Chuyên gia đề xuất các giải pháp tăng tính “khả thi” của trách nhiệm hoàn trả

(Pháp lý) - Làm thế nào để vừa nâng cao trách nhiệm của người tiến hành tố tụng (THTT) trong hoạt động tố tụng hình sự (TTHS) để tránh làm oan người vô tội, nhưng không để người THTT “chùn tay” trước cái ác, trước tội phạm ? - hai mục đích cốt lõi cần hướng tới khi xem xét sửa đổi quy định về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ.

Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Pháp lý đã ghi nhận ý kiến của các Luật gia, Luật sư và một số cán bộ ngành tư pháp.

TS. Vũ Đức Khiển - Nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC: Chỉ nên bổ sung trường hợp hoàn trả khi gây oan sai với lỗi vô ý nhưng bị truy cứu TNHS

Luật sư Phạm Công Út, nguyên Thẩm phán TAND TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty Luật Phạm Nghiêm thuộc Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
Luật sư Phạm Công Út, nguyên Thẩm phán TAND TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty Luật Phạm Nghiêm thuộc Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh)

Cựu chuyên gia đầu ngành Kiểm sát kiến giải: Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước hiện hành quy định người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại thì phải có trách nhiệm bồi thường là hoàn toàn đúng nhưng chưa đủ ở chỗ: Xét về tính nguy hiểm của hành vi vi phạm thì rõ ràng hành vi gây thiệt hại với lỗi vô ý mà đến mức bị truy cứu TNHS có tính nguy hiểm cao hơn, nghiêm trọng hơn so với hành vi gây thiệt hại với lỗi cố ý nhưng chưa đến mức bị truy cứu TNHS. Do đó, nếu như Luật đang quy định rằng: “Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại, nhưng chưa đến mức bị truy cứu TNHS thì mức hoàn trả tối đa không quá 36 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả” thì cũng nên bổ sung cả trường hợp người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại nhưng đến mức bị truy cứu TNHS thì cũng chịu trách nhiệm hoàn trả với một mức tiền phù hợp. “Còn trường hợp với lỗi vô ý mà chưa đến mức bị truy cứu TNHS thì theo tôi không cần thiết phải quy trách nhiệm hoàn trả” – ông Vũ Đức Khiển kiến nghị.

Một số cán bộ ngành tư pháp: cả lỗi cố ý và vô ý đều phải có trách nhiệm hoàn trả

Theo kết quả thăm dò ý kiến của Phóng viên Pháp lý đối với một số cán bộ đang công tác trong ngành Tòa án, cơ quan Điều tra (chị Ng.M.Thu – Thẩm phán TAND TP. Hải Phòng; chị Ng.T.H.Trang – cán bộ TANDTC tại Hà Nội, anh Phạm Trung Hải – Điều tra viên tại Công an Tp. Hà Nội…) thì hầu hết câu trả lời nhận được là: Phương án mà Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi) đang thể hiện là hợp lý. Chị Ng.T.H.Trang, cán bộ TANDTC tại Hà Nội cho rằng: Dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sửa đổi, bổ sung đã xây dựng quy định về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ trong hoạt động TTHS với bất kỳ hình thức lỗi nào là hợp lý, quy định như vậy sẽ nâng cao trách nhiệm của họ trong hoạt động tố tụng, đòi hỏi khi nhân danh Nhà nước, kết án người bị truy tố phải hết sức thận trọng, là kết quả của việc xem xét, đánh giá đầy đủ, toàn diện những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và tranh tụng tại phiên tòa.

PHỎNG VẤN CỰU THẨM PHÁN, LS. PHẠM CÔNG ÚT: KHÔNG LO NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ “CHÙN TAY”

Phóng viên: Về vấn đề trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ trong lĩnh vực TTHS, Dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sửa đổi, bổ sung năm 2017 đang xây dựng theo hướng ngay cả trường hợp gây ra thiệt hại với lỗi vô ý, người thi hành công vụ cũng phải có trách nhiệm hoàn trả tiền bồi thường của Nhà nước. Quan điểm của ông về vấn đề này?

LS. Phạm Công Út: Trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã được quy định trong Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước từ lâu. Tuy nhiên đi vào thực tiễn mới thấy rằng quy định này dường như đang bị “bỏ hoang”. Cụ thể, thời gian qua Nhà nước bồi thường hàng trăm tỷ đồng nhưng thu hồi lại của những người có trách nhiệm hoàn trả chỉ chiếm chưa đầy 1%. Đặc biệt, tôi chưa thấy một bản án nào tuyên người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại trong các vụ án oan sai cả. Rõ ràng, luật đã quy định nhưng vẫn còn “khoảng trống”.

Theo quan điểm của tôi, đối với lỗi vô ý, rõ ràng là anh đủ nhận thức, trình độ để thấy rằng hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nhưng chỉ vì chủ quan, tắc trách hoặc cẩu thả mà anh cho rằng hậu quả đó không xảy ra và như thế gây ra oan sai. Do đó, bổ sung trường hợp phải hoàn trả ngay cả khi người thi hành công vụ có lỗi vô ý là cần thiết nhằm nâng cao trách nhiệm của người THTT trong khi thi hành công vụ, tránh gây oan, sai cho người vô tội.

Tôi được biết cũng có ý kiến đề xuất người thi hành công vụ phải chịu trách nhiệm hoàn trả ngay cả khi không có lỗi (tất nhiên mức hoàn trả chỉ mang tính “tượng trưng”) và đề xuất này cũng đã được thể hiện ngay trong các lần Dự thảo đầu tiên. Tôi hoàn toàn phản đối quan điểm này vì nó rất cực đoan, đi ra khỏi khái niệm về bồi thường – phải có hành vi có lỗi, có thiệt hại xảy ra và có mối liên hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại. Nếu như không có lỗi mà vẫn áp dụng trách nhiệm hoàn trả thì rõ ràng là không có tác dụng gì trong việc giáo dục, thậm chí là phản tác dụng vì người bị quy trách nhiệm sẽ không “tâm phục khẩu phục”.

Ông Nguyễn Thanh Chấn (bên trái) trong buổi lễ xin lỗi do bị kết án oan
Ông Nguyễn Thanh Chấn (bên trái) trong buổi lễ xin lỗi do bị kết án oan)

Phóng viên: Khi một vụ việc oan sai xảy ra, làm sao xác định người thi hành công vụ có lỗi cố ý hay vô ý thưa ông?

LS. Phạm Công Út: Một vụ án bao gồm nhiều giai đoạn từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm…và trong mỗi giai đoạn có rất nhiều hoạt động tố tụng. Chúng ta sẽ phải cân nhắc từng hoạt động và thái độ, nhận thức của người THTT trong từng vụ việc cụ thể. Đối chiếu với các quy định về lỗi để xem đó là lỗi cố ý hay vô ý. Từ việc đánh giá xem xét lỗi cố ý hay vô ý thì sẽ xác định được trách nhiệm bồi hoàn.

Phóng viên: Việc quy định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ trong hoạt động TTHS đối với cả lỗi vô ý và cố ý là rất cần thiết vì sẽ nâng cao trách nhiệm của họ trong các hoạt động tố tụng.

Nhưng ở một khía cạnh khác, nhiều người lo sợ quy định như vậy sẽ gây tác dụng ngược – người thi hành công vụ sẽ không dũng cảm đấu tranh với những hành vi phạm tội, khi mà họ không còn được Nhà nước bảo đảm không truy trách nhiệm hoàn trả đối với lỗi vô ý nữa.

Ông bình luận gì về vấn đề này và theo ông, làm thế nào để người thi hành công vụ không bị “chùn tay” khi đấu tranh với tội phạm, với cái ác?

LS. Phạm Công Út: Cán bộ tư pháp trong hoạt động TTHS đều có những nhiệm vụ chính trị mà Nhà nước và nhân dân đã giao phó, từ Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán…cho đến Thủ trưởng của Cơ quan điều tra, Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND…Trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình, họ đều cần biết rằng nếu mình tắc trách, chủ quan vô ý gây ra oan sai thì sau này sẽ phải chịu nghĩa vụ hoàn trả, nhờ đó mà họ sẽ tự ý thức phải cẩn trọng, phải nâng cao trách nhiệm hơn trong mọi hoạt động, mọi nhiệm vụ.

Còn nếu cán bộ tư pháp “chùn tay”? – “Anh” không thể “chùn tay” được vì còn có sự hiện diện của Bộ luật Hình sự với nhiều tội danh và hình phạt tương ứng dành cho các biểu hiện khác nhau của việc “chùn tay” mà chủ yếu ở nhóm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Tôi lấy ví dụ: Đối với những đối tượng mà có đủ cơ sở pháp lý để khẳng định họ có tội nhưng Cơ quan điều tra không khởi tố bị can, không đề nghị VKS truy tố bị can hoặc VKS không truy tố bị can khi nhận được đề nghị của Cơ quan điều tra, thì sẽ phải chịu TNHS về tội “Không truy cứu TNHS người có tội” theo Điều 294 BLHS. Về phía Tòa án, khi nhận được hồ sơ vụ án, cáo trạng truy tố của VKS đề nghị xét xử nhưng “anh” thoái thác trách nhiệm, tìm cách trì hoãn việc đưa ra xét xử hoặc tìm cách trả hồ sơ điều tra bổ sung…thì tùy trường hợp mà bị xử lý về tội “Ra quyết định trái pháp luật”.

Phóng viên: Khi mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hoàn trả sang cả lỗi vô ý, hiển nhiên rằng quy định về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ trong TTHS sẽ có nhiều “cơ hội” được áp dụng trên thực tế hơn. Tuy nhiên, ngoài việc quy định thêm “lỗi vô ý cũng phải hoàn trả tiền bồi thường của Nhà nước” như trên, theo ông Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước có cần sửa đổi, bổ sung gì để quy định này “khả thi” hơn và được áp dụng nhiều hơn nữa không ?

LS. Phạm Công Út: Vấn đề trách nhiệm hoàn trả liên quan đến thời hiệu truy cứu TNHS – chính là điểm còn thiếu sót hiện nay của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2009 cũng như của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung, quan điểm của tôi là như vậy.

Luật hiện hành và cả Dự thảo đều quy định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ được xem xét trên cơ sở nội dung văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật. Riêng đối với lỗi cố ý gây ra thiệt hại mà đến mức bị truy cứu TNHS thì phải có bản án kết tội của Tòa án. Như vậy, nếu hành vi phạm tội của người thi hành công vụ mà hết thời hiệu truy cứu TNHS thì sẽ không có bản án này và trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ cũng không thể đặt ra.

Nhiều hội thảo góp ý Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi) trong đó nhiều ý kiến đều nhất trí nên bổ sung trách nhiệm hoàn trả với cả lỗi vô ý.
Nhiều hội thảo góp ý Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi) trong đó nhiều ý kiến đều nhất trí nên bổ sung trách nhiệm hoàn trả với cả lỗi vô ý.)

Theo quy định của BLHS thì thời hiệu truy cứu TNHS được tính từ ngày tội phạm thực hiện và các mức thời hiệu là 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm tương ứng với các tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Trong các vụ án oan sai, có khi phải mất đến cả chục năm, 20 năm và có thể lâu hơn nữa mới phát hiện ra oan sai, (ví dụ như vụ ông Huỳnh Văn Nén là 17, 18 năm) khi đó có thể cũng đã hết thời hiệu truy cứu TNHS đối với các hành vi phạm tội của người thi hành công vụ.

Như vậy, trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại với lỗi cố ý mà đến mức bị truy cứu TNHS nhưng tội danh mà người đó thực hiện đã hết thời hiệu truy cứu TNHS thì chắc chắn không có bản án mà không có bản án thì không có căn cứ buộc người thi hành công vụ hoàn trả tiền bồi thường của nhà nước. Theo tôi, Dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước sửa đổi nên có một điều khoản quy định riêng về trường hợp: Trách nhiệm hoàn trả với lỗi cố ý gây ra thiệt hại đến mức bị truy cứu TNHS nhưng thời hiệu truy cứu TNHS đã hết. Khi đó nên xác định có thể yêu cầu người thi hành công vụ thực hiện trách nhiệm hoàn trả bằng một quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, việc đặt ra trách nhiệm hoàn trả đối với người thi hành công vụ gây oan sai trong tố tụng hình sự là cần thiết nhưng để thu hồi được thì sẽ rất khó, bởi với đồng lương và thu nhập “còm cõi” của cán bộ tư pháp khó mà hoàn trả được toàn bộ hoặc một phần tiền bồi thường của Nhà nước khi mà có những vụ án oan, tiền bồi thường lên đến chục tỷ đồng. Ông có đồng tình với quan điểm này không? Và làm thế nào để việc thu hồi tiền bồi thường của nhà nước từ những người có trách nhiệm hoàn trả đạt được như mong đợi của pháp luật?

LS. Phạm Công Út: Mức hoàn trả với lỗi vô ý hoặc cố ý nhưng chưa đến mức bị truy cứu TNHS thì tôi cho rằng phù hợp với các quy định về lương, thưởng trong Bộ luật lao động, bảo hiểm xã hội… Do đó hoàn toàn có thể thực hiện được, không quá khó khăn so với thu nhập và khả năng kinh tế của cán bộ tố tụng.

Riêng với lỗi cố ý mà đến mức bị truy cứu TNHS thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị oan sai thì việc lo lắng về tính “khả thi” là có cơ sở. Trên thực tế, tôi chưa thấy có bản án nào tuyên người gây ra thiệt hại trong các vụ án oan với lỗi cố ý để phải chịu trách nhiệm hoàn trả lại toàn bộ số tiền bồi thường. Nhưng giả sử nếu có, thì giai đoạn thi hành án, cơ quan thi hành án sẽ phải áp dụng đầy đủ các biện pháp như phong tỏa tài khoản, cưỡng chế, kê biên, bán đấu giá tài sản… Nhưng thu được bao nhiêu lại là câu chuyện của thực tế, của từng vụ việc cụ thể, gặp phải người có nhiều tài sản, tài sản có giá trị thì việc thu hồi dễ dàng; còn gặp phải người ít tài sản, tài sản ít giá trị thì phải chấp nhận. Còn về mặt nguyên tắc, pháp luật phải đưa ra mức hoàn trả như vậy để phù hợp, tương thích với mức độ lỗi, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội với lỗi cố ý.

Bên cạnh đó, đối với vụ việc nhiều người phải chịu trách nhiệm liên đới trong việc hoàn trả thì việc thu hồi được đầy đủ số tiền sẽ khả quan hơn. Nhưng như tôi đã nói ở trên, vì Luật còn khiếm khuyết về vấn đề “hết thời hiệu truy cứu TNHS”, cho nên khả năng thu hồi đầy đủ số tiền hoàn trả trong trường hợp này lại gặp phải khó khăn: Có người còn thời hiệu truy cứu TNHS, có người hết thời hiệu truy cứu TNHS. Khi đó, người còn thời hiệu truy cứu TNHS sẽ phải một mình thực hiện nghĩa vụ hoàn trả (tương ứng với mức độ gây thiệt hại của mình) thì rõ ràng khoản tiền mà nhà nước đã “tạm” bỏ ra sẽ không được “lấp đầy” trở lại.

Phóng viên: Cuối cùng, ông còn trăn trở hay đề xuất gì trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với chế định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ trong TTHS ?

LS. Phạm Công Út: Ai là người đứng ra chịu trách nhiệm hoàn trả khi có hiện tượng “chỉ đạo án”, “án bỏ túi” là một trong những băn khoăn lớn nhất của tôi. Đã từng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong ngành Tòa án, tôi khẳng định việc Thẩm phán chịu sự chỉ đạo, phân công của Chánh án, thậm chí là của lãnh đạo chính quyền…là điều có thật. Tất nhiên trong quy chế làm việc của ngành Tòa án, Thẩm phán có trách nhiệm báo cáo án. Nhưng hệ lụy là đối với những vụ án nhạy cảm, sẽ hình thành một chủ trương chỉ đạo về đường lối xử lý. Giả sử Thẩm phán được phân công xét xử cho rằng, vụ này không có tội nhưng lãnh đạo lại chỉ đạo phải xử có tội, về sau mới phát hiện ra oan sai, thì ai là người đứng ra hoàn trả? Thẩm phán được phân công xét xử hay Chánh án? Hiện tại, Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước chưa quy định rõ vấn đề này, cách quy định đang tạo cách hiểu là chỉ Thẩm phán trực tiếp xét xử vụ án mới phải chịu trách nhiệm hoàn trả, điều này là chưa hợp lý. Ai làm sai phải chịu nhưng sai do bị chỉ đạo thì trách nhiệm hoàn trả như thế nào, cần làm rõ hơn!

Trước đây, Chánh án TANDTC có thông báo về việc xây dựng Dự thảo quy chế làm việc của ngành Tòa án trong đó nghiêm cấm lãnh đạo Tòa án can thiệp vào nội dung xử lý các vụ án của Thẩm phán. Điều này rất đáng hoan nghênh và phải làm nhanh nhưng hiện nay vẫn chưa thấy có thông tin chính thức về tình hình triển khai xây dựng Dự thảo quy chế này.

Dưới góc độ là một người từng hoạt động trong lĩnh vực tư pháp và dưới góc độ một luật sư từng tham gia thương lượng, yêu cầu bồi thường cho những trường hợp oan sai nên tôi hiểu được ý nghĩa to lớn của quy định về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ trong TTHS. Thông qua bài phỏng vấn này đăng tải trên Tạp chí Pháp lý, tôi hy vọng cơ quan soạn thảo Dự án sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sẽ chú ý và tham khảo, cân nhắc những đề xuất nói trên để Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nói chung và chế định trách nhiệm hoàn trả trong TTHS nói riêng được hoàn thiện hơn và đi vào cuộc sống.

Phóng viên: Chân thành cảm ơn luật sư vì những ý kiến đóng góp quý báu!

Tuệ Tuệ (thực hiện)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin