Sáng 9/1, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác năm 2018. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Sáng 9/1, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác năm 2018. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Cùng dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí, cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá ngành tòa án đã tập trung nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ xét xử, giải quyết các loại án; thực hiện việc công khai các bản án nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm của các thẩm phán, bảo đảm thống nhất trong việc áp dụng pháp luật cũng như tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát hoạt động xét xử của tòa án.
Trong quá trình xét xử, các tòa án đã thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc độc lập xét xử và nguyên tắc suy đoán vô tội. Các phán quyết của tòa án bảo đảm đúng pháp luật, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân. Trong năm qua, không có trường hợp nào xét xử oan người vô tội; các vụ án lớn, trọng điểm, phức tạp, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng được tập trung chỉ đạo giải quyết, xét xử kịp thời, nghiêm minh.
Ngành tòa án đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng kịp thời xem xét một cách thận trọng, kỹ lưỡng với tinh thần cầu thị đối với các trường hợp xét xử từ nhiều năm trước, nhưng có đơn kêu oan và đã minh oan cho một số trường hợp, qua đó bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tòa án được thực hiện theo hướng cơ cấu lại và nâng cao trách nhiệm đội ngũ công chức có chức danh tư pháp, nhất là người đứng đầu; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được đẩy mạnh; kỷ cương, kỷ luật công vụ được tăng cường.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị ngành tòa án tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác tư pháp và cải cách tư pháp; chủ động tham mưu với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo giải quyết các vụ án lớn, trọng điểm về kinh tế, tham nhũng. Ngành tòa án cần tăng cường phối hợp trong công tác xây dựng các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan tư pháp địa phương, bảo đảm việc áp dụng đúng và thống nhất các quy định của pháp luật trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Chủ tịch nước yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xét xử, chú trọng làm tốt việc tranh tụng tại phiên tòa, không để xảy ra các vụ xử oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Trong đó tập trung xét xử nghiêm minh các vụ án hình sự, nhất là các vụ kinh tế, tham nhũng, bảo đảm thu hồi tài sản Nhà nước bị chiếm đoạt. Hình phạt mà tòa án áp dụng đối với các bị cáo phải tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Bên cạnh đó, TAND các cấp chú trọng công tác cải cách hành chính, nhất là công tác đổi mới thủ tục hành chính-tư pháp trong các hoạt động của tòa án, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác tòa án nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân...
"Trong đó, chú trọng xây dựng hình ảnh tòa án thân thiện, ‘gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân’, là chỗ dựa của nhân dân và là nơi bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
TAND các cấp tiếp tục cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, nhất là đối với đội ngũ công chức có chức danh tư pháp. Sớm tổ chức triển khai thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng theo đúng tinh thần là một trong những đơn vị làm “thí điểm” được Ban Bí thư Trung ương Đảng giao thực hiện. Nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước các giải pháp đổi mới căn bản chế độ tiền lương và chế độ đãi ngộ khác đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động TAND các cấp.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước đề nghị các ban, bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo bố trí kinh phí đầu tư xây dựng trụ sở, trang bị phương tiện làm việc cho các tòa án, nhất là ưu tiên sớm hoàn thành xây dựng đối với các tòa án cấp huyện mới chia tách chưa có trụ sở, đang phải đi thuê và triển khai thực hiện các quy định mới về mô hình phòng xét xử; xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin... để nâng cao chất lượng các mặt công tác của TAND các cấp.
Báo cáo của TANDTC cho biết trong năm 2017, công tác giải quyết xét xử các loại vụ án và xem xét áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án có nhiều chuyển biến mang tính thực chất cả về tiến độ và chất lượng. Nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế, tham nhũng đã được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh. Ngành tòa án đã xử lý dứt điểm một số vụ án xét xử oan người không có tội từ những năm trước, qua đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Ngành tòa án đã chú trọng tổ chức tốt đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính và hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự; tỉ lệ hòa giải thành trong năm qua đạt 53,3%. Việc nâng cao tỷ lệ hòa giải thành công đã góp phần tăng sự đồng thuận trong xã hội, rút ngắn thời gian giải quyết vụ án và bảo đảm vụ án được giải quyết dứt điểm vì không có kháng cáo, kháng nghị.
Theo Báo Chính phủ