Chánh án TAND Tối cao: Sẽ đề xuất bỏ phiên toà xét xử lưu động

Tại cuộc họp báo sáng 31/1, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, mỗi năm ngân sách của ngành toà án phải chi ra 70 tỷ đồng cho phiên toà lưu động. Tháng 7/2018, TAND Tối cao sẽ có báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và đề xuất không tổ chức phiên toà lưu động theo thông lệ quốc tế.

 Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình trả lời tại cuộc họp báo (Ảnh: Thế Kha).
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình trả lời tại cuộc họp báo (Ảnh: Thế Kha).)

Theo ông Nguyễn Hoà Bình, trước đây phiên toà xét xử lưu động có tác dụng giáo dục pháp luật cho nhân dân và phòng ngừa tội phạm. “Tuy nhiên ở thời điểm hiện nay công nghệ thông tin và truyền thông báo chí đã khiến tác dụng này giảm dần. Khi chúng tôi công khai bản án trên mạng thì người dân cũng có thể dễ dàng tiếp cận vụ án và có tác dụng tuyên truyền rồi. Chính vì thế cần cân nhắc lại hiệu quả của phiên toà lưu động”- ông Bình nói.

Chánh án TAND Tối cao dẫn ra hàng loạt những hạn chế hiện nay trong việc tổ chức phiên toà lưu động. Thứ nhất là rất tốn kém. Mỗi năm ngân sách của ngành toà án phải chi ra 70 tỷ đồng cho việc tổ chức các phiên toà lưu động. Đó là chưa kể ngân sách các địa phương hỗ trợ cho phiên toà lưu động. “Nếu dùng số tiền này cho việc khác sẽ tác dụng hơn”- ông Bình cho hay.

Hơn nữa, việc tổ chức bảo vệ cho các bị can, bị hại, người làm chứng ở những nơi xét xử lưu động như hội trường, nhà văn hoá, siêu thị, chợ đông người,… hết sức khó khăn. Việc xét xử lưu động cũng không nghiêm túc.

“Kinh nghiệm thế giới cho thấy chả có nước nào đưa vụ án ra ngoài phòng xét xử cả. Yêu cầu nghiêm túc của mọi phiên toà thì nước nào cũng đặt ra. Hơn nữa, mỗi phiên toà cần đảm bảo quyền con người - đây là nguyên tắc hiến định. Một bị cáo chưa có bản án có hiệu lực thì chưa phải tội phạm.

Việc mang xét xử lưu động sẽ gây ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm của bị cáo, đặc biệt là người thân, gia đình của họ. Nhiều vụ án xét xử lưu động đã khiến các cháu có hành động quá khích, bỏ nhà ra đi bụi đời. Và như vậy vô hình chung đã tạo ra cho xã hội hậu quả đáng tiếc, dòng họ mâu thuẫn với nhau nhiều hơn”- ông Bình phân tích.

Từ thực tế đó, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết, TAND Tối cao đã báo cáo Thường vụ Quốc hội cho phép tổng kết lại việc tổ chức phiên toà lưu động trong suốt thời gian qua. Dự kiến, tháng 7/2018 TAND Tối cao sẽ có báo cáo về vấn đề này. “Quan điểm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao là không tổ chức phiên toà lưu động theo thông lệ quốc tế”- ông Bình nhấn mạnh.

Trả lời thắc mắc của báo chí về quá trình giải quyết tố giác của công dân về việc phải chi “1 tỷ thắng sơ thẩm, 3 tỷ thắng phúc thẩm” xảy ra ở TAND quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) mà Dân trí đã phản ánh, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết sẽ cho kiểm tra lại kỹ hơn thông tin này.

Trong khi đó, theo Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ, đến nay TAND Tối cao đã ban hành 16 án lệ và đã có 76 bản án áp dụng án lệ.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường rà soát, ban hành án lệ làm cơ sở cho thẩm phán áp dụng với các vụ việc luật pháp chưa quy định cụ thể. Nghị quyết của chúng tôi quy định một vụ việc giống nhau thì phải áp dụng giống nhau, nên thẩm phán phải nghiên cứu án lệ. Trường hợp nào không áp dụng án lệ phải lý giải rõ tại sao không áp dụng án lệ”- ông Tuệ nói.

Theo Dantri

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin