Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Nhà báo của nhân dân, Danh tướng vì hòa bình

Nhân dịp kỷ niệm 44 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước, chúng ta cùng nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một người gắn chặt giữa Văn và Võ, giữa nghệ thuật quân sự và nghệ thuật báo chí, giữa “nghệ thuật bày binh bố trận” trong đánh giặc với “nghệ thuật tổ chức thông tin” trong làm báo.

Dấn thân đồng hành cùng sự nghiệp báo chí cách mạng

Cũng giống như lãnh tụ Hồ Chí Minh và các vị lão thành cách mạng tiền bối, Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm báo là để làm cách mạng. Lấy báo chí là phương tiện để truyền bá tư tưởng cách mạng tiến bộ, định hướng dư luận và phục vụ những nhiệm vụ cách mạng của nhân dân trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.

Những tư liệu cho thấy, ngay khi đọc bài báo đầu tiên của tác giả Võ Nguyên Giáp đăng trên báo L’Annau ở Sài Gòn với tựa đề “Đả đảo tên tiểu bạo chúa trường Quốc học” vào tháng 6 năm 1925, Tổng biên tập Phan Văn Trường khi đó phải thốt lên “Một cây bút mới xuất hiện lần đầu ở bản xứ này, mà có giọng văn sắc sảo như giọng văn Nguyễn Ái Quốc bên Pari”.

Ông tham gia hoạt động báo chí chuyên nghiệp kể từ tháng 4 năm 1927 khi ông tham gia bãi khoá, phản đối việc ông Nguyễn Chí Diểu bị đuổi học. Giai đoạn này, ông bị chính quyền thực dân xếp vào hàng “phần tử chống đối” và bị đuổi khỏi trường Quốc học Huế.

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm báo ngay từ những ngày đầu hoạt động cách mạng; Ảnh tư liệu
Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm báo ngay từ những ngày đầu hoạt động cách mạng; Ảnh tư liệu)

Được một số vị tiền bối nhà cách mạng giới thiệu, ngày 28/9/1929, ông về làm việc ở báo Tiếng Dân cùng cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Huế. Bài biết đầu tiên của ông trên tờ báo này là bài “Vũ trụ và tiến hoá”. Với phong cách chính luận sâu sắc, ông trở thành một cây bút chính phụ trách chuyên mục “Thế giới thời đàm” trên tờ báo này với 27 bài đăng trên 36 số ký bút danh Vân Đình.

Sau một thời gian hoạt động ở ngoài Bắc, ông nhận thấy chính quyền thực dân kiểm duyệt rất chặt chẽ nội dung và điều kiện phát hành của những tờ báo bằng tiếng Việt gây trở ngại cho việc tuyên truyền tư tưởng cách mạng nên ông cùng một số cây bút tên tuổi khác cho ra đời tờ báo bằng tiếng Pháp với tên gọi là Le Travail (Lao Động) đúng thời điểm Mặt trận Bình Dân (1936 – 1939).

Tờ Le Travail phát huy được vị thế của mình trong mặt trận đấu tranh dân chủ và tuyên truyền những tư tưởng cách mạng và phản ánh trung thực đời sống, tình cảnh của nông dân, bãi công và về vấn đề tự do của các tổ chức chính trị. Chính vì thế, tờ báo này đã nhanh chóng trở thành diễn đàn của Liên xứ uỷ Bắc kỳ và Trung kỳ.

Tiếp sau đó, ông đã cùng với giáo sư Đặng Thai Mai, Trần Huy Liệu, Hải Triều cho ra đời tờ Hồn Trẻ, một tờ báo tiếng Việt đầu tiên công khai cổ động đấu tranh cho dân sinh, dân chủ, đòi đại xá chính trị phạm, ủng hộ Mặt trận Bình dân Pháp và tập hợp nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân..

Tờ Hồn trẻ nhanh chóng phát huy được vị thế của mình, có lượng độc giả và phát hành lớn. Học sinh trường Thăng Long – Hà Nội tình nguyện đi bán báo và góp tiền ủng hộ báo. Thấy rõ sự “nguy hại” của Hồn trẻ, các nhà cai trị thực dân vội vã đóng cửa báo sau khi ra được 12 số.

Trong suốt thời kỳ Mặt trận bình dân, ông đã đảm nhiệm hầu hết các khâu của nghề báo, từ viết xã luận, thời đàm nghị luận, điều tra, phóng sự, biên tập, duyệt bài, sắp xếp nội dung... cho tới bố cục, lên trang, trình bày, đưa nhà in, sửa morrasse và không ít khi đảm nhiệm cả việc phát hành báo. Nhà báo Võ Nguyên Giáp xem viết báo như một nghĩa vụ và trách nhiệm, không có nhuận bút và phụ cấp, ông sống thanh bạch nhờ lương nghề giáo.

 Bức ảnh chụp Đại tướng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến dịch Biên giới năm 1950; Ảnh tư liệu
Bức ảnh chụp Đại tướng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến dịch Biên giới năm 1950; Ảnh tư liệu)

Trong giai đoạn này, ông là một trong số những cây bút chủ lực của Báo Thời gian, Báo Notre Voix nên đã kết nối, đăng tải loạt bài của tác giả P.C.Lin (một bút danh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc) được gửi về từ Trung Quốc.

Ngày 24/4/1937, tại Đại hội Báo giới Bắc kỳ lần thứ nhất, nhà báo Võ Nguyên Giáp được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban Báo chí Bắc kỳ. Tháng 5/1940, nhà báo Võ Nguyên Giáp và ông Phạm Văn Đồng được Xứ uỷ Bắc kỳ cử sang Vân Nam (Trung Quốc) hoạt động. Từ đây, nhà báo cách mạng Võ Nguyên Giáp được hoạt động cách mạng, được làm báo cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Trên chặng cuối của cuộc đấu tranh giành lại độc lập dân tộc những năm 1941 - 1945, nhà báo Võ Nguyên Giáp đảm nhận nhiều công việc chuẩn bị lực lượng vũ trang cho cuộc Tổng khởi nghĩa đang đến gần nhưng ông vẫn hoàn thành xuất sắc những công việc tuyên truyền của một nhà báo cách mạng. Ngay sau chiến thắng đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, ông cho ra tờ báo viết tay lấy tên là Tiếng súng reo.

Trong những tháng ngày chuẩn bị cho cách mạng tháng Tám năm 1945, ông đã để lại nhiều dấu ấn trong sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Giai đoan này, ông làm chủ bút, chỉ đạo biên tập 5 số đầu tiên (từ 20/6 đến 5/8/1945) của báo Nước Nam mới của Khu Giải phóng, viết bài chỉ đạo cho báo Việt Nam Độc lập của Mặt trận Việt Minh, cho ra đời tờ Quân Giải phóng của Việt Nam Giải phóng quân…

Trên số báo đầu tiên của tờ Quân Giải phóng ra ngày 5/8/1945, dưới bút danh Trí Dũng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã viết bài quan trọng tổng kết, rút kinh nghiệm các cuộc chiến đấu vừa qua. Đây là bài báo có ý nghĩa quan trọng trong việc động viên tích cực quân và dân ta đấu tranh vũ trang trong cao trào tiến tới Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công.

Sau ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ngày 2/9/1945, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp được Đảng, Chính phủ giao đảm trách nhiều nhiệm vụ quan trọng trong quân đội. Thời gian này, ông vẫn tham gia hoạt động báo chí với những bài viết chỉ đạo các vấn đề về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng từng bước phát triển vững mạnh.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, ông đã chỉ đạo và là tác giả (bút danh Chính Nghĩa) của những bài xã luận, bình luận sắc bén trên 33 số báo Quân đội nhân dân tại mặt trận. Từ những bài chỉ đạo của vị Đại tướng - Tổng tư lệnh toàn tài Võ Nguyên Giáp mà các chiến trường phối hợp hành động làm nên chiến thắng Điện Biên phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu ngày 7/5/1954.

Không chỉ có tài thao lược trong quân sự mà Đại tướng còn sắc sảo trong tổ chức thông tin
Không chỉ có tài thao lược trong quân sự mà Đại tướng còn sắc sảo trong tổ chức thông tin)

Tiếp đó, trong suốt chặng đường hơn 20 năm của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954 - 1975) và chặng đường xây dựng đất nước đổi mới và phát triển, Nhà báo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục có nhiều bài báo sắc bén về đường lối chiến tranh, xây dựng lực lượng vũ trang, hậu phương, phương châm tác chiến để đánh thắng kẻ thù xâm lược; về công tác Đảng, công tác chính trị; về tư tưởng Hồ Chí Minh; về giáo dục, văn hoá,... Các tác phẩm báo chí của Nhà báo - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bổ sung vào kho tàng lý luận và thực tiễn nghệ thuật quân sự Việt Nam cũng như nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội…

Đặc biệt mảng đề tài lớn mang dấu ấn sâu đậm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với báo chí cách mạng Việt Nam là chủ đề nghiên cứu tư tưởng và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt là từ khi Đảng khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản quý giá của toàn Đảng, toàn dân tộc và tổ chức nghiên cứu sâu Tư tưởng Hồ Chí Minh (Đại hội VII, 1991), Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những người đi đầu trong nghiên cứu tư tưởng và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của người lãnh đạo, người đồng chí, người thày trực tiếp của ông trong gần 30 năm.

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe Tổng giám đốc TTXVN Đỗ Phượng giới thiệu những đổi mới của TTXVN, trong chuyến thăm TTXVN ngày 16/3/1994, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/1994). Ảnh: Thu Hoài - TTXVN
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe Tổng giám đốc TTXVN Đỗ Phượng giới thiệu những đổi mới của TTXVN, trong chuyến thăm TTXVN ngày 16/3/1994, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/1994). Ảnh: Thu Hoài - TTXVN)

Một phong cách báo chí cách mạng mẫu mực

Nói về phong cách báo chí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố nhà báo lão thành Đỗ Phượng từng chia sẻ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ là một nhà quân sự lỗi lạc mà còn là một bậc thầy của báo chí cách mạng Việt Nam.

Với Đại tướng nghề báo là một nghệ thuật đầy hứng thú, làm một số báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng. Đó là công việc đòi hỏi sự khẩn trương; phải kịp thời phát hiện ra những cái mới; cảnh báo những cái xấu, đấu tranh với cái tiêu cực; phải nắm được yêu cầu, tâm lý đa dạng và thường xuyên thay đổi của bạn đọc; cũng như phải bám sát nguyện vọng sâu xa của nhân dân, để biết phải làm gì…

Quan điểm làm báo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là lấy dân làm gốc, làm báo là phải phản ánh kịp thời, chân thật ý nguyện của nhân dân. Văn phong bài viết dành cho nhiều tầng lớp nhân dân đọc nên phải viết sao cho thật trong sáng, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ.

Theo Đại tướng, nội dung báo chí đương nhiên cần đảm bảo chính xác, chặt chẽ, nhưng hiệu quả đối với người đọc thường lại do cách diễn đạt, trình bày quyết định. Bố cục tác phẩm không hợp lý sẽ làm giảm hiệu quả của một số báo có nhiều bài hay. Những bài chính, phụ, ngắn, dài, nặng, nhẹ, phải được kết hợp hài hoà với nhau một cách hữu cơ, tạo nên sự hài hoà như những màu sắc của một tác phẩm hội hoạ, như vậy mới mang lại hứng thú cho người đọc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp khuyên các nhà báo khi viết chú ý đặt tên cho bài báo. Đặt tên cho bài báo rất khó. Ông thường phải mất nhiều thời gian cân nhắc, tìm những kiểu chữ thích hợp trình bày cho đầu đề một bài báo chỉ vài ba dòng. Dòng thứ hai thường quan trọng nhất, nhưng các dòng khác không thể coi nhẹ, vì phải góp phần tạo nên một chỉnh thể.

Trong một lần tiếp các nhà báo, Đại tướng đã nói: “Tôi với tư cách là một vị tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam, và là một nhà báo, tôi rất vui mừng và cảm động được các nhà báo đến thăm, chúc mừng và nhắc lại một thời làm báo của tôi. Báo chí là một lực lượng mạnh, có thể tạo nên sự chuyển biến con người. Báo chí phải tích cực tham gia vào công tác tư tưởng, xây dựng Đảng, đào tạo cán bộ, phổ biến kiến thức mới trong nhân dân, trên cơ sở đó xây dựng một nước Việt Nam anh hùng nhưng giàu có”.

Đại tướng nhắc nhở: “Làm báo phải phản ảnh đúng thực tiễn. Liên Xô trước đây đặt tên tờ báo của Đảng là Sự thật, nêu cái hay, cái tích cực, phê phán cái không hay, cái tiêu cực, các tệ nạn, những cái đó có thể gọi là “giặc nội xâm”. Giặc ngoại xâm ta đã đánh thắng, bây giờ báo chí phải góp phần vào việc đánh thắng “giặc nội xâm” đó”.

 Đại tướng là nhà báo xuất sắc của nhân dân; Ảnh Internet
Đại tướng là nhà báo xuất sắc của nhân dân; Ảnh Internet)

Những tác phẩm báo chí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là những luận điểm chắc chắn, thuyết phục và có tầm nhìn thời đại. Ý kiến của ông đầy trách nhiệm và ẩn chứa sau đó là nhiều tình cảm yêu thương, là nhiều nỗi niềm trăn trở, thể hiện một trí tuệ mẫn tiệp nhìn thấy những vấn đề chiến lược và một tấm lòng ấm áp cận nhân tình của một lãnh đạo cao cấp gần dân.

Đọc những tác phẩm của ông qua các thời kỳ, chúng ta như được sống trong không khí hào hùng, anh dũng, kiên cường, bất khuất, thủy chung, sắc son nghĩa tình của quân và dân ta trong những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc cũng như những năm tháng hòa bình, đổi mới và phát triển của Đất nước. Những bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hệ thống về: Nghệ thuật quân sự đặc sắc của Việt Nam; Tư tưởng Hồ Chí Minh và những giá trị thời đại; Xây dựng văn hóa, khoa học, giáo dục và đào tạo con người mới; Chiến tranh và Hòa bình; Dân tộc và Thời đại; Phát triển bền vững… mãi mãi còn giá trị soi sáng cho hôm nay và mai sau. Để từ đó, tiếp thêm sức mạnh, tinh thần dân tộc giúp mỗi người Việt chúng ta thêm yêu thương, tự hào, ra sức xây dựng và bảo vệ quê hương Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp, trường tồn và phát triển hùng mạnh.

Cả cuộc đời hoạt động cách mạng nhiệt huyết vì nước vì dân vì sự hòa bình và tiến bộ của nhân loại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, vị tướng của nhân dân, danh tướng vì hòa bình, người anh hùng của một dân tộc anh hùng, người học trò xuất sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh…Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn được biết đến là một nhà báo xuất sắc của nhân dân ta.

Theo doisongphapluat.com

Nguồn bài viết: http://www.doisongphapluat.com/xa-hoidai-tuong-vo-nguyen-giap-nha-bao-cua-nhan-dan-danh-tuong-vi-hoa-binh-a264172.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin