Chính sách: quan trọng nhất là công bằng và không làm khó dân

21/12/2017 16:30

(Pháp lý) - Trước bất cập của các chính sách an sinh tác động đến nhiều người, nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng, chính sách bất cập, chính sách sai, gây thiệt thòi cho dân thì cần kịp thời thay đổi sớm để an dân.

Quản lý dân cư: Đã đến lúc phải áp dụng phương pháp hiện đại

Về những bất cập trong chính sách quản lý dân cư, Nghị quyết 112 của Chính phủ đặt ra yêu cầu quản lý dân cư bằng công nghệ thay sổ hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân. Dư luận quan tâm là đến thời điểm nào dân cư được quản lý theo cách thức mới? Theo đó, để quy định trên đi vào thực tế thì ngoài việc nhập cơ sở dữ liệu về dân cư, còn rất nhiều việc phải làm: Thực hiện cấp mã số định danh cá nhân, khảo sát và xác nhận thông tin liên quan đến cư dân trên toàn quốc, sửa đổi các luật, nghị định, thông tư liên quan đến vấn đề này. Trong đó, việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật là cơ sở quan trọng để thực hiện phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính về quản lý dân cư.

 Phải mất nhiều năm để khắc phục những bất cập về chính sách pháp luật quản lý dân cư
Phải mất nhiều năm để khắc phục những bất cập về chính sách pháp luật quản lý dân cư)

Chia sẻ ý kiến về thời gian, ông Nguyễn Tư Long (Vụ phó Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội) cho rằng: Do Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền ban hành Luật nên để sửa một Bộ Luật phải đưa vào chương trình của Quốc hội. Sau khi đưa vào chương trình, Quốc hội sẽ bàn và góp ý cho dự thảo luật đó. Ít nhất đến kỳ họp cuối năm 2018 mới thông qua, 6 tháng sau mới có hiệu lực pháp luật.

Hiện tại chương trình làm việc của Quốc hội 2018 đã được thông qua, chương trình này cũng thông qua kế hoạch làm luật năm 2018. Trong chương trình chưa thấy có kế hoạch sửa đổi các bộ luật được nghị quyết 112 nhắc tới.  Do đó, nếu tiến hành sửa đổi thì giữa năm 2018 mới đưa vào kế hoạch của năm 2019. Nhanh thì kỳ họp cuối của năm 2019 thông qua, giữa năm 2020 luật mới có hiệu lực.

Tuy nhiên, cũng còn một cách nhanh hơn đó là khi tình huống cấp bách, Chính phủ xin Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình gần nhất (cho chương trình làm luật năm 2018).

Nếu nhanh đến cuối năm 2018 mới bàn, đầu năm 2020 mới có hiệu lực.

Ông Lê Nam (đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ trên báo Tuổi trẻ: Việc thực hiện nghị quyết 112 về đơn giản hóa thủ tục hành chính có giao nhiệm vụ cho Bộ Công an chủ trì trong việc sửa đổi, bổ sung luật và các văn bản dưới luật. Nhìn vào con số thì thấy nhiều thật nhưng quan trọng là lựa chọn cách làm. Đó là không nhất thiết sửa toàn bộ các điều luật. Một luật cũng có thể sửa được tất cả các luật. Ở đây có chung một vấn đề đó là về hộ khẩu, chứng minh nhân dân... khi các luật này chưa đồng nhất với nhau thì có thể sửa chỉ một luật để bãi bỏ những điều luật mà chưa đồng nhất. Trong kỹ thuật lập pháp thì hoàn toàn có thể làm được điều đó.

Thay đổi chính sách: Đừng gây sốc

Theo dự báo của BHXH Việt Nam, năm 2017 cả nước có khoảng 57.500 lao động nữ (LĐN) nghỉ hưu; năm 2018, sẽ có khoảng 49.700 LĐN nghỉ hưu đúng tuổi 55 (chưa tính số lao động nghỉ hưu trước tuổi) và cách tính lương hưu mới sẽ tác động đến khoảng 21.000 LĐN. Liên quan đến quy định tính lương hưu cho LĐN, ĐBQH Trần Kim Yến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP HCM cho biết, càng gần đến ngày thực hiện chính sách về cách tính lương hưu theo Luật BHXH 2014, càng khiến lực lượng lao động, đặc biệt là LĐN bất an, lo lắng bởi những bất cập của Luật ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Lao động có tư tưởng bất an sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp.

Quy định về tính lương hưu của LĐN trong Luật BHXH đã tạo tình trạng sốc do thay đổi chính sách và chưa bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới, gây phản ứng tiêu cực và tâm lý bất an cho NLĐ, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới cũng như chính sách an sinh xã hội của đất nước. Để khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH xem xét ngay trong kỳ họp thứ 4 QH khóa XIV, có nghị quyết tạm dừng thực hiện Khoản 2, Điều 56 và Khoản 2, Điều 74 Luật BHXH. Cách tính lương hưu đối với LĐN từ ngày 1/1/2018 vẫn thực hiện như cũ.

Đồng thời, giao Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi theo hướng có lộ trình điều chỉnh cách tính lương hưu cho LĐN, bảo đảm cân bằng quyền lợi của lao động nam và LĐN trong thụ hưởng chính sách BHXH.

Theo ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng chia sẻ cách khắc phục hạn chế của quy định trên: Quan điểm của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội là ủng hộ kéo dài thêm mấy năm cách tính theo công thức cũ để phụ nữ đỡ phải thiệt thòi so nam giới. Chúng tôi nghĩ tác động không lớn, đề nghị Quốc hội ủng hộ, Thường vụ Quốc hội có ý kiến để chúng ta cho tính công thức lương hưu như cũ.

Dù là cơ quan trả lương hưu nhưng BHXH VN đã có những ý kiến tích cực nhằm hạn chế thiệt thòi cho người lao động.
Dù là cơ quan trả lương hưu nhưng BHXH VN đã có những ý kiến tích cực nhằm hạn chế thiệt thòi cho người lao động.)

Không thờ ơ trước những bất cập của các quy định pháp luật ảnh hưởng đến người lao động, đại diện BHXH Việt Nam đã đề xuất phương án áp dụng lộ trình điều chỉnh cách tính lương hưu đối với lao động nữ trong 5 năm như sau: 15 năm đầu đóng BHXH tính bằng 45%. Sau đó: Nghỉ hưu năm 2018: 8 năm tiếp theo, mỗi năm tính thêm 3%; sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%. Nghỉ hưu năm 2019: 6 năm tiếp theo, mỗi năm tính thêm 3%; sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%. Nghỉ hưu năm 2020: 4 năm tiếp theo, mỗi năm cộng 3%; sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%. Nghỉ hưu năm 2021: 2 năm tiếp theo, mỗi năm cộng 3%; sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%. Nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi, các năm tiếp theo mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%. Theo phương án này, để đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu ở mức tối đa là 75% thì LĐN nghỉ hưu trong năm 2018 phải có 26 năm đóng BHXH; nghỉ hưu trong năm 2019 phải có 27 năm; trong năm 2020 là 28 năm; năm 2021 là 29 năm; từ năm 2022 trở đi là 30 năm. Như vậy, phương án này hoàn toàn tương đồng với lộ trình thay đổi cách tính lương hưu như đối với lao động nam. Nghĩa là khi kết thúc lộ trình vào năm 2022, để đạt được tỷ lệ hưởng 75% thì cả lao động nam và nữ đều phải có số năm đóng BHXH tăng thêm 5 năm (mỗi năm tăng thêm 1 năm đóng). Đồng thời, đảm bảo tính hài hòa trong quá trình cải cách chính sách.

Xem xét sửa đổi tổng thể thuế TNCN để tạo công bằng

Trên cơ sở nhận diện các hành vi lách thuế, trốn thuế phát sinh khi triển khai thực hiện Luật Thuế TNCN, thiết nghĩ, các cấp quản lý cần khẩn trương có những giải pháp hữu hiệu, theo đó tập trung vào các biện pháp sau:

Về phía Nhà nước, phải xây dựng và quản lý hệ thống thông tin cá nhân đầy đủ toàn diện, trên cơ sở đó giữa ngành thuế và ngành tài nguyên & môi trường kết nối mạng thông tin thống nhất trên phạm vi toàn quốc để quản lý được việc sở hữu BĐS chi tiết của từng cá nhân. Từ đó, chống được sự man khai là tài sản duy nhất trong chuyển nhượng bất động sản để được miễn thuế. Đối với UBND các tỉnh, TP để chống việc lách thuế qua việc ghi thấp giá trên hợp đồng chuyển nhượng thì việc xây dựng và ban hành giá nhà, đất hàng năm phải phù hợp và sát giá thực tế chuyển nhượng trên thị trường tự do.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, Luật Thuế TNCN hiện hành của Việt Nam quy định thu nhập chịu thuế chưa rõ ràng, thiếu minh bạch, bình đẳng. Bằng thực tế, bà Cúc hiến kế: Cần luật hóa quy định về chứng minh thu nhập hợp pháp, chính đáng và hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế TNCN khi mua sắm bất động sản, tài sản có giá trị lớn thông qua tăng cường quản lý, kiểm soát thu nhập của các tầng lớp dân cư. Cùng với đó, cơ quan quản lý cần nghiên cứu xây dựng thuế tài sản, góp phần quản lý và điều tiết thu nhập của nhóm đối tượng này.

Ngoài ra, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNCN cần được xem xét tổng thể cả về đối tượng chịu thuế, thu nhập chịu thuế cũng như thuế suất thuế TNCN, trong đó, cần có sự tương đồng về mức điều tiết của cá nhân có thu nhập từ kinh doanh, cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công với thuế suất thuế TNDN. Luật hiện hành quy định, cá nhân kinh doanh có doanh thu mỗi năm từ 100 triệu đồng trở xuống không phải nộp thuế TNCN. Cá nhân có thu nhập từ tiền lương tiền công thì có thu nhập đến 108 triệu đồng/năm không phải nộp thuế. Thuế suất thuế TNDN từ năm 2016 đã điều chỉnh giảm còn 20% nhưng thuế suất thuế TNCN từ khi ban hành Luật năm 2009 đến nay vẫn giữ nguyên 7 bậc thuế suất từ 5% đến 35% và khoảng cách thu nhập giữa các bậc thuế suất cũng không thay đổi. Việc xác định mức điều tiết thuế TNCN thì yếu tố khoảng cách giữa các bậc là rất quan trọng. Việc giảm điều tiết thuế được kết hợp song song giữa giảm thuế suất và giãn bậc. Đồng thời tính toán hợp lý về việc giảm trừ gia cảnh trong một số trường hợp đặc biệt cũng rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Minh Tâm

 

Bạn đang đọc bài viết "Chính sách: quan trọng nhất là công bằng và không làm khó dân" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin