâng lên trong lòng chúng tôi… Trước cửa có người đàn ông đứng bán quà vặt cho khách qua đường, dường như quá tương phản với những báu vật phía sau cánh cửa. Người đó nói, nhà không bán hàng cũng không mở cửa cho khách tham quan nữa. Khi thấy tôi hỏi thăm ông Sùng và nói lý do ghé thăm thì bất ngờ người đó nói, vậy thì mời anh vào, rồi anh ta đẩy cửa gọi to, “chú Sùng có khách ạ”. Hóa ra đó là người bảo vệ ngôi nhà, tranh thủ bán quà vặt kiếm thêm.
Trong nhà vẫn nguyên vẹn như lần đầu tôi đến, thời gian như ngừng trôi trong căn nhà này, chỉ có điều ông Sùng đã ngoại 80 tuổi, ngồi trò chuyện với tôi ông không còn minh mẫn như xưa. Người nhà nói ông đã yếu đi nhiều, nên không thể mở cửa đón khách.
Tổ tiên nhà họ Diệp đến từ Quảng Đông (Trung Hoa) sang Hội An từ thời năm Hàm Phong, nhà Thanh, hành nghề thuốc Bắc. Kinh doanh phát đạt họ mở thêm tiệm mới, chuyên buôn bán các loại cao đơn hoàn tán mang tên Nhị Thiên Đường, rồi con cháu kinh doanh nhiều mặt hàng khác… Do có nhiều cổ vật tổ tiên mang theo từ cố hương và con cháu cũng mê chơi cổ ngoạn nên số lượng cổ vật nhà họ Diệp không ngừng được bổ sung và ngày càng đồ sộ. Chỉ riêng bộ sưu tập tiền cổ nhà họ Diệp đã đáng kính nể. Bộ sưu tập có các loại tiền cổ của Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, trong đó có cả đồng Thái Bình Hưng Bảo của nhà Đinh, và có đồng tiền Hàm Nghi Thông Bảo vô cùng quý hiếm.
Ông Diệp Gia Sùng nói rằng các cháu ông sẽ tiếp tục trông nom ngôi nhà, tôi mong rằng 10 năm, 20 năm sau trở lại, ngôi nhà vẫn mở đón khách và vẫn nguyên vẹn như bao năm qua…
Biển hiệu đều giữ phong cách truyền thống
Đô thị cổ độc đáo
Trước đại dịch Covid-19, năm 2018 đô thị Hội An xinh xắn có tổng lượng khách tham quan lưu trú xấp xỉ 5 triệu lượt, trong đó 3,75 triệu lượt là khách quốc tế; riêng doanh thu vé tham quan phố cổ đạt 266 tỷ đồng, vé tham quan Cù lao Chàm gần 27 tỷ đồng. Những con số đó cho thấy Hội An đã trở thành một trong những điểm du lịch hàng đầu của Việt Nam, góp phần quảng bá văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam, đặt ra cho Hội An yêu cầu cân đối giữa bảo tồn và phát triển.
Rất mừng là Hội An đã xác định hướng đi với ba thành tố là sinh thái, văn hóa và du lịch, trong đó văn hóa là trọng tâm bởi lẽ di sản Hội An được cả thế giới biết đến chính là nhờ yếu tố văn hóa, với những nét khác biệt từ cảnh quan, kiến trúc, đến nếp sống thuần hậu, văn minh nhưng vẫn nền nã nếp xưa.
Một trong những công trình mới ở đô thị Hội An mà chúng tôi có dịp ghé qua là Công viên Ấn tượng Hội An, tọa lạc trên Cồn Hến giữa sông Hoài, gần cửa sông Thu Bồn lộng gió. Đây là công viên văn hoá, chủ đề siêu lớn và tái hiện nhiều công trình giao thoa giữa văn hoá phương Đông và phương Tây.
Người Hội An đã đưa những câu chuyện lịch sử thành một chương trình nghệ thuật chất lượng cao, trọng tâm là Show “Ký ức Hội An” một chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh lớn nhất thế giới tại Việt Nam, sử dụng sân khấu rộng đến 25.000 m2 với chiều dài gần 1 km, quy tụ hơn 500 diễn viên cùng hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại bậc nhất, chương trình mang đến những ấn tượng khó phai trong lòng người xem.
Mở đầu vở diễn là bức tranh toàn cảnh về phong tục, cuộc sống của con người Hội An ngày xưa. Màn thứ 2 kể về câu chuyện đám cưới của công chúa Huyền Trân và quốc vương Chăm Pa, Chế Mân. Màn thứ ba đưa khán giả quay về với hình ảnh Hội An thế kỷ XVI – XVII, dẫn dắt người xem vào một câu chuyện tình đẹp giữa một chàng trai lênh đênh trên biển để giao thương với tàu thuyền nước ngoài và người con gái chung thuỷ đêm đêm thả đèn hoa đăng trên sông Hoài, cầu nguyện người yêu sớm bình an trở về. Vở diễn đưa khán giả đến với giai đoạn Hội An thời vàng son, với phiên chợ quốc tế tấp nập tàu thuyền phương Tây, Ả Rập, Trung Hoa, Nhật Bản ghé thăm.
Show diễn nhắc nhở khán giả nhớ về lịch sử Hội An. Với vị trí địa lý thuận lợi trên tuyến hàng hải nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Hội An trở thành thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất khu vực Đông Nam Á ở những thế kỷ XVI-XVIII. Thiền sư Trung Hoa Thích Ðại Sán năm 1694 đến Đàng Trong có viết trong sách Hải ngoại kỷ sự về số tàu thuyền vào ra bến cảng Hội An tấp nập đến nỗi cột buồm san sát "như rừng tên xúm xít". Lê Quý Ðôn trong Phủ biên tạp lục thì viết rằng hàng hóa "không thứ gì không có", nhiều đến mức "cả trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được".
Không những giao thương mà nhiều người Nhật, người Hoa đã định cư tại đây, lấy vợ Việt rồi sinh con đẻ cái, dấu vết còn rõ ràng nhất là ba ngôi mộ người Nhật từ thế kỷ XVII còn nguyên vẹn ở Hội An, được xếp hạng di tích cấp quốc gia và rất nhiều gia tộc gốc Hoa trở thành dân cố cựu nơi phố Hội, kéo theo những người đồng hương khác đến đây lập nghiệp, gia tộc Diệp Đồng Nguyên là một trong số đó.
Các nhà nghiên cứu cho rằng: Từ cuối thế kỷ XIX, do chịu sự tác động của nhiều yếu tố bất lợi, "cảng thị thuyền buồm" Hội An suy thoái dần và mất hẳn, nhường vai trò lịch sử của mình cho "cảng thị cơ khí trẻ" ở Ðà Nẵng. Nhưng cũng nhờ đó, Hội An đã tránh khỏi được sự biến dạng của một thành thị trung - cận đại dưới tác động của đô thị hóa hiện đại, để bảo tồn cho đến ngày nay một quần thể kiến trúc đô thị cổ hết sức độc đáo.
Trầm tích văn hóa
Trong khi chờ đợi đến giờ xem “Ký ức Hội An”, bất ngờ chúng tôi được thưởng thức tiết mục đám cưới của một khách thương Nhật Bản với cô gái Việt mà chương trình giới thiệu là “Công chúa Ngọc Hoa”. Dù là tiết mục nghệ thuật nhưng vẫn phản ánh một sự thật lịch sử thú vị của Hội An, của Đàng Trong xa xưa.
“Công chúa Ngọc Hoa” là một nhân vật chưa xác minh được tên tuổi, nhưng là người đã kết hôn với hào thương người Nhật tên là Araki Shotaro vào năm 1619, sau đó bà theo chồng về Nhật vào năm 1620, định cư ở Nagasaki, mất năm 1645. Trong các thư tịch cổ của Nhật Bản hiện còn được lưu trữ, tên của bà được ghi là Wakaku và Wakakutome. Do bà thường gọi chồng bằng tiếng Việt “Anh ơi, anh ơi”, nghe như Anio trong tiếng Nhật nên người ta gọi bà là Anio-san. Thậm chí từ đó, các cô gái dễ thương, xinh đẹp cũng được gọi là Anio-san. Điều đó cho thấy bà hạnh phúc ở quê chồng và được mọi người yêu mến, quý trọng.
Tái hiện hình ảnh Công nữ Ngọc Hoa và thương nhân Nhật Bản
Trong bài viết “Trấn thủ Quảng Nam Nguyễn Phúc Kỳ với bức quốc thư ban quốc tính cho hào thương Araki Sotaro” TS. Võ Vinh Quang đã chứng minh một cách thuyết phục rằng người con gái mang tên Nhật Wakaku được gả cho hào thương Nhật Bản Araki Sotaro chính là con gái của Trấn thủ Quảng Nam Nguyễn Phúc Kỳ, cháu nội của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên.
Bài viết cho hay, Trấn thủ Quảng Nam Nguyễn Phúc Kỳ, sinh năm Nhâm Ngọ (1582), mất năm Tân Mùi (1631), nắm quyền cai quản toàn bộ xứ Quảng suốt 18 năm (1614 - 1631), nơi tập trung nhiều hải cảng lớn của xứ Đàng Trong, và là nơi có nhiều sản vật quý hiếm bậc nhất Đại Việt. Chính ở khoảng thời gian này, Trấn thủ Kỳ đã góp phần xây dựng Xứ Quảng nói riêng, vùng đất Đàng Trong nói chung giàu có, phồn thịnh và có tiềm lực kinh tế quân sự rất cao. Đồng thời, ông cũng là người có tư duy cởi mở, không đóng cửa với bất kỳ quốc gia dân tộc nào đến buôn bán trao đổi ngoại thương, ngoại giao.
Quan hệ Việt - Nhật khăng khít vào đầu thế kỷ XVII có được là nhờ sự đóng góp không nhỏ trong chính sách mở cửa của Trấn thủ Nguyễn Phúc Kỳ, đặc biệt là sự kiện gả con gái cho hào thương Nhật và ban quốc tính (họ Nguyễn) cho con rể là Nguyễn Thái Lương, phản ánh quan điểm cởi mở, khoáng đạt của ông.
Dấu ấn văn hóa về mối quan hệ Việt - Nhật hiện còn thấy ở biểu tượng Phố Nhật và cầu Lai Viễn (Chùa Cầu) tại Hội An, cùng đó là lễ hội tái hiện đám cưới giữa Araki Sotaro và tiểu thư Wakaku ở Nagasaki, Nhật Bản. Theo TS Trần Đức Anh Sơn, lễ hội Okunchi ở Nagasaki (từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 10 hàng năm), có đám rước do hai em bé đóng vai Sotaro và Wakaku đứng trên mũi một chiếc thuyền buôn, để tôn vinh bà và hào thương Araki Sotaro.
Như vậy, ở Nhật Bản tư liệu lịch sử về bà rất rõ, nhưng phía Việt Nam vì nhiều lý do mà không còn tư liệu nào về bà. Tuy nhiên, gần đây, Hội An cũng tổ chức tái hiện đám cưới Việt- Nhật này và có con đường đặt tên Công nữ Ngọc Hoa, từ kênh Chùa Cầu đến ngã ba Hùng Vương - Trần Hưng Đạo. Có lẽ Hội An tạm dùng Ngọc Hoa làm “nickname” để kỷ niệm người con gái Việt được gả cho hào thương Nhật Araki Sotaro.
Di sản ấn tượng
Mới đây, tạp chí du lịch danh tiếng Wanderlust của Anh đã chọn trong số hơn 40 Di sản thế giới được UNESCO công nhận ở Đông Nam Á những di sản ấn tượng nhất. Trong danh sách đó, Việt Nam có tới 3 đại diện gồm: Hội An (Quảng Nam), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình). Trong đó, Hội An là di sản khác biệt, ấn tượng để lại cho du khách là văn hóa, lịch sử, con người… bên cạnh Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm, khác hẳn với hai di sản thuần túy thiên nhiên.
Vì nét khác biệt ấy, Hội An thu hút khách du lịch toàn cầu. Làm thế nào để gìn giữ và phát huy được những giá trị khiến Hội An được mang danh là “ốc đảo văn hóa” ấy, trong khi đô thị này đang có thêm nhiều chủ thể mới từ khắp nơi trong cả nước đến kinh doanh, làm du lịch… là vấn đề đáng quan tâm. Trong thời gian ngắn ở đây, chúng tôi đã thấy manh nha những dấu hiệu, tạm gọi là “phi Hội An” xuất hiện.