Chuyên gia pháp luật góp ý Dự luật Hoạt động hành chính công

(Pháp lý) - Cần xem lại và xác định cho rõ phạm vi điều chỉnh của Dự Luật để không chồng lấn, tương thích với các luật khác; Chương quy định “về mối quan hệ và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hành chính công” chưa giải quyết được hạn chế, yếu kém trong hoạt động hành chính hiện nay; Còn thiếu các quy định cụ thể về hợp đồng hành chính công... Đó là một số “khuyết điểm” của Dự Luật hoạt động Hành chính công được các chuyên gia pháp luật chỉ ra.

PGS.TS. Nguyễn Minh Đoan: Cần xem lại và xác định rõ phạm vi điều chỉnh của Dự Luật?

PGS. TS. Nguyễn Minh Đoan – hiện là Phó Chủ nhiệm khoa Hành chính nhà nước và pháp luật của Đại học Luật Hà Nội. Ông là chuyên gia có nhiều nghiên cứu khoa học về nhà nước và pháp luật. Bày tỏ quan điểm của mình về Dự Luật hoạt động Hành chính công (LHĐHCC), ông nói: Tôi cho rằng Dự Luật này được xã hội mong đợi lâu rồi vì trong thực hiện hoạt động hành chính hiện nay có quá nhiều bức xúc của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, sau Hiến Pháp 2013 cần thiết để ban hành một luật mang tính nguyên tắc sau Hiến pháp để điều chỉnh lĩnh vực Hành chính công.

 PGS. TS Nguyễn Minh Đoan
PGS. TS Nguyễn Minh Đoan)

Đánh giá cao dũng khí của ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh khi có sáng kiến và dám đứng ra nhận làm một dự luật khó, ông Đoan kêu gọi mọi người có thêm những góp ý để làm tròn trịa Dự luật. “Đại biểu làm Luật ở nước ngoài phổ biến, nhưng ở ta rất hiếm. Việc xây dựng thành công Dự Luật hoạt động Hành chính công sẽ có ý nghĩa lớn với nền hành chính và nền lập pháp của nước nhà”.

Tôi mong mỏi dự luật có những quy định để khắc phục những hạn chế của pháp luật hiện thời, chuyển nền hành chính nặng tính xin cho sang nền hành chính phục vụ. Xã hội và người dân đã và đang yêu cầu, đòi hỏi các cơ quan hành chính nhà nước cung cấp cho họ nhiều loại dịch vụ cần thiết để cho họ có thể dễ dàng, nhanh chóng triển khai, thực hiện các hoạt động kinh tế, xã hội. Do đó, điều cơ bản cần thay đổi là định hướng, bản chất phục vụ người dân của cả nền hành chính. Phải lấy kết quả, thông qua sự hài lòng của người dân để đánh giá hoạt động của nền hành chính nói chung, cải cách hành chính nói riêng.

Từ thực tế đó, tôi cho rằng, phải xác định rõ mục đích của Luật Hành chính công, mối quan hệ của cơ quan hành chính nhà nước và công dân. Từ đó xác định phạm vi điều chỉnh của luật. Sau khi xác định phạm vi điều chỉnh thì sẽ thể chế được các nội dung cụ thể. Theo tôi, ưu điểm của dự luật là có nhiều quy định nâng cao địa vị của người dân trong quan hệ hành chính. Các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu đã chỉ ra những vi phạm và mức độ xử lý với các vi phạm mà nhiều luật khác chưa có.

Tuy nhiên trong quá trình xem xét dự thảo Luật, tôi nhận thấy một số quy định còn chưa tương tích với những luật khác. Cụ thể như quy định về cơ quan nhà nước có trách nhiệm lắng nghe ý kiến phản biện chính sách của công dân hay Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện pháp luật hành chính công, bảo đảm tính phục vụ thống nhất, đồng bộ, minh bạch, công khai, có hiệu lực, hiệu quả và phát triển bền vững… Các quy định này cần diễn đạt rõ ràng, chính xác và tương thích với các quy định pháp luật đã có.

Trước những băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của Dự Luật hoạt động Hành chính công, PGS. TS. Nguyễn Văn Quang cho rằng cần có những thay đổi hợp lý trong phạm vi điều chỉnh của Luật. Ông cũng thẳng thắn đề nghị: Cần xem xét thay vì ban hành Luật hoạt động Hành chính công như đề xuất, cần tập chung vào những Luật khác mà nội dung luật hiện hành chưa đề cập. Cụ thể là ban hành các luật mới như Luật dịch vụ công (Điều chỉnh các vấn đề liên quan đến dịch vụ công, cung ứng dịch vụ công trong đó có các phương thức để cung ứng dịch vụ công trong đó có việc kí kết và thực hiện hợp đồng hành chính). Luật Chính phủ điện tử (Điều chỉnh các vấn đề liên quan đến việc ứng dụng tin học vào hoạt động hành chính công của các cấp chính quyền). Luật thủ tục hành chính (hiện nay chúng ta đang xây dựng Luật ban hành quyết định hành chính và nên cân nhắc việc xây dựng luật này hay là Luật thủ tục hành chính có nội dung bao trùm hơn Luật ban hành quyết định hành chính).

GS.TS. Hoàng Kim Quế: Dự Luật chưa làm rõ mối quan hệ và trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động hành chính công

 GS. TS Hoàng Kim Quế
GS. TS Hoàng Kim Quế)

Quan tâm đến dự án Luật hoạt động Hành chính công, GS. TS Hoàng Kim Quế (Đại học Quốc Gia Hà Nội) cho rằng: Trên thực tế thì các văn bản quy phạm pháp luật hành chính đã ban hành, còn thiếu những quy định điều chỉnh những vấn đề thực tế phát sinh của hoạt động hành chính. Các quy định cụ thể mà các văn bản khác chưa quy định. Các nguyên tắc, những thiếu hụt của các luật khác trong hoạt động hành chính cần được thể hiện cụ thể hơn ở các chương, điều trong Luật Hành chính công. Điều 5 những nguyên tắc chung của hành chính công, gồm 8 nguyên tắc nhưng trong các nội dung của dự luật thì những nguyên tắc cơ bản nằm tản mạn ở khắp các điều dẫn đến sự trùng lặp. Các nguyên tắc nên gom lại, sau này không nên nhắc lại ở các điều luật khác.

Hiện nay, một điểm yếu trong hoạt động hành chính đó là sự phối hợp, phân công không rõ ràng trong quản lý hành chính. Chính vì thế mỗi khi có những vấn đề xảy ra, trách nhiệm rất hạn chế. Trong dự Luật, chương quy định về mối quan hệ và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hành chính công nếu quy định như vậy thì chưa giải quyết được hạn chế này. Đọc dự luật, thì mối quan hệ này vẫn mang tính mệnh lệnh, thiếu tính chia sẻ, mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với cá nhân, tổ chức vẫn là mối quan hệ giữa chủ thể quản lý và đối tượng bị quản lý do vậy thiếu bình đẳng, trông chờ, nên không rõ trách nhiệm. Tư duy nghiêng về phối hợp nhưng không rõ sự phân công của các cơ quan hành chính. Để khắc phục vấn đề này, thì cần có quy định phân định rõ trách nhiệm trong hoạt động quản lý nhà nước, chú trọng đến phân công, phân công rõ ràng và có sự kiểm soát thay vì hô hào, phối hợp.

Về kĩ thuật, bà Quế cho rằng với số lượng 54 điều cho một đạo luật chung là không nhiều. Nhưng nhiều điều luật quá dài và lặp lại rất nhiều. Các điều nói về quyền và nghĩa vụ của chủ thể thì dài như một thông tư. Có thể tách ra thành các điều luật cụ thể, đơn giản để không làm khó quá trình thực thi Luật sau này.

Còn thiếu các quy định cụ thể về “hợp đồng hành chính công”

Trao đổi về vấn đề hợp đồng hành chính công với Luật sư Nguyễn Quang Ngọc (Công ty Luật Quốc tế Thiên Việt) ông này cho hay: Hợp đồng hành chính công là khái niệm còn mới trong tư duy và hành động hiện nay. Quy định về hợp đồng hành chính công cũng chưa có trong văn bản pháp luật cụ thể nào. Hợp đồng hành chính công hiện thường để phục vụ công tác thuê, mua, dịch vụ sự nghiệp công hay sự nghiệp công ích….

Luật sư Nguyễn Quang Ngọc
Luật sư Nguyễn Quang Ngọc)

Hiện nay, xu hướng xã hội hóa một số dịch vụ công chuyển giao sang cho cơ quan, tổ chức khá phổ biến. Khi đó cần sử dụng hợp đồng hành chính công. Trong hợp đồng cần quy định rõ mục đích hợp đồng làm gì, trong trường hợp nào thì tổ chức, cá nhân được giao và thực hiện nhiệm vụ thay nhà nước. Đồng thời, việc xác định trách nhiệm kí hợp đồng hành chính công, điều kiện kí hợp đồng công trong dự thảo cũng cần rõ ràng hơn. Cần phải quy định, bắt buộc phải thông qua hoạt động đấu thầu để kí hợp đồng hành chính công đối với một hợp đồng có giá trị nhất định.

Trong chương quy định về Hợp đồng dịch vụ công của Dự luật hiện nay chủ yếu xoay quanh việc phân loại hợp đồng mà chưa đề cập đầy đủ những nội dung cần thiết của hợp đồng. Nội dung quy định về trách nhiệm của người có thẩm quyền ký kết hợp đồng hành chính công còn chung chung. Theo tôi, cần ghi rõ để truy trách nhiệm của người kí hợp đồng hành chính công: Người kí hợp đồng hành chính công để xảy ra thất thoát, lãng phí tài sản công thì phải bị xử lý kỉ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cũng theo Luật sư Ngọc, trong chương quy định về hợp đồng cần xác định rõ trường hợp khi có vi phạm các nội dung của hợp đồng thì xử lý theo cơ chế nào?

(Đón đọc tiếp bài đăng trên Pháp lý kỳ phát hành cuối tháng 8/2017)

Phan Phan

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin