Cần xác minh việc kê khai tài sản và quy trình bổ nhiệm ông Phạm Phú Quốc có đúng luật ?.

06/09/2020 09:25

(Pháp lý) - Xung quanh việc đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch, tại buổi họp báo do Thành ủy, UBND TPHCM tổ chức mới đây, nhiều vấn đề liên quan được báo chí đặt ra , trong đó đáng chú ý là vấn đề kê khai tài sản cán bộ và quy trình bổ nhiệm cán bộ. Tuy nhiên 2 vấn đề quan trọng này vẫn chưa được thông tin thỏa đáng khiến dư luận vẫn còn băn khoăn.

Trong bài viết này Luật gia Thành Chung sẽ đi sâu phân tích các quy định pháp luật PCTN và quy trình bổ nhiệm cán bộ hiện nay nhằm chia sẻ cùng bạn đọc.

Ông Phạm Phú Quốc phát biểu trên nghị trường Quốc hội

Cán bộ không giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, cơ quan kiểm soát tài sản có trách nhiệm xác minh…

Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM , ĐBQH Phạm Phú Quốc là cán bộ thuộc diện Thành ủy TPHCM quản lý. Việc kiểm soát tài sản đều phải thực hiện hàng năm, thông qua hình thức kê khai tài sản. “Thành phố đã thực hiện việc kê khai tài sản của cán bộ rất nghiêm túc nhưng đúng là kiểm soát tài sản của cán bộ rất khó”, ông Khuê cho biết nếu tài sản là bất động sản, tài sản hữu hình thì có thể phối hợp với các cơ quan tại nơi cư trú kiểm tra, còn tiền tệ, mở tài khoản thì việc kiểm soát rất khó khăn. Với cơ quan quản lý việc quản lý, giám sát tài sản đã khó, với nhân dân và cử tri nếu không công khai, minh bạch thì việc suy diễn nhiều tình huống là điều cũng dễ hiểu.

Hiện nay, Ông Phạm Phú Quốc là Tổng Giám đốc một công ty 100% vốn nhà nước và còn là Đại biểu Quốc hội thì khó có thể cấm người dân “suy diễn” về tài sản, và muốn người dân không “suy diễn” thì tốt nhất, nên làm rõ “tài sản từ đâu ra”?

Và như vậy mấu chốt phải là câu chuyện minh bạch về kê khai tài sản. Điều 34 Luật PCTN 2018 có hiệu lực từ 1/7/2019 qui định những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập là cán bộ, công chức, người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) thì phải có nghĩa vuh kê khai tài sản hàng năm. Ngoài việc phải kê khai các loại tài sản, thu nhập như quy định trước đây, như: Nhà, đất; Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên và tài sản, tài khoản ở nước ngoài thì Luật PCTN năm 2018 yêu cầu phải kê khai thêm công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng. Đồng thời, các đối tượng còn phải kê khai cả tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai.

Theo khoản 2 Điều 36, người có nghĩa vụ kê khai phải thực hiện kê khai bổ sung khi có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên. Trường hợp có biến động tài sản mà không giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm xác minh.

Luật Phòng chống tham nhũng 2018 quy định khá cụ thể về thời điểm kê khai tài sản, thu nhập. Theo đó, việc kê khai tài sản thu nhập được thực hiện theo các phương thức kê khai hàng năm áp dụng với người giữ chức vụ từ Giám đốc Sở và tương đương trở lên; Người làm công tác cán bộ, quản lý tài sản công… và việc kê khai hoàn thành trước ngày 31/12.

Lưu ý là, điều 39 Luật PCTN năm 2018 nêu rõ, bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc. Bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm. Bản kê khai của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải được công khai theo quy định của pháp luật bầu cử…

Theo khoản 3 Điều 51 Luật PCTN, cán bộ, công chức kê khai không trung thực về tài sản, thu nhập có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức: Cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm. Đặc biệt, trường hợp người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND mà kê khai không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử.

Đối chiếu với các qui định trên của pháp luật về phòng chống tham nhũng, ông Phạm Phú Quốc phải có nghĩa vụ kê khai phải giải trình về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm. Đồng thời, có quyền khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xác minh tài sản, thu nhập khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật.

Như vậy trên thực tế, Thành ủy TPHCM mới chỉ kiểm soát tài sản của cán bộ hàng năm, thông qua hình thức kê khai tài sản, mà có lẽ chưa yêu cầu cán bộ , cụ thể là ông Phạm Phú Quốc công khai tài sản theo quy định của pháp luật bầu cử và pháp luật PCTN…

Vì vậy, dư luận mong muốn cơ quan có quyền kiểm soát tài sản thu nhập của ông Phạm Phú Quốc cần có trách nhiệm xác minh làm rõ việc kê khai tài sản của ông Phạm Phú Quốc có đúng thực tế, có trung thực. Vì quyền xác minh này, Luật PCTN đã qui định rõ và cho phép, vấn đề là có muốn làm hay không mà thôi. Cụ thể: khoản 2 Điều 36 Luật PCTN qui định rõ: “… Người có nghĩa vụ kê khai phải thực hiện kê khai bổ sung khi có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên. Trường hợp có biến động tài sản mà không giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm xác minh” .

Điều 41 khoản 1, Luật PCTN quy định: Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập xác minh tài sản, thu nhập khi có một trong các căn cứ sau đây: Có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; Có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300.000.000 đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc;…

Quy trình bổ nhiệm ông Phạm Phú Quốc có hay không tuân thủ các qui định pháp luật?

Ngày 28/9/2018, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy TPHCM thông báo kết quả kiểm điểm thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng và đảng viên vi phạm theo chỉ đạo của Ban thường vụ Thành ủy. Theo thông báo này, UBKT Thành ủy TPHCM xác định Ban thường vụ Đảng ủy Công ty đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM nhiệm kỳ 2015 -2020 và các cá nhân liên quan có vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện lãnh đạo nhiệm vụ chính trị: nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; công tác cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát; công tác quản lý đảng viên đi nước ngoài; đoàn kết nội bộ bị giảm sút… Căn cứ vào các quy định của Đảng về xử lý tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết định thi hành kỷ luật Ban thường vụ Đảng ủy Công ty đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 5 cán bộ liên quan, trong đó ông Phạm Phú Quốc, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc bị thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, UBND TPHCM đã có quyết định điều động và bổ nhiệm ông Phạm Phú Quốc giữ chức vụ Tổng Giám đốc IPC (thay thế ông Tề Trí Dũng bị khởi tố, bắt tạm giam - PV), nghĩa là quy trình làm công tác bổ nhiệm đã diễn ra trong thời gian ông Quốc đang bị kỷ luật.

Giải thích về việc này, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Duy Tân cho biết, theo quy định, những trường hợp cán bộ bị kỷ luật khiển trách như ông Phạm Phú Quốc sẽ không được bố trí chức vụ cao hơn ở đơn vị đó. Luân chuyển ông Phạm Phú Quốc từ Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM sang IPC xuất phát từ nhu cầu cán bộ của TPHCM. Việc bổ nhiệm ông Quốc đúng quy trình, đảm bảo 5 bước, dân chủ và công khai. Ông Nguyễn Duy Tân cũng thừa nhận nếu đối chiếu các quy định của pháp luật thì việc bổ nhiệm ông Phạm Phú Quốc giữ chức Tổng Giám đốc IPC vào cuối năm 2019 là không đúng quy định, vì tại thời điểm trên ông Quốc đã có quốc tịch Công hòa Síp.

Điều 82 Luật cán bộ, công chức năm 2008., điều này được sửa đổi bổ sung tại khoản 17, Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức sửa đổi 2019, theo đó quy định về trường hợp Cán bộ, công chức bị kỷ luật thì xử lý như sau:

a) Trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực;
……..

c) Hết thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản này, cán bộ, công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.”

+ Nếu cán bộ, công chức bị kỷ luật từ khiển trách mà vẫn trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có quyết định xử lý kỷ luật có hiệu lực thì cán bộ, công chức đó sẽ không được xem xét bổ nhiệm lại theo quy định của pháp luật.

+ Nếu cán bộ, công chức bị kỷ luật từ khiển trách nhưng đã hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày có quyết định xử lý kỷ luật có hiệu lực thì cán bộ, công chức đó có thể được xem xét bổ nhiệm lại theo quy định của pháp luật.

Như vậy, từ thời gian ông Quốc bị kỷ luật tại Công ty đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM đến khi ông Quốc được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Giám đốc IPC đã đủ thời gian “ xóa án” kỷ luật theo quy định chưa? Và ông Phạm Phú Quốc có thành tích gì đặc biệt lại tiếp tục điều động và bổ nhiệm ở chức vụ quan trọng như vậy?

Vì ông Phạm Phú Quốc là Đại biểu QH, nên với những gì đã xảy ra, cử tri và nhân dân có quyền “nghi ngờ” về nguồn gốc tài sản và qui trình bổ nhiệm ông Quốc ? Quan trọng hơn hết là cơ quan có thẩm quyền cần xác minh làm rõ việc kê khai bổ sung biến động tài sản của ông Phạm phú Quốc và làm rõ việc bổ nhiệm đối với ông Phạm Phú Quốc có đúng luật? . Có như vậy nhân dân và cư tri mới an lòng.

Thành Chung

Bạn đang đọc bài viết "Cần xác minh việc kê khai tài sản và quy trình bổ nhiệm ông Phạm Phú Quốc có đúng luật ?." tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin