Chuyên đề: Chung tay hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật để phòng, chống tham nhũng hiệu quả (kỳ 5) - Bài 14: Quá nhiều kẽ hở trong các quy định pháp luật về cổ phần hóa DNNN

08/10/2018 08:30

(Pháp lý) - LTS: Trong gần 3 năm qua, đã có hàng loạt những cuộc thanh tra quy mô lớn đối với nhiều Tập đoàn, tổ chức kinh tế. Hoạt động thanh kiểm tra đã chạm đến những Tập đoàn kinh tế lớn có “tiền bạc, quyền lực” mà nhiều người cho rằng khó có thể chạm tới vi phạm (nếu có) của họ. Đã có những kiến nghị về việc thu hồi nhà đất, công sản, thu hồi vốn lại cho nhà nước được giao, bán trái thẩm quyền, được thâu tóm trái luật (hoặc thâu tóm nhờ kẽ hở của luật). Và đã có những quyết định khởi tố một số vụ án, khởi tố một số lãnh đạo cấp cao. Điều đó cho thấy Đảng và các cơ quan bảo vệ pháp luật đã nhận diện kịp thời một số lĩnh vực mà tội phạm kinh tế đã và đang “hoành hành”, trong đó nổi lên là tội phạm trong lĩnh vực quản lý nguồn lợi đất đai, công sản, nguồn vốn nhà nước.

Nguyên nhân nào khiến tội phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, công sản, quản lý vốn Nhà nước dễ bề “lộng hành” trong thời gian dài vừa qua? Giải pháp cấp bách nào được đặt ra trong thời gian tới?

Tiếp tục chuyên đề “Chung tay hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật để phòng, chống tham nhũng hiệu quả”, kỳ 5 này, Phóng viên Pháp lý cùng các chuyên gia pháp luật đi sâu phân tích thực tế, từ đó có những kiến nghị để trả lời hai câu hỏi lớn nêu trên.

Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước được đẩy mạnh tốc độ trong gần 10 năm trở lại đây. Suốt quá trình đó, cơ quan chức năng đã phát hiện không ít thủ đoạn, lỗ hổng pháp luật trong cổ phần hóa gây thất thoát tài sản Nhà nước. Phổ biến nhất là không tính đúng, tính đủ giá trị vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhằm làm giảm giá trị của doanh nghiệp, tạo cơ hội cho nhóm lợi ích trục lợi.

 Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam
Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam)

Khi bắt tay vào cổ phần hóa (CPH), các bất cập trong quy định của pháp luật về việc tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp đã được các đơn vị tận dụng triệt để. Luật Đất đai 2013 quy định doanh nghiệp có thể trả tiền một lần hoặc trả tiền hàng năm đối với đất thuê, nhưng nghị định quy định về CPH lại vẫn quy định đất thuê không đưa vào tính giá trị doanh nghiệp CPH. Vì vậy, doanh nghiệp đã lách bằng cách lựa chọn hình thức thuê đất để định giá đất bằng 0, làm giảm giá trị doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trường hợp doanh nghiệp được giao đất thì tài sản đất đai cũng chỉ được định giá đất tính theo khung giá do UBND cấp tỉnh quy định, không sát giá thị trường. Thậm chí, có những nơi thấp hơn giá thị trường cả chục lần. Đây là một lỗ hổng rất nghiêm trọng, gây thất thoát rất lớn đối với tài sản là đất thuê trả tiền thuê đất một lần.

Trong các kết luận thanh tra, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước khi thực hiện CPH giai đoạn 2011 - 2015 đều không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp. Có thể nói, việc định giá tài sản hiện vẫn theo cơ chế nhà nước định giá chứ chưa hoàn toàn theo giá thị trường, dẫn đến tình trạng bán thấp – mua cao, thậm chí có lúc mua cao – bán thấp, đất vàng bị thất thoát.

Điều này diễn biến ngược với thị trường vì không ít thương vụ, nhà đầu tư lại đánh giá cao những lợi thế đất đai của doanh nghiệp. Ví dụ như thương vụ đấu giá cổ phần của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại Công ty Cổ phần Du lịch Kim Liên, mức giá khởi điểm đưa ra là 30.600 đồng/cổ phần, nhưng giá trúng lên tới 274.200 đồng/cổ phần, hay Công ty Cổ phần Ong Trung ương, giá khởi điểm đưa ra là 15.000 đồng/cổ phần, nhưng giá trúng là 116.000 đồng/cổ phần...

Một trong những lỗ hổng của pháp luật phải kể đến đó là quy định về giá trị thương hiệu. Trước đây, theo Nghị định 59 năm 2011, Thông tư 127 của Bộ Tài chính quy định hướng dẫn về cách xác định giá trị thương hiệu dựa trên cơ sở các chi phí thực tế cho việc tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại... Tuy nhiên trong thực tế CPH doanh nghiệp, giá trị thương hiệu không thể xác định, hoặc rất thấp, thậm chí bằng 0 do không xác định được chi phí xây dựng thương hiệu thực tế.

Một ví dụ điển hình là trong việc CPH Hãng phim truyện Việt Nam, Bộ VHTT-DL cho rằng trong vòng 5 năm trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam không có chi phí thành lập doanh nghiệp, đào tạo nhân viên, quảng cáo… nên công ty không tập hợp được chi phí thực tế để tạo dựng thương hiệu. Do đó, căn cứ theo hướng dẫn xác định giá trị thương hiệu thì giá trị thương hiệu của công ty là 0 đồng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc xác định giá trị thương hiệu là 0 đồng trong nhiều trường hợp là không hợp lý. Rõ ràng, giữa pháp luật và thực tế đang có sự “vênh” nhau.

Chưa kể, trong công tác CPH, có những lãnh đạo và kế toán doanh nghiệp đã câu kết với nhau để ngoài sổ sách một số tài sản, khoản nợ… khi định giá doanh nghiệp; chuyển từ vốn vay thành vốn góp khi cổ phần hóa và biến đối tượng vay thành cổ đông chiến lược; bán cổ phiếu ưu đãi tăng giá quá mức cho phép …để trục lợi.

Để thất thoát tài sản công không chỉ do pháp luật có kẽ hở, mà còn do sự bắt tay, móc ngoặc của các nhóm lợi ích. Một số doanh nghiệp Nhà nước chuyển nhượng đất được Nhà nước cho thuê dưới hình thức góp vốn liên doanh, hợp tác đầu tư bằng giá trị lợi thế quyền thuê đất, sau đó thực hiện thoái toàn bộ phần vốn góp, thực chất là hình thức lách luật để chuyển nhượng đất. Việc này kết hợp với sự thiếu minh bạch trong xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất đã tạo cơ hội để các tổ chức, cá nhân trục lợi, tham nhũng, gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Không chỉ đất đai, các tài sản khấu hao như dây chuyền máy móc, nhà xưởng... thực tế 10 phần thì bị đánh giá thấp xuống chỉ còn vài phần, khiến một số người có cơ hội để mua được vốn nhà nước với giá rẻ mạt hơn rất nhiều so với giá thị trường. Điều này lý giải vì sao một số doanh nghiệp bỗng dưng “ăn nên làm ra”, lãi lớn sau khi CPH, dù trước kia chính doanh nghiệp ấy lại thua lỗ rất khó hiểu. Đây chính là thủ đoạn “dìm giá” doanh nghiệp trước CPH để trục lợi, mà cơ quan chức năng đã cảnh báo.

Chưa hết, sau khi CPH với việc bỏ ra một số tiền nhỏ nhưng được sử dụng một loạt “đất vàng” và tài sản giá trị, các doanh nghiệp đó ngay lập tức chuyển đổi mục đích sử dụng đất như xây chung cư, trung tâm thương mại… Như vậy, các doanh nghiệp này đã vi phạm hai vấn đề: Thứ nhất là không đúng tiêu chí hoạt động của doanh nghiệp, tức là chuyển đất sang kinh doanh thương mại và bất động sản. Thứ hai là quá trình chuyển mục đích như vậy không đưa ra đấu giá mà áp đặt giá thấp, không theo thị trường.

Thanh tra Chính phủ mới có quyết định yêu cầu thu hồi 75,01% cổ phần tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn về sở hữu nhà nước
Thanh tra Chính phủ mới có quyết định yêu cầu thu hồi 75,01% cổ phần tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn về sở hữu nhà nước)

Thực trạng trên đã “góp phần” gây thất thoát rất lớn nguồn lực từ đất đai. Những thủ đoạn không thực hiện đúng phương án sản xuất kinh doanh sau chuyển đổi này không hiếm gặp, tuy nhiên trước đây không được cơ quan chức năng xử lý thích đáng nên tình trạng này không được trị dứt điểm, khiến lợi ích chảy hết vào túi doanh nghiệp.

Từ thực tế liên quan đến việc định giá sai giá trị tài sản của doanh nghiệp Nhà nước khi CPH, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, công tác thẩm định giá hiện nay rất sơ hở, lỏng lẻo. Lý do là thẩm định giá trị cổ phần thông thường là thuê một doanh nghiệp thẩm định. Đây là một dịch vụ tư nhân, mà tư nhân thì phụ thuộc vào người thuê họ nên hầu như không kiểm soát được giá trị thực, giá trị khách quan và các doanh nghiệp định giá cũng không phải chịu trách nhiệm gì nhiều. Trong khi đó, pháp luật quy định việc định giá tài sản phải phù hợp với giá thị trường của tài sản cần định giá, hoặc tài sản tương tự với tài sản cần định giá tại thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá; phải trung thực, khách quan, công khai, kịp thời…

Một ví dụ mới nhất về sai phạm trong công tác thẩm định giá là vụ thoái vốn nhà nước tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn. Tại đây, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn thuế ATC không thu thập hồ sơ, tài liệu có liên quan để phân tích, đánh giá thực trạng chất lượng kỹ thuật thực tế của cầu cảng theo quy định. ATC cũng xác định chất lượng còn lại của nhà cửa, vật kiến trúc không đúng tiêu chuẩn xây dựng. ATC chỉ căn cứ vào thời gian sử dụng của tài sản mà không kết hợp với việc đánh giá thực trạng tài sản. Trong việc thẩm định giá để chuyển nhượng 26,01% và 49% cổ phần, ATC đưa ra các công thức tính chưa được quy định cụ thể trong các tiêu chuẩn thẩm định giá; không thực hiện đầy đủ các nội dung khảo sát thực tế tại Cảng Quy Nhơn, không khảo sát hiện trạng tài sản...

 Luật sư Trương Thanh Đức trao đổi với PV Pháp lý
Luật sư Trương Thanh Đức trao đổi với PV Pháp lý)

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, lỗ hổng lớn nhất hiện nay của chúng ta đó là con người, còn pháp luật cũng có nhưng không lớn.

GS.TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và phát triển, ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội cho biết thêm, không chỉ cảng Quy Nhơn, cách định giá trong việc CPH của cảng Khuyến Lương cũng quá khôi hài. Nhưng đây không còn là câu chuyện cá biệt của cảng Khuyến Lương, mà là câu chuyện chung quanh việc CPH doanh nghiệp Nhà nước hiện nay. Việc này thể hiện trình độ quản lý yếu kém, không tuân thủ pháp luật một cách chặt chẽ, lợi dụng kẽ hở luật pháp, lợi ích nhóm tồn tại ngang nhiên.

Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước năm 2016 về định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi CPH của 7 doanh nghiệp lớn, cơ quan này đã xác định vốn nhà nước tăng thêm một con số rất lớn lên tới 20.818 tỉ đồng. Kiểm toán Nhà nước cũng từng chỉ ra nhiều hạn chế trong việc định giá tài sản của các tổ chức định giá như xác định các khoản đầu tư tài chính không đúng thời điểm theo quy định; kê khai thiếu giá trị lợi thế kinh doanh khiến giá trị doanh nghiệp thường bị thấp hơn quy định. Hơn nữa, việc góp vốn bằng quyền thuê đất, lợi thế kinh doanh vào các công ty liên doanh, liên kết mà không tổ chức chào giá thị trường, không đấu thầu, đấu giá để xác định giá theo nguyên tắc thị trường, dẫn đến việc xác định giá trị doanh nghiệp không sát thực tế, dễ dẫn đến thất thoát tài sản của Nhà nước…

Hải Dương

 

Bạn đang đọc bài viết "Chuyên đề: Chung tay hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật để phòng, chống tham nhũng hiệu quả (kỳ 5) - Bài 14: Quá nhiều kẽ hở trong các quy định pháp luật về cổ phần hóa DNNN" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin