Còn khoảng trống pháp lý trong thu hồi tài sản tham nhũng

25/10/2021 09:28

Ngày 24/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của các cơ quan tư pháp, trong đó có công tác của viện kiểm sát, công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Cuối giờ thảo luận, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã có giải trình về ý kiến các đại biểu Quốc hội nêu.

*Phải phúc cung trước khi quyết định truy tố

Liên quan đến vấn đề chống oan sai, bỏ lọt tội phạm trong điều tra, truy tố, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết trong quá trình tố tụng, yêu cầu điều tra là một biện pháp tố tụng mang tính chất bắt buộc của ngành kiểm sát, đặt ra để định hướng. Nếu được định hướng điều tra đúng sẽ góp phần quyết định điều tra làm rõ vụ án và chứng minh tội phạm, còn nếu định hướng điều tra sai sẽ dẫn đến oan sai, bỏ lọt tội phạm.

41-1635128806.jpeg

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Chính vì vậy, đây là một biện pháp hết sức quan trọng và yêu cầu ngay từ đầu của quá trình điều tra, Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát của mình đã phải tính toán, đặt ra những yêu cầu điều tra xác minh. “Và cái này chúng tôi đang cố gắng làm tốt hơn, mỗi năm đạt được những kết quả tốt hơn”, Viện trưởng Lê Minh Trí nhấn mạnh.

Về các biện pháp hỏi cung, Viện trưởng Lê Minh Trí cho hay, Viện Kiểm sát coi đây là biện pháp tố tụng phải tăng cường làm tốt hơn nữa. Bởi đây cũng là yêu cầu bắt buộc của tố tụng, đặc biệt là tố tụng hình sự, có yêu cầu thẩm tra lại kết quả hỏi cung của cơ quan điều tra, góp phần giải quyết vụ án khách quan, chính xác hơn.

Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết qua hỏi cung thực tế, có bị can kêu oan, từ đó vụ án đã được xem xét để góp phần giảm oan sai, hay có vụ án qua hỏi cung, Viện kiểm sát giúp thu thêm tài sản cần thu hồi.

Viện trưởng Lê Minh Trí cũng cho hay, ông đã yêu cầu tất cả các cấp kiểm sát phải phúc cung trước khi quyết định truy tố. Đó là một yêu cầu bắt buộc để có thể quyết định có xác minh, điều tra bổ sung vấn đề gì còn mâu thuẫn, chưa làm rõ trước khi truy tố nhằm hạn chế tối đa oan sai, bỏ lọt tội phạm khi thực hiện chức trách.

Các đại biểu có nêu về việc các cơ quan tố tụng chưa quan tâm, xử lý các vụ án kéo dài. Báo cáo với Quốc hội về vấn đề này, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, Viên Kiểm sát đang xin ý kiến cấp thẩm quyền, bên cạnh đó có một số vụ việc, vụ án đang tiến hành các biện pháp tố tụng, điều tra làm rõ theo đúng yêu cầu luật định. Khi có kết quả, Viện Kiểm sát sẽ thông tin đầy đủ đến cho đại biểu Quốc hội quan tâm.

*Không dễ thu hồi tài sản do tham nhũng, thất thoát

Vấn đề thứ ba, các đại biểu quan tâm là việc thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát. Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, thời gian qua chủ trương của Đảng và quyết tâm chính trị yêu cầu các cơ quan tố tụng phải làm tốt hơn nữa công tác thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát nhà nước. Trong thực tế, những năm gần đây chúng ta làm tốt hơn, có chuyển biến tích cực hơn.
“Tuy nhiên, so với yêu cầu thì chúng ta vẫn chưa hài lòng, bởi vì những cái mất và cái thu về chưa tương xứng nhau”, Viện trưởng Lê Minh Trí chia sẻ.

Lý giải về thực trạng này, Viện trưởng Lê Minh Trí cho hay, vấn đề đặt ra ở đây là kể cả có quyết tâm kê biên, thu hồi thì cũng phải theo luật hiện hành. Hiện nay hệ thống pháp luật hiện hành không phải lúc nào cũng cho phép cơ quan chức năng kê biên hết tài sản cần thu hồi khi cơ quan chức năng còn phải chịu trách nhiệm bồi thường nhà nước nếu kê biên, niêm phong không đúng, đương sự có quyền khởi kiện.

“Nên khi làm việc rất khẩn trương, quyết tâm chính trị, nhưng cũng phải chặt chẽ, chính xác. Hệ thống pháp luật hiện nay cần phải tiếp tục được rà soát để tiếp tục hoàn chỉnh và hoàn thiện...”, Viện trưởng Lê Minh Trí nói.

42-1635128806.jpeg

Đại biểu Quốc hội dự phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Trước khó khăn, vướng mắc trên, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đề xuất hai việc. Một là, Quốc hội nên nghiên cứu, xem xét để đưa vào chương trình xây dựng Luật đăng ký tài sản. Bởi hiện nay, chúng ta chỉ mới kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị nhưng lại không kiểm soát được tài sản mà đối tượng ngoài xã hội đang đứng tên sở hữu, không thể chứng minh được nguồn gốc hợp pháp hay không.

“Chúng ta còn bỏ một khoảng trống rất lớn, nếu chưa có Luật đăng ký tài sản thì tài sản tham nhũng mà các đối tượng có thủ đoạn che giấu, ẩn nấp ngoài xã hội, nhờ người khác đứng tên như xe ô tô, nhà đất... thì cơ quan chức năng cũng không thể thu hồi được”, Viện trưởng Lê Minh Trí cho hay...

Đề xuất thứ hai, Viện trưởng Lê Minh Trí kiến nghị Chính phủ  nên có một lộ trình để hạn chế sử dụng tiền mặt, đặc biệt cần đẩy mạnh hơn nữa xu thế hiện nay là áp dụng thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt, qua ngân hàng để góp phần vào việc thu hồi tài sản và minh bạch các hoạt động kinh tế.

Viện trưởng Lê Minh Trí khẳng định, các hoạt động kinh tế có minh bạch thì công tác thu hồi tài sản mới tốt được. Cần phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp căn cơ để đảm bảo việc thu hồi tài sản do tham nhũng, thất thoát tốt hơn.

*Sẽ xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng mạng internet gây mất trật tự an toàn xã hội

Với ý kiến của một số đại biểu về hiện tượng một số đối tượng có hành vi thông qua hoạt động từ thiện tranh chấp nhau, gây xung đột, có hành vi lợi dụng mạng internet gây mất trật tự an toàn xã hội, tự do ngôn luận, gây phản cảm trong toàn xã hội, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết theo pháp luật hình sự những hành vi trên có thể quy vào tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân. 

Viện trưởng Lê Minh Trí cho hay, thời gian tới, cơ quan điều tra và kiểm sát sẽ thống nhất để xem xét những hành vi này, xử lý để đảm bảo trật tự, kỷ cương xã hội.../.

Theo bnews.vn

Nguồn bài viết: https://bnews.vn/con-khoang-trong-phap-ly-trong-thu-hoi-tai-san-tham-nhung/218223.html

Bạn đang đọc bài viết "Còn khoảng trống pháp lý trong thu hồi tài sản tham nhũng" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin