Cán bộ sẽ không thể che giấu tài sản!

01/03/2021 07:45

“Tất cả những người kê khai tài sản, dù có che giấu kỹ đến đâu thì bất kỳ lúc nào đó cũng có thể nằm trong diện xác minh”.

Xung quanh việc kê khai tài sản, thu nhập cũng như việc lựa chọn “ngẫu nhiên” để xác minh những kê khai đó, PV Người Đưa Tin Pháp luật đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bá Thuyền, nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIII.

PV: Một trong những nội dung quan trọng được nhiều người quan tâm khi kê khai tài sản là việc xác minh như thế nào để tránh hình thức? Liệu với việc bốc thăm để tìm ra người ngẫu nhiên phải kê khai tài sản có thực sự hiệu quả không, thưa ông?

Ông Nguyễn Bá Thuyền: Xác minh tài sản, thu nhập là một việc làm cần thiết, ngoài việc xác minh khi có dấu hiệu không trung thực, có tố cáo, có yêu cầu cơ quan cấp trên thì hình thức chọn ngẫu nhiên cũng là một việc làm cần thiết. Có nghĩa là bất cứ người nào cũng có thể bị xác minh bất cứ lúc nào.

Hình thức này là để nhắc nhở cho tất cả những người kê khai tài sản, là dù có che giấu kỹ đến đâu thì bất kỳ lúc nào đó cũng có thể nằm trong diện xác minh. Việc này cũng đặt ra cho mọi cán bộ công chức phải có ý thức rằng mình phải kê khai tài sản thu nhập một cách trung thực, có tính trách nhiệm mỗi khi đặt bút kê khai tài sản… Nếu không trung thực sẽ bị kiểm tra. Các cán bộ cũng phải ủng hộ quy định này, nếu thực sự trung thực thì sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến mình.

Công khai, minh bạch, cán bộ sẽ không thể che giấu tài sản! (ảnh minh họa).

Tuy nhiên, hình thức bốc thăm ngẫu nhiên không phải là tất cả. Điều quan trọng là ai xác minh, việc kê khai tài sản cũng như cách triển khai như thế nào cho đúng. Trên thực tế, việc kê khai tài sản vẫn còn hạn chế là chỉ kiểm soát được tài sản cán bộ, công chức dễ dẫn đến tình trạng đứng tên người khác.

PV: Một trong những giải pháp để phòng ngừa tham nhũng là việc kê khai tài sản, theo ông, việc này đã thực hiện tốt chưa?

Ông Nguyễn Bá Thuyền: Theo tôi việc kê khai tài sản đã có quy định nhưng còn chưa chặt chẽ. Trước đây, luật chỉ quy định tài sản của con ​cán bộ thành niên thì không phải kê khai. Thực chất cán bộ không ai có nhiều tài sản vì con cái đứng tên hết rồi.

Một vấn đề rất khó nữa đó là quản lý việc chi tiêu trong xã hội. Kinh nghiệm ở các nước việc kiểm soát chi tiêu rất kỹ, nếu có "tiền bẩn" sẽ không sử dụng được hoặc đối với những khoản chi tiêu lớn sẽ phải kê khai nguồn tiền đó ở đâu? Nếu chứng minh không được thì tịch thu. Do vậy, để tăng cường công tác chống tham nhũng, chúng ta phải mở rộng việc kiểm soát ra toàn xã hội bằng các công cụ thuế chống rửa tiền và hạn chế chi tiêu tiền mặt.

Ông Nguyễn Bá Thuyền.

PV: Thực tế, có nhiều vụ việc tham nhũng chỉ được phát hiện từ các cơ quan của nước ngoài, vậy luật của chúng ta còn nhiều kẽ hở thưa ông?

Ông Nguyễn Bá Thuyền: Theo tôi, việc giao dịch ở nước ngoài đều thông qua các tài khoản ngân hàng nên việc quản lý và phát hiện tội phạm rất dễ. Việc chuyển qua tài khoản như vậy, nếu lúc này chưa phát hiện thì lúc khác sẽ bị phát hiện, nhưng ở Việt Nam, do vấn đề sử dụng tiền mặt còn phổ biến nên việc xử lý còn khó khăn. Do vậy cần quy định lại và có hình thức hợp lý nhằm giảm chi tiêu bằng tiền mặt, thực hiện tốt việc quản lý chi tiêu qua tài khoản ngân hàng thì mới nâng cao hiệu quả công tác chống tham nhũng.

PV: Theo ông, ngoài việc chọn ngẫu nhiên cán bộ để xác minh tài sản thì đâu là giải pháp hạn chế tình trạng kê khai không trung thực?

Ông Nguyễn Bá Thuyền: Theo tôi, cần phải có quy định sử dụng tài sản thông qua tài khoản và xây dựng những cơ sở dữ liệu khác để có thể truy xuất được “đường đi” của tài sản, chứ như hiện nay rất khó để kiểm tra nguồn gốc tài sản. Giờ chúng ta muốn xài bao nhiêu cũng được, tiền kiếm được một cách chân chính cũng như tiền có được một cách bất hợp pháp, trắng đen lẫn lộn như vậy khó chống được tham nhũng. Do vậy, phải có quy định là chi tiêu bao nhiêu tiền thì phải qua tài khoản, chứ không tiêu tiền mặt, để anh có tham nhũng, có tiền “đen” anh cũng không tiêu được. Như vậy mới minh bạch, rõ ràng được.

Hoàn tất kê khai tài sản lần đầu trước 31/3 (ảnh minh họa).

Tôi được biết, theo quy định mới, các cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập có quyền tự mình đi xác minh, có quyền yêu cầu các bên liên quan cung cấp thông tin tài sản của cá nhân bị nghi ngờ, yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin biến động tài khoản, cơ quan quản lý nhà đất cung cấp dữ liệu về nhà đất. Việc này nhằm hạn chế tình trạng các bên liên quan lấy cớ bảo mật để né cung cấp thông tin.

Nếu người kê khai không trung thực sẽ bị xử lý nghiêm. Cụ thể, người vi phạm có thể bị hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Nếu đang được quy hoạch thì bị bỏ ra khỏi quy hoạch; đang ứng cử thì bị gạch tên khỏi danh sách ứng cử; đang được dự kiến bổ nhiệm thì sẽ không được bổ nhiệm. Đây được xem là những hình thức xử lý rất nghiêm khắc.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hoàn tất kê khai tài sản lần đầu trước 31/3

Thanh tra Chính phủ vừa có công văn về việc kiểm soát tài sản, thu nhập. Công văn được gửi tới Văn phòng Trung ương và các Ban Đảng ở Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước. Ngoài ra còn có cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương; HĐND, UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và Thanh tra bộ, tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

Trong công văn, Thanh tra Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xây dựng kế hoạch để thực hiện việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định 130/2020.

Các cơ quan cần lập danh sách những người giữ vị trí công tác quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 34 của luật Phòng chống tham nhũng để yêu cầu thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu. Người có nghĩa vụ kê khai nộp hai bản kê khai cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai. “Việc kê khai, công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập lần đầu nêu trên phải hoàn thành trước ngày 31/3/2021”, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Theo nguoiduatin.vn

Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/can-bo-se-khong-the-che-giau-tai-san-a507156.html

Bạn đang đọc bài viết "Cán bộ sẽ không thể che giấu tài sản!" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin