Đặc xá nhiều năm mới làm một lần để không trùng với tha tù trước thời hạn

12/06/2018 06:10

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Các đại biểu đã công tác và hiện đang công tác trong hệ thống TAND có nhiều ý kiến rất sâu sắc. Tapchitoaan.vn xin giới thiệu một số ý kiến đó.

6
Trước đó các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết dừng thông qua Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt tại kỳ họp này với 423/432 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành chiếm 85,63% tổng số đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội phải dừng lại để lắng nghe ý kiến nhân dân; để thấy trách nhiệm của từng đại biểu Quốc hội, cử tri khi bàn bạc, nhận xét về những vấn đề Quốc hội đang bàn. Tuy nhiên, đáng tiếc ở chỗ có một số vấn đề đã làm cho nhân dân không hiểu bản chất của sự việc, có sự ngộ nhận, hiểu lầm nên đã có những hành động quá khích. Quốc hội kêu gọi đồng bào, nhân dân cả nước hãy bình tĩnh và tin tưởng vào sự quyết định của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là những dự án luật mà Quốc hội đang thảo luận luôn luôn lắng nghe ý kiến của người dân. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu “ trong hành động, phát ngôn đừng tạo ra thêm bất kỳ sự ngộ nhận, hiểu lầm nào nữa. Sự ngộ nhận đó lan ra ngoài xã hội sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình đất nước, không phải chúng ta nói để rồi cho qua”.

Đặc xá khác tha tù trước thời hạn

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình (Đại biểu tỉnh Quảng Ngãi) bày tỏ sự đồng tình với đánh giá của rất nhiều đại biểu, trong thời gian vừa qua việc đặc xá như chúng ta làm hơi bị lạm dụng quá, mà yêu cầu nhân đạo, một biện pháp nhân đạo của nhà nước thì mờ hơn so với việc nhu cầu giảm tải. Chính vì vậy, trong 10 năm chúng ta có 7 đợt đặc xá, trung bình khoảng gần 1,5 năm chúng ta có một đợt và tổng số đặc xá 85.000 người, như vậy một đợt hơn 10.000 người và điều này tạo ra một sự mâu thuẫn là khi Hội đồng xét xử tăng giảm 6 tháng, 1 năm thì phải họp cân nhắc, thậm chí chịu áp lực rất lớn từ xã hội, nhưng khi đặc xá thì đặc xá với số lượng rất lớn và rất nhiều năm. Điều này luật không nghiêm. Để khắc phục tình hình này thì từ đầu năm nay khi Bộ luật Hình sự có hiệu lực, có một chế định mới Quốc hội đã thông qua là tha tù trước thời hạn và việc tha tù trước thời hạn này được thực hiện hằng năm. Hằng năm thì có thể 2 đợt hoặc 3 đợt. Đợt này phần lớn gắn liền với các ngày lễ trong năm.

Có sự khác biệt giữa tha tù trước thời hạn và đặc xá. Điều kiện giống nhau thì không nên, điều kiện của tha tù trước thời hạn và điều kiện của đặc xá phải khác nhau. Trong trường hợp này thì nó gần giống nhau như nhiều đại biểu đã nêu. Trong khi trước khi khai mạc Quốc hội, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã có nghị quyết và Chánh án đã ký nghị quyết này, Bộ Công an đã tập huấn để triển khai, hướng dẫn Điều 66 về tha tù trước thời hạn.

Sự khác biệt giữa tha tù trước thời hạn và đặc xá là gì? Có nhiều khác nhau, ví dụ thẩm quyền đặc xá là của Chủ tịch và tha tù trước thời hạn là của Chánh án các cấp. Hai chế định này thể hiện nhân đạo của nhà nước, nhưng khác nhau. Khác cơ bản là tha thù trước thời hạn, nếu trong thời hạn được tha tù, ví dụ anh bị án là 10 năm, đã chấp hành 5 năm, đến năm thứ 5 là được tha tù trước thời hạn, như vậy còn 5 năm. Trong thời hạn chấp hành ở ngoài nhà tù, có vi phạm thì lại quay lại nhà tù để chấp hành phần còn lại của bản án. Đặc xá là tha luôn, không phải quay lại.

Tha tù trước thời hạn vừa thể hiện tính nhân đạo, vừa có tính nghiêm minh và gắn liền với cơ quan thi hành án và chính quyền địa phương, phải theo dõi anh này, bản thân anh ta phải giữ gìn không được tái phạm. Tái phạm là phải quay trở lại phần tù còn lại là phải vào trong tù. Vấn đề này khác với đặc xá ở chỗ không được miễn luôn phần án còn lại.

Chánh án cũng lưu ý thời điểm đặc xá phải đúng những sự kiện đặc biệt quan trọng như: Nghìn năm Thăng Long, Đại hội Đảng… nhiều năm mới làm một lần, nếu làm mỗi năm một lần sẽ trùng với tha tù trước thời hạn.

Nên bỏ cụm từ “theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự”

Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ (An Giang) Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, góp ý 3 nhóm vấn đề:

Nhóm vấn đề thứ nhất là về sự đồng bộ về chính sách trong kết cấu của dự thảo luật xung quanh khái niệm “đặc xá” và “đối tượng của đặc xá”. Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của dự thảo luật thì “đặc xá” là sự khoan hồng đặc biệt của nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt. Với khái niệm này, chúng ta có hai thông điệp:

Thứ nhất là đối tượng đặc xá là người bị kết án phạt tù có thời hạn và tù chung thân, đối tượng này bao gồm người đang chấp hành hình phạt tù, người được hoãn chấp hành hình phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù và người bị kết án phạt tù cho hưởng án treo.

Thứ hai là về thời điểm đặc xá: Nhân sự kiện trọng đại, nhân ngày lễ lớn của đất nước và bất cứ lúc nào trong trường hợp đặc biệt.

Tuy nhiên, đối tượng đặc xá được quy định nhân sự kiện trọng đại và ngày lễ lớn của đất nước được quy định tại Điều 10 của dự thảo luật thì chỉ bao gồm người bị kết án phạt tù, tù chung thân đang chấp hành hình phạt tù mà không bao gồm 3 nhóm đối tượng còn lại. Ở đây dẫn tới một câu chuyện là không bình đẳng về chính sách giữa 2 nhóm đối tượng vì chỉ mới nói đến người đang chấp hành hình phạt tù, vậy còn người được tạm hoãn, tạm đình chỉ và người được hưởng án treo thì câu chuyện về chính sách ở đây là thiết kế trong luật chưa ổn, mặc dù trong thực tế áp dụng Điều 21 của luật thì những đối tượng này được áp dụng theo quy định là đặc xá trong trường hợp đặc biệt. Đây là chính sách thì cần phải cân bằng chính sách của các đối tượng được thụ hưởng.

Về điều kiện về đặc xá. Việc sửa đổi Luật Đặc xá được triển khai khi chúng ta đã có quy định về tha tù trước thời hạn (Điều 66 của Bộ luật Hình sự). Do vậy, việc quy định về điều kiện đặc xá phải thể hiện được tính chất là sự khoan hồng đặc biệt của nhà nước nhưng nghiên cứu điều kiện ở đây và so với Điều 66 của Bộ luật Hình sự thì chúng tôi thấy sự khoan hồng đặc biệt của nhà nước chưa được thể hiện rõ mà còn gồm cả những trường hợp đặc biệt cộng với những trường hợp tương tự như Điều 66 của Bộ luật Hình sự. Chính vì vậy, nhất trí với quan điểm và cách lập luận của Ủy ban Tư pháp, đó là chỉ quy định đặc xá đối với những trường hợp đã được quy định tại khoản 2 Điều 10 của dự thảo.

Nhóm vấn đề thứ ba, đó là tại khoản 1 Điều 11 quy định các trường hợp không được đặc xá có quy định: Phần bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với người đang bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự. Ở đây so với luật hiện hành có thêm cụm từ “theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự”. Chúng tôi thấy việc bổ sung mấy chữ này là bất cập với ba lý do sau đây:

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 371 của Bộ luật Tố tụng hình sự về căn cứ kháng nghị Giám đốc thẩm, có 3 căn cứ: Kết luận trong bản án, Quyết định của Tòa án không phù hợp với những tính chất khách quan của vụ án; Có sự vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn tới sai lầm trong giải quyết vụ án; Sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật hình sự.

Tại Điều 388 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định Hội đồng Giám đốc thẩm có 6 quyền: Không chấp nhận kháng nghị, giữ nguyên bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật; Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, giữ nguyên bản án đúng pháp luật của tòa án bị tòa phúc thẩm hủy hoặc sửa; Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra hoặc xét xử lại; Hủy bản án, quyết định và đình chỉ vụ án; Sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; Đình chỉ vụ án.

Như vậy, kể cả căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm cũng như là quyền của Hội đồng giám đốc thẩm không có chữ nào theo hướng “tăng nặng trách nhiệm hình sự”. Ở đây chỉ là văn nói của giới luật hình sự, giới tư pháp chứ không phải là ngôn ngữ pháp lý.

Cũng với cách phân tích như giám đốc thẩm, kháng nghị tái thẩm có 4 căn cứ được quy định ở Điều 398 và thẩm quyền của Hội đồng tái thẩm được quy định tại Điều 42 gồm 4 thẩm quyền cũng không có căn cứ hoặc quyết định nào theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Thứ ba, về kết quả của việc xét xử giám đốc thẩm và tái thẩm thì có thể khẳng định một điều là người bị kháng nghị cứ coi như là theo hướng tăng nặng trách nhiệm mà hình sự nhưng chưa chắc họ đã bị tăng nặng trách nhiệm hình sự. Chính vì thế cho nên tôi đề nghị bỏ cụm từ “theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự” quy định tại khoản 1 Điều 11 của dự thảo luận.

Người đang mắc bệnh hiểm nghèo chỉ cần có kết luận giám định y khoa

Đại biểu Nguyễn Duy Hữu (Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk) bày tỏ sự thống nhất với ý thứ nhất của đại biểu Mai Bộ, về trường hợp những người đang hoãn và tạm đình chỉ thi hành án lại không có ở trong dự thảo luật lần này. Những người được hoãn, tạm hoãn thi hành án là những người đã bị kết án nhưng họ có những điều kiện, ví dụ đang bị đau, ốm nặng, đang nuôi con, đang có thai hoặc là lao động duy nhất trong gia đình hoặc vì lý do công vụ họ có thể được Tòa án cho tạm hoãn thi hành án. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối tượng được hoãn thi hành án và tạm đình chỉ thi hành án phải đưa vào trong đối tượng này.

Đối tượng của đặc xá rộng hơn, bởi vì theo Điều 66 của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Tòa án tối cao có Nghị quyết số 01 ngày 24 tháng 04 năm 2018 hướng dẫn thì điều kiện để được tha tù trước thời hạn có điều kiện thì đối tượng này rất hẹp. Đầu tiên là người được giảm thời hạn chấp hành phạt tù thì mới đưa vào và kèm theo sau đó còn tới 6 điều kiện nữa, 6 điều kiện này thì được liệt kê rất nhiều nên đối tượng tha tù trước thời hạn có điều kiện thì chặt chẽ hơn rất nhiều và đối tượng được đặc xá theo Luật Đặc xá thì có thể rộng hơn, có thể là những người chưa được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, họ có thể được vào trong đối tượng này. Đối tượng tôi cho rằng tạm ổn, nhưng loại 2 người đang hoãn thi hành án và tạm đình chỉ thi hành án mà đưa ra thì không hợp lý, cần phải đưa vào chỗ này.

Thứ hai, những trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 10 quy định là người đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc ốm đau thường xuyên có kết luận giám định y khoa hoặc xác nhận bằng văn bản của cơ quan y tế có thẩm quyền thì ý thứ nhất là được, tức là phải có giám định y khoa, là hoàn toàn chính xác. Nhưng đoạn hai, tức là có xác nhận bằng văn bản của cơ quan y tế có thẩm quyền thì cơ quan y tế ở đây chúng ta phải xác định cơ sở khám, chữa bệnh hay cơ quan quản lý về y tế. Vì thực tế quá trình làm việc cũng có những trường hợp vào kiểm tra hồ sơ thì lại yêu cầu phải có tổng kết bệnh án của bệnh nhân đang điều trị đó và tổng kết bệnh án trong thời hạn bao nhiêu. Hoặc có những trường hợp đương sự người ta có một đơn và cơ quan y tế, bệnh viện ký, đóng dấu vào đó, cho rằng đó là xác nhận. Vậy bây giờ trường hợp nào là chuẩn, đã luật thì chúng ta phải ghi cho rõ.

Có thể bằng kết luận giám định y khoa, một điều kiện đó thôi, còn không có các khoản sau. Đại biểu Hữu đề nghị quy định phải hết sức rõ ràng, đó phải là kết luận của Hội đồng giám định y khoa hay là phải có chứng nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền như thế nào để đảm bảo cho việc triển khai thực hiện được thống nhất.

Theo TCTA

Bạn đang đọc bài viết "Đặc xá nhiều năm mới làm một lần để không trùng với tha tù trước thời hạn" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin