Chính sách kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực nhất: Giảm thuế VAT

20/05/2020 08:25

(Pháp lý) - Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, chỉ có giảm thuế VAT (thuế giá trị gia tăng) mới là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân thiết thực nhất trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sắp diễn ra, hi vọng nguyện vọng và mong muốn chính đáng của DN và người dân sẽ được Quốc hội lắng nghe, thấu hiểu và quyết.

Bộ Tài chính không đồng tình giảm thuế VAT

Chúng ta đang chứng kiến nhiều chính sách hỗ trợ người dân và DN đi vào thực tiễn trong và sau đại dịch Covid toàn cầu.

Tuy nhiên có một chính sách mà nhiều DN và người dân mong mỏi thì chưa thành hiện thực – đó là giảm thuế VAT.

Theo đại diện một Tập đoàn, ông Đặng Minh Trường (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group): việc Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) vừa công bố đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến có khả năng lây lan SARS-CoV-2 ra cộng đồng là tín hiệu rất đáng mừng. Đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp kích cầu, thu hút du khách đến với Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần triển khai một chiến dịch quảng bá riêng cho thị trường du lịch tàu biển, với các chương trình khuyến mãi sâu, hấp dẫn du khách. Ngoài ra, cũng cần triển khai mạnh mẽ các sự kiện du lịch lớn khắp cả nước như: Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế, Carnival quốc tế, Lễ hội mùa đông… tại nhiều điểm đến nổi tiếng để thu hút sự quan tâm tìm đến của du khách.

DN này kiến nghị Chính phủ cho phép giảm 50% thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN trong năm 2020; chậm nộp thuế VAT quý 4/2019 và thuế thu nhập DN của năm 2019 sang quý 3 hoặc quý 4/2020.

Liên quan đến đề xuất chính sách giảm thuế VAT, có nhiều ý kiến khác nhau. Trong tờ trình mới nhất dự thảo Nghị quyết các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong COVID-19 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo, Bộ Tài chính không đồng tình giảm 50% thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ. Bộ Tài chính lý giải, đây là thuế gián thu, người tiêu dùng là đối tượng phải nộp thuế. Còn với DN, toàn bộ VAT đầu vào được khấu trừ với thuế giá trị gia tăng đầu ra khi xác định số thuế phải nộp nên không ảnh hưởng đến chi phí.

Giảm thuế VAT là giải pháp thiết thực nhất

Luật sư Phạm Quang Biên (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: Cần chú ý trong các chủ trương, chính sách hỗ trợ DN và người dân trong giai đoạn hiện nay, đó là phải thiết kế được các chính sách tạo sự hỗ trợ, công bằng, bình đẳng cho mọi người.

Đề xuất giảm thuế VAT là một đề xuất chính sách có thể đạt được những kì vọng và mong muốn đó. Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng rất rộng gồm mọi đối tượng trong xã hội, dù là người nghèo hay người giàu đều phải chi trả thu nhập để sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Dưới tác động của dịch bệnh Covid – 19 đến hình hình kinh tế xã hội của toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng thì việc xem xét giảm thuế là điều cần thực hiện trong thời gian sớm nhằm hướng tới việc ổn định cuộc sống của người dân, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và phục hồi nền kinh tế.

Về bản chất, thuế giá trị gia tăng là loại thuế đánh trực tiếp vào túi tiền của người tiêu dùng. Vì vậy, nếu thuế giá trị gia tăng giảm sẽ kéo theo giá cả hàng hóa giảm, mở ra khả năng kích cầu mua sắm nội địa, giúp DN giải phóng được lượng hàng tồn kho trong mùa dịch, tạo cơ sở để DN phục hồi và phát triển trở lại.

Trong bối cảnh dịch bệnh tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống như hiện nay, nhiều người tiêu dùng bị giảm thậm chí mất nguồn thu nhập, chính sách “thắt lưng buộc bụng” đang được thực hiện triệt để trong toàn thể nhân dân. Vì vậy, việc giảm thuế cũng là giảm gánh nặng trong chi phí tiêu dùng cho người dân.

Nên giảm thuế giá trị gia tăng ở mức nào và trong thời gian bao lâu, cũng là băn khoăn từ phía dư luận. Luật sư Biên cho rằng: Đối với vấn đề xác định thời gian áp dụng cần phải căn cứ chặt chẽ vào diễn biến dịch bệnh và tình hình kinh tế - xã hội trên thực tế. Giảm thuế (nếu có) cần có lộ trình cụ thể, hướng tới việc giảm thuế theo từng giai đoạn. Theo quan điểm của cá nhân tôi thì thời gian thực hiện chính sách nên kéo dài ít nhất từ 02 – 03 năm.

Chuyên gia pháp lý người Nhật , ông Hirota Fushihara, người sống ở VN và rất am hiểu kinh tế VN phân tích: “Thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, theo đó người có nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước là DN, nhưng người chịu gánh thực chất về tiền thuế là người mua hàng, là người tiêu dùng. Trong lúc kinh tế khó khăn, nhiều người lao động thất nghiệp, bị giảm lương, người dân cần tiền để đảm bảo cuộc sống tối thiểu của mình. Đồng thời, nếu lượng tiền được sử dụng cho tiêu dùng nhiều hơn sẽ kích cầu cho nền kinh tế nói chung và hỗ trợ giữ gìn và phục hồi kinh tế nói chung. Vì những lý do trên, việc giảm thuế giá trị gia tăng có ý nghĩa lớn, tác động trực tiếp tới người dân”.

“Tôi cho rằng, chính sách đó thật sự cần cho Việt Nam lúc này. Nền kinh tế Viêt Nam có rất nhiều chủ thể kinh doanh là cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, DN tư nhân, cũng như nhiều DN quy mô nhỏ đang hoạt động. Khi người bán hàng, người cung cấp dịch vụ yêu cầu những người tiêu dùng thanh toán ngoài giá trị thực của hàng hóa, dịch vụ, còn phải yêu cầu cả số tiền thuế giá trị gia tăng, điều đó sẽ gây khó khăn cho DN trong việc quyết định giá cả. Họ nhiều khi phải điều chỉnh giảm giá của hàng hóa để số tiền người tiêu dùng chi trả được phù hợp với nhu cầu và khả năng của người tiêu dùng. Chủ trương chung của Việt Nam là nhằm bảo vệ và khuyến khích các DN qui mô nhỏ như vậy nên việc giảm thuế giá trị gia tăng càng có ý nghĩa.

Thực tế, đối với các DN lớn hay có tiềm lực thì thuế giá trị gia tăng không tạo ra gánh nặng cho họ. Họ chỉ cần làm thủ tục khấu trừ thuế đầu vào với đầu ra mà không phải bỏ tiền của mình để nộp tiền về sắc thuế này” - ông Hirota Fushihara phân tích thêm.

Giải bài toán “hụt thu” khi giảm thuế VAT…

Có nhiều ý kiến lo ngại rằng nếu giảm VAT, ngân sách sẽ hụt thu lớn, khó đảm bảo nguồn chi cho hoạt động của bộ máy nhà nước. Chuyên gia Hirota Fushihara cho rằng: Để giải quyết những vấn đề chi của bộ máy, trong trường hợp giảm VAT mà vẫn cần chi thì phải xem xét và phân loại “chi cái gì và bớt chi cho việc gì”. Hiện tượng tham nhũng và lãng phí cũng là nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp của vấn đề bội chi… Cùng với giảm thuế VAT, đây là cơ hội để Việt Nam xem xét và giải quyết những vấn đề tồn tại trước đó của bộ máy.

Giảm thuế giá trị gia tăng là giải pháp thiết thực nhất cho cộng đồng DN
(ảnh minh họa)

Hiện nay, có nhiều ý kiến với vấn đề giảm thuế thu nhập DN, tuy nhiên trong tương quan đối với chính sách giảm thuế VAT (nếu có), thì chính sách nào sẽ có ý nghĩa và tạo sự công bằng hơn? Chuyên gia Hirota Fushihara phân tích: Với vấn đề thuế thu nhập DN, loại thuế này đánh trên lợi nhuận của DN.

Trong khi đó, thuế thu nhập DN cũng một phần là do người tiêu dùng, là những người dân sẽ phải chịu vào chuỗi cuối cùng. Những chi phí về thuế thu nhập DN cuối cùng sẽ phần nào được phản ánh trên giá cả hàng hóa và dịch vụ của các DN đó cung cấp ra thị trường. Và người dân phải trả tiền đó như một phần vô hình trong giá cả hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, phần mà người dân gánh chịu sẽ “mềm mại” hơn và ít tác động hơn đến người tiêu dùng. Nếu DN phải trả nhiều tiền thuế thu nhập DN thì DN có thể xem xét đến gia tăng chi phí. Chi phí mà DN chi trả có giá trị và ý nghĩa về đầu tư cho nguồn lực nội bộ của công ty, sẽ tạo ra giá trị tương lai của DN. Trong khi đó những người lao động là những người tiêu dùng, nên tổng thể mà nói, người tiêu dùng là người lao động không phải chịu gánh nặng về thuế thu nhập DN so với tác động trực tiếp của thuế giá trị gia tăng đánh trên từng đồng tiền trong ví tiền của họ.

“Tóm lại, để hỗ trợ kinh tế, trước tiên phải hỗ trợ đến từng người dân. Nên giảm hoặc không áp dụng thuế VAT và thực hiện trợ cấp tiền cho người dân. Đồng thời cần thực hiện cho vay ưu đãi vốn kinh doanh cho các DN vừa và nhỏ”, chuyên gia pháp luật Hirota Fushihara kiến nghị.


Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sắp diễn ra, hi vọng rằng nguyện vọng và mong muốn giảm thuế VAT của DN và người dân sẽ được Quốc hội lắng nghe, thấu hiểu và quyết.

Doanh nghiệp không xin tiền, chỉ xin cơ chế

Tại Hội nghị ngày 9/5, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI nêu 2 kiến nghị cụ thể: Một là, đề nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét và bổ sung các giải pháp miễn, giảm một số sắc thuế; kéo dài thời gian, giãn, hoãn các khoản phải trả, phải nộp của doanh nghiệp trong 6 – 12 tháng; Hai là, nới room, nâng trần tăng trưởng tín dụng để tiếp sức cho doanh nghiệp.

Với nội dung miễn, giảm một số sắc thuế, trong bản đề xuất gửi Thủ tướng trước đó, Chủ tịch VCCI đề xuất cho phép doanh nghiệp khấu trừ các khoản lỗ của năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 vào năm lợi nhuận của năm 2019 khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp được chuyển lỗ vào thu nhập cho 5 năm tiếp theo.

VCCI cũng kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép miễn giảm 50% tiền thuê đất, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân và giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong 2 năm (2020, 2021) đồng thời kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế lên 12 tháng.

Phan Tĩnh

Bạn đang đọc bài viết "Chính sách kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực nhất: Giảm thuế VAT" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin