Để bỏ sổ hộ khẩu, phải sửa luật thế nào?

Nghị quyết 112 của Chính phủ về giảm các thủ tục hành chính liên quan quản lý dân cư bằng công nghệ thay sổ hộ khẩu và CMND đã đưa ra lộ trình để thực hiện.

 Người dân làm thủ tục có liên quan hộ khẩu tại Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA
Người dân làm thủ tục có liên quan hộ khẩu tại Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA)

Ngoài việc nhập cơ sở dữ liệu về dân cư, còn rất nhiều việc phải làm: thực hiện cấp mã số định danh cá nhân, khảo sát và xác nhận thông tin liên quan đến cư dân trên toàn quốc, sửa đổi các luật, nghị định, thông tư liên quan đến vấn đề này.

Trong đó, việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật là cơ sở quan trọng để thực hiện phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính về quản lý dân cư.

Việc sửa đổi luật và hàng chục nghị định thông tư liên quan sẽ được thực hiện như thế nào? Dưới đây là ý kiến của các chuyên gia pháp luật.

* Ông NGUYỄN TƯ LONG (vụ phó Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội): Sửa xong một bộ luật khoảng 2 năm

Do Quốc hội làm luật nên để sửa một bộ luật phải đưa vào chương trình của Quốc hội. Ví dụ, năm 2018 bắt đầu khởi động việc sửa luật thì từ giữa năm 2017 đã phải đưa vào chương trình của Quốc hội. Bởi chương trình làm việc của Quốc hội phải được chuẩn bị từ trước.

Sau khi đưa vào chương trình, Quốc hội sẽ bàn và góp ý cho dự thảo luật đó. Ít nhất đến kỳ họp cuối năm 2018 mới thông qua, 6 tháng sau mới có hiệu lực pháp luật.

Hiện tại chương trình làm việc của Quốc hội 2018 đã được thông qua, chương trình này cũng thông qua kế hoạch làm luật năm 2018. Trong chương trình chưa thấy có kế hoạch sửa đổi các bộ luật được nghị quyết 112 nhắc tới.

Do đó, nếu tiến hành sửa đổi thì giữa năm 2018 mới đưa vào kế hoạch của năm 2019. Nhanh thì kỳ họp cuối của năm 2019 thông qua, giữa năm 2020 luật mới có hiệu lực.

 Ông NGUYỄN TƯ LONG (vụ phó Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội)
Ông NGUYỄN TƯ LONG (vụ phó Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội))

Việc sửa một bộ luật, theo quy định phải trải qua và chuẩn bị nhiều công việc lắm.Ví như đơn vị được giao chủ trì việc soạn thảo phải nêu lên những vấn đề còn bất cập của bộ luật, rồi viết dự thảo, rồi lấy ý kiến.

Ví như việc sửa đổi Bộ luật dân sự 2005 (được thông qua năm 2015) thì năm 2010 các cơ quan được giao nhiệm vụ đã bắt đầu khởi động rồi. Mất vài năm và hàng trăm cuộc họp, góp ý rồi mới tới Quốc hội.

Tuy nhiên, cũng còn một cách nhanh hơn đó là khi tình huống cấp bách, Chính phủ xin Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình gần nhất (cho chương trình làm luật năm 2018). Nếu nhanh đến cuối năm 2018 mới bàn, đầu năm 2020 mới có hiệu lực.

* Ông LÊ NAM (đại biểu Quốc hội): Có thể chỉ cần sửa một luật

Việc thực hiện nghị quyết 112 về đơn giản hóa thủ tục hành chính có giao nhiệm vụ cho Bộ Công an chủ trì trong việc sửa đổi, bổ sung luật và các văn bản dưới luật. Nhìn vào con số thì thấy nhiều thật nhưng quan trọng là lựa chọn cách làm.

 Ông LÊ NAM (đại biểu Quốc hội)
Ông LÊ NAM (đại biểu Quốc hội))

Đó là không nhất thiết sửa toàn bộ các điều luật. Một luật cũng có thể sửa được tất cả các luật. Ở đây có chung một vấn đề đó là về hộ khẩu, chứng minh nhân dân... khi các luật này chưa đồng nhất với nhau thì có thể sửa chỉ một luật để bãi bỏ những điều luật mà chưa đồng nhất.

Trong kỹ thuật lập pháp thì hoàn toàn có thể làm được điều đó.

Ví như vừa rồi trung ương có nghị quyết đổi mới và cải cách thủ tục hành chính, nhập mấy văn phòng vào chung thì chỉ cần sửa một điều luật thôi, các điều luật kia mặc nhiên phải tuân theo luật mới. Như vậy, có thể sửa các điều luật liên quan đến nhau bằng một luật riêng là xong.

Do đó, sẽ không tốn quá nhiều thời gian và công sức trong việc sửa đổi nhiều luật hay văn bản dưới luật được đề cập trong các nghị quyết của Chính phủ.

7.4

Theo Tuoitre

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin