Cơ chế khởi kiện và quy trình tố tụng vụ án tại Tòa Hình sự quốc tế

20/05/2017 09:36

Một cá nhân dù là nguyên thủ một quốc gia hay công dân bình thường, nếu phạm phải một số tội đặc biệt nghiêm trọng như tội diệt chủng, tội ác chiến tranh, tội hủy hoại môi trường... đều có thể bị xét xử bởi Tòa án Hình sự quốc tế (TAHSQT, tên viết tắt tiếng Anh là ICC). Đồng thời TAHSQT có quyền tiếp nhận những vụ việc không chỉ do các nước và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đệ đơn mà cả từ các cá nhân khởi kiện. Với những đặc điểm nổi bật đó, TAHSQT được đánh giá là một thiết chế hết sức tiến bộ để mang lại công lý cho người dân.

Những Tổng thống bị kiện ra Tòa

Vị Tống thống (TT) đương nhiệm đầu tiên trên thế giới bị TAHSQ quyết định đưa ra xét xử là ông Omar Hassan Ahmad Al Bashir – đương kim TT của Sudan, vì thực hiện tội phạm diệt chủng, tội chống lại loài người và tội ác chiến tranh. Vụ việc do HĐBA Liên hợp quốc chuyển đến Tòa vào ngày 31/3/2005 và sau quá trình xem xét điều tra khá dài, đến ngày 12/7/2010, Tòa (giai đoạn tiền xét xử) của ICC đã ra lệnh bắt giữ và buộc tội ông Omar. Tòa (giai đoạn tiền xét xử) xác định có đầy đủ căn cứ để chứng minh rằng ông Al Bashir phải chịu trách nhiệm về việc giết chết 300.000 người và làm cho khoảng 2 triệu người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn, xuất phát từ vụ xung đột trong vùng Darfur của Sudan. Cùng với việc ban hành lệnh bắt giữ TT Bashir, ICC cũng gửi một công văn yêu cầu nhà cầm quyền Sudan giải giao TT Bashir cho Toà án. Tuy nhiên, không có hy vọng chính quyền Sudan sẽ bắt và giải giao TT Sudan cho Toà Án. Chính quyền này đã nhiều lần tuyên bố rằng họ không nhìn nhận thẩm quyền của TAHSQT. Theo đó, ICC tuyên bố, kể từ nay, khi nào ông Bashir bước chân ra khỏi Sudan, đến một quốc gia hội viên của ICC và ngay cả những quốc gia không phải hội viên nhưng sẵn sàng hợp tác với Toà án, ông ta sẽ bị bắt và giải giao cho Toà án để đưa ra xét xử. Hiện nay ông Omar Al Bashir vẫn điều hành chính quyền ở Sudan và hạn chế ra nước ngoài để tránh bị bắt giữ.

Trụ sở chính của ICC tại La Haye, Hà Lan
Trụ sở chính của ICC tại La Haye, Hà Lan)

Vụ việc tiếp theo xảy ra tại Cộng hòa Ả rập Libya, nhà lãnh đạo Libya là Muammar Mohammed Abu Minyar Gaddafi cùng với con trai ông ta là Saif Al Islam Gaddfi – người phát ngôn của chính phủ Libya và Abdullah Al Senussi – người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Libya, đã bị ICC ban hành lệnh bắt giữ vào ngày 27/6/2011. Những người này bị phát lệnh bắt vì thực hiện các tội phạm chống nhân loại trong cuộc nổi dậy ở Libya từ tháng 2/2011 nhằm đàn áp cuộc nổi dậy chống lại sự cai trị hơn 4 thập kỷ qua tại Libya của Gaddafi. Tuy nhiên, cho đến nay, lệnh bắt giữ những đối tượng trên chưa được thực thi.

Nhà lãnh đạo thứ ba rơi vào “tầm ngắm” của ICC là cựu TT Bờ Biển Ngà, ông Laurent Gbagbo. Đáng chú ý, đây là vị TT đầu tiên có mặt tại phiên xét xử theo lệnh triệu tập của ICC. Cụ thể, ngày 30/1/2011 ông Laurent Gbagbo đã bị bắt giữ theo lệnh của ICC và đến ngày 28/01/2016, ICC bắt đầu xét xử cựu TT Bờ Biển Ngà ở La Haye, Hà Lan. Ông Gbagbo bị cáo buộc phạm các tội ác chống nhân loại trong cuộc khủng hoảng hậu bầu cử năm 2010 – 2011, do ông Gbagbo đã từ chối chuyển giao quyền lực cho ông Alassane Ouattara – người được quốc tế công nhận là chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Bờ Biển Ngà thời điểm đó. Cuộc xung đột vũ trang kéo dài 4 tháng khiến 3.000 người thiệt mạng và hơn một triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Và giờ đây, vị chính trị gia từng làm mưa làm gió ở Bờ Biển Ngà đang đối mặt với án tù chung thân nếu bị kết tội. Tuy nhiên, cho đến nay, các phiên điều trần tại ICC vẫn chưa có hồi kết và vị cựu lãnh đạo này vẫn kiên quyết bác bỏ mọi tội danh.

Ở một nước Châu Phi khác là Kenya, TT Kenya Uhuru Kenyatta và Phó TT William Ruto cũng bị cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người liên quan các vụ bạo động xảy ra sau cuộc tổng tuyển cử năm 2007, khiến ít nhất 1.100 người thiệt mạng. Cả hai nhà lãnh đạo này đều bác bỏ các cáo buộc trên. Tuy nhiên ICC đã bắt đầu vụ xử ông Ruto từ tháng 9/2013. Còn ông Kenyatta, đến ngày 8/10/2014 mới ra TAHSQT ở La Haye để trình diện theo triệu tập của ICC để trả lời các câu hỏi về vai trò liên quan đến làn sóng bạo lực sau cuộc bầu cử nói trên. Tuy nhiên cho đến nay, công tố viên ICC cho biết họ không đủ bằng chứng để đưa ông Kenyatta ra xét xử và việc xét xử phó TT Kenya William Ruto cũng không thể tiếp tục vì Chính phủ Kenya ngăn cản các nỗ lực thu thập tài liệu thiết yếu.

Các Thẩm phán của ICC
Các Thẩm phán của ICC)

Và mới đây nhất, ngày 24/4 vừa qua, TT Philippines Rodrigo Duterte đã bị kiện lên TAHSQT tại La Haye (The Hague), Hà Lan về tội giết người hàng loạt và những tội ác chống lại loài người khi sát hại hàng ngàn người trong vòng 30 năm qua. Đơn kiện này dài 77 trang, do luật sư Jude Josue Sabio đứng đơn, tố cáo TT Rodrigo Duterte là “chủ mưu” trong chiến dịch sát hại hơn 9.400 người không qua xét xử, hầu hết là các thanh niên nghèo kể từ năm 1988, khi ông Rodrigo Duterte được bầu làm thị trưởng thành phố Davao ở miền Nam Philipines. Trong số đó hơn 8.000 người bị giết chết trong các chiến dịch chống ma túy mà ông Duterte phát động sau khi lên làm TT vào tháng 6/2016, bằng cách yêu cầu lực lượng cảnh sát thẳng tay sát hại các nghi phạm và hứa sẽ bảo vệ hoặc ân xá cho các cảnh sát bị truy tố (phản ánh trong đơn kiện của luật sư Sabio, theo New York Times)

Trong khi người phát ngôn của tổng thống Philippines, ông Ernesto Abella cho rằng, lá đơn của ông Sabio gửi lên ICC sẽ không đi đến đâu và chỉ là động thái nhằm “bêu xấu và hạ nhục TT cũng như làm tổn hại tới chính phủ hợp hiến của Philippines”, thì giới bình luận lại nghi ngại rằng có thể xảy ra khả năng TT Philipines sẽ phải hầu tòa, chí ít là cũng bị ICC gọi để tiến hành các thủ tục điều tra. Lý do là vì trước đây đã có không ít các TT của một số quốc gia mặc dù không phải là hội viên của ICC nhưng cũng bị cơ quan này điều tra, đưa ra xét xử trong khi đó Philippines đã tham gia vào ICC từ năm 2011.

Cơ chế khởi kiện và quy trình tố tụng vụ án tại TAHSQT

ICC là một tổ chức độc lập về quyền tài phán, xét xử, không trực thuộc Liên Hợp Quốc và chính thức đi vào hoạt động theo Quy chế Rome về TAHSQT từ ngày 01/7/2002.

Theo đó, điều kiện để khởi kiện một cá nhân cũng như TT, nguyên thủ quốc gia của một nước ra TAHSQT là như nhau, bao gồm các điều kiện sau:

Thứ nhất, cá nhân đó phải phạm vào một trong các tội thuộc quyền xét xử của TAHSQT, bao gồm: Tội phạm diệt chủng; Tội phạm chống loài người; Tội phạm chiến tranh; Tội xâm lược và mới nhất là Tội phạm hủy hoại môi trường, khai thác tài nguyên thiên nhiên phi pháp và trưng thu trái pháp luật đất đai của người dân (tội này được bổ sung từ 15/9/2016).

 Cựu Tổng thống Bờ Biển Ngà, ông Laurent Gbagbo (ngồi giữa) tại phiên tòa xét xử của ICC.
Cựu Tổng thống Bờ Biển Ngà, ông Laurent Gbagbo (ngồi giữa) tại phiên tòa xét xử của ICC.)

Thứ hai, phải có một trong ba yêu cầu sau: Một là có yêu cầu của quốc gia thành viên (có thể thông qua cơ quan ngoại giao hoặc tổ chức, cá nhân là công dân của quốc gia đó tự đứng đơn yêu cầu tới ICC); Hai là theo quyết định mở cuộc điều tra của Công tố viên trưởng của ICC; Ba là có yêu cầu của HĐBA Liên Hợp Quốc và chỉ có HĐBA Liên Hợp Quốc mới có quyền chuyển thông tin về những tội ác xảy ra trên lãnh thổ của một quốc gia không phải là hội viên. Điều này có nghĩa là các cá nhân, tổ chức ở các quốc gia không phải là thành viên ICC mặc dù không có quyền trực tiếp yêu cầu ICC mở cuộc điều tra nhưng có thể thông qua HĐBA Liên Hợp Quốc để làm điều đó.

Thứ ba, TAHSQT chỉ bổ sung chứ không thay thế và xâm phạm quyền tài phán của quốc gia. ICC chỉ hành động trong trường hợp Tòa án quốc gia của người bị buộc tội không mong muốn hoặc không có khả năng điều tra, truy tố, xét xử các loại tội này và xét thấy thích hợp.

Nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên, thì vụ án có thể “đến tay” TAHSQT và trình tự, thủ tục thực thi quyền tài phán của ICC lúc này diễn ra như sau:

Sau khi nhận được thông báo về tội phạm và đơn kiện, yêu cầu điều tra của quốc gia thành viên hoặc của HĐBA Liên Hợp Quốc, Công tố viên của ICC phải xác minh tính chính xác của thông tin nhận được.

Nếu kết luận có đủ căn cứ tiến hành điều tra thì Công tố viên gửi văn bản kèm theo các tư liệu đã thu thập được yêu cầu Tòa tiền xét xử cho phép mở điều tra. Tòa tiền xét xử có thể cho phép hoặc từ chối.

Nếu vụ án được tiếp tục, Công tố viên thực hiện các quyết định sơ bộ về thụ lý vụ án, như thông báo cho tất cả các quốc gia thành viên và các quốc gia liên quan đến hành vi phạm tội. Trong giai đoạn điều tra, Công tố viên có thể tiến hành mọi hoạt động thu thập, kiểm tra chứng cứ, yêu cầu sự có mặt và thẩm vấn người đang bị điều tra, người bị hại và người làm chứng; đề nghị sự hợp tác của các cơ quan nhà nước, các tổ chức liên chính phủ…

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mới đây đã bị kiện lên TAHSQT về tội giết người hàng loạt và tội ác chống lại loài người.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mới đây đã bị kiện lên TAHSQT về tội giết người hàng loạt và tội ác chống lại loài người.)

Kết thúc giai đoạn điều tra, vụ án được truy tố ra Tòa án và sau đó, việc xét xử sẽ được tiến hành công khai. Để thực hiện chức năng tài phán của mình, trước khi xét xử hoặc trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử có thể yêu cầu sự giúp đỡ cần thiết của các quốc gia về việc thu thập, bổ sung chứng cứ hoặc về việc tham dự, lấy lời khai của nhân chứng; Hội đồng tiền xét xử có thể ra lệnh bắt và triệu tập sự có mặt của bị cáo; thực hiện thủ tục bắt tại quốc gia giam giữ, việc này có thể được tiến hành bởi Interpol hoặc cảnh sát các quốc gia thành viên ; xác nhận những lời buộc tội tiền xét xử; tiến hành thủ tục nhận tội tại Tòa… Hội đồng xét xử bảo đảm việc xét xử diễn ra công bằng, khẩn trương và tôn trọng đầy đủ các quyền của bị cáo, cũng như quan tâm thỏa đáng tới việc bảo vệ nạn nhân và nhân chứng.

Các hình phạt được tuyên bởi Tòa án gồm có hình phạt tù (tù có thời hạn, tù chung thân), phạt tiền, tịch thu tài sản. Việc thực thi các án phạt này được tiến hành bởi các quốc gia thành viên hoặc Tòa án. Bản án có thể bị Công tố viên hoặc người bị kết tội kháng cáo. Nếu Hội đồng kháng cáo thấy rằng thủ tục xét xử bị kháng cáo có điểm nào đó không công bằng mà làm ảnh hưởng đến tính đáng tin cậy của quyết định/bản án hoặc quyết định/bản án bị kháng cáo có sai sót cơ bản do lỗi đánh giá tình tiết hoặc lỗi áp dụng pháp luật, lỗi tố tụng, thì Hội đồng kháng cáo có thể hủy bỏ hoặc sửa đổi quyết định hoặc bản án đó; Hội đồng kháng cáo cũng có thể quyết định xét xử lại trước một Hội đồng xét xử khác. Bất cứ người nào là nạn nhân của việc bắt, giam giữ hoặc bị kết tội trái pháp luật đều có quyền đòi bồi thường theo quy định của Quy chế Rome.

Kể từ ngày có hiệu lực hoạt động (01/7/2002) đến nay, Phòng Công tố của ICC đã nhận được gần 200 đơn kiện từ ít nhất 150 quốc gia. Sau khi xem xét, TAHSQT đã buộc tội với 18 người trong đó chỉ buộc tội thông qua kết án được 4 người, 7 người vẫn còn đang bỏ trốn, 2 người đã chết (hoặc bị cho rằng đã chết), 4 người đã bị bắt tạm giam và 5 người tự nguyện đến trình diện tại ICC chờ ngày xét xử. Đáng chú ý là trong số này, một số người bị buộc tội là các TT, phó TT của một số nước, nhưng chưa thể thi hành lệnh bắt hoặc chưa thể kết án. Điều đó đã khiến cộng đồng thế giới dấy lên nghi ngờ về hiệu quả trong hoạt động của thiết chế Tòa án này.

Mặc dù còn một số hạn chế trong hoạt động và trong việc đảm bảo hiệu lực của các phán quyết, nhưng 15 năm vẫn là khoảng thời gian ngắn ngủi để đánh giá đúng mức hiệu quả của ICC. Các chuyên gia vẫn đánh giá, sự ra đời của ICC là một thành công lớn của nhân loại tiến bộ, ICC thực sự đã làm rất tốt trong khả năng mình có được để đảm bảo mọi tội phạm đều bị mang ra trước công lý. Ta thấy rằng, không một ai, kể cả nguyên thủ quốc gia, có thể thoát khỏi công lý!

TAHSQT được thành lập trên cơ sở Quy chế Rome (có hiệu lực kể từ 01/7/2002). Khác với Tòa án Công lý quốc tế, Tòa án Luật biển và Tòa trọng tài quốc tế chỉ xử lý các vụ việc tranh chấp giữa các quốc gia, TAHSQT là Tòa án quốc tế duy nhất có quyền xét xử các cá nhân thực hiện các tội phạm diệt chủng, chống loài người, tội ác chiến tranh, xâm lược và hủy hoại môi trường.

Tính đến năm 2016, đã có gần 120 quốc gia là thành viên của TAHSQT. Mỹ, Nga, Trung Quốc đều không tham gia và không thừa nhận thẩm quyền của TAHSQT. Việt Nam cũng chưa ký kết quy chế Rome nhưng đang có kế hoạch để tham gia vào tổ chức TAHSQT này.

Hương Lan

Bạn đang đọc bài viết "Cơ chế khởi kiện và quy trình tố tụng vụ án tại Tòa Hình sự quốc tế" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin