Các dự án phòng, chống dịch Corona sẽ được phép chỉ định thầu: Kinh nghiệm kiểm soát của Nhật Bản

11/08/2020 20:40

(Pháp lý) - Một trong những yêu cầu quan trọng để đối phó với dịch bệnh lan rộng đó là phải đảm bảo cơ sở vật chất cho hoạt động phòng, chống dịch. Theo các quy định pháp luật hiện thời thì việc đầu tư cho các hoạt động phòng, chống dịch sẽ được thực hiện dưới hình thức chỉ định thầu. Vậy giải pháp nào để tránh được những thất thoát, lãng phí trong hoạt động đầu tư cấp bách này? Kinh nghiệm kiểm toán của Nhật Bản dưới đây cho ta những bài học đáng lưu tâm.

Các dự án chống dịch Virut corona được phép chỉ định thầu

Gần đây nhất, Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính Phủ nêu rõ tính cấp bách của hoạt động phòng chống dịch bệnh Corona lan rộng.

Theo đó, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc. Đến nay dịch bệnh đã lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố của Trung Quốc và đã lây lan ra nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây là dịch bệnh mới, nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh, chưa có vắc xin, thuốc điều trị đặc hiệu. Tổ chức Y tế thế giới đưa ra cảnh báo dịch đã ở cấp độ cao ở khu vực và toàn cầu.

Để chủ động phòng chống dịch, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị: Các Bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, không để dịch lây lan, phải coi việc phòng, chống dịch như “chống giặc”. Các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân thực hiện nghiêm túc Luật xuất cảnh, nhập cảnh của Công dân Việt Nam, Luật khám bệnh, chữa bệnh, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Cấm nhập khẩu động vật hoang dã vào Việt Nam. Huy động cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để phòng, chống dịch nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân, hạn chế thấp nhất tử vong do dịch này gây ra.

Trong chỉ thị Chính phủ cũng nêu rõ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, Ban, ngành và các địa phương quyết liệt sẵn sàng ứng phó với các tình huống phòng chống dịch, hạn chế thấp nhất tử vong; bảo đảm cung cấp đủ phương tiện, vật tư, thuốc, trang thiết bị, kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Theo tìm hiểu của PV, thì trong trường hợp cấp bách như trên thì các hoạt động đầu tư trong phòng chống dịch được chỉ định thầu theo quy định của điều 22, Luật Đấu thầu.

Cụ thể, khoản 1 điều 22 của Luật Đấu thầu quy định: “Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách”;

Công khai minh bạch thông tin, đồng thời kiểm soát trước và sau đầu tư

Hiện nay, các hoạt động nhằm đảm bảo cung cấp đủ phương tiện phòng chống dịch như: Đầu tư xây dựng các bệnh viện dã chiến, mua khẩu trang y tế, nhập thuốc men, mua các thiết bị đo thân nhiệt … được nhiều tỉnh thành thực hiện. Phải khẳng định rằng, chỉ định thầu với các gói thầu trong hoạt động phòng chống dịch Corona là cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, để tránh những hệ lụy thất thoát, tiêu cực, cần thiết phải có những giải pháp đảm bảo đầu tư đúng đắn ngay từ đầu.

Ảnh minh họa: Để đảm bảo các nguồn lực chi cho các hoạt động phòng chống thảm họa, dịch bệnh đúng đắn, Nhật Bản tổ chức kiểm toán thường xuyên và xuyên suốt quá trình ( Ảnh chỉ có tính chất minh họa) .

Đầu tiên, phải công khai minh bạch thông tin về hoạt động chỉ định thầu theo đúng quy định của Luật Đấu Thầu.

Tiếp đến là thực hiện đúng các quy định của pháp luật về chỉ định thầu. Đồng thời phải có hoạt động kiểm toán với các nguồn kinh phí đã thực hiện.

Theo kinh nghiệm của Nhật Bản - một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các thảm họa thiên nhiên với hơn 25.000 người tử vong và mất tích trong giai đoạn từ năm 1998 đến 2017, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.

Công tác quản lý thảm họa được Chính phủ Nhật Bản thực hiện theo Đạo luật về các biện pháp đối phó với thảm họa, ban hành năm 1961, trong đó đề ra các nguyên tắc cơ bản, phân công nhiệm vụ giữa các bên và chính sách liên quan đến ngăn ngừa thảm họa, kiểm soát thảm họa khẩn cấp và khôi phục sau thảm họa.

Chính phủ Nhật Bản đang chi dùng khoảng 3 - 5 tỷ Yên (26,7 - 44,6 tỷ USD) mỗi năm cho hoạt động quản lý thảm họa. Số tiền này chiếm 4 - 6% tổng ngân sách quốc gia.

Nhật Bản sử dụng cơ quan là Ủy ban Kiểm toán Nhật Bản (BOA) kiểm toán các báo cáo tài chính, tài khoản công của các cơ quan nhà nước và những đơn vị nhận hỗ trợ tài chính để sử dụng trong và sau thảm họa.

Hầu hết các cuộc kiểm toán quản lý thảm họa của BOA được tiến hành thường xuyên. Bên cạnh đó, các kiểm toán viên cũng đánh giá việc tiếp nhận và sử dụng tài chính của cơ quan chủ quản của các dự án, chương trình.

Kể từ trận động đất sóng thần Tohoku lịch sử năm 2011, khiến toàn bộ đất nước Nhật Bản rơi vào tình trạng tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ II, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu chú trọng hơn đến công tác kiểm toán quản lý thảm họa, song song với các chương trình tái thiết và nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý thảm họa. Số lượng các cuộc kiểm toán về quản lý thảm họa từ đó gia tăng theo.

Theo đó, từ tháng 10/2011, BOA đã thực hiện một số cuộc kiểm toán các dự án phục hồi và tái thiết sau trận động đất, sóng thần tháng 3/2011 tại miền Đông Bắc Nhật Bản. Trong số những cuộc kiểm toán này, có 2 cuộc “Kiểm toán về việc cấp nhà ở tạm thời khẩn cấp cho các nạn nhân” và “Kiểm toán việc xử lý rác thải sau thiên tai” đã chỉ ra nhiều vấn đề bất cập trong công tác tái thiết.

Hoạt động kiểm toán không chỉ xác định việc sử dụng các nguồn lực có đúng đắn hay không. Qua kiểm toán, BOA cũng đưa ra nhiều khuyến nghị cho Bộ Môi trường Nhật Bản, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản trong công tác thực hiện và phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác hoạch định chính sách và khắc phục sau thảm họa.

Khoản 1 điều 22 của Luật Đấu thầu quy định: “Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách”

Phan Tĩnh

Bạn đang đọc bài viết "Các dự án phòng, chống dịch Corona sẽ được phép chỉ định thầu: Kinh nghiệm kiểm soát của Nhật Bản" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin