Chấn chỉnh tình trạng thông tư kém chất lượng

22/08/2021 20:03

Thông tư là dạng văn bản rất quen thuộc, quan trọng trong hoạt động áp dụng pháp luật. Chất lượng của thông tư sẽ tác động đáng kể đến môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta. Tuy nhiên, còn rất nhiều thông tư cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.

Có tình trạng thông tư cài cắm điều kiện kinh doanh

Thông tư là văn bản quy phạm pháp luật, quy định chi tiết các quy định được giao trong nghị định, quyết định của Thủ tướng; pháp lệnh, luật; thông tư không được ban hành điều kiện kinh doanh, quy định về thủ tục hành chính... Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), giai đoạn 2016-2020, Quốc hội ban hành 112 luật, pháp lệnh và nghị quyết; Chính phủ ban hành 745 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 232 quyết định. Cũng trong khoảng thời gian này, các bộ, ngành đã ban hành 2.532 thông tư và thông tư liên tịch. Đánh giá vai trò của thông tư, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI nêu rõ: “Trong vài năm trở lại đây, các quy định tại văn bản cấp nghị định trở lên cụ thể, rõ ràng hơn, nhưng thông tư vẫn phải ban hành để đảm bảo được tất cả các quy định trong luật, nghị định... được thực thi trên thực tế. Dù trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thẩm quyền của thông tư rất thấp, nhưng trong thực tế thì lại không phải như vậy”, ông Đậu Anh Tuấn cho hay.

7-1629599375.jpg
Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại UBND phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: Lê Hiếu

Chấn chỉnh tình trạng thông tư kém chất lượng

Nêu cụ thể, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, khi rà soát, vẫn có hiện tượng quy định tại thông tư không thống nhất với các văn bản cấp trên, thông tư có các quy định thiếu minh bạch, chưa hợp lý, cản trở một cách bất hợp lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thông tư vẫn quy định về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính mà không được luật, pháp lệnh giao. Ví như Thông tư số 02/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định lắp camera phải theo dõi khoang hành khách, trong khi Nghị định số 10/2020/NĐ-CP không yêu cầu, điều này khiến tốn thêm chi phí lắp camera, đường truyền, thậm chí hình ảnh riêng tư. Hay Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra định nghĩa về giáo viên của trung tâm ngoại ngữ trong đó có sử dụng khái niệm “người bản ngữ” nhưng không giải thích thêm về khái niệm này, tạo cách hiểu không nhất quán giữa các cơ quan áp dụng đang tồn tại.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đề cập tới thực trạng không ít thông tư vênh với nghị định, điển hình như các thông tư liên quan đến nhập khẩu thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hay một số quy định của hải quan khiến doanh nghiệp loay hoay không biết đường nào để làm. Cụ thể, theo ông Nguyễn Hoài Nam, Thông tư 26/2016 và Thông tư 36/2018 của Bộ NN&PTNT quy định về kiểm dịch thủy sản nhập khẩu, là 2 thông tư quy định kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm cho nhóm sản phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm; thế nhưng quy định này không theo cơ chế và phương thức quy định của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về hướng dẫn thực hiện Luật An toàn thực phẩm. Mặt khác, giữa các bộ, tình trạng thông tư “vênh” nhau cũng không ít. Ví dụ, Thông tư 48/2013 của Bộ NN&PTNT và Thông tư 52/2015 của Bộ Y tế đều là quy định về kiểm soát, kiểm tra an toàn thực phẩm sản phẩm xuất khẩu, nhưng phương thức quản lý rủi ro và kiểm tra là khác nhau hoàn toàn.

Cần có biện pháp xử lý cơ quan ra văn bản kém chất lượng

Thời gian qua, Chính phủ đã đẩy mạnh hoạt động cải cách thể chế thông qua việc đặt ra các mục tiêu cải cách, cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Theo đó, những thông tư kém chất lượng đã làm giảm tính hiệu quả trong các chiến dịch cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà Chính phủ kiên trì thực hiện thời gian qua. Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu rõ, thẩm quyền ban hành thông tư là của bộ trưởng. Vì vậy, nếu thông tư kém chất lượng thì trách nhiệm đương nhiên thuộc về bộ trưởng, trưởng ngành đó.

Đề xuất giải pháp chấn chỉnh tình trạng thông tư kém chất lượng, theo ông Nguyễn Hoài Nam, cần có chế tài cụ thể cho những văn bản kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, hiện nay việc ban hành thông tư có tác động rất lớn, vì vậy cần gắn trách nhiệm cá nhân với những thông tư có vấn đề, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Cùng với đó, đơn vị soạn thảo cần tăng cường cơ chế tham vấn thực tế để doanh nghiệp có thể tham gia và có tiếng nói thực chất hơn vào quá trình soạn thảo thông tư, có cơ chế giám sát việc ban hành thông tư, đánh giá tác động chính sách từ thông tư, thu thập kịp thời thông tin về vướng mắc thực thi.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/chan-chinh-tinh-trang-thong-tu-kem-chat-luong.html

Bạn đang đọc bài viết "Chấn chỉnh tình trạng thông tư kém chất lượng" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin