Công tác tố tụng án “đưa - nhận hối lộ”: Thực tiễn và một số kiến nghị

04/04/2024 18:52

(Pháp lý) - Nghiên cứu thực tế công tác tố tụng các vụ án đưa nhận hối lộ , từ đó hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật liên quan là yêu cầu đặt ra đối với cơ quan chức năng hiện nay, nhằm góp phần phòng ngừa và đấu tranh hiệu quả hơn với loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này.

Trước đây, việc xử lý tội phạm đưa nhận hối lộ gặp rất nhiều khó khăn, số đối tượng bị xử lý về tội danh này chưa nhiều so với thực tế, chỉ như phần nổi của tảng băng chìm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, số lượng các vụ án xử lý được các bị cáo về hành vi đưa nhận hối lộ ngày càng nhiều, cá biệt có những vụ đối tượng nhận hối lộ là lãnh đạo cấp cao với số tiền lên đến tỉ đồng.

Điều này cho thấy việc xử lý tội phạm chức vụ, tham nhũng ở Việt Nam, đặc biệt là tội phạm “đưa - nhận hối lộ” ngày càng quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã và đang trở thành một xu thế tất yếu để làm trong sạch bộ máy nhà nước, giữ uy tín của Đảng trước nhân dân.

1-1691381562.png

Nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện pháp luật hình sự, tố tụng hình sự để phòng ngừa và đấu tranh hiệu quả hơn với loại tội phạm  “đưa – nhận hối lộ”

Một số vấn đề đặt ra từ thực tiễn công tác tố tụng án “đưa - nhận hối lộ”

1. Áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội nhưng không bỏ lọt tội phạm

Tội phạm đưa và nhận hối lộ là loại tội phạm có tính ẩn rất cao, hành vi đưa nhận hối lộ luôn được thực hiện trong bóng tối chỉ có kẻ đưa, người nhận biết. Các đối tượng phạm tội là cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức xã hội, có trình độ học vấn cao, có hiểu biết pháp luật… luôn tìm cách che giấu, trốn tránh, xóa bỏ chứng cứ, chối tội. Điều này là thách thức đối với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thu thập nhân chứng, vật chứng, tài liệu (các chứng cứ trực tiếp) để chứng minh hành vi phạm tội.

Trong khi đó, quá trình tiến hành tố tụng vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng luôn phải đảm bảo nguyên tắc cơ bản - suy đoán vô tội để đảm bảo xử lý đúng người đúng tội và đúng pháp luật.

Theo đó, Điều 13 BLTTHS năm 2015 quy định nguyên tắc suy đoán vô tội : “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của toà án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

Cụ thể, thứ nhất, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi tội của họ được chứng minh theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định và có bản án kết tội của toà án đã có hiệu lực pháp luật.

Thứ hai, khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục luật định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội. Mọi nghi ngờ trong quá trình tố tụng đều phải được giải thích theo hướng có lợi cho người bị buộc tội.

Như vậy, khi chưa được chứng minh theo trình tự, thủ tục do luật quy định, chưa có bản án kết tội của toà án đã có hiệu lực pháp luật thì người bị buộc tội phải được coi là người không có tội.

Mặt khác, BLTTHS quy định nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Khi chứng minh tội phạm, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xác định sự thật vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ làm rõ chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm của người bị buộc tội.

2-1691381569.jpg

Đại diện Viện kiểm sát đưa ra nhiều căn cứ buộc tội đối với bị cáo Hoàng Văn Hưng tại phiên tòa xét xử vụ đại án "chuyến bay giải cứu"

Vấn đề đáng lưu ý, việc áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội là cần thiết nhưng không được bỏ lọt hành vi phạm tội. Các cơ quan tiến hành tố tụng không chỉ dựa vào lời khai nhận tội hay chối tội của các đối tượng để đưa ra nhận định, phán quyết có tội hay vô tội mà phải bằng nhiều biện pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ TNHS… để đưa ra nhận định hay phán quyết bằng những chứng cứ tài liệu chứng minh một cách chắc chắn, chứ không phải bằng sự suy diễn hay nhận định.

Trong các vụ án đưa nhận hối lộ, việc đưa-nhận tiền, tài sản rất khó tìm được chứng cứ trực tiếp, trừ trường hợp bắt quả tang. Việc đưa-nhận tiền , tài sản hối lộ thường được các đối tượng tiến hành một cách kín đáo, tinh vi. Để chứng minh cho hành vi đưa - nhận  này, các cơ quan tố tụng thường sử dụng hệ thống chứng cứ, thông qua các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt như ghi âm, ghi hình, trích xuất, thu thập dữ liệu điện tử cùng với những tài liệu khác chứng minh nguồn tiền, mối liên hệ giữa các bên; lời khai của bị can, bị cáo và tính hợp lý, sự lôgic và thống nhất trong lời khai của từng nhóm bị can, bị cáo…

Trên thực tế rất nhiều vụ án tham nhũng, chức vụ cho thấy, các đối tượng tìm đủ mọi cách che giấu, trốn tránh, xóa bỏ chứng cứ, ngụy biện hòng chối tội. Điển hình như trong vụ án cựu Phó Tổng cục trưởng tình báo Nguyễn Duy Linh nhận hối lộ 5 tỷ đồng từ Phan Văn Anh Vũ, cả quá trình điều tra các đối tượng đều quanh co chối tội. Nguyễn Duy Linh thừa nhận đã nhận túi quà của Phan Văn Anh, nhưng chỉ là rượu và thuốc lá không phải là tiền.

Hay như trong vụ “chuyến bay giải cứu”, bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an) bị cáo buộc nhận 800.000 USD để chạy án cho các bị cáo Lê Hồng Sơn, Nguyễn Thị Thanh Hằng (đều là Tổng giám đốc và Phó Tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh). Trong suốt quá trình tố tụng, Hoàng Văn Hưng nhiều lần phản bác cáo buộc của cơ quan tiến hành tố tụng và “thách” đưa bằng chứng về việc bị cáo nhận tiền…

3-1691381569.jpg

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ chuyến bay giải cứu

Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp tố tụng, các cơ quan chức năng đã chứng minh sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, dựa trên hồ sơ, tài liệu thu thập được, dựa trên sự thuyết phục của các lời khai và sự logic của các chứng cứ… Và cơ quan tiến hành tố tụng đã buộc tội được bị cáo đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

2, Nghiên cứu  hoàn thiện quy định cấu thành tội phạm “ đưa – nhận hối lộ”

Theo Điều 354 BLHS 2015 thì nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Theo đó thì giữa giữa bên nhận và đưa hối lộ đã tồn tại một thỏa thuận trái pháp luật: bên nhận hối lộ nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ một lợi ích nào đó từ người đưa hối lộ, còn người đưa hối lộ thì đưa lợi ích cho người nhận để đổi lấy việc làm hay không làm một việc nào đó của người nhận. Như vậy, hai bên đã có sự thỏa thuận, thống nhất về của hối lộ cũng như phương thức, thời gian, thời điểm,… đưa và nhận hối lộ.

Tuy nhiên, thực tiễn có trường hợp việc nhận hối lộ không phải do thỏa thuận giữa hai bên mà chính là do sự áp đặt ý chí từ một bên, đó chính là hành vi “đòi hối lộ” của người nhận hối lộ. Đó chính là trường hợp người nhận hối lộ chủ động đòi hỏi của hối lộ, áp đặt lên ý chí của người đưa hối lộ để có thể đạt được việc như người đưa mong muốn. Không những thế, người nhận hối lộ còn có thể áp đặt luôn cả phương thức, thời gian, địa điểm… để nhận của hối lộ.

Điển hình như trong vụ “chuyến bay giải cứu”, nhiều cá nhân có thẩm quyền ở các bộ, ngành đã gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp tổ chức chuyến bay, tạo cơ chế “xin - cho” buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay và các chi phí phát sinh khác để “bôi trơn”, đưa hối lộ...

Khai tại phiên tòa, nhiều bị cáo là các chủ doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp bị ép phải đưa tiền bôi trơn khi xin cấp phép chuyến bay, nếu không sẽ bị gây khó dễ như sát ngày bay mới thông báo, hoặc thay đổi kế hoạch bay, thay đổi số công dân trên chuyến bay. Thậm chí, một số doanh nghiệp nộp hồ sơ cấp phép hàng chục lần đều không được duyệt hoặc không hồi âm, chỉ khi  doanh nghiệp phải chi tiền bôi trơn thì các thủ tục mới được giải quyết…

Có thể nói, đây là hành vi hết sức nguy hiểm và khó lường. Tuy nhiên, BLHS 2015 của nước ta lại chỉ quy định hành vi “đòi hối lộ” trong cấu thành tăng nặng của tội nhận hối lộ, trong khi đó, cấu thành cơ bản của tội này chỉ có hai hành vi là đã nhận hoặc sẽ nhận, điều này dẫn đến bất cập là chưa đáp ứng được mục đích, yêu cầu của việc xây dựng cấu thành tội phạm cơ bản, đặc biệt là yêu cầu “tính khái quát cao” và “rõ ràng” của cấu thành tội phạm.

Hành vi “đòi hối lộ” là tình tiết định khung tăng nặng được quy định tại khoản 2 Điều 354 BLHS 2015. Tức là, một người muốn xem xét tình tiết tăng nặng là “đòi hối lộ” thì phải thỏa mãn các yếu tố khoản 1, tức cấu thành cơ bản trước, điều này có nghĩa là phải có hành vi nhận hoặc sẽ nhận trước rồi mới xem xét chủ thể có hành vi đòi hối lộ không để áp dụng tình tiết tăng nặng ở khoản 2.

4-1691381569.jpg

Bị cáo Nguyễn Duy Linh bị phạt 14 năm tù về tội "Nhận hối lộ"

3, Nghiên cứu hoàn thiện quy định về thu hồi tài sản trong các vụ án “đưa - nhận hối lộ”

Thời gian qua, nhiều giải pháp để tăng tỉ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, trong đó có các vụ án đưa nhận hối lộ được các bộ, ban ngành, cơ quan chức năng, các chuyên gia, luật gia, nhà khoa học… tích cực nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị triển khai.

Có nhiều quy định pháp luật nhằm khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp lại tài sản tham nhũng như: Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả được xem là tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017; Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì được xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân theo quy định tại khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015…

Những quy định trên đã góp phần giúp công tác thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực hơn. Trong nhiều vụ án kinh tế tham nhũng, đặc các vụ án đưa nhận hối lộ đã có không ít bị can, bị cáo đã chủ động nộp lại tài sản tham nhũng, chiếm đoạt…với mong muốn nhận được mức hình phạt nhẹ hơn.

Vấn đề đặt ra là thực tiễn xét xử các vụ án về nhóm tội phạm tham nhũng nói chung và tội phạm đưa nhận hối lộ nói riêng thì nếu các bị cáo không giao nộp tài sản tham nhũng, chiếm đoạt thì họ không được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS,  nhưng họ cũng không bị áp dụng thêm tình tiết tăng nặng TNHS nào. Vì theo Điều 52 BLHS 2015 về các tình tiết tăng nặng TNHS không có tình tiết không nộp lại tiền thu lợi bất chính hay khắc phục hậu quả. Điều này khiến không ít bị can bị cáo có tư tưởng cố tình không giao nộp tài sản tham nhũng, chiếm đoạt bởi dù sao họ cũng không bị tăng nặng hình phạt khi lượng hình. Phải chăng đây cũng là một trong những nguyên nhân làm công tác truy thu, thu hồi tài sản tham nhũng gặp không ít khó khăn, thậm chí nhiều vụ không thể thu hồi tài sản tham nhũng hoặc thu hồi được rất ít ỏi.

Kiến nghị

Thực tế đã chứng minh việc điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng nói chung, trong đó có tội phạm đưa hối lộ, nhận hối lộ là việc hết sức khó khăn. Tuy nhiên khó khăn như vậy không có nghĩa là không thể.

Để công tác phòng, chống và xử lý tội phạm tham nhũng nói chung, tội phạm “đưa – nhận hối lộ” nói riêng đạt hiệu quả, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, yêu cầu đặt ra đối với các cơ quan tố tụng, trong công tác điều tra, truy tố xét xử phải kiên quyết, bài bản, đúng quy định, nêu cao tinh thần "thượng tôn pháp luật", không có vùng cấm, không bỏ lọt tội phạm, không để oan, sai.

Từ thực tiễn nghiên cứu công tác tố tụng một số vụ án đưa nhận hối lộ thời gian qua, chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng nghiên cứu, áp dụng một số biện pháp sau:

1, Đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, phải tích cực bồi dưỡng nâng cao về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác điều tra, truy tố xét xử. Trong công tác điều tra, truy tố xét xử phải vận dụng một cách linh hoạt những biện pháp tố tụng, cách thức thu thập triệt để những thông tin, tài liệu chứng cứ liên quan đến vụ án để củng cố tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội. Trong đó đặc biệt là vận dụng linh hoạt các biệt pháp tố tụng đặc biệt như ghi âm, ghi hình, trích xuất, thu thập dữ liệu điện tử… theo đúng quy định pháp luật.

2. Về cơ chế chính sách pháp luật, cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự theo hướng quy định chặt chẽ, rõ ràng, bao quát để phù hợp với xu thế chung trên thế giới cũng như đáp ứng được yêu cầu về thực tiễn công tác đấu tranh với loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này. Theo đó, chúng tôi cho rằng đối với hành vi “đòi hối lộ” là hành vi nguy hiểm và cần quy định hành vi này ngay trong cấu thành cơ bản. Từ đó cần thiết sửa đổi Điều 354, BLHS  theo hướng: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đề nghị, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù…

3. Mặc dù, BLHS 2015 đã quy định các pháp nhân thương mại cũng là chủ thể phạm tội phạm. Tuy nhiên, BLHS 2015 lại không quy định xử lý đối với pháp nhân phạm các tội phạm về tội đưa hối lộ, do đó không thể xử lý hình sự loại hành vi này của pháp nhân. Trong khi, thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy, vì muốn giành được các lợi thế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đấu thầu,…, có không ít pháp nhân kinh tế đã thực hiện hành vi đưa hối lộ cho người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức. Do đó, chúng tôi cho rằng cần bổ sung quy định TNHS đối với pháp nhân thương mại về tội đưa hối lộ, để đáp ứng được yêu cầu về thực tiễn không bỏ sót tội phạm đối với hành vi đưa hối lộ của pháp nhân thương mại.

4. Trong công tác chống tham nhũng, tiêu cực, thì quan trọng là phải thu hồi lại được tài sản bị thất thoát, tham nhũng, có như vậy thì chống tham nhũng mới đạt kết quả cao nhất. Mặc dù đã có chính sách đặc biệt  nhằm khuyến khích người phạm tội nộp lại tài sản tham nhũng. Tuy nhiên vẫn có không ít người cố tình không giao nộp tài sản tham nhũng, chiếm đoạt. Do đó, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng, chúng tôi cho rằng cần bổ sung quy định cố tình không nộp lại tiền thu lợi bất chính hay cố tình không khắc phục hậu quả là tình tiết tăng nặng TNHS tại Điều 52 BLHS 2015.

 

Văn Chiến – Nam Kiên – Thái Dương
Bạn đang đọc bài viết "Công tác tố tụng án “đưa - nhận hối lộ”: Thực tiễn và một số kiến nghị" tại chuyên mục Khoa học Pháp Lý. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin