(Pháp lý) - Những câu chuyện liên quan đến việc phải sửa một số hay phải lùi thời hạn thực hiện chính sách quản lý cho sát cuộc sống không còn là vấn đề mới mẻ. Việc này không chỉ mất thời gian, gây tốn kém mà còn làm giảm uy tín đối với công tác hoạch định chính sách, công tác quản lý của Nhà nước. Làm thế nào để “trong pháp luật có đầy đủ cuộc sống”, làm thế nào để chính sách ban hành ra có sức sống lâu bền, không bị “bắt lỗi” đến mức chưa có hiệu lực thi hành đã phải xin hoãn lại? Một trong những giải pháp cần quan tâm đó là coi trọng những đề xuất, sáng kiến cải cách pháp luật của các ĐBQH và chuyên gia pháp luật, coi trọng phản biện xã hội.
Bỏ qua đề xuất mới, thực tế phải dẫn dắt Luật
Những người theo dõi Nghị trường hẳn còn nhớ những tranh luận sôi nổi của các ĐBQH khi góp ý xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung các dự Luật như Bộ luật Dân sự (2005), Luật Thủ đô (2012), Luật sửa đổi một số điều của Luật Cư trú (2013) đề cập đến vấn đề quản lý dân cư. Năm 2005, khi thảo luận về quyền tự do đi lại và cư trú của công dân, nhiều đại biểu đã thẳng thắn cho rằng, đến nay phương thức quản lý bằng hộ khẩu đã không còn phù hợp. Hộ khẩu cùng với tem phiếu là hai đứa con song sinh của thời kỳ bao cấp. Cùng với sự sinh thành của nó là ngăn sông cấm chợ, là những hàng người xếp rồng rắn chờ mua từng ký gạo, thước vải, lạng thịt. Đến nay, tem phiếu đã hoàn thành xong sứ mệnh bao cấp và bị loại trừ từ ngày đất nước đổi mới, nhưng hộ khẩu thì vẫn còn. Ông Phạm Chuyên, ĐBQH khi ấy đã đưa ra đề xuất: Các nước phát triển đã có những hình mẫu, Việt Nam nên tham khảo. Họ quản lý con người về mặt hình thức rất “lỏng”, chỉ cần một loại thẻ an sinh thôi.
Năm 2006, khi thảo luận về dự Luật Cư trú, đã có những ý kiến đề xuất cho rằng: Các nhà lập pháp nên xem xét thay chế độ hộ khẩu hiện nay bằng hình thức tên gọi khác, để nó chỉ còn là công cụ hành chính ghi nhận phản ánh tình hình cư trú và biến động cư trú của người dân và để sớm đoạn tuyệt hẳn với những ám ảnh tâm lý do hộ khẩu mang lại cho xã hội nhiều năm qua; đề ra lộ trình rõ ràng để sớm đưa công nghệ thông tin vào công việc này, phù hợp thực tiễn đất nước.
Năm 2012, các đại biểu khi góp ý xây dựng Luật Thủ đô khi cho ý kiến vào dự thảo Luật này đã cho rằng: Không nên quản lý dân cư thủ đô theo hướng đặt ra các điều kiện chặt chẽ về việc nhập hộ khẩu vào các quận nội thành. Quy định điều kiện thường trú chặt chẽ hơn ở khu vực nội thành mà ban soạn thảo đưa ra là không thể giải quyết vấn đề quá tải của dân cư đô thị của Hà Nội. Bởi lẽ vấn đề này không phải hoàn toàn là do nhân khẩu thường trú mà chủ yếu do nhu cầu nội tại của chính Hà Nội về nguồn nhân lực. Còn nhớ khi ấy, ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Đoàn Hải Phòng) thẳng thắn: Quy định về hạn chế cư trú ở nội thành là một quy định “thụt lùi” về quản lý và trái luật. Trong khi Đảng, Quốc hội, Chính phủ đang nỗ lực thực hiện các biện pháp để tăng quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Nỗ lực áp dụng các biện pháp hành chính thì dự thảo Luật lại đi ngược lại những quy định đó, hạn chế quyền tự do của công dân và đưa ra hàng loạt các điều kiện kèm nếu muốn được thường trú ở Hà Nội. Từ những phân tích đó, ông Vinh đề xuất thay đổi chính sách theo hướng cải thiện đồng bộ về cơ sở vật chất, quy hoạch nội đô, các biện pháp xã hội khác để giải quyết tận gốc vấn đề dân cư của thủ đô.
Năm 2013, góp ý cho dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cư trú lại tiếp tục có nhiều ý kiến đề xuất, bỏ quản lý dân cư bằng hộ khẩu thay bằng các phương thức hiện đại. Thế nhưng đa số các đại biểu còn e dè về vấn đề này. Cuối cùng, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cư trú vẫn chưa có những quy định thật sự cải cách về quản lý dân cư. Phải chờ đến năm 2017, Nghị quyết 112 của Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành phải tự rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu để đơn giản hóa thủ tục hành chính. Chính phủ đã đồng ý bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân.
Người viết lấy ví dụ trên để dẫn dụ cho một thực tế rằng, để có thể đưa một đề xuất mới, tiến bộ mà có thông lệ quốc tế vào Luật, rồi để các quy định của Luật đi vào thực tế là không dễ dàng. Với vấn đề cư trú, dù có những ý tưởng mới từ nhiều năm nay, nhưng vì cơ quan có thẩm quyền chưa mạnh dạn thể chế hóa, chưa mạnh dạn cải cách. Không tính toán được điều này dẫn đến việc phải sửa luật liên tục vì thực tế bức thiết. Trong khi luật phải điều chỉnh thực tế thì lúc này thực tế cuộc sống lại đóng vai trò dẫn dắt luật…
Tiếp nhận đề xuất mới: Cần mạnh dạn
Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh cho rằng: Là ĐBQH trong nhiều khóa liên tiếp, tôi thấy không ít những ý kiến, góp ý, đề xuất mới khi thảo luận các dự án Luật nhưng để có thể được đưa vào Luật là không hề dễ dàng. Chẳng hạn như những quy định quản lý nhà nước bằng công nghệ, từ những khóa X, XI thì đã có những ý kiến đề xuất nhưng lại vấp phải những e ngại về an toàn thông tin, bí mật quốc gia nên không ai dám áp dụng, lãnh đạo Quốc hội cũng không dám thông qua, phê duyệt.
Đồng thời xây dựng một dự án Luật nào đó phải gắn chặt với sự đồng bộ của các luật khác và những điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước. Chẳng hạn, phải có Luật Công nghệ Thông tin và Luật Giao dịch điện tử thì mới có thể gắn Chính phủ điện tử và cải cách hành chính. Điều đó cho thấy, sự đồng bộ của các Luật, đồng bộ của hạ tầng xã hội cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy việc đưa các đề xuất mới vào các văn bản quy phạm pháp luật.
“Hoạt động trong Quốc hội, tôi nhận thấy có không ít những đại biểu nhận thức vượt tầm, họ có bản lĩnh khi đề xuất các ý tưởng mới, giàu kinh nghiệm thực tiễn, theo sát vấn đề, nhận thức đi trước… Bởi vậy nhiều khi đề xuất của họ có phần mới mẻ và đi trước để “đón đầu” thực tế biến chuyển không ngừng. Tuy nhiên, để đề xuất của họ đi vào trong Luật là không hề dễ dàng. Hiện nay, cơ chế “bấm nút”, rồi chọn ý kiến đa số để thông qua gây không ít khó khăn cho những đề xuất mới. Bởi đôi khi vì nhận thức của số đông đại biểu nhiều khi không trùng lặp với nhận thức của những người có chuyên môn sâu, có kinh nghiệm trong các lĩnh vực, ngành cụ thể.
Trở lại với chính sách bảo hiểm, ĐBQH Khánh chia sẻ: Ý tưởng mà Luật BHXH xây dựng liên quan đến chế độ BHXH cho lao động nữ là những ý tưởng tốt tuy nhiên do người làm luật chưa lường hết được những phức tạp của thực tế. Có cùng chung quan điểm với đại biểu Khánh, nguyên ĐBQH Trần Ngọc Vinh cũng chia sẻ: Trong khi thảo luận và góp ý dự án Luật BHXH, tôi là người góp ý cho nhiều quy định. Hiện nay, dù có nhiều tranh cãi về việc áp dụng hay không áp dụng một số quy định vì ảnh hưởng đến lao động nhất là lao động nữ ở một số điều luật thì tôi vẫn khẳng định rằng, những ĐBQH khi ấy đã rất cố gắng trong việc xây dựng những quy định pháp luật vì lợi ích của đa số người dân. Khi một chính sách chuẩn bị đưa vào áp dụng mà lại nảy sinh những vấn đề và quan điểm khác, có thể do thực tế mà những người làm luật chưa dự liệu được hết. Đối với các quy định về lương hưu cho lao động nữ, tôi vẫn bảo lưu là tốt cho đa số lao động, những hạn chế nảy sinh chỉ do “điểm giao thời”, chỉ là tạm thời mà thôi.
Khi nói đến những hạn chế đáng tiếc về xây dựng một số chính sách, ông Trần Ngọc Vinh cũng cho biết quan điểm riêng: Nhiều chính sách trong thời gian ngắn đã phải sửa đổi, ngoài hạn chế do tầm nhìn của đại biểu, Quốc hội thì còn do hạ tầng kinh tế, xã hội của ta còn hạn chế. Ông Vinh nêu một ví dụ: Nhiều năm thảo luận trước Quốc hội về cơ quan quản lý thi hành án hình sự, đã có nhiều tranh cãi, thi hành án hình sự phải do bên nào quản lý? Thảo luận rồi đi đến thống nhất là phải để Bộ Tư pháp quản lý mới khách quan. Thế nhưng nếu Bộ Tư pháp quản lý thì kéo theo nhiều vấn đề nhất là vấn đề nhân lực, chi phí để thực thi chế định đó. Hiện thi hành án hình sự vẫn là bộ phận nằm trong hệ thống quản lý của Bộ Công an… Đó là thực tế cho thấy, để sửa đổi, cải cách xây dựng mới một đạo luật hoặc một điều luật, để luật được cuộc sống chấp nhận…thì yếu tố hạ tầng xã hội cũng ảnh hưởng quyết định rất nhiều. Thêm vào đó, đại biểu làm công tác xây dựng pháp luật thì phải có tầm nhìn sâu rộng, thế nhưng ở ta, không có bộ phận chuyên trách làm chính sách, dẫn đến chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế. Những đề xuất mới, còn bị xem nhẹ…. Đó là những hạn chế cần được khắc phục trong Quốc hội bằng sự lãnh đạo, chỉ đạo của những lãnh đạo Quốc hội có tâm và có tầm”, ông Vinh trăn trở.
Những tín hiệu mừng
Là ĐBQH có kinh nghiệm nhiều năm, bà Khánh chia sẻ những tín hiệu mừng: Hiện nay, trong Quốc hội có đa số đại biểu am hiểu về pháp luật, lại trải qua quá trình thực tiễn phong phú. Trong quá trình thảo luận về các dự án Luật, tôi nhận thấy số lượng đại biểu đăng kí phát biểu, đưa ý kiến nhiều hơn so với Quốc hội khóa trước.
Bà Khánh từng kể câu chuyện của mình để nói về cái khó khi thuyết phục các đại biểu đồng thuận hay ủng hộ các quy định pháp luật mới. Cụ thể là về yêu cầu phải gắn cải cách hành chính với chính phủ điện tử trong dự án Luật Hành chính công do bà đề xuất. “Để thuyết phục mọi người ủng hộ, tôi phải là người am hiểu sâu. Tôi nói liên tục trong nhiều khóa Quốc hội, nói đi lại nói lại. Ban đầu ý kiến ấy còn lạc lõng, thế nhưng nói nhiều cũng gây được sự chú ý. Khi soạn thảo dự án Luật, tôi phải tổ chức các hội thảo, đưa tài liệu và thông tin đến tận tay đại biểu để họ có thông tin rồi họ đồng thuận. Để đưa được đề xuất mới vào pháp luật, đại biểu phải rất kiên trì…”.
Phần đông các đại biểu hoạt động tại Quốc hội khá thận trọng, mỗi lần họ bấm nút thông qua các quyết định Nghị trường đều phải cân nhắc kỹ lưỡng. Người viết thấy thực tế đó vừa mừng, vừa băn khoăn…bởi cứ dò dẫm như thế thì làm thế nào để những đề xuất mới mẻ, tiến bộ và bao quát cuộc sống sớm đi vào Luật?! Nhưng trước những gì chứng kiến, thực tế đổi mới của Quốc hội, ĐBQH thì chúng ta có quyền hi vọng…
Phan Tĩnh (Ghi)