Nhận diện những thách thức và một số đạo luật cần nghiên cứu sửa đổi khi xây dựng khung pháp lý đối với tài sản số tại Việt Nam

(Pháp lý) – Nghiên cứu từ thực tiễn cho thấy sự phát triển của tài sản số thời gian gần đây, nhất là những tài sản dựa trên công nghệ chuỗi khối (Blockchain) … và sự mở rộng của các hoạt động kinh tế liên quan đến loại tài sản mới này đang đặt ra những yêu cầu cấp bách đối với cơ quan quản lý và các nhà hoạch định chính sách. Đặc biệt cần tiến hành đồng thời việc xây dựng khung pháp lý đối với tài sản số và sửa đổi một số đạo luật liên quan.

Tài sản số đang đặt ra những vấn đề mới chưa từng có - Nhịp sống kinh tế  Việt Nam & Thế giới

Thực tiễn đang đặt ra nhiều thách thức trong quản lý tài sản số tại Việt Nam.

Nhận diện những thách thức đối với quản lý tài sản ảo, tiền ảo

Vừa qua, một số cơ quan báo chí đã có loạt bài “vạch trần thế giới ngầm game NFT”, liên quan đến tiền ảo. Với việc rất nhiều nhà đầu tư đã thua lỗ, mất trắng hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu USD vì “đổ tiền” vào những tựa game này.

Điều đáng nói, hiện nay, hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch tiền ảo, tài sản ảo. Theo đó các hoạt động trao đổi, mua bán tiền ảo, tài sản ảo trên các các sàn giao dịch tiền ảo, tài sản ảo hiện vẫn đang nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng nào. Điều này đang tạo ra không ít những thách thức đối với việc quản lý loại hình tài sản này:

1. Thách thức liên quan tới xác định giá trị pháp lý của tài sản ảo, tiền ảo

Trong giao dịch dân sự, tài sản là đối tượng chủ yếu của các quan hệ giữa những chủ thể được pháp luật dân sự điều chỉnh. Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bảo gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.

Theo đó, tài sản pháp định sẽ bao gồm:  Thứ nhất, vật: Là một bộ phận của thế giới vật chất tồn tại dưới dạng rắn, lỏng, khí và con người có thể chiếm hữu, kiểm soát được; ví dụ như nhà, xe, bàn ghế…

Thứ hai, tiền: Là phương tiện thanh toán do Ngân hàng Nhà nước phát hành, được Nhà nước bảo hộ dùng để định giá các loại tài sản khác. Tiền bao gồm tiền nội tệ và ngoại tệ. Tiền có thể tồn tại dưới dạng giấy, polymer, xu hoặc tiền điện tử (e-money).

Thứ ba, giấy tờ có giá: Là loại giấy tờ trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao lưu dân sự. Giấy tờ có giá phải do các chủ thể được phép phát hành. Giấy tờ có giá bao gồm hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu, tín phiếu, hối phiếu, công trái...

Và cuối cùng là quyền tài sản: Là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác như quyền đòi nợ, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt...

Như vậy, đối chiếu với quy định trên, tiền ảo, tài sản ảo không được coi là tài sản vì nó không thuộc bất kỳ loại nào trong bốn loại nêu trên.

Việc chưa có quy định nào của pháp luật dân sự khẳng định một cách rõ ràng tài sản ảo, tiền ảo là một loại tài sản dẫn đến những hệ quả là các quan hệ dân sự như sở hữu, thừa kế, hợp đồng hay bồi thường thiệt hại liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo cũng gần như rơi vào “khoảng trống”, không có cơ chế để giải quyết một cách phù hợp. Chẳng hạn, khi tài sản ảo của một chủ thể bị xâm nhập và bị ăn trộm thì có đòi lại được không? Khi các bên mua bán tài sản ảo, tiền ảo không thực hiện nghĩa vụ giao tài sản thì áp dụng trách nhiệm dân sự gì?...

2. Thách thức liên quan tới việc quản lý hoạt động sử dụng, mua bán, trao đổi, đầu tư kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo

Pháp luật hiện hành không có quy định cấm đầu tư kinh doanh ngành nghề liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Cụ thể, Điều 33 Hiến pháp năm 2013 quy định “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2020, doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm. Đồng thời, trong các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Điều 6 và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020 đều không quy định hoạt động kinh doanh liên quan đến tiền ảo. Theo đó doanh nghiệp có quyền thực hiện hoạt động kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng, huy động vốn hoặc góp vốn bằng tài sản ảo, tiền ảo.

Và trên thực tế, các hoạt động huy vốn bằng tiền ảo hoặc các sàn giao dịch tiền ảo, tài sản ảo vẫn diễn ra, các chủ thể vẫn tiến hành các hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng, góp vốn, huy động vốn đầu tư… bằng tiền ảo, tài sản ảo. Tuy nhiên, do chưa có khung pháp lý rõ ràng đối với tài sản ảo, tiền ảo nên quy trình thành lập, đăng ký thành lập, cấp mã số thuế, các quy định cụ thể liên quan đến các hoạt động huy động vốn và giao dịch đối với loại tài sản này...  dẫn tới tình trạng “chảy máu chất xám”, khi có không ít doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tư kinh doanh liên quan đến lĩnh vực blockchain của Việt Nam thời gian qua phải đăng ký công ty ở nước ngoài, dù trụ sở làm việc, công nghệ, nhân lực… ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, chế tài liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo hiện nay pháp luật vẫn còn đang bỏ ngỏ, cùng với đó là việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến các hoạt động này cũng chưa có cơ chế để giải quyết một cách phù hợp. Đây là mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động huy động vốn mang tính chất lừa đảo, kinh doanh đa cấp và thực tế đã xảy ra ở nước ta, điển hình là các vụ việc tiền ảo iFan, AOC hay VNCOINS…

3. Thách thức đối với quản lý thuế

Trong thời gian qua, hoạt động mua bán, trao đổi, đầu tư kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo vẫn diễn ra trên thị trường và không ngừng phát triển, nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo có được những khoản lợi nhuận lớn. Theo thống kê của báo Wall Street Journal (Mỹ), chỉ tính trong tháng 5.2023, Việt Nam nằm trong số 5 nước có khối lượng giao dịch lớn nhất trên sàn Binance, đạt số tiền 20 tỉ USD. Trong khi đó, Tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) dẫn báo cáo của Blockchain Chainalysis cho rằng trong thời gian từ tháng 7.2021 đến 6.2022, thị trường Việt Nam ghi nhận 112,6 tỉ USD tiền điện tử được giao dịch, đứng thứ hai Đông Nam Á.

 

Tài sản ảo, tiền ảo hiện chưa được coi là tài sản trong Bộ luật Dân sự, do đó các hoạt động kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo không làm phát sinh nghĩa vụ nộp thuế

Tuy nhiên, như đã phân tích, tài sản ảo, tiền ảo không được coi là tài sản trong Bộ luật Dân sự và không được coi là hàng hoá theo quy định của pháp luật thương mại. Do đó, các hoạt động kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo không làm phát sinh nghĩa vụ nộp thuế của các chủ thể có liên quan. Điều này khiến cho Nhà nước đang thất thu thuế đối với các hoạt động mua bán, trao đổi, đầu tư kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo.

Một minh chứng cụ thể đó là ngày 21/9/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre đã ra phán quyết với nội dung huỷ Quyết định 714 của Chi cục Thuế thành phố Bến Tre về việc truy thu hơn 981 triệu đồng tiền thuế giá trị gia tăng và hơn 1,6 tỉ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân đối với ông Nguyễn Việt Cường vì ông này tham gia trao đổi tiền ảo (Bitcoin).

Theo Hội đồng xét xử, hiện chưa có luật công nhận tiền ảo Bitcoin là hàng hoá. Việc cơ quan thuế ra quyết định truy thu thuế trong trường hợp này là mặc nhiên công nhận loại tiền này là hàng hoá trong khi đề án về khung pháp lý để quản lý, xử lý loại tiền này chỉ mới đang được xây dựng....

4. Thách thức liên quan tới phòng, chống tội phạm rửa tiền

Theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2020, rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có theo quy định tại khoản 1 Điều 3. Người sử dụng các giao dịch liên quan đến tiền ảo nhằm mục đích rửa tiền còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội rửa tiền” quy định tại Điều 324 Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, các quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2020 mới chỉ tập trung chủ yếu vào đối tượng là các tổ chức tài chính, ngân hàng là tổ chức được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan là tổ chức, cá nhân thực hiện một hoặc một số hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng, casino; kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản; sàn giao dịch bất động sản; kinh doanh kim loại quý và đá quý; cung ứng dịch vụ công chứng, kế toán; dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; dịch vụ ủy thác đầu tư; dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp... ( quy định chi tiết tại Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền 2020).

Trong khi đó, các hoạt động liên quan đến tài sản ảo, tài sản mã hóa nói chung và tiền ảo, tiền mã hóa nói riêng chưa được quy định cụ thể trong luật mà cần  có hướng dẫn chi tiết của Chính phủ để điều chỉnh việc phòng chống rửa tiền liên quan đến các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền như tài sản ảo, tiền ảo (theo quy định tại khoản 3 điều 4 Luật Phòng chống rửa tiền).

Tuy nhiên do chưa có khung pháp lý cụ thể, đồng thời do thiếu hụt về quy trình, nhân sự chất lượng cao về tiền mã hóa và tài sản số, nên mặc dù Luật Phòng chống rửa tiền 2022 đã có hiệu lực từ 1/3/2023, nhưng các tổ chức tín dụng, các cơ quan Nhà nước còn lúng túng trong việc xử lý các hành vi có liên quan đến loại hình tài sản mới này…

Như phân tích trên có thể thấy, thách thức lớn nhất đối với quản lý tài sản ảo, tiền ảo chính là việc thừa nhận giá trị pháp lý của loại tài sản mới này. Ở Việt Nam hiện nay, Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định về tài sản có tính chất liệt kê mà không đưa ra các đặc điểm pháp lý về bản chất của tài sản, vì vậy rất khó có thể xác định tài sản ảo, tiền ảo có phải là tài sản hay không. Mà theo thực tiễn áp dụng pháp luật, một khi khái niệm còn chưa rõ ràng, các cơ quan áp dụng pháp luật sẽ có xu hướng “chờ văn bản giải thích”.

Cũng tương tự như vậy, vướng mắc pháp lý lớn nhất hiện nay về quyền sở hữu đối với tài sản nằm ở việc chưa có quy định pháp luật nào khẳng định tài sản ảo là một loại tài sản, do đó quyền sở hữu của các tổ chức, cá nhân đối với loại tài sản này cũng chưa được pháp luật công nhận. Điều này đồng nghĩa với việc một loạt các quan hệ dân sự như sở hữu, thừa kế, hợp đồng, đầu tư, kinh doanh, hình sự... cũng không có cơ chế pháp lý để áp dụng giải quyết một cách phù hợp.

Kinh nghiệm một số quốc gia trong quản lý tài sản ảo, tiền ảo

Hiện nay, nhiều quốc gia đã xây dựng chính sách, khuôn khổ pháp lý cho tài sản số nói chung, tài sản ảo tiền ảo nói riêng như EU , Nhật Bản, Mỹ, một số nước khu vực châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore…

Nghị viện châu Âu (EP) và Hội đồng châu Âu (EUC) đã thông qua Đạo luật Thị trường tiền điện tử (MiCA) dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2024. Luật MiCA được coi là khung pháp lý toàn diện nhất cho các tài sản kỹ thuật số từ trước đến nay.  MiCA nhằm điều chỉnh các tài sản tiền điện tử nằm ngoài Luật Dịch vụ tài chính hiện hành của EU, cũng như các mã thông báo (token) tiền điện tử gồm bốn mục tiêu quan trọng. Đầu tiên là sự hoàn chỉnh về mặt pháp lý.

Để thị trường tài sản tiền điện tử phát triển trong EU, cần thiết lập một khung pháp lý hợp lý cho các tài sản tiền điện tử mà không được quy định trong Luật Dịch vụ tài chính hiện hành. Tiếp đến là thúc đẩy sự phát triển của tài sản tiền điện tử và việc sử dụng DLT rộng rãi bằng cách thiết lập một khuôn khổ an toàn và cân bằng. Thứ ba là bảo vệ người tiêu dùng và nhà đầu tư cũng như tính ổn định của thị trường tài chính do tài sản tiền điện tử tiềm ẩn rủi ro tương tự các công cụ tài chính khác. Cuối cùng là bảo đảm sự ổn định của thị trường tài chính, bao gồm các biện pháp bảo vệ để giải quyết những rủi ro tiềm ẩn khi tài sản tiền điện tử liên tục phát triển với quy mô ngày càng lớn, đặc biệt là sự ra đời của các stablecoin được chấp nhận rộng rãi và có khả năng mang tính hệ thống.

Hoa Kỳ đang tiếp cận với tài sản số và tiền điện tử bằng cách phát triển các quy định và chính sách mới để đảm bảo tính an toàn, minh bạch và tuân thủ pháp lý từ cấp tiểu bang cho các hoạt động liên quan đến tài sản số. Ngày 9/3/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký Sắc lệnh 14067, có tên chính thức là "Đảm bảo sự phát triển có trách nhiệm của tài sản kỹ thuật số", đặt ra 6 nhiệm vụ chính, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ ổn định tài chính quốc gia, hạn chế tài chính bất hợp pháp. Sắc lệnh yêu cầu tất cả các bộ phận phải báo cáo về tài sản số trong vòng 6 tháng. Nửa năm sau đó, vào ngày 16/9/2022, Chính quyền Biden công bố khung quy định dự thảo về tài sản số.

Tại Thái Lan, năm 2018, quốc gia này đã ban hành Luật Về tài sản số và Chính phủ Thái Lan cũng đã cho phép các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài sản số và tiền điện tử đăng ký hoạt động tại đây. Các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài sản số phải đăng ký và tuân thủ các quy định pháp lý của nước này.

Ở Singapore, năm 2019, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Singapore ban hành một khung pháp lý mới cho các hoạt động liên quan đến tài sản số và tiền điện tử, cho phép các công ty hoạt động trong lĩnh vực này đăng ký và hoạt động tại Singapore. Khung pháp lý này cũng đưa ra các quy định và tiêu chuẩn về bảo vệ người dùng, quản lý rủi ro và tuân thủ pháp lý cho các hoạt động liên quan đến tài sản số.