Chuyên gia góp ý về các điều kiện để đặc xá

21/07/2018 10:24

(Pháp lý) - Điều kiện để đặc xá được quy định tại điều 10 của dự Luật Đặc xá (sửa đổi). Theo đó nếu người đang chấp hành hình phạt tù có đủ những điều kiện theo khoản 1 điều 10 thì được đề nghị đặc xá. Ngoài ra, nếu chưa đủ các điều kiện đặc xá thuộc trường hợp đặc biệt (lập công, người trong gia đình có công với cách mạng) thì cũng được đề nghị đặc xá… Xung quanh dự thảo quy định sửa đổi mới này, còn rất nhiều ý kiến khác nhau. Phóng viên Pháp lý ghi lại góp ý của các chuyên gia.

Bất cập trong các quy định về điều kiện đặc xá hiện hành

image001Một trong những điều kiện để được tha tù trước thời hạn đối với người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù hoặc người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm ít nghiêm trọng được Bộ luật Hình sự 2015 quy định là “đã chấp hành ít nhất ½ mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 15 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn” (điểm đ, khoản 1 Điều 66). Trong khi đó, Luật Đặc xá 2007 quy định một trong những điều kiện được đề nghị đặc xá đối với loại tội phạm nói trên phải có thời gian chấp hành hình phạt tù quy định ít nhất 1/3 thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn, nếu trước đó đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù thì thời hạn được giảm không được tính vào thời gian đã chấp hành hình phạt tù; ít nhất là 14 năm đối với hình phạt tù chung thân.

Việc kéo dài thời gian chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân ở tù có thời hạn và tù chung thân được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 là thể hiện sự nghiêm minh cần thiết của pháp luật. Mặt khác, một trong những điểm mới mang tính đột phá của Bộ luật Hình sự 2015, đó là luôn khuyến khích và tạo cơ hội cho những đối tượng bị hạn chế về sức khỏe (bị khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng) được sớm hòa nhập cộng đồng, nếu họ đáp ứng đủ các điều kiện cần. Đặc biệt đối với phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì cơ hội được tha tù trước thời hạn càng lớn hơn khi họ đã chấp hành được ít nhất 1/3 mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 12 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng được giảm xuống tù có thời hạn.

BLHS 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung các quy định về thời gian chấp hành hình phạt tù, sửa đổi bổ sung chính sách khoan hồng…, nhưng Luật Đặc xá 2007 vẫn chưa sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 66 Bộ luật Hình sự năm 2015, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách. Nếu trong thời gian thử thách họ vi phạm nghĩa vụ từ hai lần trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính hai lần trở lên thì Tòa án có thể hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người đó và buộc họ phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành. Trường hợp phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án buộc người đó chấp hành hình phạt của bản án mới và tổng hợp với phần hình phạt tù chưa chấp hành của bản án trước. Quy định như vậy vừa thể hiện tính nghiêm minh của luật pháp, vừa có tính răn đe đối với người bị phạm tội. Tuy nhiên, đối với người được đặc xá theo quy định tại Điều 10 Luật Đặc xá 2007 thì lại không phải chịu thời gian thử thách như người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Chính điều này đã làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Khoản 3 Điều 13 và khoản 4 Điều 13 Luật Đặc xá 2007 quy định trách nhiệm của người phải chấp hành hình phạt tù để được xem xét đặc xá: “chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác sau khi được đặc xá” và “cam kết không vi phạm pháp luật, tiếp tục chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác sau khi được đặc xá”. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành quy định này còn gặp nhiều khó khăn do chưa có văn bản nào hướng dẫn ràng buộc sau khi người được đặc xá ra trại về địa phương phải thực hiện đầy đủ và thực hiện đúng những điều trong cam kết trước đây. Vì vậy, việc tổ chức thi hành án dân sự của chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự đối với người chấp hành hình phạt tù sau khi đặc xá rất khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác thi hành án dân sự cũng như giới hạn mục đích của việc đặt ra quy định này trong Luật.

Những băn khoăn, kiến nghị từ các chuyên gia Luật

Có thể nói các điều kiện về xét đặc xá quy định trong dự thảo Luật Đặc xá 2018 (Điều 10, Điều 13, 14) được quy định chặt chẽ hơn. Theo đó, không những đã cơ bản khắc phục được những hạn chế, bất cập so với luật hiện hành, mà các quy định còn không bị “lỗi nhịp” so với các điều kiện được tha tù trước thời hạn được quy định tại Điều 66 Bộ luật Hình sự 2015.

Ví dụ như Luật Đặc xá hiện hành quy định một trong những điều kiện để được đặc xá là người đã chấp hành án phạt tù được một thời gian nhưng phải thực hiện được ít nhất là một phần ba thời gian (nay được dự thảo sửa đổi là ½) đối với án phạt tù có thời hạn, nếu trước đó đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù; hoặc đã chấp hành án phạt tù ít nhất là mười bốn năm (nay dự thảo sửa đổi là 15 năm) đối với án phạt tù chung thân, nếu sau khi đã được giảm xuống tù có thời hạn mà tiếp tục được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm sau đó không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù.

 Trao quyết định đặc xá cho phạm nhân tại trại giam Chí Hòa, TP.HCM
Trao quyết định đặc xá cho phạm nhân tại trại giam Chí Hòa, TP.HCM)

Tuy nhiên hiện nay, các chuyên gia Luật vẫn còn một số băn khoăn và kiến nghị. Cụ thể, nhiều ý kiến cho rằng, trong vòng 10 năm mà số lượng người được đặc xá lên tới gần 86.000 phạm nhân và hơn 1.100 người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù là quá nhiều, làm mất đi tính chất và ý nghĩa của đặc xá. Do đó điều kiện đặc xá không nên áp dụng đại trà đối với tất cả các đối tượng mà chỉ quy định điều kiện áp dụng đặc xá đối với một số đối tượng nhất định, đặc biệt như: Người đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù, người đang mắc bệnh hiểm nghèo, người bị kết án phạt tù là phụ nữ đang có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi…

Về điều kiện áp dụng liên quan đến hình phạt bổ sung, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác, Luật sư Lê Hoài Sơn - Đoàn Luật sư Bình Định cho rằng nên giữ nguyên nội dung điều luật của Luật Đặc xá hiện hành (điểm c, khoản 1), tức là chỉ áp dụng chế định này đối với người bị kết án phạt tù về các tội phạm về tham nhũng hoặc một số tội phạm khác được Chủ tịch nước quyết định trong mỗi lần đặc xá. Quy định như vậy, tạo điều kiện cho người nghèo được đặc xá, không phụ thuộc vào việc bồi thường hay chấp hành hình phạt tiền, trách nhiệm dân sự.

Cán bộ trại giam Đồng Sơn (Quảng Bình) cấp phát áo, quần cho phạm nhân được đặc xá trước khi ra trại năm 2016.
Cán bộ trại giam Đồng Sơn (Quảng Bình) cấp phát áo, quần cho phạm nhân được đặc xá trước khi ra trại năm 2016.)

Luật sư Bùi Phú Tuyên – Trưởng chi nhánh Văn phòng Luật Phạm Anh (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) đề nghị, cần bổ sung quy định về thời gian thử thách đối với người được đặc xá và các nghĩa vụ của người được đặc xá trong thời gian thử thách, chế tài xử lý trong trường hợp họ vi phạm nghĩa vụ tương ứng như quy định đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện để bảo đảm phù hợp thống nhất với Bộ luật Hình sự năm 2015. Đặc biệt là cần có quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của người chấp hành hình phạt tù để được xem xét đặc xá về “chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác sau khi được đặc xá” và “cam kết không vi phạm pháp luật, tiếp tục chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác sau khi được đặc xá”, tránh trường hợp chỉ quy định mang tính chất chung chung, dẫn đến khó khả thi trong thực tiễn. Bên cạnh đó, cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc tổ chức thực hiện quyết định đặc xá, đặc biệt trong việc thi hành, xử lý các khoản tiền phạt, bồi thường dân sự, án phí…

Luật sư Nguyễn Xuân Khánh (Đoàn Luật sư tỉnh Đăk Lăk) đề xuất, để tương thích với luật pháp nước ngoài, không nên quy định cụ thể trong luật các điều kiện được đề nghị đặc xá, mà dành cho Chủ tịch nước quyền quyết định trong từng lần xét đặc xá sau khi đã cân nhắc đầy đủ các yếu tố về chính trị - xã hội, đối nội, đối ngoại, tình hình tội phạm.

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội đánh giá dự thảo Luật Đặc xá đang quy định nhiều điều kiện cụ thể của đặc xá cơ bản giống điều kiện tha tù trước thời hạn có điều kiện được quy định tại BLHS. Bởi vậy nếu giữ quy định về điều kiện đặc xá theo hướng chặt chẽ hơn thì sẽ dẫn tới trùng lặp về chính sách do các đối tượng đủ điều kiện được xét đặc xá thì cơ bản đã được tòa án tha tù trước thời hạn có điều kiện. Ngược lại, nếu sửa đổi theo hướng quy định nới lỏng hơn điều kiện đặc xá so với tha tù trước thời hạn thì sẽ không khắc phục được tình trạng đặc xá với số lượng lớn như thời gian qua. Cần phân biệt đặc trưng của chính sách đặc trưng với các chính sách khoan hồng khác.

VŨ LÊ MINH

Bạn đang đọc bài viết "Chuyên gia góp ý về các điều kiện để đặc xá" tại chuyên mục Lăng kính Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin