Công khai bản án: Ai sợ, ai không?

23/07/2017 10:14

Công khai bản án là bước tiến lớn thúc đẩy tiến trình cải cách tư pháp để mỗi bản án tiệm cận với công lý và lẽ công bằng.

Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao vừa ban hành nghị quyết về việc công bố bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử của tòa án và đã triển khai trên thực tế. Nhận định về việc này, đại biểu Quốc hội - luật sư Trương Trọng Nghĩa (ảnh) nói: “Việc công khai bản án theo nghị quyết của TAND Tối cao là phù hợp với nguyên tắc xét xử công khai”.

Bước tiến lớn trong lĩnh vực tư pháp

. Phóng viên: Thưa ông, việc công khai bản án phù hợp với nguyên tắc xét xử công khai được hiểu là gì?

+ Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: Điều này có nghĩa là việc xử án công khai thì logic của nó là bản án cũng được công khai. Ở nhiều quốc gia, việc công khai bản án là điều tất nhiên. Nhà nước có trách nhiệm thành lập hệ thống lưu trữ để người dân thuận tiện nghiên cứu bản án.

. Vậy vì sao ở Việt Nam giờ mới thực hiện việc công khai bản án?

+ Trước hết, có thể do điều kiện chiến tranh, kéo theo yêu cầu bảo mật nên việc công khai bản án đã không được thực hiện. Bởi ở thời chiến thì ngay cả điều kiện xét xử công khai cũng bị hạn chế. Điều kiện kinh tế chậm phát triển cũng là một lý do khi không có đầy đủ những điều kiện về xét xử, lưu trữ. Nhiều bản án thời xưa còn phải viết trên những tờ giấy không tốt… Đó là những lý do khách quan.

. Vậy còn những điều kiện chủ quan thì sao?

+ Chủ yếu nhất vẫn là nhận thức, quan điểm về nguyên tắc xét xử công khai chưa đầy đủ. Đã từng có những quan niệm rằng: Việc xét xử đã công khai rồi, thế thì không cần đặt ra vấn đề công khai bản án. Xét xử công khai là mọi người cũng đến, cũng xem xét xử nhưng lưu trữ bản án để mọi người có thể truy cập lại là chuyện khác.

Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ra nghị quyết về công khai bản án thì cũng có nghĩa là mọi bản án phải được lưu trữ tốt hơn và mọi người có quyền tiếp cận các bản án. Đây là một bước tiến rất lớn trong lĩnh vực tư pháp của Việt Nam.

. Theo ông, việc công khai bản án có gây áp lực nhiều hơn với các thẩm phán, hội thẩm và các cơ quan tố tụng khác không?

+ Đương nhiên rồi. Khi công khai bản án thì yêu cầu đối với công tác xét xử, với HĐXX, với từng thẩm phán, kể cả hội thẩm nhân dân cũng cao hơn. Nhưng theo tôi, công bố bản án mới chỉ là bước đầu. Vì theo nguyên tắc công khai, minh bạch thì ngay cả những biên bản phiên tòa cũng phải công khai. Bởi có như vậy thì mọi hoạt động của tòa án, từ việc thẩm vấn, tranh tụng, thẩm tra chứng cứ… mới được bộc lộ ra hết.

Ở một số nước thì ngay cả ý kiến thiểu số của HĐXX cũng được in luôn trong bản án để khi mọi người đọc thì hiểu rằng: Bản án được thông qua là do đa số thông qua. Ý kiến của thiểu số được ghi nhận trong bản án là một áp lực cho công tác xét xử.

. Vậy khi bản án được công khai thì công tác xét xử chắc phải thay đổi, thưa ông?

+ Trước hết, khi chuẩn bị công tác xét xử phải thật khoa học, hiệu quả, từ đó bản án mới có chất lượng tốt. Bởi khi mọi thành phần trong phiên tòa, từ HĐXX, công tố, luật sư… không được tổ chức tốt thì không thể có một bản án tốt được.

Khi công bố bản án thì đương nhiên những luận cứ của bản án sẽ được xem xét kỹ hơn. Nó lý giải vì sao bị cáo đó không bị kết tội cố ý gây thương tích mà lại bị kết tội giết người; vì sao bị cáo ấy không bị tuyên tội hiếp dâm mà chỉ bị tuyên tội giao cấu với người chưa thành niên…

 Công khai bản án, quyết định sẽ khiến HĐXX cẩn trọng hơn. Ảnh: HOÀNG GIANG
Công khai bản án, quyết định sẽ khiến HĐXX cẩn trọng hơn. Ảnh: HOÀNG GIANG)

Thẩm phán và… kỹ năng viết án

. Nhưng không phải lúc nào đọc một bản án tôi cũng có thể thấy sự mạch lạc như ông vừa đề cập?

+ Đây là vấn đề liên quan đến án văn, hay là cách hành văn, trình độ hành văn của các thẩm phán. Hiện nay, ngay cả ở những tòa cấp cao, nhiều bản án vẫn sai ngữ pháp, từ vựng… Bây giờ khi các bản án được công khai thì các thẩm phán phải nâng cao trình độ hành văn (án văn) của mình lên. Vì nếu không thì người dân đọc bản án sẽ không biết thẩm phán nói gì và công chúng bị tác động một cách tiêu cực. Và công chúng sẽ biết ngay thẩm phán nào kém, thẩm phán nào giỏi.

Nhưng điều đáng lưu ý nữa là khi công khai bản án, công chúng sẽ biết được bản án đó có công bằng không, có đảm bảo công lý hay không. Án văn là một áp lực về hình thức nhưng luận cứ, lập luận của bản án lại là một áp lực về nội dung. Hai áp lực này không thể tách rời.

Nhiều thẩm phán vận dụng pháp luật rất tốt nhưng nếu không hành văn được thì những luận cứ, lập luận cũng không toát ra được. Những yếu tố kỹ thuật viết án văn sẽ có tác động rất sâu rộng.

. Nhưng không phải một sớm một chiều mà năng lực của thẩm phán, nhất là về án văn có thể nâng cao ngay được...

+ Điều này tạo ra một áp lực cho công tác đào tạo thẩm phán. Những kỹ năng về án văn, hùng biện, mạch lạc… để thuyết phục công chúng sẽ phải được chú trọng hơn. Và chắc chắn công tác này sẽ được hoàn thiện hơn trong tương lai.

Nhưng tôi muốn nhấn mạnh đến một vấn đề khác, đó là nguyên tắc án lệ. Việc công khai bản án sẽ thúc đẩy các án lệ hình thành nhanh chóng hơn, sát với thực tiễn hơn. Việt Nam đã cho phép áp dụng án lệ trong tranh tụng và xét xử. Thế thì muốn có án lệ thì phải nghiên cứu bản án.

TAND Tối cao đã công bố các án lệ. Nếu các luật sư nghiên cứu, tìm thấy các bản án không nằm trong số án lệ nhưng có giá trị với lập trường, quan điểm bào chữa của họ thì họ được quyền dẫn chứng.

Ví dụ, tôi đi tìm kiếm những vụ án về cố ý gây thương tích, về tai nạn giao thông thì sẽ có những bản án cho thấy kết luận điều tra và cáo trạng trái với những bản án đó. Khi đó luật sư, bị can, bị cáo được quyền sử dụng những luận cứ trong các bản án đó để soi rọi trường hợp của mình, của thân chủ mình. Nó giúp cho việc hình thành án lệ nhanh chóng, phong phú, tiệm cận với thực tế xét xử tốt hơn.

Sức ép đối với thẩm phán

. Không chỉ “ép phê” với thẩm phán, mà ngay cả công tác đào tạo ở các trường luật cũng sẽ có tác dụng tích cực chứ, thưa ông?

+ Đúng vậy. Việc đào tạo cử nhân luật từ trước tới nay vì không có bản án nên chủ yếu thông qua lý thuyết hoặc một số ví dụ trên báo chí. Khi các bản án được công khai thì việc đào tạo cử nhân luật sẽ sát với thực tiễn nghề nghiệp tương lai của các sinh viên luật. Chính các sinh viên luật trong quá trình học đã tiếp cận, nghiên cứu các bản án thì cử nhân luật sẽ bớt đi tính lý thuyết hơn. Công tác nghiên cứu ở bậc cao như thạc sĩ, tiến sĩ cũng sẽ thực tế hơn.

.Và công tác tuyên truyền pháp luật đến người dân cũng sẽ tốt hơn, thưa ông?

+ Đó là một tác động xã hội to lớn. Người dân có thể tự mình nghiên cứu các bản án để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân đối với các tình huống pháp luật. Chẳng hạn một doanh nhân sẽ tìm các bản án về ngân hàng để rút kinh nghiệm, tránh những sai phạm trong lĩnh vực này.

Báo chí từ đây cũng có thể truy cập được các bản án, việc phản ánh các vụ án sẽ có sự so sánh, đối chiếu và đưa ra những nhận định, đánh giá về các vụ án.

Riêng đối với ngành tòa án, việc công khai bản án là một sức ép nhưng là một sức ép lành mạnh để ngành tòa án ngày càng xứng đáng với sứ mạng của mình, đó là bảo vệ công lý và công bằng xã hội.

. Xin cám ơn ông.

TS ĐỖ NGỌC THỊNH, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Kỹ năng tranh tụng của luật sư sẽ tốt hơn

Khi công khai bản án thì người dân sẽ tin tưởng hơn vào hoạt động xét xử, tin vào công lý; và tòa án mới trở thành trung tâm, và hoạt động xét xử mới trở thành trọng tâm của cải cách tư pháp như Nghị quyết 49 đặt ra.

Việc công khai bản án sẽ giảm dần và hạn chế tối đa án oan, sai. Dĩ nhiên, đây không phải là công cụ hữu hiệu nhất bởi nguyên nhân oan, sai thì rất nhiều và xét xử để ra được một bản án chỉ là một khâu trong quá trình tố tụng. Tất nhiên, khi công khai bản án thì HĐXX sẽ phải thận trọng hơn, tuân thủ pháp luật tốt hơn để có những bản án đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Mỗi quyết định của HĐXX sẽ có tác động không chỉ đối với bị cáo mà còn đối với xã hội.

Về phía luật sư, việc công khai bản án sẽ làm cho mỗi luật sư tham gia tranh tụng có thể đánh giá được mức độ tham gia bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế của mình đến đâu. Từ đó, các luật sư biết làm thế nào để nâng cao năng lực, kỹ năng tranh tụng để bảo vệ công lý tốt hơn.

Khi bản án được công khai thì xã hội không chỉ đánh giá về hoạt động xét xử của tòa án mà còn nhận xét về hoạt động tranh tụng của luật sư. Điều này sẽ giúp cho chất lượng của đội ngũ luật sư được nâng cao hơn mỗi ngày.

Ông TỐNG ANH HÀO, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao: Công khai bản án sẽ giảm oan, sai

Việc công khai bản án sẽ nâng cao trách nhiệm của HĐXX và thẩm phán chủ tọa. Khi xét xử, thẩm phán sẽ ý thức rằng việc xét xử này được giám sát. Sản phẩm là bản án của thẩm phán sẽ được công luận đánh giá. Chất lượng xét xử vì vậy sẽ được nâng lên.

Án oan, sai cũng vì vậy mà giảm bớt đi khi trách nhiệm của HĐXX và thẩm phán được nâng cao và được giám sát sâu rộng hơn. Dĩ nhiên, oan, sai có nhiều nguyên nhân và có cách hạn chế là thúc đẩy, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Vì vậy, nâng cao trách nhiệm của HĐXX và thẩm phán chủ tọa cũng là một biện pháp tốt để giảm oan sai trong quá trình xét xử.

Theo PLO

 

Bạn đang đọc bài viết "Công khai bản án: Ai sợ, ai không?" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin