Để có môi trường kinh doanh an toàn, ưu việt: Chuyên gia và Doanh nhân kiến nghị gì?

24/03/2020 08:42

(Pháp lý) - Giữ ổn định chính sách; Vi phạm có thể khắc phục thì không nên hình sự hóa; Sử dụng hòa giải để giải quyết tranh chấp giữa các doanh nghiệp… là những kiến nghị để có môi trường đầu tư an toàn…

TS. Vũ Tiến Lộc: Phải giữ ổn định về chính sách

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – TS. Vũ Tiến Lộc đánh giá, trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực quan trọng trong việc tạo lập một môi trường kinh doanh ổn định, vững chắc và khuyến khích tinh thần doanh nghiệp (DN). Đó không chỉ là những tuyên ngôn như “Chính phủ hành động, kiến tạo” hay “lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ” mà đã trở thành các hành động cụ thể trong các chính sách kinh tế được ban hành và thực thi thời gian qua.

TS.Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI

Tuy nhiên, hiện còn tồn tại các vấn đề liên quan như: Hoạt động thanh kiểm tra thuế vẫn chưa được cải thiện nhiều, vẫn có 33% DN cho rằng cán bộ suy diễn bất lợi cho DN và 30% DN cho biết tồn tại chi phí không chính thức khi thanh kiểm tra thuế; các DN vẫn phải đi lại để nộp hồ sơ nhiều lần (trung bình 3 lần cho mỗi thủ tục xây dựng). Các thủ tục về xây dựng và phòng cháy chữa cháy vẫn chưa được thực hiện liên thông. Tỷ lệ DN phải xin xác nhận phòng cháy chữa cháy lên đến 63% và có đến 30% DN cho rằng họ gặp khó khăn khi làm thủ tục. Về lĩnh vực tiếp cận tín dụng, ông Lộc cho biết 39% DN cho biết tình trạng bồi dưỡng cho cán bộ ngân hàng để vay được vốn là phổ biến; việc thiếu công khai, minh bạch của các cơ quan quản lý nhà nước về thông tin về đất đai đang trở thành vấn đề lớn đối với cộng đồng DN. Theo ông Lộc, hiện tượng tham nhũng vặt khi làm thủ tục hành chính vẫn còn đáng quan ngại; việc cắt giảm danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện nằm ở cấp luật cần tiếp tục được thực hiện.

VCCI cũng là đơn vị đưa ra thống kê về 25 điểm chồng chéo, xung đột là cản trở rất lớn, làm chậm lại quá trình huy động nguồn vốn đầu tư (ở cả khu vực công và tư) vào phát triển kinh tế, xã hội. Đại diện VCCI đề xuất 2 điểm mới đột phá: 1, Tập trung giải quyết những điểm nghẽn, xung đột, thiếu nhất quán của pháp luật về đầu tư kinh doanh. 2, Bên cạnh đó cần có những biện pháp liên tục thúc đẩy cắt giảm điều kiện kinh doanh, giảm thiểu kiểm tra chuyên ngành.

Trọng tài viên Châu Huy Quang: Tăng cường xử lý sai phạm ở cơ quan tư pháp

Áp dụng chế tài hình sự là cần thiết trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền, mà tính nghiêm minh, trừng phạt và ngăn ngừa tội phạm của pháp luật là thiết yếu. Tuy nhiên, thực trạng lạm dụng pháp luật hình sự trong việc giải quyết các xung đột, tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, khiếu nại hành chính thông qua các hành vi can thiệp thái quá, không cần thiết của các cơ quan tư pháp, tiến hành tố tụng vào các quan hệ kinh tế, dân sự vẫn tồn tại.

Theo đó, ông Quang cho rằng cần tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan điều tra, công tố, tòa án. Đồng thời cần xem xét xử lý các hành vi tư pháp sai trái của công chức, viên chức đồng bộ, thường xuyên. Ngoài ra, cần có cơ chế tiếp cận thông tin, cơ chế phản biện, công tác giải quyết khiếu nại, khiếu kiện hành chính, dân sự. Cần giám sát hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng ngay từ giai đoạn khởi tố, điều tra, xét xử. Xử lý nghiêm những sai phạm của viên chức, kể cả việc truy tố, áp dụng hình phạt đối với những người tiến hành tố tụng ra quyết định trái pháp luật, bản án trái pháp luật như BLHS hiện hành đã quy định.

Doanh nhân Nguyễn Thị Nga: Vi phạm có thể khắc phục, không nên hình sự hóa…

Doanh nhân Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch Tập đoàn BRG

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG – Tập đoàn hợp tác đầu tư với nhiều tên tuổi lớn của thế giới như Tập đoàn Hilton (Mỹ), IHG (Anh) hay Marriott (Mỹ) đã nhiều lần bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Bà Nga cho rằng: Việc này mang đến những tác động tích cực như giúp các DN “dám nghĩ dám làm”, dám chấp nhận thử thách, đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực mà ở Việt Nam vẫn còn chưa phổ biến.

Ngoài ra, khi Chính phủ chủ trương không hình sự hóa các quan hệ hành chính và kinh tế, DN sẽ cảm thấy được pháp luật bảo vệ cho quyền lợi chính đáng của mình, chủ động khắc phục trong trường hợp xảy ra thiệt hại về kinh tế. Từ đó DN có thể huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của mình, đồng thời giải phóng sức lao động, tạo động lực và nguồn lực cho tăng trưởng, phát triển kinh tế đất nước.

Theo bà Nga, cần có những quy định cụ thể trong Luật để nếu thực tế có trường hợp có vi phạm kinh tế xảy ra, các DN nếu có thể khắc phục được thì sẽ không bị xử lý hình sự. Điều này sẽ tạo nền tảng cho một môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo niềm tin nơi các DN và tạo tiền đề cho các nhà đầu tư mạnh dạn hơn trong các quyết định đầu tư của mình.

Doanh nhân Nguyễn Việt Cường: Không nên tịch thu tài sản của nhà đầu tư trên đất

Liên quan đến các quy định của đất đai về thu hồi dự án, ông Nguyễn Việt Cường - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kosy kiến nghị: "Khi nhà đầu tư chậm tiến độ sử dụng, Nhà nước có thể phạt bằng tiền, có thể tính thuế cao, có thể thu hồi đất đã giao, nhưng không nên tịch thu tài sản của nhà đầu tư đã đầu tư trên đất, kể cả tiền sử dụng đất đã nộp”.

Chủ tịch Công ty Cổ phần Kosy cũng cho rằng cơ chế thu hồi "trắng" như vậy là trái với nội dung Nghị quyết số 19 – Nghị quyết Trung ương ngày 31/10/2012, Nghị quyết được thông qua tại Hội nghị Trung ương 6 – khóa XI: "Nhà nước thực hiện chính sách thuế lũy tiến đối với các dự án đầu tư chậm hoặc bỏ hoang, không đưa đất vào sử dụng đúng thời hạn theo quy định của pháp luật". Do vậy, ông Cường kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013 theo hướng xử lý đối với những dự án chậm tiến độ bằng cách đóng thuế lũy tiến như nội dung Nghị quyết 19.

Ông Nguyễn Việt Cường - Chủ tịch HĐQT Công ty KOSY để bảo vệ DN hiệu quả cần một số giải pháp về giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng dự án theo cơ chế tự thỏa thuận; thời điểm xác định giá đất và quyền sử dụng đất; thu hồi các dự án chậm tiến độ, đưa đất vào sử dụng đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, nên đánh thuế lũy tiến hoặc phạt tiền để tránh "thu hồi trắng" tài sản của nhà đầu tư…

Ông Jonathan Moreno, Chủ tịch Amcham: Cần loại bỏ rào cản phiền phức trong thương mại

Quá nhiều những quy định về chính sách có trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau tạo ra rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng, ông Jonathan Moreno, Chủ tịch Amcham đã đưa ra những kiến nghị để tháo gỡ những rào cản này.

Ông Jonathan Moreno nêu: Chúng tôi kiến nghị Chính phủ loại bỏ rào cản phiền phức trong thương mại, rào cản lớn để đạt được một thoả thuận thương mại tự do. Chúng tôi quan ngại về một số rào cản, gồm Nghị định 38 về hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm, giấy phép kinh doanh mới theo yêu cầu của Bộ Công thương, Nghị định 23, Thông tư 19 về thanh toán điện tử… Những rào cản này làm tăng chi phí, ảnh hưởng hoạt động thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. Cần hỗ trợ DN vừa và nhỏ bằng cách sửa đổi các điều khoản hạn chế quảng cáo mạng Internet trong Nghị định 181. Cần tiếp tục thận trọng xem xét mở rộng bảo hiểm xã hội cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có đem lại lợi ích thật sự cho người lao động này không.

Cuối cùng, để tận dụng tối đa lợi ích của những cam kết thuận lợi hoá thương mại WTO, chúng tôi đề xuất Việt Nam kích hoạt Uỷ ban quốc gia về thuận lợi hoá thương mại nhằm hỗ trợ điều phối nội địa và thực hiện cam kết này.

Ông Nguyễn Hòa Bình (Chánh án TANDTC): Ưu tiên sử dụng hòa giải để giải quyết tranh chấp

Để giải quyết tranh chấp của DN hiệu quả, tránh hình sự hóa các quan hệ kinh tế, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình bày tỏ: Quốc hội đã thông qua Luật Hoà giải, ưu tiên giải quyết các tranh chấp xã hội, dân sự, thương mại theo hướng thân thiện, 2 bên cùng thắng. Do đó, ông mong DN sử dụng cơ chế mới này như con đường ưu tiên để giải quyết tranh chấp, bất đồng trong hoạt động kinh doanh. Người đứng đầu ngành Toà án cũng cam kết ủng hộ, đồng hành và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của DN.

Lãnh đạo các cơ quan pháp luật cũng mong DN chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, làm ăn chân chính; tích cực phối hợp cơ quan chức năng xử lý tranh chấp, khiếu kiện, phòng chống tội phạm…

TS. Nguyễn Đình Cung: Để có môi trường đầu tư an toàn phải cải cách tòa án

Ở Việt Nam, có thực tế luật một đằng, thực thi một nẻo. Hệ thống pháp luật của ta, từ Luật xuống Nghị định, xuống Thông tư, trong đó có tình trạng một Luật thì có đến chục Thông tư, nhưng khi áp dụng thì lại áp dụng Thông tư chứ không áp dụng Luật. Thông tư áp dụng lại có nhiều Thông tư quy định khác nhau. Đây là một thực tế rất rủi ro và phiền hà cho DN.

TS. Nguyễn Đình Cung

Có những ví dụ cho thấy môi trường đầu tư ở Việt Nam thiếu an toàn trong thực tế. Cụ thể, khi có tranh chấp xảy ra trong kinh doanh, người ta không tìm kiếm được cơ chế để bảo vệ tài sản hiệu quả. Thông thường khi có tranh chấp, người ta tìm con đường quen biết để tìm kiếm sự “bảo trợ” chứ không đủ tin tưởng để tìm đến Tòa án.
Theo tôi, đồng thời với cải cách hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần phải kết hợp với cải cách, thay đổi đối với hệ thống Tòa án… Tòa án phải chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn và đặc biệt phải liêm chính, chí công vô tư, thượng tôn pháp luật. Đó là những việc cần làm đầu tiên để tạo ra môi trường kinh doanh an toàn, hạn chế rủi ro pháp lý cho DN.

Phan Tĩnh (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Để có môi trường kinh doanh an toàn, ưu việt: Chuyên gia và Doanh nhân kiến nghị gì?" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin