(Pháp lý) - Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017), có hiệu lực từ 1/1/2018 có bổ sung một tội danh quan trọng, kỳ vọng sẽ chặn đứng các quan tham bắt tay với các doanh nghiệp “làm giá”, “thông thầu” bòn rút “đục khoét” tài sản công. Đó là “Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” (quy định tại Điều 222). Điều luật được đánh giá là “cây gậy” pháp lý quan trọng góp phần công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tài sản công, góp phần phòng, chống tham nhũng hiệu quả thời gian tới.
Nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công
Nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Nhà nước về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, huy động, khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn lực từ tài sản công để phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua Chính phủ và các Bộ ngành đã ban hành nhiều văn bản pháp quy mới có liên quan đến lĩnh vực quản lý và sử dụng tài sản công như: Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/ 2017 Quy định chi tiết một số Điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Nghị định số 152/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 Quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn Nhà nước... Theo đó quy định chi tiết nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Cụ thể:
1. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, chiếm giữ và sử dụng trái phép tài sản công.
2. Đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức.
3. Giao tài sản công cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không có nhu cầu sử dụng.
4. Sử dụng xe ôtô và tài sản công khác do tổ chức, cá nhân tặng cho không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức.
5. Sử dụng hoặc không sử dụng tài sản công được giao gây lãng phí; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không phù hợp với mục đích sử dụng của tài sản, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; sử dụng tài sản công để kinh doanh trái pháp luật.
6. Xử lý tài sản công trái quy định của pháp luật.
7. Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản công.
8. Chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản công.
9. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật.
10. Hành vi bị nghiêm cấm khác trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật có liên quan.
“Thông thầu”, lách luật để được chỉ định thầu, có thể bị xử lý hình sự
Trong thời gian qua có nhiều dấu hiệu về tình trạng cố tình “lợi dụng kẽ hở, lách luật” hoặc không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu. Đáng chú ý là tình trạng không tuân thủ quy định về công bố thông tin đấu thầu, né tránh bán hồ sơ mời thầu; cài cắm tiêu chí trong hồ sơ mời thầu để tạo thuận lợi cho nhà thầu “ruột”, hạn chế sự tham gia của các nhà thầu lạ; cản trở nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT)… Và còn tồn tại khá nhiều tình trạng “vận dụng” hoặc “lách” quy định của pháp luật về đấu thầu để chỉ định thầu hoặc áp dụng Điều 26 Luật Đấu thầu cho các trường hợp đặc biệt mà thực ra là một sự “lòng vòng” để rồi chỉ định thầu những gói thầu lớn không thuộc trường hợp được chỉ định thầu. Cùng với đó là hàng loạt trường hợp chỉ định thầu hoặc thường xuyên chỉ có một nhà đầu tư lọt qua bước sơ tuyển tại các dự án PPP để rồi được chỉ định thầu khiến dư luận bức xúc, đặt nhiều câu hỏi về sự thiếu minh bạch trong đấu thầu hiện nay.
Trước thực tế trên, Luật Đấu thầu 2013 đã có những sửa đổi, bổ sung mới nhằm siết, quản lý chặt chẽ hơn. Đồng thời, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) cũng “dành” một tội danh riêng (Điều 222) điều chỉnh lĩnh vực này.
Việc Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) bổ sung quy định tại Điều 222 về “tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” chính là sự đồng bộ với Điều 90 của Luật Đấu thầu 2013, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý hành vi tiêu cực cũng như răn đe đối với các đối tượng thực hiện hành vi tiêu cực trong đấu thầu. Theo các chuyên gia, khi Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) có hiệu lực thi hành là có thể áp dụng ngay mà không phải chờ thêm hướng dẫn.
Với chế tài mới tại Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 đã có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018, nếu các cá nhân, tổ chức không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu, thì người nào thực hiện một trong những hành vi: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;… gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Như vậy, có nghĩa là bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào, bao gồm cả nhà thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu, những người có thẩm quyền thuộc các cơ quan quản lý nhà nước các cấp… nếu có thực hiện các hành vi được liệt kê tại Khoản 1 Điều 222 nêu trên thì đều là đối tượng điều chỉnh của Điều này. Đặc biệt, Khoản 2 Điều 222 nêu rõ: Phạm tội thuộc một trong những trường hợp: “Vì vụ lợi; Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng” thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm; bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm (Khoản 3); và người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (Khoản 4).
Đáng chú ý, liên quan đến việc áp dụng cơ chế đặc thù trong đấu thầu và những quan ngại về “vận dụng” pháp luật đấu thầu để “lòng vòng” rồi chỉ định thầu, Luật cũng quy định rõ: “Nếu cá nhân nào làm không đúng quy định của pháp luật về đấu thầu, nếu giao thầu không theo quy định của Luật Đấu thầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt trong hoạt động đấu thầu… đều có thể bị phạt tù”. Với chế tài nghiêm khắc, bao quát và toàn diện, cơ quan bảo vệ pháp luật đã có đủ cơ sở pháp lý để “xử lý hình sự” các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu vi phạm, bao gồm cả những người làm cơ quan công quyền và cơ quan tư vấn. Có nghĩa là không giới hạn về cấp bậc, đối tượng, chức vụ, quyền hạn… khi vi phạm các quy định hiện hành liên quan đến đấu thầu đều bị pháp luật hình sự xử nghiêm.
Thành Chung